18-6-2020
Sài Gòn, những ngày tháng 06/2020, từng ngày trôi qua bình lặng, người dân phố thị vẫn tất tả ngược xuôi trên mọi nẻo đường với bộn bề lo toan cơm áo. Cuộc sống dường như khó khăn hơn sau những ngày phải giãn cách xã hội vì Covid-19. Nhưng phải chăng, bên dưới cái vẻ ngoài bình thường, bận rộn áo cơm, đang có những cơn sóng ngầm âm ỷ, chỉ chực chờ có một ngòi nổ là sẽ lại bùng lên mạnh mẽ như những ngày này của hai năm về trước.
Hai năm trước, tuần lễ từ 10/06 – 17/06/2018, một tuần lễ sôi động với những lời kêu gọi biểu tình phản đối Dự Luật Đặc khu (tên gọi tắt của Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) được truyền tai nhau và đăng tải trên mạng xã hội. Không khí sôi nổi không chỉ ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, mà còn ở rất nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả ba miền đất nước. Đâu đâu người ta cũng bàn tán về Dự Luật Đặc khu – một dự luật được coi là mở đường cho Trung Quốc thâu tóm Việt Nam. Nhiều người lo sợ ba vùng đất chiến lược là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ lọt vào tay gã láng giềng khổng lồ xấu tính Trung Quốc thông qua các dự án đầu tư. Lần đầu tiên kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011, người dân thẳng thừng kêu gọi “không được bán nước, không trở thành Việt gian và không làm nô lệ cho Tàu”.
Hàng chục ngàn người đã tham gia vào nhiều cuộc xuống đường với quy mô chưa từng có ở nhiều tỉnh thành. Khí thế sôi sục ngút trời. Để hạ nhiệt công luận, ngay trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, Văn phòng Chính phủ đã ra một thông báo khẩn cấp vào lúc 3h sáng ngày 09/06/2018 về việc hoãn xem xét Dự Luật Đặc Khu đến kỳ họp kế tiếp. Tuy nhiên, thông báo này không đủ sức thuyết phục và các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra. Ngày 11/06/2018, Quốc hội đã buộc phải biểu quyết để hoãn xem xét và thông qua Dự Luật Đặc khu cho tới kỳ họp kế tiếp vào tháng 10 cùng năm. Sau đó, tại phiên họp Quốc hội ngày 22/10/2018, Dự Luật Đặc khu đã phải dừng không có thời hạn.
Tuy những cuộc xuống đường đã đạt được mục tiêu, nhưng ngay trong và sau các cuộc tuần hành rầm rộ đó, hàng trăm người đã bị bắt, bị đánh đập, bị câu lưu, và thậm chí là bị bỏ tù. Có khoảng hơn 300 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình ngày 10/06. Ngày 17/06, có khoảng 179 người bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn tại Sài Gòn, có rất nhiều người bị bắt khi đang ngồi trong quán cafe. Nhiều hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội kèm với lời cáo buộc lực lượng cảnh sát – an ninh đã đánh đập, kéo lê, bắt bớ người biểu tình. Theo một số thống kê, đã có 128 người bị kết án tù (trong đó có 12 án tù treo). Riêng Bình Thuận có tới 92 người bị kết án, Biên Hòa (Đồng Nai) có 20 người.
Việc bắt bớ kéo dài, không chỉ trong ngày 10 và 17/06, mà còn diễn ra trong những tuần, những tháng sau đó, thậm chí đến tận tháng 09/2018. Nói cách khác, đa số các vụ bắt là bắt nguội (không phải bắt quả tang), không có biên bản tại chỗ, không có bằng chứng phạm tội. Trong gần như tất cả các trường hợp, công an đã dùng chính lời khai, lời “tự thú”, “nhận tội” của người bị bắt để làm cơ sở cho “kết luận điều tra”, và truy tố, kết tội họ.
BỊ TÙ VÌ LỜI KHAI BẤT LỢI
Những thông tin dưới đây do một người Đồng Nai từng bị bắt giam và nhốt tù vì tham gia cuộc biểu tình ngày 10/06 cung cấp cho NXB Tự Do. Vì lý do an toàn cá nhân cho nguồn tin, chúng tôi xin giấu thông tin về nhân thân của họ.
“Sáng 10/06/2018, một số bạn trẻ từ nhiều nơi trong tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận đã kéo về Biên Hòa để tham gia cùng đoàn biểu tình. Họ chỉ muốn cất lên tiếng nói của mình để bảo vệ đất nước. Đoàn biểu tình đã đi rất ôn hòa, không gây hấn, không đập phá, chỉ hô vang những khẩu hiệu bảo vệ đất nước và chống Trung Quốc.
Ban đầu, họ được công an dẹp đường, hướng dẫn cho đi. Nhưng an ninh mặc thường phục đã trà trộn và dàn cảnh ngay bên trong đoàn biểu tình. Ban đầu, đám an ninh mật vụ này cũng cầm biểu ngữ, cũng hô khẩu hiệu giống như những người biểu tình nên không bị phát hiện. Một số thì gây hấn, tông xe máy vào đoàn nhằm kích động bạo lực với người dân, nhưng không ai bị mắc lừa, đoàn người vẫn tiếp tục đi. Khi đến trung tâm thành phố Biên Hòa, cảnh sát cơ động và dân quân đã dàn trận sẵn và bắt đầu chặn đoàn. Lúc này, đám an ninh thường phục nhận hiệu lệnh liền ra tay. Chúng cứ nhằm vào những người đi đầu để đánh, đấm và đạp họ xuống đường. Chúng từ phía sau đánh tới, đánh vào lưng, đấm vào mặt, đạp vào chân… bất kể là trai hay gái đều bị đánh, bị bẻ tay, bị khiêng lên xe…
Công an rất nhiều, nhiều lắm, đủ cả các sắc phục và thường phục. Có khoảng 60 người bị bắt về đồn, tất cả đều bị đánh. Sau khi bắt, công an tiến hành lấy lời khai và căn cứ theo lời khai của từng người để sàng lọc, phân loại ra. 40 người phải đóng tiền phạt hành chính rồi được thả về, 20 người còn lại bị kết án từ tù treo đến 18 tháng tù giam”.
Tất cả những người có lời khai thừa nhận việc đi biểu tình, hô khẩu hiệu… đều bị kết án tù với cùng một tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Không cần điều tra. Không cần bằng chứng, hình ảnh, video. Không cần nhân chứng, nạn nhân. Không cần lập luận, tranh biện, diễn giải thế nào là “gây rối”, thế nào là “trật tự công cộng”. Công an đã dùng chính lời khai của dân để kết tội dân.
“ĐÁNH ÚP NGƯỜI DÂN”
Tuy buộc phải nhượng bộ vào năm 2018, khi mà sự phản kháng dâng lên sôi sục trong lòng xã hội và những cuộc biểu tình lớn liên tiếp nổ ra, nhưng chính quyền và những nhóm lợi ích vẫn không từ bỏ mưu đồ. Sau khi đã thẳng tay đàn áp mọi sự chống đối với đủ hình thức, từ bỏ tù đến đe dọa, sách nhiễu…, không thông qua được toàn bộ dự luật, chính quyền tìm cách xé nhỏ dự luật đó ra và lặng lẽ thông qua từng phần, không để dân biết, dân kịp phản ứng.
Cụ thể, ngày 15/05/2020, tại huyện Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh. Về mặt địa lý, Vân Đồn nằm đúng tâm điểm của chiến lược Vành đai – Con đường của Trung Quốc TQ. Vân Đồn tuy chỉ là một huyện nhỏ, nhưng đó là một cửa ngõ để đi vào Việt Nam, một khi đã thâu tóm được thì bàn tay gớm ghiếc của Trung Quốc sẽ dễ dàng thò sâu vào trong lòng đất nước.
Trước đó, ngày 21/9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 739 ngày 08/06/2019.
Những hành động này của Chính phủ được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gọi là “đánh úp người dân”.
HAI NĂM NHÌN LẠI
Hai năm trôi qua. Dự án Đặc khu cuối cùng đã được thông qua bằng cách “đánh úp người dân”. Nhiều người bị bỏ tù vì đi biểu tình, giờ đã hết án, được về nhà, nhưng vẫn còn phải sống trong sự canh me, rình rập, theo dõi của công an. Một số cá nhân, hội nhóm khác vẫn còn bị giam giữ chờ xét xử. Không một công an nào phải chịu trách nhiệm gì về việc đánh đập, tấn công bạo lực nhằm vào người dân. Không một quan chức, cán bộ nào chịu trách nhiệm gì về việc thông qua dự án Đặc khu và các hậu quả của nó.Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đen tối thêm thấy rõ sau hai năm.Trong bối cảnh này, những người dân Việt yêu nước nên làm gì, cần phải làm gì? Có lẽ nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, như là nâng cao nhận thức chính trị-xã hội-pháp luật của chính bản thân mình và những người xung quanh.
_____
Nguồn tham khảo:
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-527494062
https://zingnews.vn/quy-hoach-dao-ngoc-phu-quoc-thanh-dac-khu-kinh-te-post992514.html
Xưa, thời thực dân Pháp,
Người cộng sản hô hào
Vùng lên làm cách mạng
Vì sưu cao, thuế cao.
Nay, xăng lại tăng thuế,
Một lít tám nghìn đồng.
Xin hỏi: Dân được phép
Biểu tình, phản đối không?
Nếu không, xin hỏi tiếp:
Ngày xưa ta đấu tranh,
Vì sao không xin phép
Chính quyền Pháp hiện hành?
Lại nữa, dân vất vả,
Lo, chắt chiu từng đồng.
Sao nhà nước một lúc
Nỡ cướp tám nghìn đồng?
Tức là dân đau lắm.
Đã khốn khổ trăm điều.
Giờ bị cướp trắng trợn
Mà kêu, không được kêu.
Đau càng đau hơn nữa
Khi thấy tiền của mình
Bị các quan đút túi,
Mua nhà và mua tình.
Tôi, công dân tử tế,
Xây dựng và có lòng.
Mong nhà nước suy ngẫm
Tôi nói có đúng không. TBT
Không có gì chua xót
Bằng chúng ta, ngươi dân,
Nuôi công an, quân đội
Để chúng đàn áp dân.
Càng chua xót gấp bội,
Được sinh ra làm người
Mà ta không được nói,
Được khóc và được cười.
Chính xác hơn, được nói,
Rất “dân chủ”, “tự do”,
Kiểu con chim được hót
Theo giọng của con bò.
Xưa nay không có Luật,
Nhiều người vẫn tù đày.
Ừ thì giờ có luật,
Chúng ta vào tù thay.
Nỗi sợ to lớn nhất
Của chế độ độc tài
Là khi ta, dân chúng,
Không sợ bọn độc tài.
Chào Hai-Không-Một-Chín.
Chào tất cả mọi người.
Chúng ta tiếp tục nói
Đàng hoàng bằng tiếng người.
***
Người ta an ninh mạng
Nhằm đánh bọn Hackers.
Ta thì an ninh mạng –
Bịt miệng Facebookers. TBT
Gần một trăm triệu người,
Không ngăn được một đảng
Khoảng ba, bốn triệu người
Thông qua luật bán đất
Cho “đồng chí” Trung Hoa.
Tức là bán hương hỏa
Của tổ tiên, ông bà.
Sợ thật, dân tộc ấy,
Vốn anh dũng một thời,
Nay ươn hèn, bạc nhược,
Cam nô lệ cho người.
Càng sợ, bọn quốc hội,
Mang tiếng đại diện dân,
Mà nhắm mắt làm ác,
Vì tiền, vì miếng ăn.
Hai mươi nghìn nhà báo,
Hơn một nghìn nhà văn,
Sợ thật, im thin thít,
Dù sống bằng tiền dân.
Mà chúng, luôn lem lẻm
Việc bảo vệ chủ quyền.
Giờ an nguy xã tắc,
Chúng ngậm miệng ăn tiền.
Nhưng đáng sợ hơn cả
Là chúng ta, người dân,
Đang bịt tai, nhắm mắt,
Gục mặt vào miếng ăn.
Chúng ta đang đắc tội
Với thế hệ tương lai.
Tội dung túng, đồng lõa
Với chế độ độc tài. TBT
Người bất đồng chính kiến,
Chỉ trích nhà nước mình
Là những người yêu nước,
Dám chấp nhận hy sinh.
Lên tiếng nói phản biện
Là biểu hiện tối cao
Của tinh thần yêu nước,
Yêu quốc dân đồng bào.
Khi chính quyền sai trái,
Mà người ta lặng thinh,
Tức người ta đồng lõa
Phản bội đất nước mình. TBT
Phải công nhận cuộc biểu tình chống đặc khu là sự kiện tuyệt vời lần đầu tiên
xảy ra từ ngày cả nước VN.bị đảng CS.khống chế toàn diện.
Có lẽ “đánh úp người dân” không để lại hậu qủa nghiêm trọng nhiều cho bằng
đảng CsVN.đã qua mặt người dân trong việc vẫn quyết lập ra đặc khu mà nay
người dân không dám làm gì để chống lại vì chúng xử dụng trò chơi chữ nhằm
đánh tráo khái niệm về đặc khu.Nói cách khác,đặc khu đã bị biến thể qua cách
nguỵ biện với nhiều uyển ngữ để che giấu sự thật,không thể cho người dân biết
được ý đồ và manh tâm của bọn bán nước cho giặc Tàu cộng !
tặng những người biểu tình ngày 9.12.2012
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó giam giữ Tự do,
giam giữ những trái tim khao khát Sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
giam giữ kẻ ngủ hoang để thức tỉnh muôn đồng bào
vô thức.
bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thiên thể Tự do.
bắt Tự do giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thơ tứ Con người.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
thì chắc chắn là nhà tù cộng sản,
bởi vì tôi khao khát Tự do. NDK
Nếu bây giờ nhà nước
Kêu gọi dân xuống đường
Biểu tình chống Trung Quốc,
Tôi nghĩ cũng bình thường
Nếu ai đó cương quyết
Không chịu đi. Vì sao?
Vì bức xúc, tự trọng,
Vì đảng xem đồng bào
Như bầy cừu ngu ngốc
Muốn xua đâu thì xua.
Lúc đánh, lúc tâng bốc.
Còn hơn cả trò đùa.
*
Ta, công dân tử tế,
Yêu biển đảo quê hương,
Giờ không nghe theo đảng
Cũng là chuyện bình thường.
Giặc đến thì phải đánh,
Dân Đại Việt không hèn.
Vì giang sơn, đất nước.
Chứ không vì chính quyền.
Chính quyền này không đáng
Để chúng ta hy sinh.
Một chính quyền lươn lẹo,
Chỉ “còn đảng còn mình”.
*
Tôi, dẫu còn khỏe chán,
Cũng không đi biểu tình.
Vì còn biết tự trọng,
Đâu đớn và bất bình. TBT
Khi kẻ thù xâm lược
Thì tất cả nhân dân
Sẽ nhất tề đứng dậy
Và hy sinh, nếu cần.
Điều ấy khỏi phải nói,
Càng không cần hô hào.
Vì nhân dân tự biết
Làm gì và lúc nào.
Nhưng nhân dân, sòng phẳng,
Trước khi hô “Xông lên”,
Có đôi điều bức xúc
Muốn được hỏi chính quyền.
Một, ai ai cũng biết
Bản chất thằng Trung Hoa.
Sao chính quyền thờ nó,
Để giờ nó đánh ta?
Hai, thẳng tay đàn áp,
Tù tội nhiều đồng bào
Chỉ vì tội yêu nước.
Giờ chính quyền nghĩ sao?
Ba, tự mình rước giặc,
Còn kêu gọi “đồng lòng”
Đánh lại thằng bạn Khựa,
Có thấy ngượng mồm không?
*
Đã cầm quyền, lãnh đạo,
Phải chính trực, công minh.
Đừng để dân phẫn nộ
Chĩa súng về phía mình. TBT