10-6-2020
Những lần lên Tây Nguyên tác nghiệp, chưa bao giờ người viết quên lời dặn của một bằng hữu: “Tây Nguyên là đất dữ”. Anh phân tích rất kỹ những mâu thuẫn nội tại của vùng đất này. Đó là câu chuyện dài liên quan đến di dân và các mâu thuẫn mang tính văn hoá được đẩy thành bạo lực. Nếu viết sâu về vấn đề này, có lẽ một đề tài nghiên cứu xã hội học hay nghiên cứu văn hoá mới đúng tầm.
Nhưng cũng có tình người nơi “đất dữ”!
Hôm trước bà Khuyên-vợ tử tù Đặng Văn Hiến (vụ nổ súng Đak Nông 2016) nhắn tôi: “Chú ơi hôm nay chị thăm anh. Anh vẫn khỏe, tinh thần vẫn ổn. Anh nói chị là anh luôn nghĩ về chú.” Điều đáng chú ý là mẹ của một trong 3 người bị chết trong vụ nổ súng đã làm đơn xin giảm án cho Đặng Văn Hiến lần thứ ba (xem ảnh). Anh Hiến có gửi lời cảm ơn và xin lỗi đến các gia đình.
Ở vùng đất “mười không” (không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không khai sinh, không khai tử, không đăng ký kết hôn, không chứng minh thư, không địa chỉ, không bảo hiểm xã hội. Nói chung là không pháp luật) những ngày tôi băng rừng vào đó mang đầy ám ảnh. Chính quyền giao đất trên bản đồ và những cuộc chạm trán giành đất khiến mõi hôm ra rẫy có người thắp hương lên bàn thờ tổ tiên vì biết đâu đấy là “lần cuối”. Người dân bị tấn công, đến công an huyện tố cáo còn được “khuyến mãi” trận đòn.
Có đứa trẻ mới sinh vài tháng bị rơi xuống đất vì cha mẹ bị đánh, có cụ già 94 tuổi bị lôi vào gốc cây ăn gậy đến phun máu, có người nông dân vị chém vạt đầu bay mất một mảnh sọ,… Chỉ chứng kiến thôi mà cắn môi bật máu vì phẫn nộ trước sự phi nhân tính của những kẻ hành hạ nhân dân. Những ngày trải nghiệm kinh khủng ấy đi cả vào giấc mơ, vào sự thẫn thờ bỏ bữa mà tôi không cách nào ngăn được. Rồi cũng dần qua… Mà như có vết sẹo rất sâu ở trong lòng.
Các sai phạm quản lý lần lượt hiện ra chỉ khi có hậu quả nghiêm trọng như cách Đặng Văn Hiến đã nổ súng. Nhưng Hiến còn có cơ hội để nói sự thật cho công chúng biết khi chọn giải pháp đầu thú với C45 Bộ Công an. Tôi biết những cuộc chạm trán khác, những cái chết khác của những người giữ đất hay người đi lấy đất ở Tây Nguyên. Có mấy ai sẽ chủ động đưa những sự thật ấy; hay sự ngoan ngoãn mang tính bút nô và môi trường salon sang trọng biết cách níu chân những người viết, làm họ quên đi chức phận thông tin sự thật?
Hai lần xử án sơ thẩm và phúc thẩm Đặng Văn Hiến, không phải vô cớ mà dân oan nhiều tỉnh Tây Nguyên đổ về xem. Họ không chỉ xem một bản án mà xem cả cách hành xử cho chính mình nếu bị cướp đất như Đặng Văn Hiến từng bị cướp. “Đất dữ” là đất dữ, nơi người ta có thể chế súng kíp từ ống nước chỉ trong 15 phút. Và nỗi lo lắng về việc bùng phát bạo lực ở Tây Nguyên là có thật. Có bao nhiêu người biết việc Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng đích thân vào KonTum để trò chuyện với đồng bào dân tộc vì chính quyền địa phương làm sai và bắt dân rồi bị chính dân giam ngược?
Nhà nước cần giải pháp cho các vấn đề nói trên bằng luật và thực thi pháp luật. Nhưng không có một nền tảng tình người từ sự cảm thông thân phận, có lẽ việc lần nữa bùng phát bạo lực là khó tránh khỏi. Tôi không nói đâu xa, ngay trên chính khu vực phó Thủ tướng Trương Hoà Bình từng thị sát, cũng là khu vực Đặng Văn Hiến từng nổ súng, đã có dấu hiệu bạo lực giành đất trở lại.
Nên câu chuyện của hai người đàn bà, một là vợ tử tù, một là mẹ người đã chết vì tử tù ấy; là những phần nhân tính níu lại hy vọng nơi “đất dữ”. Cũng níu lại khao khát được viết về sự thật và đi tìm giải pháp của người viết trong thời cuộc u uẩn.
Bà Khuyên lại tiếp tục gửi đơn đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xin giảm án tử cho chồng. Không biết ở vai trò Tổng Bí thư đang bận rộn cho Đại hội XIII của đảng cầm quyền, ông Chủ tịch nước có nhận được đơn, có xem và có nghĩ về thân phận không chỉ một tử tù mà cả thân phận của những công dân nơi “đất dữ” mà đưa ra quyết định hợp lý, hợp tình?
Hơn 3,5 năm rồi, Đặng Văn Hiến vẫn trong phòng biệt giam chờ đợi một quá trình xét xử công bằng. Chính xác hơn là một phiên giám đốc thẩm bày ra được các sai phạm về quản lý đất đai kéo dài đẩy anh ấy đến đường cùng nổ súng.
Luật không chỉ có đúng/sai bởi đôi khi sai/đúng không dựa trên bỏ phiếu thuận 17/17 như cách người ta bàn luận về phiên giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải. Luật cần có nhân tính, mà ở đó các công dân chịu sự quản thúc của luật thấy được sự công bằng và tình người.
Luật không nhân tính thì hành xử bằng “luật rừng” sẽ thành lựa chọn. Đó là tai ương của cả quốc gia và dân tộc!
Chắc luật sư đã biết là: Bản án hình sự các nước pháp quyền khi thấy không thể kết án 1 người, – do còn nghi ngờ về tội của người đó (không đủ cơ sở chắc chắn kết luận người đó) – thì Tòa dựa nguyên tắc „khi còn nghi ngờ về tội hay không tội thì xử có lợi cho bị cáo“ (In dubio pro reo) sẽ ra bản án trắng, nghĩa là không thể kết tội chứ không tuyên Bị cáo vô tội! Đó là điểm khác biệt rất quan trọng về kỹ thuật xử án và tôi tin tưởng lúc nào đó Tòa án Việt nam cũng phải làm theo cách đó – vì làm như thế ngay người xử cũng dễ chấp nhận với bản án mình ban hành hơn là nhìn hồ sơ đầy tội mà lại xử VÔ TỘI. Còn khi xử ÁN TRẮNG như các nước khi đó có thể bị cáo vô tội, và cũng có thể bị cáo có tội mà do Tòa không đủ chứng cứ buộc tội nên phải tha. Còn cách làm hiện nay ở Việt Nam – đặc biệt bản án đối với Đặng Văn Hiến hay Hồ Ngọc Hải – chúng ta thấy là – thà xử nhầm hơn bỏ sót – và đó đúng là thiếu tính nhân văn khi so sánh với việc xử án ở các nước pháp quyền!