Nguyễn Đức
23-5-2020
Phần 1: Biểu quyết cái sai thì sao có bản án đúng luật?
Việc Hội đồng thẩm phán tối cao tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải biểu quyết đồng ý 17/17 câu: “Vụ án đã có những sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án” thực sự đã gây kinh động giới chuyên gia và người dân.
Bởi lẽ, chỉ cần sai 1 ly đi một mạng, không cứu vãn nổi. Mạng người quý giá vô cùng, không thể tùy tiện, ngụy biện suy diễn để kết tội khi không có chứng cứ thuyết phục, đúng pháp luật.
Bất kì sự sai lầm tố tụng nào cũng dẫn đến oan sai như vụ ông Chấn, ông Nén, ông Hàn Đức Long… Tất cả chỉ dựa vào lời khai đã được mớm, bức cung. Ông Chấn kể với báo chí đã được điều tra viên “tập giết người” ra sao… Câu phán quyết của Tòa: “Dù có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” thường thấy trong bản án Tòa cấp dưới để bỏ qua các vi phạm trong hoạt động tố tụng.
Nhưng thật không thể tin được, câu phán quyết này được phát ra từ 17 vị thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
***
Phần 2: Đỉnh cao của điều tra tùy tiện xét xử suy đoán
Ngoài vật chứng, dấu vân tay… của Hồ Duy Hải không thu thập được, kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC nêu: diễn biến lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án về vị trí và dấu vết trên chiếc ghế. Tôi cho rằng nội dung kháng nghị rất thận trọng, vận dụng đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng cứ hơn lời khai.
Tuy nhiên Hội đồng thẩm phán tối cao lại nhận định:
Theo lời khai của Hải tại các bản cung ngày 07/7/2008 và ngày 11/7/2008, sau khi dùng ghế đập đầu chị Vân trên phòng khách, Hải đem ghế để ở khu vực chân cầu thang, cạnh xác chị Hồng.
Lời khai của Hải phù hợp với Bản ảnh hiện trường và Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện chiếc ghế nằm dưới nền nhà và nạn nhân Vân gác chân lên ghế.
Những tài liệu này đều phản ánh đầy đủ trong hồ sơ vụ án, do vậy không cần thiết hủy án để điều tra lại làm rõ nội dung này.
Lời khai của Hải thể hiện, sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải đi lên phòng giao dịch lấy tiền, sim card, điện thoại sau đó Hải đi dép vào rồi mới đến gầm cầu thang chỗ chị Hồng, chị Vân chết để lấy các đồ trang sức của chị Hồng, chị Vân (Vẫn chỉ là lời khai).
17 vị nhận định:
Biên bản khám nghiệm hiện trường và Bản ảnh hiện trường thể hiện: nền nhà có các hạt cơm, chiếc ghế xếp được nằm ngay sát vũng máu; Hải mô tả về đôi dép Hải đi lại ở hiện trường (đôi dép xốp màu trắng, đế dép có rãnh đường gấp khúc chống ma sát).
Như vậy, căn cứ lời khai của Hải, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh hiện trường thể hiện dấu vết dép trên ghế có cơ sở để nhận định, các dấu vết để lại trên mặt ghế là do Hải gây ra trong quá trình thực hiện hành vi gây án (Lại là lời khai không chứng cứ trực tiếp chứng minh).
Từ đó 17 vị thẩm phán nhận định: Mặc dù, Cơ quan điều tra không kết luận về những vết máu quệt, vết đế dép, hạt cơm khô có trên chiếc ghế do đâu mà có, nhưng xét thấy tình tiết này không có ý nghĩa trong việc khẳng định Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, nên không cần thiết điều tra lại để làm rõ hơn về tình tiết này.
***
Phần 3: Hay cho câu “Giả sử” của thẩm phán tối cao
Tại phiên xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, câu “giả sử” của thẩm phán khiến giới chuyên gia luật, tố tụng và dân đen… ngỡ ngàng, hốt hoảng!
Hãy cùng đọc lại lập luận kì lạ này!
Trước ý kiến của VKSNDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán nêu câu hỏi: “VKSNDTC cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu… là những vi phạm nghiêm trọng. Giả sử Hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi, thì những nội dung này có khắc phục được không?”.
Tranh luận lại với vị thẩm phán tối cao:
Đại diện VKSNDTC tiếp tục khẳng định, đây là những vi phạm nghiêm trọng. Còn nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của Cơ quan điều tra. Vị đại diện VKSNDTC cũng nhấn mạnh: Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan, mà đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng.
Từ câu “giả sử” của thẩm phán cho thấy vị này tư duy pháp lý ngược với nguyên tắc “suy đoán vô tội” (Điều 13), nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” (Điều 15) và nguyên tắc “tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra” (Điều 19), trái với nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”.
Mà thật kì lạ 17/17 vị tư duy như 1 khuôn đúc.
Lẽ nào chỉ “giả sử”, “dựa vào lời khai” (còn quá nhiều mâu thuẫn, ngụy tạo vật chứng, vi phạm tố tụng… kháng nghị VKSTC đã chỉ ra) mà 17 vị vẫn dứt khoát giơ tay y án tử Hồ Duy Hải!