Trân Văn
16-5-2020
Tuần này, quyết định của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) Tòa án Tối cao (TATC) khi Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị cáo buộc “giết người”, “cướp tài sản” vẫn là vấn đề nóng nhất cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Tuệ – Phó Chánh án TATC, một trong những thành viên của HĐTP, bỏ phiếu bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giữ nguyên hình phạt tử hình mà hai tòa án cấp dưới đã dành cho Hải – đã châm thêm xăng vào lửa khi dùng hệ thống truyền thông chính thức răn đe ba đại biểu Quốc hội hành xử “nguy hiểm” (dựa vào những thông tin trên mạng xã hội, đưa ra những nhận xét chủ quan, phát biểu không đúng với nội dung vụ án, làm tình hình thêm… phức tạp).
Các ông: Trương Trọng Nghĩa, Lê Thanh Vân, Lưu Bình Nhưỡng, đại diện cho dân chúng tại Quốc hội Việt Nam – những người đã từng bày tỏ sự bất bình về phán quyết Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải – đã đáp trả. Ông Nghĩa cho biết: Trước đây, ông chỉ nhận xét về vụ án nhưng bây giờ, khi ông Tuệ đã nhận định như vậy về một số đại biểu Quốc hội thì vấn đề đã trở thành chuyện khác. Ông Nghĩa khẳng định, ông sẽ có ý kiến riêng về chuyện răn đe này với Quốc hội.
Ông Lê Thanh Vân cho biết, những nhận xét về vụ án Hồ Duy Hải mà gần đây ông nêu ra với báo giới, nhất quán với những gì ông đã báo cáo với Quốc hội, thành ra ông đang chờ xác định thế nào là “nguy hiểm”. Ông Lưu Bình Nhưỡng thì bất bình vì ông Tuệ đã xúc phạm đại biểu Quốc hội. Ông sẽ gửi văn bản cho các cá nhân hữu trách (Tổng Bí thư – Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội,…) đề nghị xem xét ông Tuệ có cản trở hoạt động của Quốc hội hay không (1)?
Ông Nghĩa, ông Vân, ông Nhưỡng đều từng học luật, làm những công việc liên quan đến nghiên cứu, vận dụng và thực thi pháp luật. Ông Nghĩa là một luật sư kỳ cựu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông Vân từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Lập pháp và có chừng… 20 năm làm việc trong những cơ quan liên quan đến lập pháp, giám sát thi hành pháp luật. Ông Nhưỡng có chừng… 20 năm giảng dạy tại Đại học Luật Hà Nội. Chừng đó chưa đủ để bàn về vụ án Hồ Duy Hải và phán quyết Giám đốc thẩm?
Ngoài tư cách công dân, kiến thức – kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, cả ba còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân chúng Việt Nam tại cơ quan cao nhất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (Quốc hội). Nếu bình luận về vụ án Hồ Duy Hải trái với phán quyết Giám đốc thẩm của TATC là “nguy hiểm”, chẳng lẽ câm nín, bất kể ý chí – nguyện vọng của công chúng thuộc đủ mọi giới mới chứng tỏ thiện chí duy trì… an ổn. Bất chấp dân ý, nhân tâm, kể cả lương tâm thì làm sao có thể… an ổn?
***
Ngoài ông Nguyễn Trí Tuệ, Công Lý – cơ quan ngôn luận của TATC – cũng đang “tả xung, hữu đột” để bảo vệ phán quyết Giám đốc thẩm về vụ án Hồ Duy Hải, kể cả mượn miệng một ông đại tá công an, lên án việc cung cấp những dấu hiệu bất thường, trái qui định pháp luật hiện hành trong điều tra – truy tố – xét xử Hồ Duy Hải từ trước đến nay là… “truyền thông bẩn”. Chẳng lẽ mạng xã hội và đa số cơ quan truyền thông chính thức đều… bẩn?
Ông đại tá đã nghỉ hưu này còn gom tất cả những ý kiến liên quan đến các oan án mà hệ thống tư pháp Việt Nam từng tạo ra là âm mưu gây… nhiễu thông tin, khiến dân chúng hoài nghi chế độ và cơ quan thực thi pháp luật. Tất cả những nỗ lực có tính cảnh báo, góp ý để chấm dứt oan, sai được ông gom hết, bỏ chung vào giỏ “cơ hội chính trị”, gây sức ép với công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, thậm chí với cả lãnh đạo đảng, nhà nước. Lên tiếng trước oan, sai là kích động dư luận, chống phá nhà nước (2).
Hệ thống tư pháp nói chung và TATC nói riêng có thể ngăn ngừa, tránh được oan, sai khi suy nghĩ và chia sẻ những nhận định kiểu đó, kể cả khi đã tổ chức xin lỗi và dùng nhiều tỉ của công khố để bồi thường cho những người bị kết án oan, giam giữ sai như: Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long? Nhiều người sử dụng mạng xã hội như Nguyễn Lân Thắng, không thèm trả lời ông Tuệ, báo Công Lý và những người như ông đại tá công an đã kể.
Thắng giới thiệu một video clip của VnExpress, ghi lại diễn biến buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long hồi tháng 4 năm 2017. Thân nhân nạn nhân la ó, liệng dép, giày vào mặt ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án Tòa án Cấp cao tại Hà Nội – người thay mặt hệ thống tư pháp xin lỗi ông Long (3). Tương tự, Nguyễn Văn Đề giới thiệu một video clip ghi lại cảnh ông Bùi Mạnh Giáp ở Quảng Ninh, liên tục chỉ vào mặt các thành viên Hội đồng Xét xử, rủa: Bức hại dân lành (4).
Ai? Nơi nào?… có thể kích động sự căm phẫn của công chúng, nghi ngờ bản chất thể chế hiện tại ở Việt Nam hiệu quả hơn hoạt động của hệ thống tư pháp, đặc biệt là phán quyết về vụ án Hồ Duy Hải mà HĐTP TATC công bố tuần trước? Khó đếm xuể có bao nhiêu người nặng lời với ông Nguyễn Trí Tuệ nói riêng (5), HĐTP TATC nói chung (6). Cũng rất khó trích dẫn những nhận định về báo Công Lý hay phản hồi về “cảnh báo” của những người như ông đại tá nghỉ hưu vì chẳng dễ nghe chút nào (7).
Không phải những cá nhân bày tỏ sự bất bình và các cơ quan truyền thông chính thức bị quy chụp là “truyền thông bẩn”, cũng không phải ba đại biểu Quốc hội bị cáo buộc là “nguy hiểm”, chính cách hành xử của TATC, báo Công Lý và kiểu quy chụp thô thiển nhằm biện bạch cho TATC đã tạo ra tình thế mà nhiều người như Neo Nguyen nhận định: Trường hợp Hồ Duy Hải không còn là vụ án hình sự mà đã trở thành vấn đề chính trị. Một nền chính trị thối nát dẫn đến hệ lụy mọi mặt trong xã hội (8).
Chú thích
(3) https://vnexpress.net/hon-loan-tai-buoi-toa-an-xin-loi-ong-han-duc-long-3575525.html
(4) https://www.facebook.com/ghet.congsan.9/videos/1515061632006483/
(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=970631880064079&id=100013518285955
(6) https://www.facebook.com/baochisach/photos/a.100322217999624/259829325382245/?type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/bssonexson/posts/1161576314204610
(8) https://www.facebook.com/nguyenhuuvinh.basam/posts/249571039625132