Tố tụng là kẻ thù của độc tài

Lương Vĩnh Kim

10-5-2020

Ông Nguyễn Hòa Bình đã nêu lần lượt 4 vấn đề cụ thể để hội đồng thẩm phán TANDTC biểu quyết. Trong đó, vấn đề đầu tiên là vấn đề tố tụng: “1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?“.

Chỉ cần kết quả biểu quyết vấn đề 1 này thì người ta sẽ suy ra kết quả biểu quyết các vấn đề còn lại. Hay nói cách khác, các vấn đề 2,3,4 chỉ là hệ quả của vấn đề 1 – vấn đề tố tụng. Đã không “thay đổi bản chất của vụ án” thì Hồ Duy Hải phải bị tử hình theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Giơ tay biểu quyết các câu hỏi sau chỉ là diễn trước đám đông cho thêm phần thuyết phục.

Viện kiểm sát chỉ kháng nghị xoay quanh các vi phạm tố tụng mà vì những vi phạm tố tụng này nên không chắc chắn Hồ Duy Hải là người phạm tội.

Không ai bênh vực kẻ thủ ác. Chủ tịch nước, Ủy ban pháp luật của quốc hội, viện kiểm sát tối cao và số đông người Việt Nam chỉ đòi hỏi phải làm rõ các chứng cứ xác định có tội hoặc vô tội theo qui định tại điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”

Các tranh cãi đã diễn ra quyết liệt vì các chứng cứ xác định có tội chưa chắc chắn – mà tử hình một người thì đòi hỏi phải tuyệt đối chắc chắn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các tình tiết, chứng cứ xác định vô tội do luật sư và gia đình Hồ Duy Hải đưa ra chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ. Họ đã hoàn toàn bỏ trống trách nhiệm làm rõ chứng cứ xác định vô tội và chỉ chăm chú đi theo hướng buộc tội. Đây là lối tư duy và hành xử rất nguy hiểm, thể hiện qua nhiều vụ án oan suốt mấy chục năm qua.

Luật sư – người bào chữa không được làm xấu hơn tình trạng pháp lý của bị can, bị cáo. Nghĩa là, người bào chữa chỉ được quyền làm một chiều là làm rõ các chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết giảm nhẹ. Còn các cơ quan tiến hành tố tụng thì phải có trách nhiệm tiến hành cả hai chiều: chiều buộc tội và chiều gỡ tội. Họ phải có nghĩa vụ xác minh làm rõ chứng cứ xác định vô tội và các tình tiết giảm nhẹ. Nhưng trong vụ án Hồ Duy Hải, Các điều tra viên đã không làm phần này. Bỏ một vế của quá trình chứng minh tội phạm là vi phạm nghiêm trọng tố tụng được qui định tại điều 15 này. Những vi phạm dạng này là một trong những nguyên nhân đã gây ra nhiều vụ án oan suốt mấy chục năm qua.

Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận có vi phạm tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải nhưng sửa chữ “vi phạm” thành chữ “sai sót” để tiến hành biểu quyết. Đối với pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng hình sự nói riêng thì chỉ “vi phạm pháp luật” mới phải tiến hành xem xét để xử lý. Tôi chưa tìm ra thuật ngữ “sai sót về tố tụng” trong các loại từ điển và pháp luật tố tụng Việt Nam. Và cũng không có qui định nào để huy động cả hội đồng thẩm phán tối cao xem xét xử lý các “sai sót về tố tụng”. Dùng cụm từ “sai sót về tố tụng” thay cho cụm từ “vi phạm về tố tụng” đã để lại dấu vết lèo lái theo ý chí của người soạn thảo các biểu quyết này. Đã “sai sót” thì tha thứ, là bỏ qua, là không làm thay đổi bản chất của vụ án và vì vậy cũng không cần biểu quyết. Ý chí độc đoán của một người, ngay từ đầu, đã áp đặt cho cả 17 người và muôn người. Hãy bỏ qua các sai sót vì nó là sai sót!.

Loài người đã tiến một bước dài trong tiến trình xét xử. Trong thời kỳ mông muội, ý chí độc đoán của già làng, của tù trưởng hoặc của vua chúa là có thể loại trừ một người ra khỏi cộng đồng mà không cần tố tụng như ngày nay. Hệ thống tố tụng ngày nay là thành quả của sự phát triển của triết học, toán học và các khoa học khác. Càng tuân thủ khoa học tố tụng thì các kết luận càng tiệm cận với chân lý. Không tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự thì người nào cũng có thể bị bắt, bị kết tội theo ý chí của kẻ độc tài. Pháp luật tố tụng áp dụng nghiêm ngặt đến đâu thì chân lý sẽ sáng tỏ đến đó. Từ đó, tự do chân chính của mỗi người được bảo đảm. Mà như vậy thì kẻ độc tài chân lý sẽ không có đất dung thân. Vì thế, tố tụng là kẻ thù của độc tài nhưng là anh em sinh đôi với tự do./.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Công lý Vịt Nam Xã nghĩa : Toàn là mặt thớt con dao !
    *******************************************

    75 Năm Bác và Đảng lập cái Xã hội nào ?
    Quốc nạn tham nhũng toàn xài con dao !
    Công lý Vịt Nam Xã nghĩa : đều mặt thớt
    Bất công gian trá thâm hiểm tận trời cao !
    Tòa án ‘nhăn răng’ kiểm sát ‘nhăn răng’ v(i)ện
    Toàn bọn vô sản lưu manh châu chấu cào cào
    75 Năm Bác và Đảng lập Xã hội Đen-Đỏ xã nghĩa
    Bộ chính CHỊ chính EM toàn lũ Siêu vi theo MAO ! ! !

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

Comments are closed.