LTS: Nhân chuyện một ‘đồng chí’ nằm vùng đã bị lộ, để quý độc giả có thêm thông tin, xin được đăng lại bài viết của ông Hồ Ngọc Thắng: Tôi gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng! Bài viết này đã được đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 30-1-2016.
_____
Tôi gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng!
30-1-2016
QĐND – Năm 2015, bạn bè và đồng nghiệp người Đức của tôi trở về sau chuyến thăm Việt Nam đã nói rằng, tuy lưu lại vài tuần và đến một số nơi, nhưng họ đã có cái nhìn khác hẳn về nhiều mặt…
Tôi sống xa Tổ quốc, xa quê hương đã hơn 20 năm, nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về đất nước, về gia đình, về ngôi làng nhỏ bên bờ biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ở nơi ấy, từ những năm tuổi thơ, tôi đã biết thế nào là cảnh bom, đạn, để rồi một ngày tôi trở thành Bộ đội Cụ Hồ, cùng đồng đội vượt Trường Sơn chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, bảo vệ Tổ quốc. Xa quê hương vì lý do gia đình, không phải vì đất nước còn khó khăn mà tôi tìm đến nơi có cuộc sống sung túc hơn, nên tôi vẫn nghĩ mình còn là con dân nước Việt và mọi sự kiện, mọi niềm vui, nỗi buồn, mọi thành tựu, khó khăn, kể cả các vấn đề quốc tế liên quan đến Tổ quốc thân yêu vẫn là mối quan tâm của tôi. Vì thế, dù hằng ngày đi làm ở công sở, lại bận bịu với nhiều việc khác, tôi vẫn luôn trăn trở cùng sự phát triển của đất nước. Tôi rất quan tâm một sự kiện vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của những ngày này, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong sự hồ hởi chờ đón những thông tin mới và quan trọng từ quê nhà, tôi lại hồi tưởng lần về thăm Việt Nam gần đây nhất, đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ phép, tôi trở về CHLB Đức, gặp lại bạn bè và đồng nghiệp, mọi người đều muốn tôi kể lại những ngày hạnh phúc mà tôi vừa trải qua, đặc biệt là cảm xúc khi dự lễ mít tinh tại Thành phố mang tên Bác vào ngày 30-4-2015. Như một món quà cho lần gặp lại sau hơn một tháng tôi về thăm quê hương, một đồng nghiệp người Đức hồ hởi kể với tôi về một bài báo mà trang mạng của Đài Phát thanh Đức (Deutschlandfunk) đã đăng ngày 29-4-2015. Bài báo có nhan đề “Niềm tự hào đã được nối tiếp” (Der Stolz hat sich uebertragen), tác giả là ông U-đô Smít (Udo Schmidt), một nhà báo kỳ cựu, từng là phóng viên thường trú của Đài truyền hình công cộng số 1 của CHLB Đức ARD có mặt từ nhiều năm nay ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh tấm ảnh chụp các binh lính Mỹ đầu đội mũ sắt, súng tiểu liên trong tay với dáng vẻ mệt mỏi lội bùn trên một cánh đồng lúa miền Nam là lời dẫn ngắn gọn, nhưng nói lên tất cả ý nghĩa lịch sử của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của người Việt Nam chúng ta: “Cách đây 40 năm, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam đã kết thúc. Từ những người đàn ông đã sang tuổi 70 cho đến những sinh viên ở độ tuổi 20 đều thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào vì đã chiến thắng quân đội Hoa Kỳ hùng hậu”.
Bài báo viết tiếp: “… Hôm nay, những người trẻ tuổi vẫn tự hào về chiến thắng năm xưa, về Bác Hồ và về quân đội của Tổ quốc mình… Lời phát biểu chân thật của một người cao tuổi được ghi lại: Cuộc chiến đã mở ra một trang mới trong lịch sử của chúng tôi. Chúng tôi, người Việt Nam muốn sống trong hòa bình và hữu nghị với tất cả mọi người, ngay cả với kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi quyết tâm xây dựng đất nước mình, và chúng tôi đang nỗ lực học hỏi công nghệ mới, để rồi cạnh tranh với toàn cầu”. Một người khác tâm sự: “Tôi nghỉ hưu khá lâu rồi, không có nhiều tiền, nhưng các con tôi đều có công việc tốt. So với những ngày đất nước chưa được độc lập, tự do, hôm nay tôi đang tận hưởng cuộc sống thanh bình và vô cùng tự hào vì có một phần đóng góp của mình trong đó”.
Tuy không hỏi, song đồng nghiệp và bạn bè người Đức mà tôi quen biết đều hiểu niềm tự hào đó đã thấm sâu vào trái tim và khối óc tôi như tiếng Việt không phai mờ theo thời gian, dù cách trở hàng vạn dặm. Vì nhiều lần trước đó, tôi đã kể cho họ nghe về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân Việt Nam, về những năm tháng tôi được là Bộ đội Cụ Hồ, tham gia những trận đánh ác liệt bảo vệ Tổ quốc, để đất nước thống nhất, hòa bình, bắt tay vào công cuộc xây dựng sau những năm tháng chiến tranh.
Cũng chính từ những năm tháng đó, tôi luôn đặt niềm tin vào tương lai của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Niềm tin vững chắc của tôi được hun đúc, phát triển theo thời gian, mà tôi tin không gì có thể lay chuyển. Năm 2015, một số đồng nghiệp và bạn bè cho tôi biết, họ có dự định thăm Việt Nam, sẽ thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Vì vậy, họ muốn tôi cung cấp các thông tin chính xác về Việt Nam, để chuyến đi được thuận lợi. Do đặc thù công việc, có người còn muốn biết tỉ mỉ hơn về một số vấn đề mà họ quan tâm. Một câu hỏi mà họ đặt ra và yêu cầu tôi trả lời là: Những thành tựu nào Việt Nam đạt được gây ấn tượng nhất đối với tôi? Câu hỏi này được họ đưa ra chủ yếu vì ở phương Tây, họ tiếp xúc với quá nhiều thông tin sai lệch về Việt Nam. Tôi trả lời họ một cách khách quan, từ những điều mắt thấy tai nghe, về cuộc sống của những người ruột thịt của tôi ở nơi quê nhà, rồi phân tích, minh họa bằng những bức ảnh tôi chụp hoặc cho họ xem các video clip có trên internet. Tôi nói với họ rằng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong mấy thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tích vượt bậc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là sự phát triển của tinh thần dân chủ, quyền của mọi người dân luôn được tôn trọng, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo. Tôi trích dẫn số liệu của Tổ chức Thống kê internet quốc tế, thì tới thời điểm tháng 6-2015 ở Việt Nam có 45,5 triệu người dùng internet, đứng vị trí 17 trong số 20 quốc gia có số người dùng internet nhiều nhất thế giới. Rồi chứng minh với họ qua báo chí, qua quan sát trực tiếp của tôi ở mọi miền đất nước, cũng như bạn bè, người thân qua internet đã giúp họ có hiểu biết đúng đắn về vấn đề này.
Một phần do quan tâm đến công cuộc đổi mới ở quê nhà, một phần vì công việc ở cơ quan, tôi đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Không chỉ qua nghiên cứu cơ sở pháp lý (quy định trong Hiến pháp năm 2013, trong các bộ luật, nghị định…) mà nhờ những điều tôi đã theo dõi, quan sát cụ thể. Qua ba miền của đất nước, đi khắp nơi từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa, không chỉ quan sát tại các trung tâm tôn giáo nổi tiếng như xứ đạo Bùi Chu ở Nam Ðịnh và Phát Diệm ở Ninh Bình, chùa Bái Ðính ở Ninh Bình… mà qua trò chuyện với người dân ở nhiều địa phương, được tiếp xúc với cuộc sống của người dân là thành viên của nhiều tôn giáo khác nhau, tôi đã hình dung một cách cụ thể một bức tranh toàn cảnh về đời sống tôn giáo Việt Nam hôm nay. Qua bức tranh đó, tôi hiểu sâu sắc rằng, các thế lực thù địch, cá nhân thiếu thiện chí và bất mãn đã lợi dụng vấn đề tôn giáo để phê phán Đảng và Nhà nước. Cách đây vài năm, tôi có viết một bài báo về vấn đề này, trong đó khẳng định quan điểm: Không thể kết luận tự do tôn giáo ở Việt Nam có vấn đề. Nhìn lại, ngày hôm nay, tôi vẫn giữ trọn vẹn suy nghĩ đó, nên tôi rất bức xúc trước các luận điệu sai trái của những người đã xuyên tạc tình hình đất nước tôi và khao khát muốn nói lên suy nghĩ chân thực của mình.
Năm 2015, bạn bè và đồng nghiệp người Đức của tôi trở về sau chuyến thăm Việt Nam đã nói rằng, tuy lưu lại vài tuần và đến một số nơi, nhưng họ đã có cái nhìn khác hẳn về nhiều mặt, đặc biệt về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do tôn giáo so với thông tin mà trước đó họ có được, về cơ bản không có sự cách biệt quá lớn giữa CHLB Đức và Việt Nam. Tôi rất vui vì họ đã xác nhận những gì tôi kể trước đó. Khi được hỏi về nguyên nhân của những thành quả này, tôi đã nói rất rõ ràng: Sau 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, hôm nay đất nước Việt Nam của tôi đã vững mạnh hơn rất nhiều, sẽ mãi mãi trường tồn. Cơ sở cho sự trường tồn ấy là lòng tin của mọi người dân Việt Nam vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về phần mình, dù ở xa Tổ quốc, tôi cũng hòa niềm tin vào với mọi người Việt Nam ở trong nước rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển toàn diện trong thời kỳ mới. Với tất cả tấm lòng của một người Việt Nam sống xa quê hương, tôi gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
HỒ NGỌC THẮNG (Cộng hòa Liên bang Đức)
Chuyện cũ nhớ lại:
8/12/2017 2:45:21 PM
Thời gian ĐH5, có người hỏi Cụ Nguyễn Tuân về cảm nhận sau ĐH. Cụ giả nhời: Tôi tin tưởng vào “đại hội tám(8)”. Hỏi tại sao, Cụ đáp: Viết theo chữ số La Mã thì ĐH 5 là V=vờ, sáu=VI=vi, bảy=VII (gần giống)=VU. Đến “tám, 8” = VIII (gần giống)= VUI nên có thể sẽ … vui.
Nay, không có ai hỏi và cũng không có người giả nhời, nên việc “cảm nhận ĐH” cũng coi như … dẹp.
T.M., BTP