1-3-2020
Tuần rồi, chỉ trong 7 ngày, thị trường chứng khoán Mỹ đã “bốc hơi” 4,3 ngàn tỉ đô la Mỹ vì giới đầu tư lo sợ sự lan tràn của virus Corona sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế. Chỉ số Dow Jones của 30 công ty lớn nước Mỹ mất 3.600 điểm chỉ trong một tuần. Những con số kỉ lục.
Virus Corona gây bệnh cúm hiện đã lan ra tới khắp các châu lục với con số người bị phát hiện là hơn 88 ngàn và số người tử vong cho đến nay là hơn 3000. Hàn Quốc, Ý, Iran đã trở thành ba ổ dịch lớn bên ngoài Trung Quốc với số người mắc bệnh (chết) là 3.736 (4), 1.694 (5), và 978 (11). Dựa vào những dữ liệu thu thập được, người ta đánh giá mức độ tử vong chỉ nằm trong khoảng 1% đến 3%. Nhiều người cho rằng tỉ lệ tử vong vài phần trăm này là không đáng sợ. Nhưng, thậm chí với mức tử vong 1%, mức độ sát thương này đã là rất nghiêm trọng nếu so với mức tử vong 0,6% trong đại dịch gây ra bởi bệnh cúm mùa năm 1957 hay mức tử vong 2% trong đại dịch cúm mùa năm 1918.
Có hai câu hỏi mà giới nghiên cứu kinh tế đang thảo luận rằng: (1) ảnh hưởng của dịch cúm corona sẽ tác động đến đâu; và (2) đâu là những biện pháp mà một chính quyền có thể khai triển.
ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH CÚM
Dịch cúm Corona bắt đầu từ Vũ Hán và sau đó lan ra hầu như tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc. Việc cô lập các đô thị lớn để chống dịch đã khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc hầu như tê liệt. Mười sáu thành phố với tổng dân số hơn 50 triệu người bị cô lập.
Những chỉ số kinh tế do chính quyền Trung Quốc thông báo cho thấy kinh tế Trung Quốc thực sự đã rơi vào khủng hoảng với mức độ thậm chí tệ hơn cả cuộc khủng hoảng 2008-2009. Chỉ số PMI dùng để đo mức độ sản xuất hiện chỉ còn 35,7, mức thấp nhất trong lịch sử 15 năm của chỉ số này, khi so với mức 51,1 vào tháng 1 năm 2020. Chỉ số trên 50 thể hiện nền kinh tế đang tăng trưởng còn chỉ số dưới 50 thể hiện nền kinh tế đang suy giảm. Theo những xấp xỉ về lực lượng lao động của Trung Quốc, thì chỉ một phần ba quay trở lại công xưởng làm việc, một phần ba đang bị cách ly để theo dõi dịch cúm, và một phần ba còn lại không có việc làm.
Nhưng vì Trung Quốc là công xưởng sản xuất hàng hoá lớn nhất thế giới, và cũng là một trung tâm thương mại lớn nhất nếu tính theo tổng lượng giao dịch hàng hoá, việc cô lập các thành phố để chống dịch của Trung Quốc dẫn đến việc đình đốn sản xuất, cắt đứt nguồn cung và cầu hàng hoá với thế giới. Việc cắt đứt nguồn cung hàng hoá ra thế giới khiến các công ty sản xuất giờ đây duy trì hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn hàng dự trữ trong kho. Và nếu lãnh vực sản xuất của Trung Quốc không sớm quay lại hoạt động để cung cấp thêm các linh kiện, nhiều công ty sẽ phải đóng cửa vì thiếu phụ tùng.
Theo dữ liệu của Uỷ ban Thương mại Liên Hiệp Quốc (UN Comtrade) do CSIS tổng hợp lại, kể từ 2018, tổng lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã đạt mức 4,6 ngàn tỉ đô la Mỹ, chiếm 12,4% tổng lượng giao dịch hàng hoá của thế giới, đứng thứ hai là Mỹ với mức 11,5% tổng lượng giao dịch hàng hoá và thứ ba là Đức với mức 7,7% tổng lượng giao dịch hàng hoá. Riêng phần xuất khẩu, Trung Quốc chiếm 13,45% tổng lượng hàng xuất khẩu của thế giới, theo sau là Mỹ với 8,98% và Đức là 8,43%. Trong phần nhập khẩu, Trung Quốc chiếm 11,37% tổng lượng hàng nhập khẩu của thế giới, đứng thứ hai sau Mỹ với tổng lượng hàng nhập khẩu là 13,92% và gấp đôi Đức, nước có lượng nhập khẩu chiếm 6,69% tổng lượng nhập khẩu của thế giới.
LIỆU CHÍNH PHỦ CÓ THỂ LÀM GÌ?
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng trong vài tháng nữa, khi thời tiết ấm lên, mức lan của dịch giảm xuống, và trước mùa hè thì có thể dịch sẽ được kiểm soát. Lúc đó các ngành sản xuất sẽ bắt đầu hồi phục.
Những người theo trường phái kinh tế “laissez-faire” sẽ bảo rằng đây chỉ là một cú sốc nhất thời và người duy nhất có thể cứu rỗi nền kinh tế đó là các bác sỹ. Khi bệnh nhân hồi phục và bệnh dịch được kiểm soát, các công xưởng sẽ quay trở lại hoạt động.
Nhưng, vấn đề không đơn giản như vậy. Khi một công nhân lành nghề bị sa thải vì công ty không hoạt động hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh, anh ta có thể đã kiếm một việc khác mà việc tuyển dụng lại một công nhân tương tự có kinh nghiệm vậy không hề là dễ dàng. Một doanh nghiệp không thể cung cấp hàng hoá đúng hạn vì dịch bệnh khiến đối tác phải tìm một nguồn cung khác. Và khi doanh nghiệp không đủ đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân công hoặc đóng cửa. Doanh nghiệp phá sản dẫn đến nợ xấu ngân hàng tăng. Quá trình như vậy sẽ tiếp diễn. Vì vậy mà nếu không có sự can thiệp của chính phủ nhanh chóng nhằm giúp đỡ giới doanh nghiệp, cú sốc kinh tế có thể ảnh hưởng lâu dài và khiến nền kinh tế khó bình phục nhanh chóng.
Những con số cũng cho thấy rằng giờ đây Trung Quốc là một đối tác thương mại hàng đầu của thế giới, cả về cung và cầu hàng hoá. Cuộc cô lập và suy giảm kinh tế của Trung Quốc vì bệnh dịch do đó không chỉ ảnh hưởng đến mức cung hàng hoá mà còn ảnh hưởng cả mức cầu hàng hoá từ Trung Quốc. Những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, mà Việt Nam là một trong số đó, sẽ chịu thiệt hại nặng.
Theo số liệu của World Bank, năm 2017, hàng từ Trung Quốc chiếm hơn 27% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam trong khi hàng xuất đi Trung Quốc từ Việt Nam chiếm hơn 16% tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. So với Mỹ, lượng hàng nhập từ Mỹ chỉ chiếm 4% tổng lượng hàng nhập của Việt Nam và hàng xuất đi Mỹ chiếm 19% tổng lượng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Ta thấy rằng Trung Quốc, với lượng hàng xuất khẩu chiếm 16%, và Mỹ với lượng hàng xuất khẩu chiếm 19% tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong khi Việt Nam ít lệ thuộc vào hàng nhập khẩu Hoa Kỳ (chỉ 4%) thì phụ thuộc rất lớn, tới 27%, từ Trung Quốc.
Câu hỏi là chính phủ có thể làm gì?
Về chính sách tiền tệ, chính quyền có thể giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách mua lại các trái phiếu chính phủ.
Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cúm từ Trung Quốc buộc phải cắt giảm nhân công thậm chí đóng cửa. Việc tăng cung tiền vào nền kinh tế nhằm giúp cho các doanh nghiệp khác, vốn ít chịu ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc, tăng đầu tư và thu dụng nhân công. Điều này không chỉ nhằm giúp giảm tác hại của dịch cúm đối với nền kinh tế mà còn có thể giúp cho các nền kinh tế bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và bắt đầu đa dạng hoá sản phẩm đầu tư. Việc “tiền rẻ” cũng giúp doanh nghiệp có khả năng chi trả nhiều hơn để thuê mướn nhân công trong khi thị trường có thể khan hiếm nhân lực vì dịch cúm.
Về chính sách tài khoá, chính quyền có thể giảm thuế doanh nghiệp, tăng chi tiêu chính phủ. Tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cảng, bệnh viện, trường học …, những lĩnh vực mà nguồn nguyên liệu và nhân công chủ yếu từ trong nước để kích cầu nội địa. Tăng tiền trợ cấp cho các hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Ảnh hưởng từ bệnh dịch sẽ khiến ngân sách sụt giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động, để có ngân khoản cho kích cầu, chính phủ buộc phải tính đến giải pháp bán bớt cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước ở những lĩnh vực vốn hoàn toàn mang ý nghĩa thương mại, ít ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
THOÁT TRUNG?
Những con số trên cho thấy rằng Trung Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế lớn nhất, qua mặt Hoa Kỳ. Quá trình soán ngôi này không hẳn bởi vì Mỹ chậm mà bởi vì sự hồi phục quá nhanh của Trung Quốc. Năm 2003, Trung Quốc mới chỉ là một nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, lớn hơn Ý một chút.
Nhìn lại lịch sử, trong suốt gần hai ngàn năm, cho đến giữa đời nhà Thanh, vào nửa đầu thế kỷ 19, Trung Quốc vẫn còn giữ vị trí là một trung tâm thương mại hàng đầu của thế giới. Có được vị thế như vậy, không thể không nhắc đến óc tổ chức, sự sáng tạo, và kỹ năng thương mại của họ. Trung Quốc chỉ rơi vào suy yếu và hỗn loạn sau đó chủ yếu bởi nội chiến khiến họ mất khả năng đoàn kết và tổ chức. Trong quá khứ, sự đoàn kết này có được vì vua có sự chính danh được gọi là thiên mệnh, tức mệnh trời — mệnh trời cho rằng vua có sứ mệnh đem lại an vui cho nhân dân và xã tắc, thiên hạ thái bình. Sự tổ chức trong chế độ phong kiến đã được phân chia và đồng nhất tới tận các cấp thấp nhất là làng xã. Với sự tổ chức này, chính quyền trung ương có thể đảm bảo việc thu thuế và huy động nhân lực cho các vấn đề cấp bách toàn quốc gia. Hệ thống này giúp Trung Quốc thúc đẩy được sự thịnh vượng quốc gia trong quá khứ. Hiểu được điều đó nên giờ đây Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng lời kêu gọi yêu nước kèm tư tưởng Trung Hoa vĩ đại để thúc giục các chuyên gia người Hoa ở nước ngoài đoàn kết với quốc gia và chính quyền chung tay xây dựng quê hương.
Với Việt Nam, dù muốn dù không, Trung Quốc sẽ vẫn là một đối tác thương mại lớn cả về xuất nhập khẩu chừng nào Việt Nam còn duy trì nền kinh tế thị trường và để doanh nhân tự do thương mại với Trung Quốc. Cùng với sự lớn mạnh và trưởng thành của nền kinh tế Trung Quốc, mức nhập khẩu cả về hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc ngày càng lớn, việc duy trì một mối quan hệ thương mại bình đẳng và công bằng với Trung Quốc sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam. Nhưng, cũng như tất cả các sự đầu tư nào, Việt Nam cần đa dạng và mở rộng quan hệ tới các đối tác thương mại khác trên toàn thế giới.
Vì một lịch sử lệ thuộc vào Trung Quốc cả nghĩa đen, và cả nghĩa bóng là lệ thuộc vào ngôn ngữ và tư tưởng, mà nhiều người Việt muốn thoát Trung, thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc. Nhưng, về mặt địa lý và ảnh hưởng của văn hoá hàng ngàn năm, Việt Nam và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục chia sẻ nhiều giá trị.
Cái mà Việt Nam nên “thoát Trung” đó là thoát khỏi cái tư tưởng khấu đầu trước Trung Hoa. Cái tư tưởng khấu đầu này hiện thực cả trong tâm lý lẫn hành động. Trong tâm lý, nhiều người Việt Nam xem trọng văn hoá và tư tưởng Trung Hoa hơn là văn hoá và tư tưởng phương Tây. Và vì nghĩ như vậy nên hễ thấy cái gì Trung Quốc làm là Việt Nam bắt chước một cách rập khuôn mà không chịu suy nghĩ hay tham khảo và học tập văn hoá phương Tây hoặc suy nghĩ khác . Sự khấu đầu trong tư tưởng này dẫn đến sự khấu đầu trong hành động. Hậu quả là cái bắt chước lúc nào cũng kém cỏi hơn vì thiếu sự sáng tạo, để rồi Việt Nam trở thành một bản sao mờ nhạt của Trung Quốc. Thoát Trung là trước hết thoát cái tư tưởng khấu đầu này. Khi tư tưởng thay đổi tất hành động thay đổi theo, Việt Nam sẽ tự động trở thành một đất nước khác biệt bên cạnh Trung Quốc, đó là lúc đã thoát Trung.
_____
Tham khảo:
(1) Cập nhật dịch corona: https://www.worldometers.info/coronavirus/
(2) Is China the world´s top trader? https://chinapower.csis.org/trade-partner/
(3) Mức giao thương giữa Việt Nam và các đối tác. https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/VNM/Year/2017/TradeFlow/EXPIMP/Partner/by-country
Rgeo tác giả :”Cái mà Việt Nam nên “thoát Trung” đó là thoát khỏi cái tư tưởng khấu đầu trước Trung Hoa. Cái tư tưởng khấu đầu này hiện thực cả trong tâm lý lẫn hành động. Trong tâm lý, nhiều người Việt Nam xem trọng văn hoá và tư tưởng Trung Hoa hơn là văn hoá và tư tưởng phương Tây. Và vì nghĩ như vậy nên hễ thấy cái gì Trung Quốc làm là Việt Nam bắt chước một cách rập khuôn mà không chịu suy nghĩ hay tham khảo và học tập văn hoá phương Tây hoặc suy nghĩ khác . Sự khấu đầu trong tư tưởng này dẫn đến sự khấu đầu trong hành động. Hậu quả là cái bắt chước lúc nào cũng kém cỏi hơn vì thiếu sự sáng tạo, để rồi Việt Nam trở thành một bản sao mờ nhạt của Trung Quốc. Thoát Trung là trước hết thoát cái tư tưởng khấu đầu này” Lấy quan điểm này để gán ghép cho dân tộc VN là hoàn toàn sai lầm.Đây là loại tư duy ăn sâu bén rễ lâu đời của các tầng lớp lảnh tụ CSVN hàng mấy chục năm nay,chứ thực tế không bao giờ người VN “khấu đầu” như t/g nói.Có lẽ t/g xuất thân từ hàng ngủ đ/v lâu năm có nếp tư duy như thế (?).Còn v/đ nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu của VN nói riêng và các nước khác như Hàn quốc ,Singapore,Nhật…nói chung đều quá lệ thuộc vào TQ.Hàng made in VN xuất sang các thị trường Âu Mỹ,tuy mang tiếng hàng VN nhưng thực chất VN chỉ ăn gia công còn lợi suất đều do các nước kia hưởng hêt.Như vậy muốn đề xuất một kế hoạch thoát Trung là cần ngiên cứu sâu sắc chứ không thể một sớm một chiều là được
Liêu Trai CORONA bắt Giáo chủ Tân Thiên Địa quỳ gối đầu hàng !!!
*********************************************************
https://www.youtube.com/watch?v=3I05ufyxkX4
South Korean sect leader kneels and apologises over coronavirus spread
AFP 60 vues•2 mars 2020
Giáo chủ Tân Thiên Địa quỳ gối, tự nhận là “kẻ vô tích sự”,
xin lỗi người dân Hàn Quốc : “Tôi không còn mặt mũi nào nữa!”
Giáo chủ Tân Thiên địa Lãnh đạo Tinh thần
Dân Nam Hàn tôn thờ như bậc Thánh nhân
Liêu Trai CORONA thăm Hán Thành vừa ghé
Bắt Giáo chủ Tân Thiên Địa quỳ gối ân cần
Ngài tự nhận kẻ vô tích sự vô loại
Cũng đành quỳ gối đầu hàng vong thân !
“Tôi không còn mặt mũi nào nữa đành tạ lỗi”
CORONA Liêu Trai vung Lưỡi hái Tử thần ….
Thủ đô Hán Thành đêm nay chắc Động đất :
Đực về ‘đạp mái’ Giáo chủ Cái hết ga trẹo gân ! ! !
TỶ LƯƠNG DÂN
Thời TÀU-TOÀN CẦU HÓA điên cuồng bấp bênh ….
(instable and mad Sino-Globalization = Sino-Mondialisation instable et fou )
Corona và Hongkong,
Dân Hongkong đổ ra đường biểu tình ầm ầm, quây đánh một thằng bị coi là côn an Trung cuốc bầm dập, khi trà trộn vào đoàn biểu tình. Họ tận dụng triệt để thời cơ để hành động
Corona, Đồng Tâm và vn nước đảng,
Viết, nói, gửi tố cáo, gửi thỉnh nguyện thư mong đảng ta xem xét rủ lòng thương, mong quốc tế đoái hoài thương xót. Ngồi nhậu nhìn nhau… chờ..