1-3-2020
Báo chí đăng tải nhiều tin tức cực kỳ quan ngại đối với đồng bằng Sông Cửu Long. Nhiều nơi trong khu vực này người dân phải “cào lớp đất phù sa ở bề mặt các thửa ruộng” lên đem bán. Nguyên nhân hạn hán và “ngập mặn” khiến người dân không trồng trọt được cái gì trên những cánh đồng này.
Nguyên nhân do đâu? Do biến đổi khí hậu (gây hạn hán)? Do hiện tượng nước biển dâng cao khiến đồng bằng ngập mặn? Hay do nước ở thượng nguồn Sông Cửu Long (Mekong) bị chặn lại do việc xây dựng các con đập thủy điện (hàng chục và tương lai là hàng trăm cái, rải rác từ TQ qua Lào và Campuchia…)?
Bất kỳ nguyên nhân đến từ đâu, ĐBSCL bị đe dọa đến sự “hiện hữu” từ ngàn năm qua của nó. Hiển nhiên hàng chục triệu dân VN sống ở vùng đồng bằng trù phú này cũng có cùng số phận. Khi người dân phải đào đất ruộng đem bán là tình hình phải nói là “nguy kịch”. Ngôi nhà “Đồng bằng Sông Cửu Long” đang bị tháo giỡ từng cây kèo, từng viên ngói…
ĐBSCL có thể tồn tại được bao lâu nữa?
Nhiều facebookers (nổi tiếng) cho rằng nguyên nhân là do các quốc gia như TQ, Lào, Thái Lan, Campuchia thi nhau xây đập thủy điện khiến dòng nước bị chặn. Có người còn nói rằng VN cũng đồng lõa vi phạm “tội ác” khi đầu tư xây đập trên Sông Cửu Long.
Giải pháp nào để “cứu” đồng bằng Sông Cửu Long?
Nếu chỉ nói về ảnh hưởng từ Sông Cửu Long: Sông Cửu Long (Mekong) là một con sông “quốc tế”, chảy qua các nước: TQ, Lào, Campuchia và VN. Một đoạn biên giới Lào-Thái là sông Mekong.
Vì sông này là sông “quốc tế”, VN nếu muốn khiếu nại, hay kiện, lên các tòa án quốc tế các quốc gia thượng nguồn thì VN làm gì cũng phải “chiếu theo luật”.
Luật quốc tế có công ước New York 1997 về việc “sử dụng các dòng sông quốc tế nhằm mục đích khác với việc thông lưu”. Một số điều đáng ghi nhận của công ước là:
Các quốc gia cam kết:
1/ Không được gây ra những thiệt hại đáng kể cho dòng sông;
2/ Các quốc gia hợp tác với nhau để đạt được việc sử dụng tối ưu và bảo vệ hữu hiệu nguồn nước;
3/ Trao đổi dữ liệu và thông tin thường xuyên;
4/ Thông báo các biện pháp (dự án) có hệ quả xấu;
5/ Cố gắng giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình.
Nếu nội dung công ước được tôn trọng, các quốc gia thượng nguồn cùng hợp tác, ĐBSCL không có điều gì quá lo ngại. Vấn đề là chỉ có VN ký nhận công ước. Các nước khác thì không. VN không thể đơn phương kiện Lào, Campuchia, Thái lan hay TQ khi các quốc gia này chận nguồn nước làm thủy điện hay dẫn nguồn nước vào việc tưới tiêu.
Nguyên tắc “tuyệt đối” về “chủ quyền” sẽ ngăn chặn bất cứ thủ tục pháp lý nào của VN (có mục đích chống các quốc gia thượng nguồn). Ngoại trừ khi VN chứng minh được việc xây dựng các con đập là nguyên nhân khiến sự hiện hữu của ĐBSCL bị đe dọa. Cũng như sự sinh tồn của 30 triệu dân miền nam có nguy cơ bị xóa trắng. VN có lý do chính đáng để kiện, thậm chí đem quân (gây chiến tranh) để đánh phá các con đập.
Vấn đề là sẽ cực ký khó để chứng minh (và thuyết phục dư luận quốc tế) nguyên nhân đưa đến sự tiêu vong của ĐBSCL đến từ các con đập ở thượng nguồn (vì còn các nguyên nhân khác như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao…)
Từ nhiều thập niên trước tôi đã đề cập đến vấn đề này. Đại khái tôi cho rằng VN không thể ngăn chặn các quốc gia thượng nguồn Sông Cửu Long đắp đập chặn nước để làm thủy điện hay chuyển dòng nước vào các mục tiêu thủy lợi (tiêu tưới, nước uống…). Nhưng VN có thể lợi dụng ưu thế chính trị của mình ở Lào và Campuchia để “hợp tác cùng khải thác” một cách thông minh để các bên cùng có lợi. Các quốc gia Lào, Campuchia có lợi do bán thủy điện. VN có lợi do mua được điện giá rẻ và nhứt là bảo vệ (và điều hòa) được nguồn nước Mekong. VN cũng có thể đầu tư xây dựng đập thủy điện ở Lào và Campuchia (vì VN không xây thì TQ, Thái lan họ cũng xây). Dĩ nhiên hành vi đầu tư của VN, trước là để nhắm vào việc “phòng vệ từ xa”, sau đó mới là kinh tế.
Bây giờ ĐBSCL đã “vỡ trận”, ngồi nói và chỉ trích sẽ không đem lại lợi ích gì. VN “không có tầm nhìn”, từ lớp đảng viên lãnh đạo cho tới học giả, lớp trí thức. Mọi tiếng nói phản biện đều bị “bịt” từ lúc “nằm nôi” thì cái gì đến sẽ đến.
Chỉ có một phương pháp duy nhứt, dựa vào nguyên tắc “tự vệ để sinh tồn”, là đe dọa chiến tranh (với các quốc gia thượng nguồn). Dĩ nhiên chuyện “khó càng thêm khó”. Chỉ cái bãi Tư Chính mà chưa giải quyết xong. Huống chi chuyện “lớn”!