Găm khẩu trang y tế: Lựa chọn lợi nhuận hay nhân bản?

Vũ Thành Tự Anh

5-2-2020

Mấy ngày qua, có nhiều thị phi về tình trạng tăng giá và găm khẩu trang y tế trong bối cảnh đại dịch nCoV ngày một lan rộng. Những người tôn thờ chủ nghĩa thị trường tự do cho rằng việc xử phạt hành vi găm khẩu trang là vi phạm trắng trợn quyền tự do kinh doanh, trong khi nhiều người khác cho rằng đó là hành động cần thiết của chính quyền để trừng phạt hành vi phi đạo đức.

Từ phương diện quản lý kinh tế, tôi không ủng hộ việc xử phạt hành vi găm khẩu trang ở thời điểm này. Chính xác hơn, việc xử phạt này chỉ nên là hành động bất đắc dĩ cuối cùng, khi các lựa chọn khác của chính quyền đã cạn kiệt mà vẫn không đủ để khắc phục thất bại của thị trường và/hoặc khi tình trạng dịch bệnh trở nên cấp bách đến mức khẩu trang trở thành “hàng hóa thiết yếu”, và do vậy buộc phải dùng đến biện pháp bất thường.

Từ phía nhà thuốc, hành vi găm khẩu trang xuất phát từ động cơ lợi nhuận nhờ sự khan hiếm tạm thời về khẩu trang y tế. Nhìn từ góc độ kinh tế, điều này không có gì sai. Nhưng nhìn từ góc độ con người, việc găm hàng để trục lợi từ sự lo lắng và sợ hãi của đồng loại là thiếu nhân bản.

Suy đến cùng, quyền tự do kinh doanh là quyền do luật pháp tạo ra, còn quyền tự do được sống và mưu cầu an toàn là quyền tự nhiên của con người. Nhân danh việc thực hành quyền tự do kinh doanh của mình để hạn chế khả năng thực hiện quyền tự nhiên chính đáng khác của người khác, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch và sự sợ hãi ngày một lan tràn, là thiếu lương tâm và không nhân bản.

Để ứng phó với tình trạng găm khẩu trang, chính quyền nên làm gì?

Đầu tiên, chính quyền phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. Trong quá trình này, quan trọng nhất là tạo được niềm tin nơi người dân bằng cách thông tin chính xác, đầy đủ, và kịp thời cho công chúng về tình trạng bệnh dịch, về những gì mình đã biết và chưa biết, về những gì mình đã làm và sẽ làm – bất kể những tin đó là tốt hay xấu. Niềm tin này sẽ giúp hạn chế sự bất an, từ đó giúp ổn định và kiểm soát tình hình. Khi ấy, nhu cầu khẩu trang sẽ không tiếp tục tăng đột biến, nhờ đó giảm bớt cơ hội và động cơ găm hàng.

Đồng thời, chính quyền cũng phải tìm cách tăng nguồn cung khẩu trang, thông qua hoạt động sản xuất trực tiếp, tạo khuyến khích để khu vực tư nhân tăng sản lượng, và nhập khẩu nếu có thể. Lượng cung dồi dào hơn sẽ thúc đẩy cạnh tranh, qua đó một lần nữa giảm cơ hội và động cơ găm hàng.

Chắc chắn bệnh dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi thuyên giảm, và trong thời gian tới chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chung sống với nó. Tôi mong mỗi người chúng ta, nếu không giúp được người khác thì cũng không cố tình làm tổn thương họ, mỗi người hãy hết sức cẩn trọng nhưng không quá sợ hãi để cùng nhau bình tĩnh vượt qua dịch bệnh này.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tránh tình trạng găm khẩu trang đưa khẩu trang thành mặt hàng nha Nước quan lý nghĩa là các nhà may sản xuất khẩu trang ko được bán ra ngoài nữanha Nước mua lại với giá họ có lãi rồi phân về hệ thống trạm y tế người dân sẽ mua ở đó với sô lượng cuj thể và giá cả thể. Không phân phối qua hệ thống nha thuốc nữa. Tối nay một khách hàng chay xe từ Hà Đông về quận Long biên khoảng 15km qua bao nhiêu nha thuốc mà ko mua được một cái khẩu trang nào. Vậy chống dịch thế nào với tình hình bán khâu trang thế này

  2. “chính quyền cũng phải tìm cách tăng nguồn cung khẩu trang, thông qua hoạt động sản xuất trực tiếp, tạo khuyến khích để khu vực tư nhân tăng sản lượng, và nhập khẩu nếu có thể.”
    -Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2019 – 2020 cả nước có: 932.000 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 4.585.000 trẻ độ tuổi mẫu giáo, 8.660.000 học sinh tiểu học, 5.550.000 học sinh THCS, 2.599.000 em ở bậc THPT, học sinh khác 246.000 và 1.518.986 sinh viên đại học. Tổng học sinh, viên = 8.660.000+5.550.000+2.599.000+246.000+1.518.986 = 18.573.986. Cao điểm toàn bộ học sinh, sinh viên đi học & sd khẩu trang 01 cái/ ngày thì năng lực sx khẩu trang của đất Việt phải đạt con số 18,5 triệu cái/ngày. Năng lực sx hiện nay khoảng 1,5 triệu cái/ngày. Vậy, Bộ Y Tế cần có hướng dẫn cho phép dùng khẩu trang vải rồi giặt, phơi khô hàng ngày để sd nhiều lần, bổ sung cho khẩu trang Y tế. Đồng thời ưu tiên tăng cường sx khẩu trang vải có lớp chống khuẩn tái sử dụng dc nhiều lần sau khi giặt.
    P/s: Qua dịch virus corona thấy rằng VN phải nhập khẩu nguyên liệu khẩu trang Y tế, màng lọc kháng khuẩn, than hoạt tính,..thì thấy rất buồn cho nền sx trong nc.

Comments are closed.