Cái “Nhất thế giới” này thiệt không ham!

Vũ Kim Hạnh

8-12-2019

Ảnh: internet

Nhiều tờ báo hôm qua nay in bài với tựa lớn, trích lời của ông Chủ tịch TP: “Tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM hiện nay là thấp nhất thế giới”. Dân mình thường mê mấy cái vụ… nhất thế giới, nhưng cái “nhất thế giới” này… thiệt là không ham chút nào!

Liên tiếp mấy tháng, mấy tuần gần đây, nhiều nhà báo viết trên Facebook: Tỷ lệ ngân sách được để lại chỉ có 18%, thương Sài Gòn! Còn tôi, tôi không chỉ thương cho Sài Gòn mà thấy “khổ cho SG” và “Đau cho cả nước” vì nếu thành phố đầu tàu, GDP 2019 dự kiến bằng 55 tỉnh thành cộng lại, mà nhận lại mức ngân sách điều tiết cỡ đó thì “Ốc mang mình ốc còn không xong”, lấy đâu đầu tư phát triển để đóng vai trò “động lực” và kích hoạt cho cả nước phát triển?

Đọc thấy lời chúc mừng của anh bạn “cựu hội đồng” Đặng Văn Khoa cho TP Hải Phòng, tôi nghĩ: Mừng cho Hải Phòng lại thấy chạnh lòng! Anh Khoa viết: TP. Hải phòng vừa quyết định “miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ mẫu giáo đến trung học” của thành phố. Hải Phòng – một thành phố giàu có hàng đầu ở miền Bắc, làm được điều này là nhờ có tiền. Họ thu ngân sách 100 đồng chỉ phải nộp về Trung ương 22 đồng. Trong khi thành phố Hồ Chí Minh thu 100, phải nộp 82, còn lại 18 đồng.

Sài gòn mình vài ngày trước, mới nghiên cứu giảm 50% học phí cho con… của những người thu gom rác. Hiện nay, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại chỉ 18% trong khi Hà nội 35%, Quảng Ninh 65%, Hải phòng 78%, Bắc ninh 83%, Hưng Yên 93%, Hải Dương 98%… Và tổng số dự toán thu ngân sách 2019 của 4 TP (cũng trực thuộc TW như TPHCM) là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỉ đồng, là thấp hơn dự toán thu ngân sách của TP.HCM hiện đã hơn 400.000 tỉ đồng. (hết trích)

Nói vậy không phải khoe công trạng mà để thấy dân TP căng mình cỡ nào, cần được tạo điều kiện để đóng góp cho phát triển chung cỡ nào?

TPHCM, tại cuộc họp cuối năm, Hội đồng nhân dân TP, đã có kiến nghị giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách cho giai đoạn 10 năm; kể từ 2021 đến 2025: Tỉ lệ điều tiết là 24% (tăng 6% trong 5 năm). Và giai đoạn 2026-2030: Tỉ lệ điều tiết là 33% (tăng 9% trong 5 năm), bằng mức điều tiết của năm 2003.

Tính nhẩm kiểu nhà quê chút xíu (không quan tâm 4.0 chi cho mệt nhé). Kiến nghị này (không biết được chấp thuận hay không) cần lộ trình 10 năm để trở lại được hưởng mức điều tiết ngân sách bằng với mức 16 năm trước. Năm 2003, dân số Sài Gòn là 5,4 triệu. Hiện nay, dân số là 8, 9 triệu. Mười năm tới, dân số TP.HCM là bao nhiêu và sẽ được điều tiết bằng mức của 16 năm trước?

Nhức đầu quá, không dám tính nữa. Cũng đọc trên báo, nhờ khuyến khích của Đảng đoàn Quốc hội và Ban Kinh tế Trung ương mà TPHCM “mạnh dạn” dưa ra kiến nghị trên. Tôi lẩn thẩn mong, có vị nào trong Đảng đoàn này và Ban kinh tế TW là cư dân thành phố Hồ Chí Minh, để hiểu trung thực tình cảnh người dân, cứ sáng mở mắt ra là phải thở thứ không khí ô nhiễm, hễ mưa ập xuống là lo phải bơi trên đường nghẹt cứng, đi ngoài đường (dân trung lưu hay dân nghèo toàn đi xe gắn máy) thấy ai đi sát là nơm nớp sợ bị cướp. Khu phố thì ăn cắp vặt như rươi, nhà nhà ráng rào thép gai như khu quân sự. Rầu nhất là chở món gì cứ phải lấy bao nilong đen thui giả như bao rác, bọc ra ngoài, để bọn cướp giựt “tha” cho…

Sáng nay, đọc báo thấy có đoàn đại biểu của Ban kinh tế TW đang đi nghiên cứu ở ĐH Harvard, trong đó có Viện ASH, một phần của Trường Chính phủ Kennedy tại Đại học này, tôi lại nhớ tới giáo sư David Dapice, chuyên gia của Viện này, cũng là chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Á, có nhiều năm liên tiếp đã tư vấn cho chính phủ Việt Nam.

Tôi lục lại các phát biểu của ông về đường hướng phát triển TPHCM. À, ngày 20/10/2017, ông đến TP.HCM dự HN thường niên các Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á lần 21, trong đó có một chuyên đề về xây dựng TP thông minh.

Thử tham khảo ý kiến David Dapice góp cho thành phố HCM trên đường xây dựng TP thông minh.

“Chúng ta đang muốn xây dựng TPHCM thành ra thành phố thông minh. Thứ hạng của TP năm nay là hạng 96 trong tổng số 120 thành phố có chất lượng sống khá trên thế giới. Nếu nguồn lực để đầu tư của thành phố tiếp tục bị phân tán như hiện nay thì TP.HCM vẫn sẽ nằm trong nhóm cuối trong số 120 thành phố đáng sống trên thế giới, và sẽ vẫn thuộc nhóm đó cho tới… năm 2025.

Theo giáo sư Dapice, xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giảm việc làm ở các thành phố vì nhiều công ty, nhà máy sẽ chuyển sang sử dụng robot, các thành phố chỉ còn ưu tiên phát triển dịch vụ và theo xu hướng tăng giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Bản chất toàn cầu hóa là dịch chuyển những người giỏi tìm kiếm nơi có điều kiện sống tốt hơn (như kiểu các bạn trẻ đang đi tứ tán hay ít nhất sang mở công ty ở Singapore). Nếu TPHCM không đảm bảo là một thành phố đáng sống, chất lượng sống tốt để thu hút nhân tài thì nói gì đến xây dựng thành phố thông minh?”.

Chưa biết khi nghe đến lộ trình 10 năm để đạt được mức điều tiết ngân sách là 33% bằng mức năm 2003, cách đây 16 năm, thì giáo sư David sẽ bình luận ra sao? Ước gì có thể gửi câu hỏi này cho giáo sư David Dapice nhỉ?

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Theo số liệu 2019, ta làm 01 tính toán cơ học như sau:
    1/TP.HCM:
    -Dự kiến thu NS năm 2019 là 412.000 tỷ đồng, với tỷ lệ giữ lại 18% thì số tiền dc giữ lại là 412.000 x 18% = 74.160 tỷ đồng, với dân số 8.993.082 ng thì số tiền dc giữa lại chia bình quân đầu ng là 74.160.000 tr/8.993.082 ng = 8,25 tr/ng.
    2/ TĐ.HN:
    -Dự kiến thu NS năm 2019 là 264.710 tỷ đồng, với tỷ lệ giữ lại 35% thì số tiền dc giữ lại là 264.710 x 35% = 92.649
    tỷ đồng, với dân số 8.053.663 ng thì số tiền dc giữa lại chia bình quân đầu ng là 92.649.000 tr/8.053.663 ng = 11,50 tr/ng.
    3/ TP.HP:
    -Dự kiến thu NS năm 2019 là 89.618 tỷ đồng, với tỷ lệ giữ lại 78% thì số tiền dc giữ lại là 89.618 x 78% = 69.902
    tỷ đồng, với dân số 2.028.514 ng thì số tiền dc giữa lại chia bình quân đầu ng là 69.902.000 tr/2.028.514.ng = 34,46 tr/ng.
    Như vậy, nếu xem số tiền dc giữ lại chia bình quân đầu ng của TP.HCM là 1, thì số tiền dc giữ lại chia bình quân đầu ng của TP.HP gấp 34,46/8,25 = 4,18 lần TP.HCM. Và Ta phải “Mừng cho Hải Phòng”; “vừa quyết định “miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ mẫu giáo đến trung học” của thành phố” là rất đúng. Việc Hải Phòng làm rất hợp lòng dân.
    P/s:
    -01 ng dân TP.HCM đóng góp cho NS: 412.000.000/8.993.082 = 45,81 tr/ng.
    -01 ng dân TĐ.HN đóng góp cho NS: 264.710.000/8.053.663 = 32,87 tr/ng.
    -01 ng dân TP.HP đóng góp cho NS: 89.618.000/2.028.514 = 44,18 tr/ng.

  2. Đây là ý tưởng của TW đảng, không ai bị bỏ lại phía sau, ta níu thằng Nam Bộ xuống để cho Hà Nội niềm tin yêu và hy vọng nhờ đó mà trồi lên, ta cao hơn là do mi cúi xuống.

  3. Thực tế đã chứng minh ĐẢNG CS LUÔN LUÔN ĐI SAU
    Ai đó còn mong đảng thay đổi thì ” còn cái đuôi đi sau rốt”

  4. Miền Bắc đã hy sinh hàng triệu mạng người và phải nhịn đói bao nhiêu năm để giải phóng cho miền Nam, nay thì Miền Nam – cụ thể là Sài Gòn đã được giải phóng – thì nhân dân Sài Gòn phải đóng góp hết…mình để xây dựng miền Bắc – cụ thể là Hà Nội – là đúng rồi.

    Tôi đề nghị nhân dân miền Nam nên đóng góp thêm 10% nữa trong số 18%, và chỉ cần giữ lại 8% là đủ rồi, thế mới gọi là Đền ơn đáp nghĩa cho nhân dân miền Bắc đã có công Giải Phóng cho nhân dân Miền Nam.

  5. Khi thấy 1 điều vô lý, bất công – theo tôi hiểu lĩnh vực nào cũng vậy – nếu đấu tranh nhẹ nhàng không xong thì phải nâng mức độ dần sang mạnh mẽ, quyết liệt để công lý phải chiến thắng (chọn cách đấu tranh tối ưu cho 2 bên)! Tuy vậy hiện nói ra mức đóng góp „cao nhất“ thế giới của TP HCM chưa dễ thuyết phục, vì Việt Nam hiện nay cũng đội sổ nhiều lĩnh vực (phá thai cao, tự do báo chí …), nhưng vẫn chậm thay đổi, thì lĩnh vực này chỉ nói mức đóng góp khủng chưa dễ thay đổi tư duy người nắm quyền lực. Và người Việt hiện nay có dấu hiệu không tin lẫn nhau (vùng miền là 1 khía cạnh quan trọng – trước đây các cơ quan chi nhánh TP HCM ít hy vọng đi nước ngoài do cơ quan Trung ương ở Hà Nội giữ hết phần là 1 ví dụ cụ thể nhiều người biết). Theo tôi trong lĩnh vực này theo điều kiện Việt Nam hiện nay nên mời chuyên gia kinh tế giỏi quốc tế một mặt tư vấn, mặt khác có văn bản đánh giá cụ thể „việc đóng góp của TP Hồ Chí Minh có hợp lý“ khôngcho chính phủ (tương tự như vụ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất khi không còn tin lẫn nhau và cả trình độ của nhau) và thông báo minh bạch công khai trên đài, báo chí cho dân biết!

Comments are closed.