Trân Văn
2-12-2019
Chuyện 12 “nhà nghiên cứu” văn hóa – lịch sử soạn thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng, đề nghị không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở thành phố này vẫn còn rất… nóng vì càng ngày càng nhiều ý kiến, diễn biến mới!
Không chỉ có người sử dụng mạng xã hội chỉ ra những sai sót trầm trọng cả về kiến thức lẫn sự ngô nghê trong nhận định của 12 “nhà nghiên cứu” (Alexandre de Rhodes không dính dáng tới thực dân Pháp, tuy không sáng tạo chữ quốc ngữ – đó là sản phẩm và nỗ lực của nhiều nhà truyền giáo – nhưng không thể phủ nhận công lao của ông. Các giáo sĩ Công giáo chỉ nỗ lực truyền giáo, không dọn đường cho thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam (1). Tài liệu lưu trữ tại nhiều văn khố trên thế giới đã chỉ ra, nếu không có chữ quốc ngữ, Pháp sẽ sử dụng tiếng Hoa để cai trị Việt Nam qua những viên chức Trung Quốc (2)…), giờ, giới nghiên cứu cũng đã lên tiếng trên hệ thống truyền thông chính thức.
Cũng là Phó Giáo sư – Tiến sĩ (PGS TS) như nhiều cá nhân trong nhóm 12 người phản đối việc lấy tên Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở Đà Nẵng nhưng ông Hoàng Dũng, Giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng: Không thể tùy tiện lên án cổ nhân như 12 đồng nghiệp! Tuy phân tích của ông Dũng rất ngắn gọn, chừng mực nhưng vẫn đủ để độc giả nhận ra, các lý do mà những… PGS TS khác viện dẫn khi phản đối là do… ít đọc và… cạn nghĩ! Tiếng là “nhà nghiên cứu” nhưng họ không biết đã có những tài liệu bằng tiếng… Việt, từng chỉ ra sai sót trong chuyển ngữ, dẫn tới ngộ nhận về thiện ý và vai trò của các giáo sĩ truyền giáo tại Việt Nam (3).
Chẳng riêng ông Hoàng Dũng, nhiều trí thức khác cũng quan tâm đến văn hóa và lịch sử đã soạn – gửi kiến nghị phản bác quan điểm của 12 “nhà nghiên cứu”, đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng dùng Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này như một cách ghi công hai nhân vật để phát triển Việt ngữ – nâng cao dân trí (4). Đáng chú ý, đến giờ này, một trong 12 “nhà nghiên cứu” xem chữ quốc ngữ như “công cụ xâm lược” – PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế – cáo giác, ông bị PGS TS Lê Cung “mượn” tên, đưa vào thư ngỏ, bất kể ông đã từ chối, không muốn tham gia “kiến nghị” (5)!
Cuối tuần vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế, than với báo giới rằng bà bị… “khủng bố” bằng điện thoại khi tham gia “kiến nghị” không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở Đà Nẵng vì họ “không có công, chỉ có tội”. Theo bà Huyền, nhiều người trong nhóm “kiến nghị” cũng bị như vậy. Cuộc trao đổi giữa bà với phóng viên tờ Tuổi Trẻ cho thấy bà Huyền thực sự hoảng loạn vì bị “dư luận chửi bới dữ dội”. Lúc thì bà phân biện, bà “kiến nghị” với tư cách một công dân. Khi thì bà bảo bà góp tên trong “kiến nghị” bằng tư cách một… “nhà khoa học” (6)!
Đối chiếu điều bà Huyền than: Chưa bao giờ thấy việc nghiên cứu khoa học lại mệt mỏi và nguy hiểm đến thế – với những tâm sự khác của bà trong cuộc trao đổi vừa dẫn, rất dễ cảm thấy… mệt mỏi và ái ngại cho “nghiên cứu khoa học” ở Việt Nam. Khoa học xã hội – nhân văn Việt Nam rõ ràng đang gặp nguy hiểm khi có những cá nhân “nghiên cứu khoa học”, tham gia “kiến nghị” mà không rõ nội dung “kiến nghị”, lúc được “đề nghị” tham gia “kiến nghị” là sẵn sàng “góp” tên “nếu nội dung bản kiến nghị đó phản ánh đúng lịch sử, khách quan, có dẫn chứng đúng đắn, khoa học và không vì mục đích tôn giáo hay chính trị, trên tinh thần xây dựng” và khi bị chỉ trích kịch liệt thì “sẵn sàng thay đổi quan điểm”!
Tại sao chỉ một nhóm nhỏ những cá nhân “nghiên cứu khoa học” với kiến văn hạn hẹp, nhận định ngô nghê, thiển cận, bấp chấp đúng sai, trước sau, bất cẩn trong hành xử tư cách một người làm công việc “nghiên cứu”, thậm chí dám sử dụng cả những phương thức hết sức bá đạo trong việc tập hợp lực lượng, không ngần ngại bóp méo từ văn hóa, lịch sử đến chính trị để gây áp lực nhằm “đăng ký quan điểm, lập trường”, nhân tiện giương danh như thế, lại có thể tác động đến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của một thành phố như Đà Nẵng, khiến các hệ thống này thối chí, chùn chân trong việc vinh danh những nhân vật như Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes?
***
Tham gia thảo luận về scandal “chữ quốc ngữ – công cụ xâm lược” trên mạng xã hội, Tâm Chánh xem “kiến nghị” mà các “nhà nghiên cứu” gửi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Đà Nẵng là “kiểu nhận thức phản động, sặc mùi Maoist (những người theo chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao Trạch Đông)”. Chánh nêu thắc mắc: Liệu nền khoa học Việt Nam có khả năng giải quyết dứt dạc về công lao của các giáo sĩ trong việc hình thành chữ viết hiện đại cho người Việt để hậu sinh không xem nền khoa học của cha ông được vận hành bằng đấu tố chính trị, để các lý luận kiểu Maoist không có cơ hội ngóc đầu trỗi dậy làm mất thời gian và làm phiền dân tộc (7)?
Thật ra, tại Việt Nam, những “nghiên cứu khoa học”, những “đánh giá, nhận định”, những “kiến nghị” kiểu “chữ quốc ngữ – công cụ xâm lược” mà Tâm Chánh gọi là “trò ngáo phò chính thống” đã cũng như đang chi phối mọi mặt của xã hội. Chẳng phải hồi thượng tuần tháng này, một số thành viên của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật TP.HCM như Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn,… từng khuấy động dư luận khi vừa khẳng định về sự độc hại của văn học, nghệ thuật ở miền Nam Việt Nam giai đoạn trước tháng 4 năm 1975, vừa cảnh báo phải “tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được” đó sao (8)?
Theo Tâm Chánh, những cá nhân như Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn, Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân,… đã từng là một kiểu “nhân cách chính thống của hệ thống đào tạo con người mới”. Ở một xã hội mà mỗi góc sống đều được tưởng tượng như mặt trận thì “những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, văn nghệ,…” làm sao có được hạnh phúc nếu không đấu đá? Facebooker này khuyến cáo: Thời thế đã khác và người ta gọi đó là đổi mới. Hệ thống tuyên giáo của đảng nên vì… “an ninh tổ quốc”, xem những phát biểu kích động hận thù dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc như thế là đủ để giúp những cá nhân đó khởi động… “chặng đường mọt gông” (9).
***
Rõ ràng phản ứng của công chúng trên mạng xã hội, thậm chí của hệ thống truyền thông chính thức đối với những Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn, Thích Nhật Từ, Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân,… cho thấy, rõ ràng thời thế đã khác! Lúc này, “đăng ký lập trường, quan điểm”, lớn giọng “phò đảng, hộ đảng” không những không sinh lợi mà còn có thể tạo ra đại họa cho chính mình. Tuy nhiên, hi vọng hệ thống tuyên giáo của đảng nói riêng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung, tỉnh ra và vì… “an ninh tổ quốc” mà xử lý thẳng tay, răn đe, ngăn chặn những phần tử vô liêm sỉ, tiếp tục nịnh đảng theo kiểu gây thêm nguy hại cho đảng dường như là quá lạc quan.
Đâu phải tự nhiên mà mới đây, ông Nguyễn Đắc Xuân nghiêm giọng nhắc nhở công chúng, dù sao, nhóm của ông – những “nhà nghiên cứu” đòi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Đà Nẵng không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở thành phố này – cũng đã… “thành công”!
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/pr.phong/posts/2524977687623144
(2) https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/2795323760499408
(7) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2272135089559412
(9) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2276433022462952
Xin phép trao đổi một vài ý kiến nhỏ như sau:
-Bình luận, tranh luận, đánh giá,…01 vấn đề lịch sử ko dễ dàng chút nào, đòi hỏi ng viết phải có tấm lòng đam mê nghiên cứu sâu về lịch sử , diễn giải lịch sử với 01 tâm hồn trung thực, trong sáng, khách quan. Viết về lịch sử rất tránh cách viết bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ chủ quan cá nhân, chịu ảnh hưởng tư tưởng của những ng viết sử mà Ta gọi là loại “ngụy sử”, ảnh hưởng bởi thể chế đang sống hay ảnh hưởng bởi ý muốn, ý chí lãnh đạo…vv…&…vv…Viết về đề tài lịch sử, cần thu thập cơ sở tư liệu từ nhiều nguồn chính thống như tư liệu của triều đình VN, triều đình TQ, nhà nc Pháp; những trao đổi qua lại giữa triều đình VN, triều đình TQ, nhà nc Pháp với nhau trong khoảng thời gian trước, trong & sau khi xảy ra đề tài lịch sử Ta nghiên cứu, cũng như Ta kết hợp với nhiều nguồn tư liệu trong xã hội lúc đó có liên quan khác. Trên cơ sở các nguồn dữ liệu “chính thống” này; ng viết về đề tài lịch sử so sánh, đối chiếu, suy luận, phản biện,…rồi “thay lời muốn nói” cho những ng sống vào thời điểm lịch sử đó, để nói giùm cho họ với độc giả là họ đã “nghĩ gì, nói gì, làm gì” ở thời điểm lịch sử đó. Ko cho phép ng viết sử suy nghĩ rồi suy diễn chủ quan cá nhân viết sai với những gì ng đời trước đã “nghĩ gì, nói gì, làm gì” trong thời điểm lịch sử đó. Lịch sử là những sự việc đã qua rồi, ng đời sau viết lại câu chuyện của ng đời trước mà ko minh chứng đúng như ng đời trước đã “nghĩ gì, nói gì, làm gì” vào thời đó thì thật tội lỗi quá, thà đừng viết còn hơn, viết ko đúng là dám tự ý nhét chữ vào miệng ng quá cố thì có đáng dc coi là con ng ko?
Tôi chắc chắn rằng 12 con bò này treo cờ đỏ 24 giờ trên ngày 365 ngày trên năm. Thờ ảnh ông Hồ có bảo hành vĩnh viễn.
Nguyễn đắc xuân hơi vội đắc chí, hắn cần thỉnh nguyện hạ bệ tất cả con đường còn mang tên của hai tên đế quốc trên khắp nước đã. Công cán này mới thật to lớn và biết đâu những con đường này sẽ được thay thế bằng tên của nguyễn đắc chí và trần xà ẩn !
Không phải “ngô nghê thiển cận…” gì đâu tác giả TV.ơi !
Chủ trương nhất qúan cua đảng CsVN.giao cho bộ hạ thi hành cả đấy !
Cực đoan,hung hăng là thuộc tính của cái gọi là bạo lực cách mạng đã
sinh sản ra những quái thai thời đại hay những con robot như thế.
Đó cũng là một cách tuyên truyền cho quan điểm bạo lực… cắt mạng !
Nguyễn Đắc Xuân tự nhận nhóm của ông đã “thành công” trong việc ngăn cản vụ đặt tên đường? Tôi thấy dường như nhóm ông Xuân đang phải tháo lui vào… “chiến khu”. Thậm chí đây là cuộc tháo lui của cả một lề thói suy nghĩ dựa trên thù hận, phản nhân văn, và ngày càng trở nên không thể chấp nhận được. Sẽ không đáng ngạc nhiên, thậm chí có thể sẽ không có một tiếng vang nào, khi một thành phố của Việt Nam — không nhất thiết là Đà Nẵng — vào một ngày không xa đặt tên đường theo một trong hai vị giáo sĩ, hoặc cả hai.