Hiếu Bá Linh
5-8-2017
Tờ thoibao.de là tờ báo đầu tiên trên thế giới báo động Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Berlin và bị áp tải về Việt Nam, sau đó nhật báo TAZ là tờ báo tiếng Đức “nổ phát súng” đầu tiên đánh động dư luận Đức. Từ đó hầu như tất cả báo chí & hãng thông tấn Đức và quốc tế vào cuộc. Vụ bắt cóc này đã gây ra cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt – Đức.
Hôm nay thứ Bảy 05/08/2017 trong nhật báo TAZ có đăng một bài viết với tựa đề „Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh“.
Trong bài viết này có những thông tin mới được tiết lộ sau một thời gian giữ kín để cuộc điều tra của cảnh sát Đức không bị cản trở và nhất là tránh cho phía Việt Nam biết được phía Đức đã „nắm trong tay“ những gì và khi nào (vào thời điểm nào). Sau đây là tóm lược những tiết lộ mới (tổng hợp với những tin tức của báo chí khác):
Chọn lựa sai thời điểm thực hiện vụ bắt cóc?
Kế hoạch bắt cóc được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng có lẽ ban chuyên án không nắm được thông tin là sáng sớm ngày thứ Hai 24/07/2017 Trịnh Xuân Thanh có lịch hẹn quan trọng tại cơ quan cứu xét tỵ nạn BAMF ở Berlin, cho nên đã chọn thời điểm sai lầm là Chủ nhật 23/07/2017 thực hiện vụ bắt cóc.
Luật sư và thông dịch viên chờ đợi mãi, không thấy Trịnh Xuân Thanh đến, đây là buổi thẩm vấn rất quan trọng trong thủ tục cứu xét công nhận tỵ nạn. Điện thoại của Trịnh Xuân Thanh bị tắt, không liên lạc được. Ông Victor Pfaff luật sư của Trịnh Xuân Thanh lập tức báo động với bộ phận an ninh của BAMF. Còn bà luật sư Petra Schlagenhauf thì gọi điện thoại báo động cho sở cảnh sát hình sự Berlin (LKA). Đầu tiên LKA nói bà hãy liên lạc với cơ quan an ninh quốc gia (Staatsschutz). Bà liền gửi một email báo động lúc 10 giờ 50. Ba tiếng đồng hồ sau một nhân viên của cơ quan an ninh quốc gia (Staatsschutz) gọi điện thoại trả lời cho biết là còn quá ít cơ sở để có thể vào cuộc. Có thể ông Thanh có dính líu gì đó với xã hội đen, nhân viên này nói. Ông khuyên các luật sư ra cảnh sát làm thủ tục cớ báo người bị mất tích.
Mọi nỗ lực tưởng chừng như vô vọng. Trong thời điểm đó các luật sư không biết rằng, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mới xảy ra 1 ngày trước đó, có những nhân chứng đã quan sát thấy và gọi điện thoại cho cảnh sát. Nhưng một ngày sau đó thứ Ba 25/07/2017 cảnh sát thông báo cho bà luật sư: Hầu như không còn nghi ngờ gì về việc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một người Việt giữa thủ đô Berlin.
Máy điện thoại của Trịnh Xuân Thanh bị đánh rơi ở hiện trường?
Vụ bắt cóc xảy ra khoảng sau 10 giờ sáng tại công viên Tiergarten, gần khách sạn Sheraton Berlin nơi Trịnh Xuân Thanh thuê ở qua đêm, Trịnh Xuân Thanh đang đi dạo cùng một phụ nữ Việt Nam thì bị một nhóm người dùng vũ khí cưỡng bức đẩy cả 2 lên một chiếc ô tô mang biển số Cộng hòa Séc và phóng đi mất dạng. Khi được những nhân chứng báo động, cảnh sát lập tức tới nơi thì chỉ tìm thấy tại hiện trường máy điện thoại cầm tay của Trịnh Xuân Thanh.
Hành trình đến Đức
Trịnh Xuân Thanh cùng vợ và 2 đứa con trốn khỏi Việt Nam bằng một hành trình khá vất vả qua ngả Lào, Thái Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ (gọi là đường “tiểu ngạch”). Sau đó ông Thanh sang Đức bằng hộ chiếu ngoại giao, vì từng là đại biểu Quốc hội. Ông và vợ đã xin giấy phép lưu trú tại Đức, nhưng chỉ vợ ông được cấp, còn ông thì không, vì ông đang bị Hà Nội truy nã. Sau đó ông Thanh đệ đơn xin tị nạn tại đây. Vợ ông Thanh hiện vẫn cư ngụ ở Berlin.