Người Việt ở Đức “rất sốc” về vụ Trịnh Xuân Thanh

BBC

4-8-2017

Tấm biển trên cổng Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Ảnh chụp màn hình.

Cộng đồng người Việt ở Đức đang “rất hoang mang” và “tranh luận mạnh mẽ” vì chuỗi sự kiện liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, theo một nhà báo người Việt sinh sống và làm việc nhiều năm tại Đức.

“Có thể nói chưa bao giờ cộng đồng người Việt ở Đức lại trải qua một cơn sốc lớn như thế này,” nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin nói với BBC.

Những hình ảnh tốt đẹp của người Việt tại Đức dường như “đổ bể” sau khi truyền thông Đức đưa tin rộng rãi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ông Hùng chia sẻ.

Vụ việc gây tranh luận lớn trong cộng đồng người Việt với rất nhiều ý kiến trái chiều.

“Chưa bao giờ trong cộng đồng lại có cuộc tranh luận mà ai cũng bộc lộ ra những suy nghĩ, tâm can của mình ra một cách công khai như vậy.”

“Người bênh Việt Nam, người bênh phía Đức. Bên thì tranh luận bằng lý trí nhưng cũng nhiều bên bực dọc một cách lộ liễu.”

Ông Hùng nhận xét cuộc tranh luận này cũng có mặt tích cực.

“Bây giờ người ta mới giật mình và để ý thấy tất cả những điều tạm gọi là chính trị đều có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mình, cho nên không ai có thể làm ngơ và cho rằng việc này chả có liên quan gì đến tôi cả.”

‘Làm hỏng hình ảnh người Việt thân thiện’

Chia sẻ với BBC về tâm lý của cộng đồng người Việt những ngày này, ông Lê Mạnh Hùng nói:

“Cộng đồng người Việt ở đây vào những năm 1990 dưới con mắt của Đức và xã hội Đức thì có rất nhiều tai tiếng. Từ đó đến nay, trải qua 15 năm với bao nỗ lực của người Việt, hình ảnh người Việt Nam ở đây đã được cải thiện rất nhiều. Người ta nhìn mình thân thiện hơn.”

“Tất cả những cái đó bây giờ dường như là đổ bể. Tâm trạng mọi người rất hoang mang, rất nản. Chúng tôi và nhiều đồng hương ở đây bây giờ tiếp xúc với đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng, dù tế nhị thôi, nhưng người ta nhìn mình với con mắt rất ngờ vực.”

“Những cụm từ mà nhiều năm gần đây được nghe thấy như người Việt chăm chỉ, người Việt thành công, con cái thành đạt v.v… dường như bây giờ bị lấn át bởi những cụm từ mà truyền thông [Đức] đưa suốt mấy ngày hôm nay. Nào là tội phạm, lẩn trốn, rồi trục xuất và nhiều thứ khác nữa. Cái đó khiến cho bà con ở đây rất hoang mang.”

Quan chức Đại sứ quán VN phải rời Đức

Nhà báo Lê Mạnh Hùng nói với BBC rằng theo một số nguồn tin của ông thì nhân viên ngoại giao bị phía Đức coi là persona non grata và bị yêu cầu rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ “là ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện của Cục tình báo Việt Nam”.

Ông Hùng tin rằng người này không có cách nào khác ngoài việc phải chấp hành yêu cầu của Đức.

“Nếu không, quyền miễn trừ ngoại giao của ông Thoa sẽ mất và thậm chí ông ấy sẽ bị bắt và trục xuất, do sự hiện diện của ông tại Đức bị coi là bất hợp pháp,” ông Hùng nói.

Đây là sự kiện gây hoang mang lớn trong cộng đồng người Việt, ông Hùng nhận xét.

“Trong suy nghĩ của không ít người Việt ở đây, những cán bộ này lẽ ra có thêm trọng trách là bảo vệ an ninh cho cuộc sống của người Việt ở đây nhưng bản thân ông ấy cũng bị Đức mời ra khỏi Đức. Cho nên người ta cũng đặt ra câu hỏi liệu cuộc sống ở đây có bảo đảm an toàn hay không.”

Trả lời BBC về ảnh hưởng của việc này đối với việc làm thủ tục giấy tờ qua lại giữa Việt Nam và Đức, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng sắp tới người Việt “sẽ gặp khó khăn không ít”.

“Rõ ràng là người ta cũng cảnh giác hơn và mọi thủ tục phía Đức đặt ra cũng sẽ khắt khe hơn. Khi người ta có thiện cảm với mình thì mọi thứ nó sẽ khác. Nhưng bây giờ nếu người ta cảm thấy phải cảnh giác phải thắt chặt mọi thứ lại thì những gì trong phạm vi luật định người ta sẽ làm rất chặt chẽ,” ông Hùng nói.

“Bà con ở đây vẫn còn đang trong cơn sốc và chưa định đoán được hậu quả của sự vụ này sẽ đi đến đâu. Tất cả còn đang hồi hộp chờ xem cái gì sẽ xảy ra tiếp theo đây.”

Áp lực trước kỳ bầu cử Đức

Một mối nguy cơ tiềm tàng liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh là áp lực phải thực thi tốt nhiệm vụ của các cơ quan an ninh, cảnh sát Đức trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, theo nhà báo Lê Mạnh Hùng.

“Các chính trị gia của Đức bây giờ đang chịu áp lực rất lớn của báo chí truyền thông và các đảng phái đối lập.”

“Nếu chính phủ không chứng minh được là các cơ quan công quyền, các cơ quan an ninh, cảnh sát đã làm tròn nhiệm vụ của mình thì điều đó đồng nghĩa với việc không đảm bảo được cuộc sống ở Đức như người ta tưởng tượng. Điều đó có tác động rất lớn tới chính trường của Đức và đặc biệt là với cuộc bầu cử tới đây.”

Người Việt được tỵ nạn chính trị ở Đức ‘có tỷ lệ rất thấp’

Đánh giá về tin ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tỵ nạn tại Đức, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng tỷ lệ người Việt được Đức chấp nhận trao quy chế tỵ nạn chính trị kể từ 1990 trở lại đây là “rất thấp so với [người từ] các quốc gia khác”.

Ông nói lý do của việc này là vì phía Đức cho rằng Việt Nam “không phải là nước quá bị đe dọa”.

Ông cũng cho biết đơn xin tỵ nạn được xét kỹ theo từng trường hợp cụ thể và thủ tục thường kéo rất dài.

“Chỉ có điều chắc chắn nếu ai vào Đức mà đã nộp đơn xin tỵ nạn thì đơn đó phải được cứu xét, và trong thời gian đơn đó được cứu xét thì người đó được tạm dung trên nước Đức và cũng được bảo vệ giống như mọi công dân khác sống ở đây.”

Bình Luận từ Facebook