Tin trong nước
Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Đang xác minh 2 tàu cá bị tấn công ở Biển Đông. Báo này cho biết, tàu cá Bình Định mang số hiệu 96101TS bị đâm vào mạn phải, lúc 10h30 ngày 30/7, gần đảo Cù Lao Xanh (Bình Định). Ba tiếng sau đó, tàu cá KH 95858TS của Khánh Hòa bị bắn vỡ cabin, hư máy chính, gần Nam Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Không rõ thủ phạm là tàu nước nào.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Hiện nay các cơ quan chức năng đang làm rõ những thông tin liên quan. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại rằng Việt Nam phản đối mạnh mẽ các hành vi vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân của Việt Nam”.
Báo NNVN đưa tin: Việt Nam lên tiếng về thông tin Trung Quốc dọa tấn công ở Biển Đông. Báo Zing có bài: Thăm dò dầu khí ở Biển Đông là hoạt động bình thường. “Khi phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao xác nhận một số thông tin nói rằng Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam nếu Việt Nam tiến hành thăm dò tại lô số 136-03, người phát ngôn khẳng định: ‘Tất cả hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam được tiến hành trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam‘…” Trả lời như thế này thì có đe dọa rồi!
Và do có đe dọa, nên Repsol tạm ngừng khoan dầu ở VN? Ông Miguel Martinez, Giám đốc tài chính của Repsol, nói rằng hoạt động khai thác dầu ở Việt Nam đã tạm ngừng. Mời đọc thêm: Repsol xác nhận đã ngừng thăm dò dầu khí tại Biển Đông (RFI). – Repsol nói đã ngừng khoan dầu cho Việt Nam trên biển Đông (VOA). – Hoạt động dầu khí của Việt Nam ở biển Đông tuân thủ luật quốc tế (TP).
Tin thêm về Biển Đông: Tập đoàn dầu khí Philippines nóng lòng tái tục thăm dò Biển Đông (VOA). – Chuẩn bị cho COC, các bộ trưởng Đông Nam Á tránh đề cập đến tranh chấp Biển Đông (RFA). – Quyền lực ngầm của Trung Quốc về Biển Đông tại ASEAN (ĐKN).
Sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh ra “đầu thú”
Một buổi họp báo của Bộ Ngoại giao VN, được nhiều người mong đợi, trong đó có cả phía chính quyền, chiều 3/8, trả lời báo Tuổi Trẻ: “Đề nghị Người phát ngôn cho biết thông tin và phản ứng về vụ việc… được cho là bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức”, người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng cho biết, “tôi lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2-8“.
Trả lời các hãng tin nước ngoài như AFP, DPA…, bà Lê Thị Thu Hằng cũng dẫn nguồn tin từ Bộ Công an, mà bà không có nguồn tin nào từ Bộ Ngoại giao dù bà là người phát ngôn của bộ này: “Theo thông báo ngày 31-7 của Bộ Công an Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra“.
Mời xem clip họp báo chiều qua:
[TRỰC TIẾP] HỌP BÁO BỘ NGOẠI GIAO: VIỆT NAM LẤY LÀM TIẾC TRƯỚC PHÁT NGÔN CỦA ĐỨC VỀ TRỊNH XUÂN THANH"Tôi lấy làm tiếc về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời khi được hỏi về việc Đức yêu cầu một viên chức của Đại sứ quán Việt Nam tại nước này về nước, liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao hôm nay đông bất thường với nhiều câu hỏi tập trung vào trường hợp ông Thanh.Về Trịnh Xuân Thanh, được cho là đang xin tị nạn ở Đức và Đức tố "cơ quan tình báo Việt Nam bắt cóc ông đưa khỏi nước này", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết theo thông báo từ Bộ Công an Việt Nam ngày 31/7, ông Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra đầu thú. Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra vụ việc."Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức", bà nói.
Publié par VTC1 – Tin Tức sur jeudi 3 août 2017
Đúng như dự đoán của nhiều người, ngay sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh lên truyền hình nói về quyết định “đầu thú”:
Mặc dù ông Thanh đã thú nhận chuyện về VN “đầu thú”, nhưng bà Petra Schlagenhauf, luật sư của ông Thanh ở Đức, nói rằng, thân chủ của bà từng “lo sợ cho tính mạng” và “không có chuyện ông ‘đầu thú’.”
Trước đó, Bộ Ngoại giao Đức lên tiếng về vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin. Và cho dù phía VN tiếc việc Đức cáo buộc Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhưng phía Đức vẫn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh ‘trở về Đức’. Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh với BBC: “Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý”.
Bàn tròn BBC với chủ đề: “Ông Trịnh Xuân Thanh ‘đầu thú’: khác biệt Việt – Đức và sự thực?” Thành phần tham gia bình luận gồm, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn, PGS. TS. Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Luật sư Lê Quốc Quân từ Hà Nội, cùng nhà báo Lê Trung Khoa từ Berlin, CHLB Đức. Mời độc giả xem clip:
Trên Facebook, ông Lê Trung Khoa cho biết, Thủ tướng Merkel đã mời Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tới “nói những câu chuyện không vui“. Còn ĐSQ Đức ở Hà Nội hôm nay đã đóng cửa bộ phận lãnh sự và phòng pháp lý với lý do “sự cố kỹ thuật“, tức là tạm ngừng cấp Visa cho người Việt sang Đức.
Đài truyền hình ZDF của Đức, đưa tin: Trịnh Xuân Thanh nằm trên cáng cứu thương bay về Việt Nam bằng chuyến bay chở bệnh nhân. Bản tin cho biết: “Ông Thanh hoàn toàn không có ý định đầu thú vì Việt Nam không phải là một nước có luật pháp công minh, rõ ràng. Thanh chỉ là nạn nhân của một cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực. Theo một nguồn tin cho biết, Thanh được đưa qua một nước Đông Âu cũ và đưa lên một chiếc phi cơ được ngụy trang như là chuyên chở bệnh nhân bay về Việt Nam“.
Nhà báo Nguyễn Huy Toàn (truyền hình CAND), nêu quan điểm khác về sự kiện bắt ông Trịnh Xuân Thanh: Trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội – Bài toán tất yếu để giải quyết khủng hoảng niềm tin. Ông Toàn nói rằng: “Thực ra ‘bắt cóc’ hay ‘đầu thú’ không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng“.
LS Trần Đình Triển viết trên Facebook: Mấy ý kiến về bắt Trịnh Xuân Thanh. Ông Triển nói, phản ứng của chính phủ Đức là sai. Luật sư Triển viết: “Nếu tổ chức nào, cá nhân nào phản ứng, ra điều kiện,…về vụ việc này thì chính là đang can thiệp vào công việc nội bộ của VN; đi ngược và chống lại cam kết Quốc tế về đấu tranh và phòng chống rửa tiền“.
Nhà báo Huy Đức có bài: Tham nhũng & Thế giới văn minh. “Tôi ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng và mong muốn những kẻ bỏ trốn như TXT phải bị bắt… Việc để xảy ra sự phản ứng của Đức là đáng tiếc khi lần đầu tiên đảng CSVN thực sự có truy đuổi những tên tham nhũng“.
Facebooker Phùng Anh Kiệt có bài phản biện: Huy Đức đã lầm… Ông Kiệt viết: “Ở phương diện công pháp quốc tế, tôi lên án hành vi tình báo làm với Trịnh Xuân Thanh, bất cứ vì lý do gì, hành động đó thô bỉ và khốn nạn, không kém gì đám tình báo Pháp đã bắt bớ người yêu nước Việt Nam năm xưa. Dù, Thanh chẳng phải là kẻ yêu nước, hắn chẳng tốt và chẳng xấu; nhưng hắn cần được cư xử đúng với những gì chúng ta tin là công lý“.
TS Nguyễn Quang A phản bác lại ý kiến của LS Trần Đình Triển và nhà báo Huy Đức: Hãy phân biệt rạch ròi giữa hai bọn khốn nạn. “Vì mục đích chống tham nhũng (được Đức và nhiều nước khác ủng hộ) để biện minh cho phương tiện bắt cóc là kiểu tư duy không đúng và nên tránh. Đức phẫn nộ với chính phủ Việt Nam không phải vì Đức không ghét THAM NHŨNG (rất ghét là khác) hay Đức ưu ái gì TXT mà bởi vì người ta tư duy rạch ròi, phân biệt hai thứ chứ không lẫn lộn như bạn osin và Ls. Triển“.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài: Công an VN là Mossad trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh? Bài viết so sánh vụ Việt Nam “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh với vụ Hoa Kỳ cho quân vào Pakistan để giết Bin Laden, hay các vụ Mossad xâm nhập vào các quốc gia khác bắt cóc những tay Đức quốc xã cũ. Ông cho đó là sự so sánh “khập khểnh“. Ông Tuấn viết thêm, “vấn đề là ông Trọng phải chịu trách nhiệm tất cả những đổ vỡ chính trị ngoại giao giữa VN và Đức. Trách nhiệm về tiếng tăm (vốn đã bất hảo) VN là một quốc gia côn đồ.”
Tác giả Thạch Đạt Lang có bài phân tích: Tại sao báo chí, truyền thông Đức loan tin quá chậm? Tác giả nêu giả thuyết: “Tình báo của cộng sản VN, với sự cộng tác của tòa đại sứ của Hà Nội ở Berlin, cùng một số ít mafioso VN còn tồn tại từ thập niên 90 đã bắt cóc được Thanh một cách êm thắm. An ninh và tình báo Đức hoàn toàn không hề hay biết…”
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn có bài nhận định về câu hỏi: Ông Trọng thắng hay thua vụ Trịnh Xuân Thanh? Theo ông Tuấn, ngoài những thiệt hại về kinh tế với Liên minh Châu Âu mà Đức đang là đầu tàu, thì đòn trừng phạt nguy hiểm hơn cho Việt Nam là vấn đề Biển Đông.
Bởi vì “mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh Châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình …”
Bài của TS Phạm Chí Dũng trên blog VOA: ‘Khủng hoảng bắt cóc’ phát sinh hậu quả gì? Tác giả Đinh Bá Anh thì cho rằng, Mùa đông đang tới với ngoại giao VN – EU. Theo ông Anh, mặc dù phía Đức đã có phản ứng rất cứng rắn, nhưng những nhân vật bảo thủ của VN trong vụ việc này “chắc chắn sẽ không giao Trịnh Xuân Thanh“.
Ý kiến của một nhà giáo, Facebooker Nguyễn Thị Oanh: “Nếu đúng là bị ‘bắt cóc’ thì cũng chẳng có gì ảnh hưởng đến hoà bình thế giới! … Nếu không phải bị bắt cóc mà là ‘tự nguyện đầu thú’ thì cũng tốt thôi!… Các diễn biến ‘hậu TXT’ mới thể hiện rõ động cơ của quyết tâm truy bắt con cá mập này là thực sự vì dân vì nước hay chỉ là diễn biến tiếp theo của màn đấu đá đầy kịch tính như bọn ‘thối mồm’ đồn đoán“.
TS Nguyễn Quang có bài viết xâu chuỗi các sự việc về Trịnh Xuân Thanh: Ông A nghĩ rằng, có lẽ Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng BCA nói thật khi ông Lâm chưa biết gì về chuyện Trịnh Xuân Thanh đầu thú: “Ngày 6/12/2016 Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ‘phải bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh’. Ông Trọng là bí thư quân ủy TW, và có lẽ ông đã lệnh cho Tổng cục II làm việc này. Đức đuổi một tình báo viên VN có lẽ thuộc TC2“.
Từ sự kiện Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, truyền thông Đức nhìn về Việt Nam bằng ánh mắt khác. Tư liệu trong clip này của hãng tin Đức ZDFheute thực hiện, báo Tiếng Dân lược dịch:
Tác giả Kông Kông có bài: Chủ trương bắt cóc để được gì? Tác giả nêu quan điểm: “Về chính trị thì coi như chế độ của đảng ông đang cai trị là chế độ chủ trương bắt cóc. Về kinh tế thì cả thế giới có thể sẽ xét lại việc có nên tiếp tục làm ăn với một nước đã chủ trương bắt cóc hay không… Về xã hội thì nhiều người có ý nghĩ, với tầm vóc ảnh hưởng quốc tế đảng còn coi thường huống gì với cá nhân họ, người đang sống trong nước“.
Mời độc giả giải trí với đoạn phim: “Hitler phẫn nộ khi biết Trịnh Xuân Thanh bị bắt“
Trong khi đó, báo trong nước bắt đầu chiến dịch truy vấn và kêu gọi: Cần xử lý nghiêm việc bổ nhiệm ‘thần tốc’ Trịnh Xuân Thanh. Chắc là muốn nhắm tới ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương, vì ngoài ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Huy Hoàng còn bổ nhiệm sai 96 trường hợp.
Mời đọc thêm tin về Trịnh Xuân Thanh trên báo “địch”: Việt Nam tung bằng chứng Trịnh Xuân Thanh đầu thú (VOA). – Trịnh Xuân Thanh xuất hiện và ‘thú tội’ trên truyền hình nhà nước CSVN (NV). – Mạng xã hội nóng vì Trịnh Xuân Thanh ‘lên VTV’ (BBC). – Vụ Trịnh Xuân Thanh: ‘Cơ quan tố tụng có đi đến tận cùng sự thật?’ (BBC). – Vụ Trịnh Xuân Thanh: Cộng sản xuất khẩu côn đồ, dân chủ cuội xuất khẩu tư duy cừu sang Đức (TD). – ‘Đầu thú’ có thể giúp giảm nhẹ hình phạt? (BBC). – Truyền thông quốc tế nói gì về vụ Trịnh Xuân Thanh? (VOA).
Báo đảng và nhà nước: Trịnh Xuân Thanh: ‘Tôi đã xin tự thú’ (VNE). – Thứ trưởng Nội vụ nói về thông tin hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh thất lạc (VNN). – Trịnh Xuân Thanh: Tôi về đầu thú để đối diện với sự thật (Zing). – VN phản ứng phát ngôn của Đức về Trịnh Xuân Thanh (Zing).
“Đả hổ, diệt ruồi”
Việt Nam: Hổ nào không khát máu, ruồi nào không uế tạp? (NV). “Khi sự ngao ngán đã tới đỉnh, vỗ tay hoan hô ‘đả hổ, diệt ruồi’ cũng dễ làm người quên truy nguyên cơ chế tạo ra hổ và ruồi ở Việt Nam. Quên yếu tố cốt lõi là phải loại bỏ toàn bộ cơ chế đó, dọn dẹp sạch sẽ cả hổ lẫn ruồi”.
Còn đây là tin về “con hổ” Trầm Bê: Đặng Văn Thành-Trầm Bê: Người thua cuộc tỷ USD, kẻ thắng cờ xộ khám (VNN). – Trầm Bê chấn động: Phi vụ con trai bị bắt cóc, mất sừng tê giác tiền tỷ (VNN). – Đại gia Trầm Bê và boong-ke bị vỡ (TP). – Ngân hàng Nhà nước: Việc ông Trầm Bê bị bắt, các cơ quan pháp luật sẽ cung cấp thông tin (CafeF). – Trầm Bê và các phi vụ cho vay sai phạm (TN). – 43.000 tỷ đồng ông Trầm Bê nợ Sacombank: “Cơ quan pháp luật sẽ có thông tin” (DT). – Ông Dương Công Minh hé lộ số tiền “khủng” Trầm Bê nợ Sacombank (LĐ).
Chuyện một con “hổ” lớn ở Trung Quốc: Tỉ phú Trung Quốc xin tị nạn ở Mỹ. Ông Guo Wengui, một tỉ phú TQ, là người có thẻ hội viên ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Tổng Thống Trump, đã hồ sơ nộp với tòa án Mỹ xin tịn nạn, nói rằng “ông sẽ bị truy bức và trừng phạt nặng nề nếu trở về Trung Quốc“.
Lửa đã cháy lan sang Chính phủ…
Sau khi Tổng bí thư nhóm lò, thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hô hào “anh nào chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình thì hãy nhóm lên”.
Báo “địch”: Lãnh đạo chóp bu Việt Nam đột nhiên mê lửa và thích đốt. “Ðó cũng là lý do khiến người ta cảm thấy tình hình Việt Nam đang nóng hừng hực vì ‘lò’, vì ‘lửa’ rồi ‘nhóm’, ‘cháy’ tràn ngập trên mặt báo, các trang web, sóng truyền hình…” Nhưng “chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ chỉ là chọn ‘củi’, chỉ những viên chức không may bị xác định là ‘củi’ mới bị thảy vào ‘lò’.”
Đảng dám công khai?
Báo Tin Tức dẫn báo cáo tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng: “Những vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được xử lý nghiêm và công khai đã tạo niềm tin cho nhân dân vào sự trong sạch và hoạt động ngày càng hiệu quả của bộ máy nhà nước trong xây dựng và phát triển đất nước”.
Không biết công khai, minh bạch thế nào mà những vụ việc tày đình này đến nay vẫn chưa được xử lý. Nhà báo Bạch Hoàn cho biết, nhiều nhân vật chẳng có tài cán gì, chỉ làm thư ký cho ông Vũ Huy Hoàng, mà con đường hoạn lộ thênh thang, như Vũ Văn Cường, Bùi Huy Sơn, Trương Thanh Hoài, Võ Thanh Hà… Bà Bạch Hoàn nói rằng, ông Vũ Huy Hoàng cùng vợ đã lập ra một “ekip thao túng quyền lực” để cất nhắc tay chân vào những vị trí béo bở trong các cơ quan, công ty.
Vụ nhận chìm chất thải xuống biển Vĩnh Tân
Báo Pháp luật TP có bài viết nêu mối lo ngại của người dân Vĩnh Tân đối với quyết định cho phép nhận chìm chất thải ở đây. Và bây giờ người dân chỉ còn biết trông chờ vào quyết định “sáng suốt” của Chính phủ.
TS Nguyễn Tác An có bài viết trên báo Pháp luật TP, nêu ba lý do cốt lõi của việc nhận chìm chất thải: Thứ nhất là vì nó quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Thứ hai, phải tiếp tục làm rõ rất việc cho nhận chìm gần cả triệu m3 bùn, cát xuống biển, như việc đã hỏi ý kiến người dân trong vùng đó chưa? Thứ ba, không được mạo hiểm để đến khi xảy ra sự cố rồi mới cho dừng lại.
Dự án lấn sông Đồng Nai
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hôm 3-8, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) xác nhận đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành và tỉnh Đồng Nai, kiến nghị dừng Dự án lấn sông Đồng Nai, do có nhiều hệ lụy nếu thực hiện dự án này.
Ngành đường sắt và sự lựa chọn sống còn
Đúng là “năm cha ba mẹ” khi tại Hà Nội, có 3 tuyến đường lại sử dụng 3 công nghệ khác nhau. Đó là Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc, đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội lại sử dụng công nghệ của Pháp, còn tuyến đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi thì dự kiến sử dụng công nghệ của Nhật Bản!
Phản biện lại ý kiến cho rằng, công nghệ của Nhật bản đắt hơn của Trung Quốc, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng: “Thà chấp nhận mất tiền một lần, chứ không thể để tiếp tục mắc sai lầm cho chiến lược phát triển thiếu đồng bộ như trước đó“.
Ông Tống khẳng định, “Khi những nghi vấn đưa hối lộ, phong bì lót tay, nguy cơ tham nhũng rất lớn tại những dự án do nhà đầu tư Trung Quốc vẫn là mối lo của xã hội thì việc lựa chọn Nhật Bản sẽ an toàn hơn cả về kinh tế và chính trị“.
Tuy nhiên, cần loại bỏ tư duy ỷ lại vốn vay ODA. Theo RFA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng “để tự lực tự cường nên nhắm vào ngoại thương hơn ngoại viện”.
Cũng không quên rằng, nguyên nhân sâu xa kìm hãm sự phát triển của ngành đường sắt suốt hàng trăm năm qua, không hẳn là vấn đề cải tiến công tác quản lý, mà là vấn đề con người. Ngành đường sắt muốn phát triển, trước hết cần phải thay máu toàn bộ những tuy duy cũ kỹ, lạc hậu đã bám rễ trong ngành này.
Sau “bão”, Yên Bái dính lũ
Tin từ VietNamNet, trong đợt mưa lũ vừa qua, tại tỉnh Yên Bái có 2 người chết, 13 người mất tích, 9 người bị thương. Có 32 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 18 nhà bị sạt lở đất. Còn tại hai tỉnh Lai Châu, và Sơn La, mưa lũ đã làm 5 người chết, 12 người mất tích và 3 người bị thương.
Như vậy là sau con “bão” mang tên gia đình ông Phạm Sỹ Quý, GĐ Sở KHĐT Yên Bái, nay người dân nơi đây lại phải chịu đựng một cơn lũ khác, mà theo lời bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh này là “chưa bao giờ có lũ gây hậu quả khủng khiếp như vậy“.
Q1 – Sài Gòn: Một phó Chủ tịch phường mất tích
Theo báo Ngày Nay, ông Nguyễn Chí Việt, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị của UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Sài Gòn, đã mất liên lạc từ 10 ngày nay.
Khi được hỏi có phải do “nợ nần” nên ông ta bỏ trốn hay không, một ông quan thuộc quận ủy quận 1 cho biết: “Có nghe đồn”.
Hà Nội dẹp bớt loa phường!
Chủ tịch TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vừa quyết định cho phép Hà Nội dừng phát loa phường tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Hệ thống loa phường tại đây “chỉ phát khi có thông báo khẩn cấp hoặc theo yêu cầu của TƯ và TP”.
Trước đó, mặc dù là Chủ tịch TP, nhưng ông Nguyễn Đức Chung vẫn phải thúc giục các bộ phận liên quan sớm có quyết định chấm dứt số phận của hệ thống loa phường vì mỗi năm nó làm tiêu tốn của mỗi phường hàng trăm triệu đồng.
Khái niệm mới: “Hơi sai”
Liên quan đến vụ UBND phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM bẻ khóa cổng vào bắt 9 con gà Đông Tảo của anh Đào Tuấn Anh ngụ đường Phan Huy Ích, ông Lâm Việt Thảo, Chủ tịch UBND phường khẳng định: việc đoàn kiểm tra tới bẻ khóa cổng là “hơi sai”, còn việc bắt gà thì “không sai”.
Việc ông Tuấn Anh nói phường không xin lỗi thì sẽ khởi kiện, ông Lâm Việt Thảo cho biết: “Đây là quyền của công dân thì ủy ban chúng tôi sẽ kiểm tra xử lý, tùy theo mức độ và chỉ đạo của cấp trên chứ không phải phường muốn làm gì thì làm”.
Mời xem lại clip mấy ông quan con bẻ khóa, xông vào nhà dân bắt gà:
Cán bộ phường bẻ khóa xông vào nhà dân bắt 9 con gà Đông Tảo
Publié par Võ Văn Vinh sur jeudi 3 août 2017
Tin quốc tế
Chính trường Mỹ: loạn!
Bài điểm báo của RFI: Mỹ: Không khí rối loạn tại Nhà Trắng. Hơn 6 tháng Trump dọn vào Nhà Trắng, đã có 9 nhân vật cao cấp bị cách chức, hoặc bị buộc phải từ chức. Theo Le Monde, “xu hướng của Donald Trump đứng trên luật pháp có khả năng sẽ gây ra một khủng hoảng chính trị sâu sắc, có nguy cơ gây tổn hại cho các định chế của nền dân chủ Mỹ“.
Tờ báo này lưu ý đến tình trạng “một bộ phận của nền hành chính bị tê liệt, do không có người đứng đầu. Trong số 575 chức vụ cao cấp, Nhà Trắng chỉ mới đề cử 218, mà đa số các ứng cử viên lại chưa được Quốc Hội chấp thuận“.
Vụ điều tra Trump – Nga
Báo Wall Street Journal đưa tin, Công Tố viên Độc lập, ông Robert Mueller, lập đại bồi thẩm đoàn để điều tra vụ Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cho thấy cuộc điều tra có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Trump rất khó chịu về cuộc điều tra này. Tổng thống Mỹ muốn ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp là người thân tín nhất với Trump, điều tra, nhưng ông Sessions đã rút lui khỏi cuộc điều tra vì bản thân ông cũng có liên lạc với phía Nga khi đang vận động tranh cử cho Trump. Chuyện ông Sessions rút lui khỏi cuộc điều tra đã làm cho Trump bực tức và Trump đã tấn công ông Sessions mấy tuần qua.
Mời đọc thêm: Mueller lập đại bồi thẩm đoàn điều tra vụ Nga can thiệp vào bầu cử. (NV). – Đại bồi thẩm đoàn ra trát liên quan tới cuộc gặp của Trump Jr. (VOA). – Gia tăng nỗ lực bảo vệ ông Mueller khỏi bị Trump sa thải (VOA). Nếu Trump hoặc người của ông ta sa thải ông Mueller, có nghĩa là chính ông ta tự cưa ghế mình.
Lệnh trừng phạt Nga của Mỹ
Thủ tướng Nga tấn công Trump sau khi TT Mỹ ký lệnh trừng phạt Nga. Ông Dmitry Medvedev viết trên Facebook rằng, “hy vọng cải thiện quan hệ giữa Nga với chính quyền mới của Mỹ bây giờ đã chấm dứt”. Ông Medvedev nói rằng “chính quyền của Trump đã thể hiện sự bất lực hoàn toàn khi nhường quyền hành pháp cho quốc hội Mỹ một cách đầy nhục nhã”.
VOA lược dịch: Nga nói lệnh trừng phạt của Mỹ tương đương tuyên chiến thương mại. Thêm tin về Nga – Mỹ: Nga tố cáo Mỹ phát động “chiến tranh kinh tế”.
Luật hạn chế di dân tới Mỹ
Dự luật RAISE của hai Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa là Tom Cotton và David Perdue: TT Trump ủng hộ dự luật cắt phân nửa số người được nhập cư Mỹ. Ông Trump ủng hộ dự luật cắt giảm một nửa số người được nhập cư hợp pháp vào Mỹ, chỉ nhận những người giỏi tiếng Anh và có tay nghề cao.
Bà Kim Rueben, Viện Nghiên cứu Urban, nói rằng: “Rất nhiều người nhập cư có tay nghề thấp đang đóng góp tích cực cho đất nước chúng ta, họ đang làm những việc như công việc trang trại, sản xuất và công việc nhà. Nếu không có những người nhập cư này thì công việc của chúng ta sẽ khó khăn hơn, và nền kinh tế khó có thể vận hành“.
Trong chương trình The Late Show đêm qua, diễn viên hài Stephen Colbert chế nhạo Trump về chuyện ông ta ủng hộ dự luật di dân. Về chuyện giỏi tiếng Anh, ông Colbert nói: “Đúng vậy, người nhập cư phải học nói tiếng Anh cho đúng những chữ như: Bigly, Covfefe…” Colbert chế nhạo Trump vì tổng thống Mỹ thường viết sai tiếng Anh trên Twitter những chữ nói trên:
Mời đọc thêm cái tweet “covfefe” của Trump, làm dậy sóng trên mạng: Khổ thân Trump, ngủ không được, nửa đêm thức dậy tweet bậy bạ, làm trò cười cho thiên hạ.
Báo Người Việt: Montreal mở cửa vận động trường đón di dân từ Mỹ. Số di dân từ Mỹ kéo qua Canada tăng vọt, từ đầu năm tới nay, đã có hơn 4.300 người vượt biên giới từ Mỹ vào Canada.
Về bà Lưu Hà, vợ nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba
BBC có bài: Trung Quốc bị cáo buộc ‘giam giữ’ bà quả phụ Lưu Hiểu Ba. Ông Jared Genser, luật sư riêng của bà Lưu Hà ở Mỹ nói rằng, không ai biết hiện bà Lưu Hà ở đâu. Ông nói: “Tôi đề nghị chính quyền Trung Quốc ngay lập tức cung cấp chứng cứ rằng bà Lưu Hà vẫn còn sống và cho phép bà được liên hệ với gia đình, bạn bè, người cố vấn và cộng đồng quốc tế“.