Kiểm soát biểu tình bằng trí tuệ nhân tạo – Cuộc chiến công nghệ kiểu Hong Kong

Vũ Kim Hạnh

27-8-2019

Hồng Kông là một thành phố có “trình” tiến bộ kỹ thuật cao, văn minh, hiện đại đang tăng cường áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng Thành phố thông minh đẳng cấp thế giới về di động, sinh hoạt, môi trường, dịch vụ công cộng và các lĩnh vực khác.

Đại học Thành phố Hồng Kông đã triển khai hệ thống EdgeAI của công ty, chạy các thuật toán trên máy tính công nghiệp, xử lý hình ảnh của người và vật thể để “đếm đám đông”, quản lý nhà trường: Đếm số lượng sinh viên và giáo viên trong trường nhằm cung cấp cái nhìn chính xác về dòng chảy của đám đông tại các lối vào và lối ra chính.

Công nghệ này cũng đang được sử dụng trong các ga tàu điện ngầm của thành phố để cung cấp ước tính thời gian chờ đợi của hành khách trong giờ cao điểm, còn các công ty khí đốt địa phương thì cũng triển khai hệ thống AI để phát hiện các điểm rò rỉ hoặc rỉ sét trên đường ống khí cần sửa chữa.

Nhưng kể từ tháng 7-2019, công nghệ “đếm đám đông” đã bị phản đối khi Hồng Kông đã chứng kiến một loạt các cuộc biểu tình hàng triệu người, phá kỷ lục trước nay. Vào lúc Mặt trận Nhân quyền Dân sự lên kế hoạch cho một cuộc tuần hành phản đối từ Vịnh Causeway thì chính phủ HK đã cho thực hiện dự án khác đếm người cũng bằng AI.

Trong cuộc chiến công nghệ âm thầm mà quyết liệt, những người biểu tình có vẻ đã được các bạn trẻ am hiểu công nghệ của thành phố hướng dẫn có những biện pháp phòng ngừa thêm để che giấu danh tính của họ trong cuộc tuần hành, bằng nhiều cách: Bỏ sử dụng thẻ metro cá nhân hóa, chuyển sang sử dụng một trong những ứng dụng nhắn tin được mã hóa nhất hiện có, đeo mặt nạ và kính bảo hộ, và kiềm chế đăng ảnh selfie trên phương tiện truyền thông xã hội đề phòng trường hợp họ có thể được xác định bởi cơ quan thực thi pháp luật.

Còn nhiều biện pháp nữa dành cho “người trong cuộc”. Các viên chức quản lý nhà nước trấn an người dân bằng cách tuyên bố rằng họ đã cực kỳ cẩn thận đối với các vấn đề riêng tư: Làm mờ mọi khuôn mặt và xóa tất cả dữ liệu sau đó. Họ cũng cam kết là không có công nghệ nhận dạng khuôn mặt nào được sử dụng mà trên thực tế, công nghệ này chỉ cố tình chụp ảnh từ phía sau và không chia sẻ bất kỳ video nào với cơ quan nào khác. Mục tiêu của các camera là chỉ đơn thuần để đếm số người.

Đã không tin chính quyền về cơ bản, coi họ mối đe dọa bóp chết tự do của người dân nên dù nhà nước cố trấn an, người biểu tình cũng đã yêu cầu dỡ bỏ các cột đèn thông minh vào cuối tuần qua.

Ngày mai là lịch biểu tình của nhân viên Công ty hàng không Cathay Pacific chống “khủng bố trắng”. Cuộc chiến công nghệ ắt sẽ còn là điển cứu lý thú cho những nhà công nghệ thế giới.

Bình Luận từ Facebook