Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo bán Cảng Nha Trang thế nào?

Báo chí sạch

Trúc Nam Sơn

14-8-2019

Tháng 7-2019, Bộ chính trị Đảng CSVN đã kỷ luật cảnh cáo ông Vũ Văn Ninh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông báo kỷ luật, khi còn đương chức, ông Ninh đã ký các văn bản cho bán cổ phần nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, trong đó có các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh và cảng Nha Trang trái với kết luận của Bộ Chính trị và nghị định Chính phủ về cổ phần hóa. 91,94% cổ phần Cảng Nha Trang đã thuộc về Công ty CP Vinpearl.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã bán sạch cổ phần nhà nước tại cảng này cho tư nhân như thế nào?

Cảng Nha Trang là “cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại l)”, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp này thuộc diện nhà nước phải nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên.

Cảng Nha Trang nằm trong vịnh ngay trung tâm thành phố du lịch Nha Trang, có 5 cầu cảng, đón được tàu hàng 40.000 DWT và tàu du lịch quốc tế tới 70.000 GRT; các kho, bãi có tổng diện tích 9,5 hecta…

Khi cổ phần hóa, toàn bộ tài sản doanh nghiệp và cảng Nha Trang được định giá hơn 245,39 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) và UBND tỉnh Khánh Hòa đã lần lượt bán hết toàn bộ 96,05% cổ phần nhà nước tại Cảng Nha Trang. Vinalines thu lại 85 tỷ đồng, tỉnh Khánh Hòa đã nộp vào quỹ nhà nước hơn 167 tỷ đồng tiền bán cổ phần cảng biển vừa nêu.

“Thống nhất” với tỉnh Khánh Hòa của bộ trưởng Đinh La Thăng

Trước khi cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang, Vinalines đã đầu tư gần 86 tỷ đồng xây dựng nâng cấp hoàn chỉnh cảng với quy mô đã nêu. Trong khi đó, tại cuộc làm việc ở Khánh Hòa ngày 11-2-2012, theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh, bộ trưởng Bộ GTVT khi ấy là ông Đinh La Thăng đã “thống nhất chuyển giao cảng Nha Trang từ Vinalines cho tỉnh Khánh Hòa quản lý, sử dụng”.

Đổi lại, cũng theo thỏa thuận “tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cảng Nha Trang cho Vinalines để sử dụng số tiền được hoàn trả này vào đầu tư, nâng cấp cảng Cam Ranh”.

Ngay sau khi có thỏa thuận kể trên của bộ trưởng Đinh La Thăng và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, lập tức vào hôm sau, ngày 12-2-2012 Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang đã có văn bản kiến nghị để doanh nghiệp cảng này “tiếp tục là đơn vị trực thuộc Vinalines”.

Văn bản kiến nghị đó cũng được doanh nghiệp gởi cả lên Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines xem xét, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp Cảng Nha Trang, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Sau khi xem xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa cùng ý kiến các bộ liên quan và Vinalines, ngày 9-5-2012 thay mặt Thủ tướng Chính phủ, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký văn bản 615/TTg-KTN bác việc chuyển giao cảng Nha Trang như bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã “thống nhất”.

Theo văn bản văn bản 615/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến “trước mắt, không thực hiện việc chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang từ Vinalines về UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý”. Đồng thời, thủ tướng đã giao Bộ GTVT “chỉ đạo Vinalines tổ chức khai thác sử dụng cảng Nha Trang theo công năng và quy mô phù hợp với quy hoạch phát triển cảng đã được phê duyệt; sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu Vinalines, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Thế nhưng, sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục gởi nhiều văn bản, đề nghị chuyển giao cảng Nha Trang cho tỉnh quản lý nhưng vẫn không được chấp thuận. Ngày 29-10-2012 Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã “yêu cầu Bộ GTVT, UBND tỉnh Khánh Hòa và Vinalines thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản 615/TTg-KTN ngày 9-5-2012” của Thủ tướng Chính phủ như đã nêu trên.

Tháng 6-2013 UBND tỉnh Khánh Hòa lại đề nghị “điều chuyển nguyên trạng các cảng Nha Trang và Cam Ranh” cho tỉnh quản lý. Sau khi xem xét ý kiến của hàng loạt bộ ngành và giải trình của Bộ GTVT, ngày 20-8-2013 Văn phòng Chính phủ thông báo, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo “không điều chuyển các Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang và Cảng Cam Ranh về UBND tỉnh quản lý”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu “Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp Cảng tích cực tiến hành cổ phần hóa theo đúng quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4-2-2013 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinalines” của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Chưa được giao quản lý, tỉnh đã lên kế hoạch bán cảng

Tháng 4-2014 UBND tỉnh Khánh Hòa lại có văn bản đề nghị về việc chuyển giao doanh nghiệp Cảng Nha Trang cho tỉnh. Ngày 12-6-2014 Văn phòng Chính phủ có thông báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa, Vinalines và các cơ quan liên quan “xây dựng phương án chuyển giao doanh nghiệp Cảng Nha Trang cho tỉnh Khánh Hòa quản lý và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Thủ tướng yêu cầu, phương án chuyển giao cảng Nha Trang phải “bao gồm kế hoạch của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quản lý khai thác cảng sau khi chuyển giao” và chỉ chuyển giao cảng “sau khi đã thực hiện xong cổ phần hóa và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án chuyển giao”.

Thế nhưng, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 13-8-2014 chủ tịch tỉnh khi ấy là ông Nguyễn Chiến Thắng đã có kết luận:“UBND tỉnh thống nhất việc Công ty cổ phần Vinpearl mua cổ phần với giá trị 85 tỷ đồng tại Cảng Nha Trang (tương ứng với khoản tiền đầu tư dự án mới tại cảng), khoản tiền này phục vụ cho công tác tái cơ cấu Vinalines”.

Đồng thời, chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng còn kết luận “sau khi tỉnh tiếp nhận, sẽ tiếp tục bán cổ phần doanh nghiệp vì cảng Nha Trang với quy mô, chức năng, nhiệm vụ theo quy hoạch không phải là đối tượng nhà nước phải nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên”.

Theo một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang, kết luận bán Cảng Nha Trang như đã nêu của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng là “rất quái lạ và chẳng còn biết nó theo luật lệ nào nữa”.

Bởi đó là trái ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tỉnh Khánh Hòa phải có “kế hoạch tiếp tục quản lý khai thác cảng sau khi chuyển giao” Cảng Nha Trang. Đồng thời, còn trái luôn với các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc nhà nước, Vinalines phải nắm giữ tỷ lệ cổ phần tại “cảng tổng hợp quốc gia” tại Cảng Nha Trang từ 75% cổ phần trở lên khi cổ phần hóa doanh nghiệp.

Thêm nữa, mãi đến ngày 14-4-2016 UBND tỉnh Khánh Hòa mới được Vinalines bàn giao số cổ phần nhà nước còn lại để “đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Nha Trang”. Thế nhưng, trước đó hơn cả năm rưỡi, dù chưa được bàn giao quản lý cảng nhưng ngày 13-8-2014 chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng đã giao “Công ty cổ phần Vinpearl phối hợp với Công ty cổ phần Cảng Nha Trang xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển Cảng Nha Trang thành cảng du lịch”. Cũng theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Nha Trang “Khi ấy (8-2014), Công ty CP Vinpearl chưa có sở hữu bất cứ một cổ phần nào trong doanh nghiệp Cảng Nha Trang cả”.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng khi ấy còn ấn định chuyển đổi công năng cảng Nha Trang thành cảng du lịch trước ngày 31-12-2015. Đồng thời, ông Thắng còn yêu cầu Công ty CP Vinpearl và Cảng Nha Trang trong vòng 7 ngày phải báo cáo cho Sở GTVT “kế hoạch đầu tư, phát triển Cảng Nha Trang thành cảng du lịch”, để trong vòng ba ngày tiếp theo Sở GTVT hoàn thành phương án tiếp nhận, quản lý, khai thác Cảng Nha Trang, trình UBND tỉnh gởi Bộ GTVT trước ngày 25-8-2014.

Chi đạo “xoay chiều”, bán sạch cổ phần Cảng Nha Trang

Hơn nửa năm sau khi chủ tịch tỉnh Khánh Hòa kết luận về việc bán cổ phần Cảng Nha Trang kể trên, vào ngày 16-3-2015 phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký thay Thủ tướng Chính phủ, ban hành văn bản 376/TTg-KTTH “cho phép Vinalines chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với Công ty cổ phần Vinpearl Nha Trang”.

Khi đó, Vinalines đang sở hữu 96,05% trong tổng số gần 24,54 triệu cổ phần doanh nghiệp Cảng Nha Trang (tương ứng với vốn điều lệ, theo giá trị toàn bộ tài sản của công ty đã được định giá vào năm 2013 để cổ phần hóa là hơn 245,39 tỷ đồng).

Theo văn bản cho phép do phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký đã kể trên, ngày 24-7-2015 Vinalines đã bán 8,5 triệu cổ phần Cảng Nha Trang cho Công ty TNHH MTV Vinpearl Nha Trang. Giá bán “thỏa thuận trực tiếp” là bằng đúng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền Vinalines đã thu lại là 85 tỷ đồng. Còn Công ty TNHH MTV Vinpearl Nha Trang đã chiếm 34,64% cổ phần doanh nghiệp Cảng Nha Trang, cao hơn tỷ lệ bị khống chế theo quy định khi chào bán cổ phần công khai ra đại chúng trước đó (chưa tới 23%).

Sau khi bán cổ phần cho Vinpearl như trên, Vinalines không còn nắm giữ đủ tỷ lệ 75% cổ phần Công ty CP Cảng Nha Trang theo đúng quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4-2-2013, phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinalines, do chính phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký ban hành và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ cổ phần nhà nước phải nắm giữ (75% trở lên) tại doanh nghiệp “quản lý, khai thác cảng biển tổng hợp quốc gia” khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài 8,5 triệu cổ phần bán cho bán cho Vinpearl, trong văn bản 376/TTg-KTTH do phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký còn chỉ đạo “số cổ phần còn lại (15,07 triệu cổ phần) chuyển cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo hình thức bàn giao vốn nhà nước”.

Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa được chỉ đạo “sau khi tiếp nhận phần vốn nhà nước Vinalines bàn giao, thực hiện thoái vốn theo hướng nhà nước không năm giữ cổ phần chi phối”. Toàn bộ tiền thu từ thoái vốn nhà nước tại Cảng Nha Trang phải vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Tháng 6-2016, Vinalines đã chuyển giao toàn bộ số cổ phần nhà nước còn lại tại Cảng Nha Trang (hơn 15,07 triệu cổ phần) cho UBND tỉnh Khánh Hòa. Sau khi tiếp nhận, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thỏa thuận bán thêm 13,5 triệu cổ phần nữa cho Công ty TNHH MTV Vinpearl Nha Trang.

Theo báo cáo của tỉnh, kết quả bán số cổ phần vừa nêu (bằng 90% phần vốn nhà nước tại Cảng Nha Trang vào năm 2017) tỉnh đã thu nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trung ương hơn 148 tỷ đồng, tỉnh chỉ còn giữ 6,4% cổ phần Cảng Nha Trang.

Đến tháng 10-2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành việc bán luôn toàn bộ hơn 1,57 triệu cổ phần nhà nước cuối cùng còn lại tại Cảng Nha Trang cho Công ty cổ phần Vinpearl. Theo công bố của tỉnh, tiền bán số cổ phần vừa nêu được hơn 19 tỷ đồng (bình quân mỗi cổ phần bán hơn 12,1 ngàn đồng).

Còn theo kết quả giao dịch chứng khoán công khai 91,94% cổ phần Công ty CP cảng Nha Trang khi ấy đã thuộc sở hữu Công ty CP Vinpearl.

Nhà nước và Vinalines đã không còn nắm giữ một đồng vốn/cổ phần nào tại Cảng Nha Trang – doanh nghiệp quản lý “cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại l )” này nữa. Theo một số cán bộ, nhân viên cũ của Cảng Nha Trang, sau khi nghỉ việc họ đã lập công ty mới, thuê lại cảng Nha Trang để khai thác kinh doanh, số tiền thuê cảng đó mỗi năm phải trả khoảng 17 tỷ đồng.

Bình Luận từ Facebook