Chết không toàn thây

Đỗ Cao Cường

28-7-2019

Cách đây khoảng một năm, tôi bị xăng tặc đuổi từ An Dương (Hải Phòng) đến Kim Lương (Hải Dương), chạy vào làng Cổ Phục thì thoát nạn, do vô tình bị người đi đường phát hiện, và người đi đường đó lại chính là xăng tặc.

Người nhà tôi cho hay khi họ mang xe của tôi tới nhà người quen, gặp đúng người đuổi tôi, nhận ra biển số xe, họ nói với người nhà tôi rằng một nhân viên tổng công ty xăng dầu đã bị đuổi việc vì clip tôi đăng tải, anh nhân viên này nói nếu gặp tôi đi ngoài đường anh ta sẽ đâm chết.

Họ muốn cho tôi một khoản tiền nhưng tôi không nhận, tôi cũng nói với người nhà mình rằng nếu làm gì sai trái sau lưng tôi thì họ hoàn toàn chịu trách nhiệm, người nhà thì người nhà nhưng ai làm người đó chịu.

Mấy đứa con quan lớn có nhà gần đường 5 cũng doạ cho người xử tôi. Nhưng cuối cùng chúng phải xin lỗi, bởi chúng hiểu ra rằng khi làm những việc này tôi chấp nhận rủi ro, trước khi chết tôi cũng phải cho chúng chết cùng.

Quốc lộ 5 chỉ dài khoảng 132 km, kết nối Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội, nâng cấp từ năm 1996 và hoàn thành vào năm 1998, hiện nay quốc lộ 5 đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn đường hằn lún vệt bánh xe, đoạn nào cũng có tai nạn. Nhiều khi, buổi sáng tôi lên Hà Nội, buổi tối tôi trở về nhà, đi vào những vết hằn trên quốc lộ 5, lảo đảo và có lần suýt bị container nghiền nát.

Bốn giờ sáng dậy chạy tập thể dục, tôi ngửi thấy mùi thịt người trộn lẫn gương, kính, hạt ngô… vương vãi do chiếc xe tải bị lật nhào trên quốc lộ 5 từ 2, 3 hôm trước.

Cũng chỉ trong buổi sáng ngày 23/7/2019, trên quốc lộ 5 xảy ra 3 vụ tai nạn làm 7 người chết, 2 người bị thương, cùng thuộc địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Cũng chỉ trong 7 tháng mới đây, riêng đoạn đi qua tỉnh Hải Dương đã xảy ra 21 vụ tai nạn làm 28 người chết, 22 người bị thương. Đã nhiều lần tôi chứng kiến óc, thịt người văng tung toé trên quốc lộ 5.

Mặc dù thiết kế của tuyến đường chỉ dành cho hơn 10.000 lượt/ngày nhưng số lượng di chuyển gấp nhiều lần. Rất nhiều container đỗ qua đêm, đi vào làn đường dành cho xe thô sơ, người đi bộ và người đi xe máy không có sự lựa chọn, cũng chẳng có lan can ngăn cách họ với ô tô.

Trong khi 2 trạm thu phí đặt ở Hưng yên, Hải Phòng đã quá hạn thu (theo kế hoạch là 20 năm), giá vé hiện nay tăng gấp bốn lần so với trước (thấp nhất là 40.000 đồng/lượt) nhưng chất lượng đường thuộc loại thậm tệ.

Ai đã bảo kê cho những chiếc xe quá tải, chạy quá tốc độ? không nói thì mọi người cũng đã biết. Tôi cũng đã gặp rất nhiều lái xe nghiện hút, có trường hợp còn sử dụng bằng giả. Có xe khách không cho những chiếc xe khách khác vượt lên vì chúng đã được côn đồ bảo kê…

Trước mắt, tôi đề nghị ông bộ trưởng Thể cho nhân viên lắp đặt thêm nhiều hệ thống đèn xanh, đèn đỏ ở khu vực đông dân cư, chứ không phải chỗ không cần lắp thì lắp, chỗ người chết la liệt như đoạn đường tử thần Kim Thành, Hải Dương thì lại không. Cần cắm nhiều biển hạn chế tốc độ và gờ giảm tốc tại các vị trí điểm mở dải phân cách và qua các khu vực đông dân cư, xây cầu vượt hiện đại và dùng “não” để tính toán, mở rộng làn xe, hạn chế ăn bớt…

Không chỉ có quốc lộ 5, tôi đã đi qua hầu hết các quốc lộ trên đất nước này bằng xe máy, nhiều lần bị đuổi và đã có lần bị đâm, tôi có cảm giác thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông chủ yếu làm nhiệm vụ kiếm bánh mì chứ không phải đảm bảo mạng sống, an toàn cho người đi đường.

Chính ông bộ trưởng GTVT khẳng định dù thời bình nhưng số lượng người thương vong vì tai nạn giao thông chẳng khác thời chiến. Nguyên nhân thì có nhiều, bên cạnh sự ngu dốt, tham lam, ích kỷ của cơ chế còn có sự vô cảm của chính những người dân.

Là một người thường xuyên di chuyển trên những tuyến đường dài bằng xe máy, tôi nghĩ rằng việc mình còn sống sót, nguyên vẹn đến ngày hôm nay là một may mắn lớn.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. thời bình mà người chết vì TNGT nhiều hơn thời chiến tranh. Mà bây giờ tai nạn giao thông chết không phải một mà chết một lúc 5 bảy người, ngày càng tăng số lượng cũng như chất thê thảm.
    Người dân nguyền rủa ông Thể cũng như nguyền rủa CAGT không nghiêm minh với tài xế nghiện tài xế say tài xế bằng lái giả chạy ẩu. Đất nước quá bất ổn.

  2. “Là một người thường xuyên di chuyển trên những tuyến đường dài bằng xe máy, tôi nghĩ rằng việc mình còn sống sót, nguyên vẹn đến ngày hôm nay là một may mắn lớn”.
    -Tính từ năm 2009 đến 06 tháng đầu năm 2019, tổng số dân Việt chết vì tai nạn giao thông là 100.227 ng (11.516 + 11.449 + 11.395 + 9.838 + 9.369 + 8.996 + 8.700 + 8.685 + 8.279 + 8.200 + 3.800, số liệu của bên Bộ Công an và Bộ Y tế có vênh nhau do ghi nhận chết tại hiện trường và chết sau đó khi điều trị tại bệnh viện).
    -Cầu xin các nạn nhân đã mất vì TNGT “phù hộ độ trì” cho bác Cường vạn sự bình an, an lành trên đường đi công tác làm những việc tốt phục vụ cho cộng đồng.

  3. Quay lại chuyện tai nạn giao thông và vụ cụ thể TG nêu: Thứ nhất ở 1 nước có kỷ cương về giao thông thì không thể có chuyện xe chạy vọt đến điểm kẽ hở chờ hết nguy hiểm để chạy qua như đã thấy. Tác giả nói đúng, nếu đó là điểm cắt giao thông cho phép các phương tiện người hay xe máy … qua, thì nhất thiết phải có đèn hiệu báo cho các phương tiện xe cộ lớn dừng lại đàng hoàng. Còn nếu muốn ưu tiên cho xe tải thì bắt buộc phải làm đường vượt phía trên những nơi cần thiết – tuy nhiên khi quá độ chưa có đường vượt mà không có giải pháp cho xe cắt ngang thì bắt buộc phải dùng đèn xanh đỏ vàng. Kinh nghiệm các nước cho thấy họ không nhất thiết làm gờ giảm tốc độ, mà khi xe đến 1 khu vực dân cư hay đông dân mà lái xe có thể không chú ý thì họ làm các đường cong chứ không để đường thẳng dễ đi, và đến những đoạn đường đó nếu lái xe nào không chú ý sẽ đi ra ruộng – tất nhiên trước đó đã có biển cảnh báo đầy đủ, chứ lái xe tập trung lái xe đều biết lúc đó phải tập trung và giảm tốc độ! Về điểm thứ 2 đang tranh luận là xe cảnh sát GT đỗ ở làn giữa có hợp lý không, do lái xe gây tai nạn nói do nhìn thấy xe đỗ nên sợ hãi lái chệch sang bên trái khi không phanh được? Tôi cho là thế giới văn minh họ không làm vậy. Cảnh báo của cảnh sát như các nước là phải tiến hành ở phía trước khu vực xảy ra tai nạn 1 khoảng hợp lý (ngay cá nhân khi có tai nạn để biển cảnh báo còn phải để cách 100 m phía trước xe của mình trên đường quốc lộ chưa phải cao tốc) chứ không để, hay đứng sát khu vực tai nạn – và càng không đứng chờm ra giữa đường như ở đây. Và 1 điều quan trọng là đèn cảnh báo nguy hiểm của họ là phát sáng đến hàng km vẫn có thể nhận thấy và đoạn đường nếu được phép chạy 70 km, thì trước đó phải có biển cảnh báo – còn không phải có cảnh sát giơ cờ ra hiệu cho xe chạy chậm – ví dụ không cho phương tiện chạy quá tốc độ 20 km – vì đang có tai nạn!

  4. Đọc tâm sự của TG tôi lại liên tưởng tới những bài ca ngợi của ông Tổng Tịch – đại khái: „Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ … như ngày nay.“ https://vnexpress.net/thoi-su/tong-bi-thu-dat-nuoc-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-nhu-ngay-nay-3877029.html. Tóm lại xã hội hiện nay phân hóa mạnh hơn trước nhiều lắm: người có quyền, có tiền và do đó lại giầu có, sung sướng (về vật chất …) thì tất nhiên phải ca ngợi chế độ – tất nhiên có không ít người ca ngợi do muốn „tô hồng“, và cái đó là sai lầm nghiêm trọng của bất kỳ ai và bất kỳ chính quyền nào vì tội tô hồng không khác gì bôi đen, tuy nhiên chỉ bôi đen thì ở VN mới dễ bị quy tội để có thể đi tù, còn tô hồng thì ở VN chỉ có lợi trở lên!

Comments are closed.