Khmer Đỏ – thảm sát Tân Lập

Viet Le

11-7-2019

Không như Ba Chúc và Thổ Chu, vụ thảm sát Tân Lập được tư liệu quốc tế nhắc đến khá rõ. Chẳng đâu xa, đó là cuốn Brother Enemy của Nayan Chanda.

So với các vụ thảm sát khác do Khmer Đỏ gây ra, vụ Tân Lập đáng chú ý hơn vì có ý nghĩa bước ngoặt trong quá trình leo thang xung đột giữa Việt Nam và Cam.

Vào đêm 24 rạng sáng 25 tháng 9 năm 1977, hơn 500 dân trong xã Tân Lập, huyện Tân Biên và nhiều dân thường ở vùng ven tỉnh Tây Ninh giáp với Cam bị quân Khmer Đỏ thảm sát, sau một đợt tập kích bất ngờ. Quân VN không phòng bị nên quân Khmer Đỏ tiến vào như chỗ không người và rộng thời gian tàn sát dân. Đợt tấn công với quy mô khá lớn vào Tây Ninh thực hiện bởi sư đoàn 3 và 4 thuộc Khu Đông, diễn ra trùng thời điểm với chuyến thăm chính thức đầu tiên của Pol Pot đến Trung Quốc. Rõ ràng, đây là một cuộc tập kích có tính toán trước, chứ không bộc phát.

Theo sử gia Stephen Heder, người đã phỏng vấn nhiều cán bộ và binh lính Khmer Đỏ hơn bất cứ học giả phương Tây nào khác, thì đợt tập kích và thảm sát ngày 24 tháng 9 là một món quà đôi của Khu Đông. Thứ nhất là chứng minh lòng trung thành với Pol Pot giữa cao trào săn lùng người cảm tình Việt Nam ở Cam; và thứ hai là món quà gửi Pol Pot dâng lên Bắc Kinh, để chứng minh quyết tâm đối đầu với VN của Khmer Đỏ.

Cũng vào thời gian này, Pol Pot và bộ sậu đã lần đầu tiên công khai Khmer Đỏ là Cộng sản, và công khai nghiêng về phía Trung Quốc.

Vụ thảm sát Tân Lập đã thực sự làm thay đổi đường lối của VN với Cam. Từ khi Khmer Đỏ gây hấn ở các đảo năm 1975, phía VN luôn chấp nhận ở thế phòng ngự, nhún nhường và quyết tâm giải quyết bằng ngoại giao. Điều này thể hiện ở việc VN trả lại đảo Poulo Wai (Đảo Trọc) cho Khmer Đỏ sau 3 tháng chiếm đảo, thật ra là giành lại đảo của VN. Vì từ trước 1975 VNCH đã cho dân sống và đóng quân ở đó. Nên biết một số công ty Mỹ đã khám phá trữ lượng dầu ở đảo Poulo Wai, trước vụ tấn công tàu chở container SS Mayaguez tháng 5 năm 1975. Có thể lịch sử về sau sẽ lật lại vấn đề này, nhưng ngay thời điểm đó quyết định trả đảo cho thấy sự nhân nhượng rất lớn từ phía VN. Đó là chưa kể vụ trao đổi tù binh lấy dân Thổ Chu như đã kể ở bài trước.

Trước Tân Lập, trong suốt 2 năm 75 và 76, tuy mối quan hệ 3 nước TQ – VN – Cam và các cuộc đấu ngoại giao vẫn diễn ra căng thẳng và phức tạp, thì đường lối của VN đối với Khmer Đỏ vẫn là nhượng bộ. Đến 30 tháng 4 năm 77, quân Khmer Đỏ vượt biên đánh lớn dọc chiều dài biên giới Tây Nam. VN trả đũa bằng máy bay ném bom và pháo kích ngay sau đó. Nhưng cho đến sau cuộc tập kích của Khmer Đỏ vào Tây Ninh vào tháng 9 thì phía VN mới quyết định đem quân đội vượt biên trả đũa với quy mô lớn. Điều này thể hiện qua đợt tấn công nhẹ (chưa được công bố) của VN qua biên giới Cam vào sâu khoảng 15km vào tháng 10 năm 77, mà Chanda xác nhận sau khi trao đổi với 3 vị chỉ huy quân đội phía VN. Tiếp sau đó là chiến dịch đánh vào khu Mỏ Vẹt của QK7 và QK9 vào khoảng 24 tháng 12 năm 77 như chúng ta đã biết theo thông tin chính thức từ phía VN.

Đợt tấn công sớm của VN vào tháng 10, nếu có, cho thấy lập trường của VN về vấn đề Cam đã thay đổi hoàn toàn, trái hẳn với phản ứng của chính VN vào thời điểm vừa xảy ra trận tập kích và thảm sát Tân Lập.

Một câu chuyện thú vị mà Chanda kể lại trong Chương 7 cho thấy phản ứng rụt rè và cẩn thận của VN ngay sau vụ Tân Lập. Số là sau đợt tấn công tàn bạo của Khmer Đỏ, tướng Trần Văn Trà lúc đó là Tư lệnh QK7 đã phẫn nộ và ra lệnh cho các đơn vị chuẩn bị một cuộc phản công qua biên giới. Ông Trà đồng thời ra lệnh cho cán bộ quản lý báo chí ngoại quốc là sĩ quan Phương Nam lập tức gọi cho ông Gyori, là viên chức ngoại giao của Hungary. Ông Nam sẽ tháp tùng Gyori đến thẳng Tân Lập để làm công việc tố cáo tội ác của Khmer Đỏ ra quốc tế. Chính Gyori về sau đã kể lại cho Nayan Chanda về sự kiện này. Cả Nam và Gyori đã chứng kiến cảnh chết chóc tàn bạo do Khmer Đỏ gây ra cho người dân Tân Lập, và họ đã chụp đến “cháy máy”.

Những tấm ảnh này sẽ làm cả thế giới sốc, vì trước trước đó cả thế giới chưa ai biết về xung đột giữa VN và Cam. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên, lực lượng an ninh đã tịch thu hết tất cả phim ảnh của Gyori khi ông này về khách sạn. Cả ông Phương Nam cũng bị kỷ luật vì dẫn người ngoại quốc vào khu nhạy cảm khi chưa có phép của Bộ Ngoại giao. Bộ Chính trị đã không đồng ý với cách xử lý của tướng Trà. Ngay lúc đó họ đã quyết định cấm tất cả tin tức về vụ Tân Lập. Vài tuần sau, tướng Trà bị điều ra Bắc “thăng chức” lên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ngồi chơi xơi nước, rồi cho về hưu sau đó.

Ông Huỳnh Anh Dũng cũng kể lại trong hồi ký của mình, rằng tướng Trà tuy có tin trước về cuộc tập kích, nhưng vẫn bỏ nhiệm sở để giải quyết việc riêng ở SG. Ông Dũng còn cho biết thêm, rằng các đồng chí miền Nam thuộc Trung ương Cục cũ vẫn chủ quan về bọn Pol Pot, do có mối quan hệ thân thiết từ thời chống Mỹ. Cũng như quân Khmer Đỏ nhiều người vẫn thích làm việc với các đồng chí miền Nam hơn là miền Bắc.

Điều này cho thấy việc BCT cấm thông tin về Tân Lập không hẳn là vì phải cân nhắc chính sách đối đầu với TQ – Cam, mà còn là một động thái trong chuỗi hành động để loại nốt những nhân vật còn sót lại của cánh Mặt trận – TW Cục miền Nam còn giữ quyền lực như ông Trà. Tân Lập, Tây Ninh là một cái cớ quá tốt. Ông Trà đã bị thanh trừng, cũng như sau đó lãnh đạo Khu Đông bị Pol Pot thanh trừng vì thân VN.

Thông tin về trận tập kích vào Tây Nam từ đâu mà ông Trà có? Chanda cho biết chính Hun Sen là người đã tiết lộ kế hoạch của Khu Đông cho phía VN biết trước.

Hun Sen từng là trung đoàn trưởng ở Khu Đông giáp với Tây Ninh của VN. Hun Sen cũng như nhiều đồng chí thuộc Khmer Đỏ ở đây đã quá gần gũi với người của Mặt trận từ những ngày chiến tranh chống Mỹ. Đó là lý do mà nhiều sĩ quan Khu Đông đã bất tuân khi được lệnh chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Tây Ninh vào tháng 5 năm 77. Những sĩ quan này đều bị xử tử. Hun Sen được đôn lên thay thế. Nhưng Hun Sen cho biết (qua phỏng vấn với Stephen Heder) ông không thể làm theo lệnh trên, cho nên phải đem quân trốn vào rừng, rồi sau đó vượt thoát sang phía VN.

Chính Hun Sen, cùng với Heng Samrin (là một trong những chỉ huy trong trận đánh vào Tân Lập Tây Ninh) cùng nhiều ex-Khmer Đỏ khác vượt thoát sang phía VN đã làm nòng cốt cho một tổ chức cách mạng mới của Cam mà VN bắt đầu xây dựng vào tháng 10 năm 77, ngay sau Tân Lập.

Vụ thảm sát Tân Lập được một học giả quốc tế cùng thời ghi lại, là một khác biệt lớn so với Ba Chúc và Thổ Chu, vốn là những vụ giết hại dân thường kinh khủng hơn về quy mô, nhưng khá mù mờ về tư liệu. Cho đến hôm nay ta vẫn chưa biết rõ người dân Thổ Chu đã chết ở đâu, cũng như thời điểm chính xác diễn ra vụ Ba Chúc.

Bình Luận từ Facebook