Nguyễn Văn Chiến
3-7-2019
Hai bài viết “nặng ký” của ông Võ Văn Thưởng (VVT) về “chủ nghĩa dân túy” và “tin giả – mạng xã hội” thực sự là hai “khâu đột phá” (chữ của TT Nguyễn Xuân Phúc), vượt xa những bài bình luận xưa nay, vốn dĩ chỉ xào đi xào lại những từ ngữ cũ mèm như mớ giẻ rách của các nhà “lý luận – tư tưởng” trên mặt trận “chống diễn biến hòa bình”. [1] Chính vì vậy nên hai bài viết đã tạo được sự chú ý nào đó và gợi lên một lọat những ý kiến phản hồi. Riêng tôi thì xin đề cập đến chuyện cốt lõi: Tại sao ông VVT lại sợ chủ nghĩa dân túy và tin giả đến như vậy? Tôi sẽ không góp ý theo cách đối đáp “một đối một” quen thuộc là mà là đưa ra những ý chính.
Tôi xin đi thẳng vào vấn đề:
1. Võ Văn Thưởng và chủ nghĩa dân túy
– Ông VVT nói đông nói tây, nói trời nói biển về chủ nghĩa dân túy mà quên nói chuyện dưới đất, đất Việt Nam.
– Nhớ mấy năm trước, hồi ông Donald Trump mới đắc cử tổng thống, một người quen ở Đà Nẵng đọc đâu đó trên báo hỏi tôi: “Nghe nói chủ nghĩa dân túy xuất phát ở nước Nga phải không chú?”, tôi bảo bác nói chi đến nước Nga xa xôi, hãy nhìn vào những gì ông Nguyễn Bá Thanh làm mấy năm qua, đó đích thị là chính trị dân túy. Ông Thanh bán đất công cho ngoại quốc rồi trích ra tý ty tiền lẻ lì xì cho dân chạy xe thồ, thưởng nhà cho học sinh xuất sắc, ông Thanh nhắm chỗ nào dân “ngứa” để “gãi”, mà gãi thật mạnh, thí dụ chữi như tát nước vào mặt những giám đốc phụ trách các sở ngành thất nhân tâm nhất. Thế là dân Đà Nẵng thời ấy mê ông ta như điếu đổ!
– Chủ nghĩa dân túy (hay bình dân) trong tiếng Anh là “populism”, ta cũng có thể dịch là “chủ nghĩa bình dân”. Chức vụ của ông VVT trong tiếng Anh (của trang web ĐCSVN) là “Secretary of the Party Central Committee (PCC) and head of the PCC Commission for Popularization and Education”. [2]
– Thông thường, từ Tuyên Giáo ta hiểu là “tuyên truyền – giáo dục”. Nhiều tài liệu cũng dịch ban tuyên giáo là “Propaganda Department” (tuyên truyền) nhưng có vẻ như ông VVT ngượng ngùng với nhiệm việc “tuyên truyền” này nên đổi thành “popularization” chăng?
– Từ này có nghĩa “truyền bá”, “phổ biến”, “làm cho quần chúng ưa thích”, do đó chức vụ này cũng ngụ ý rằng ông VVT là “Trưởng ban dân túy hóa và giáo dục trung ương đảng”.
– Trưởng ban “popularization” mà đi bài bác chủ nghĩa “populism”, trớ trêu thay cho cái nghề và cái “tâm” của VVT!
2. Tại sao VVT sợ chủ nghĩa dân túy?
– Trên lý thuyết ĐCS từng đứng về phía quần chúng nhân dân để đấu tranh cho quyền lợi của họ, đập tan những áp bức bất công. Nhưng ngày nay thì vai trò này đã hoán vị, đổi ngôi. “Quần chúng nhân dân” đang kêu gào sự áp bức bất công là ai?
– Nóng nhất thì hãy đến Thủ Thiêm mà nghe dân chữi! Ngày xưa Nguyễn Đình Thi làm bài thơ “Đất nước”, trong có mấy câu về tình cảnh dân ta thời Pháp:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da
“Diễn ca” lời oán thán của dân Thủ Thiêm hiện tại thì câu này sẽ là:
Thằng bí thư, thằng ‘lợi ích’
Đứa cướp đất, đứa phá nhà
– Việt Nam hiện có bao nhiêu vụ như Thủ Thiêm? Có bao nhiêu người dân bị “giằng bát cơm chan đầy nước mắt” ra khỏi miệng chỉ để phục vụ quyền lợi của thiểu số “nhóm lợi ích” hay tài phiệt đỏ? VVT và các lãnh tụ bề trên của ông ta có lý do để sợ bất cứ hành động hay tiếng nói động vào sự bất mãn hay gãi đúng chỗ ngữa của tầng lớp bị bóc lột, bị ăn cướp và bị khóa miệng!
3. VVT và tuyên truyền
– Dù muốn dù không, VVT phải chấp nhận rằng ông là “trưởng ban tuyên truyền”, điều – này đã được thừa nhận trên tạp chí Tuyên Giáo của Ban Tuyên Giáo Trung ương. [3]
– Nhưng tuyên truyền cũng gần như đồng nghĩa với “phao tin giả”. Trưởng ban “phao tin giả” (hay “tin bóp méo”, “tin kiểm duyệt”, “tin một chiều”) mà lại đi công kích tin giả.
– Ôi, một lần nữa ta phải thốt lên: Trớ trêu thay cho cái nghề và cái “tâm” của VVT!
4. Tại sao VVT sợ tin giả?
– Tin giả thì bao giờ cũng không tốt. Cho dù ta tin rằng “Thật vàng không sợ lửa” nhưng ta cũng phải thừa nhận “Thật vàng cũng phải sợ tin giả”. Nước Mỹ đang bị bệnh ung thư chính trị với khối u di căn mang tên… Trump, mà việc ông Trump lên “ngôi” tổng thống cũng là nhờ lót đường bằng tin giả.
– Nhưng người như ông Thưởng – trong vai trò Trưởng ban Tuyên giáo — càng sợ tin giả hơn ai hết. Trách nhiệm của ông là “tuyên truyền và giáo dục” mà từ tuyên truyền này gần như đồng nghĩa với “làm tin giả”.
– Ngày trước, nhà nước nắm trọn truyền thông trong tay, do đó độc quyền nghề làm tin giả. Bây giờ thì Internet và nhất là mạng xã hội đã khiến độc quyền này không còn nữa. Không còn độc quyền tin giả do đó mất hẳn độc quyền làm chính trị dân túy, VVT và các sếp bề trên đâm ra sợ cả hai thứ!
5. Tại sao tuyên truyền gần với “làm tin giả”?
– “Tuyên truyền” là “sử dụng những thông tin, đặc biệt là thông tin bóp méo hay thiên lệch để xiển dương cho một quan điểm hay lý tưởng chính trị”. Từ điển Oxford định nghĩa “propaganda” là “Information, especially of a biased or misleading nature, used to promote a political cause or point of view” (tạm dịch: tuyên truyền là thông tin, đặc biệt thông tin mang tính chất thiên vị và lừa gạt, được dùng để vận động cho một động cơ hay quan điểm chính trị).
– Như vậy thì “tuyên truyền” phải được hiểu như là một trò bất lương, gian dối với ý đồ đen tối, dẫm lên sự thật. Không phải các chế độ Tây phương không tuyên truyền nhưng họ khôn hơn và có cách làm tinh vi hơn. Bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ vẫn làm điều đó và thậm chí chia rõ “tuyên truyền” ra làm ba hạng là “trắng”, “xám” và “đen”. [4] Tuy nhiên họ chủ yếu mang các thủ thuật tuyên truyền này ra áp dụng trong cuộc chiến với đối phương.
– Từ “tuyên truyền” chỉ được chế độ Phát xít Đức và các chế độ cộng sản sử dụng một cách “bình thường”. Phát xít Đức lập hẳn một “Bộ tuyên truyền” còn Việt Nam ta ngoài hệ thống Tuyên Giáo từ trung ương đến tỉnh – huyện, nay có cả một “Học viện báo chí tuyên truyền”.
– Từ “tuyên truyền” đã trở thành “bình thường” trong diễn ngôn của giới chức lãnh đạo và báo chí nước ta. Hãy đọc các bài diễn văn “đánh giá tình hình chung” sau các vụ khiếu kiện hay dân tình phản đối chuyện đất đai, quy hoạch, cấp trên bao giờ cũng phê phán cấp dưới “chưa làm tốt công tác tuyên truyền để cho vấn đề diễn biến phức tạp”.
6. Những thí dụ về “tin giả – tuyên truyền”
– Nói về tin giả của ĐCS thì không thể nào thống kê hết. Tin giả “giải tán đảng” ngày 11.1.1945 để rút vào hoạt động bí mật, tin giả tố ông Nguyễn Văn Thiệu “ôm ba tấn vàng chạy trốn”, hay tin giả về “anh hùng Lê Văn Tám” , tin giả “khoa học đã chứng minh” mà đồng chí X nêu ra trong cuộc họp báo về dự án Bauxite v.v…
– Ngày nay ai cũng rõ chuyện “Lê Văn Tám ôm bom lao vào kho xăng” là một tin giả với dụng ý tuyên truyền, sản phẩm của nguyên Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu. Ông Liệu “chế tạo” ra cậu bé Tám 10 tuổi như một superman, tưới xăng vào người rồi châm lửa, xông vào kho xăng dù lính canh ra sức ngăn cản. Đứa bé 10 tuổi này phải là một siêu nhân mới có thể chịu đựng với sức nóng dữ dội của xăng để chạy qua quảng đường 50 mét.
– Sử gia Phan Huy Lê đã công bố lời thú nhận của ông Liệu thế nhưng hiện tại vẫn còn những kẻ bám chắc niềm tin vào nhân vật Lê Văn Tám, ai nêu chuyện này ra thì chụp mũ là phản động hay “âm mưu diễn biến hòa bình”. Thánh tổ tuyên truyền của Đức Quốc Xã là Joseph Goebbels rất đúng trong trường hợp này: lời nói dối nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thật!
– Hiện tại báo chí nhà nước vẫn lập đi lập lại rằng Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là “danh nhân văn hoá thế giới”. Trên thực tế thì UNESCO chưa ký văn bản hay “nghị quyết” nào công nhận ông HCM hay bất cứ ai là “danh nhân văn hoá thế giới” cả, vậy mà vẫn có người tin, cũng như tin rằng Lê Văn Tám là nhân vật lịch sử.
– Đó là chuyện xưa, chuyện mới thì có… đồng chí X.
7. Tin giả của đồng chí X
— Trước khi diễn ra đại hội đảng 11 (năm 2011), từ đầy năm 2010 Trương Tấn Sang đã hấp tấp khai thác vụ Vinashin để tấn công đồng chí X. Bị đánh quá sớm, X ta có đủ thì giờ phản công và một trong những chiến thuật của X là tung tin giả. X thuê một công ty rác Đức để “bơm” mình là “thủ tướng xuất sắc nhất Á châu” và được “Âu châu công nhận là nhân vật của năm”. Mánh khoé này đã lừa được một số đảng viên và nhờ đó X đã lật ngược thế cờ.
– Có tin đồn rằng X bỏ tiền mua chuộc các ủy viên trung ương thuộc cánh quân đội. Ta không thể kiểm chứng chuyện này nhưng thực tế các đại biểu quân đội đã bảo vệ X khi bị đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm y.
– Cũng trong thời gian này 2010, xuất hiện tin tức về “anh hùng Phan Trung Kiên” vì đã cứu X trong chiến trận. Đây thực sự là “chuyện bác Ba Phi” nhưng đã biến anh y tá X thành một anh hùng cái thế, chắc chắn chuyện này sẽ khiến phe quân đội xem X như là người nhà và dốc lòng bảo vệ. (Nếu quởn, tôi sẽ viết riêng về chuyện này).
– Vụ này X thành công. Quen ăn, hai năm sau X lại dở trò “tin giả” nhưng thất bại. Đó là vụ bỏ phiếu tín nhiệm ngày 10.6.2013 của Quốc hội. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử 67 năm của mình, Quốc hội của nhà nước cộng sản VN tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm nên X đầu tư khá kỹ. Để “tuyên truyền” cho mình, ngày 7.6.2013 xuất hiện “thông tin”: một tờ báo Nam Hàn đăng bài xem X là “nhân vật ảnh hưởng nhất của năm 2011”.
– Ngay hôm sau báo chí Việt Nam rần rần đăng tin “Báo Hàn Quốc ca ngợi Thủ tướng”, thí dụ báo Tiền Phong ngày 8.6.2013, với bài “Báo Hàn Quốc ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, không dám để tên tác giả, chỉ ghi là “Theo Lee Moon-shik – Korea Herald”. Tuy nhiên “nhà bình luận” này là một “giám đốc cao cấp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Kidmatic” không tên tuổi. Còn tờ báo thì minh định từ đầu là ý kiến trong bài không liên quan đến tờ báo. Tuy nhiên bổn cũ soạn lại này không hiệu nghiệm và vụ này đồng chí X thua xa Trương Tấn Sang.
– Nếu Nguyễn Tấn Dũng chết tên “đồng chí X” là do Trương Tấn Sang buộc miệng nói ra trong buổi tiếp xúc cử tri thì vào thập niên 1960 tướng Võ Nguyên Giáp (VNG) cũng bị nêu danh là X trong văn kiện đại hội đảng.
8. Tin giả về đồng chí X – VNG
– Trong cuốn Đèn Cù, chương 23, tác giả Trần Đĩnh thuật: “Trong Hội nghị trung ương 9 khoá 3, có hai chuyện đụng đến Lê Liêm, chính uỷ của chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh tham luận phản đối đường lối Mao. Mở đầu anh nói ngay: ‘Phát biểu thế này là chết tôi đây…’
– Bốn uỷ viên trung ương bị khai trừ khỏi đảng. Toàn những bậc đại công thần. Võ Nguyên Giáp còn trong đảng nhưng cũng bị bêu trong nghị quyết 20 của Trung ương khoá III về “Vụ án chống đảng” với cái tên gọi tắt thành X. Tin này được truyền đạt cho cán bộ từ trung cấp trở lên và tai tôi nghe. Rồi đủ mọi tin đồn: Giáp là con nuôi mật thám Marty, vào đảng man, nịnh Cụ Hồ để Cụ o bế. Đáng nói nữa là người ta chuẩn bị đày toàn gia Giáp già trẻ lớn bé ra đảo Tuần Châu. Và hơn mười năm trời bị bong lon đại tướng trên báo chí…”
– Việc VNG bị nghi là con nuôi mật thám Pháp là từ miệng Trường Chinh. Sau cải cách ruộng đất (CCRĐ) 1956, Chinh mất uy tín, mất chức tổng bí thư còn vây cánh bị chặt trụi: Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt bị gạt ra khỏi BCT. Còn VNG lại lên phơi phới: được đảng cử đứng ra xin lỗi nhân dân và ổn định tình thế, lúc này cũng nghĩ rằng VNG sẽ là tổng bí thư.
– Đúng lúc này “tin xấu” về VNG lan ra. Theo đó thì thời ký “tiền khởi nghĩa” (trước 1945) có lần Trường Chinh đến nhà Đặng Thai Mai (ĐTM), tình cờ bắt gặp ĐTM đang cầm đọc một lá thư. Bất ngờ ĐTM lúng túng nhét vào túi áo nhưng Trường Chinh đã kịp đọc lướt qua tiêu đề thấy là của chánh mật thám Pháp Marty với câu đầu: “Các con Giáp và Mai thân ái” (Mes chers enfants Mai et Giap).
– ĐTM trước là bạn, cùng dạy với VNG tại trường Thăng Long, sau trở thành bố vợ củaVNG. Nhưng nếu Chinh nắm được điều này từ trước năm 1945 thì tại sau ngay 1945 Giáp vẫn được giao nhiều trọng trách? Cần nhớ rằng lúc này Chinh là tổng bí thư, quyền hét ra lửa.
– Sau CCRĐ là cái chết của Stalin vào năm 1957 rồi chủ trương vụ “xét lại” của Liên Xô dẫn đến sự phân hóa thân Nga – thân Tàu ở Hà Nội. Lúc này Lê Duẫn từ miền Nam ra kết hợp với Lê Đức Thọ để thao túng nền chính trị. Thọ và Duẫn chớp lấy “tin” này, sử dụng như lưỡi gươm Democles treo lơ lửng bên cổ VNG. Thọ muốn dùng lý do này để khai trừ VNG ra khỏi BCT nhưng Duẩn cho rằng làm vậy là hạ sách vì việc kỷ luật Giáp sẽ đụng đến Liên Xô trong khi VN rất cần đến sự giúp đỡ của Liên Xô trong việc tái thiết miền Bắc và tiến chiếm miền Nam.
– Duẩn chủ trương vẫn để Giáp trong Bộ chính trị nhưng chặt tay chặt chân và dằn mặt những đồng minh khác của Giáp. Việc này thể hiện qua quyết định khai trừ bốn ủy viên trung ương ra khỏi đảng: đó là Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Văn hóa Lê Liêm; thiếu tướng Đặng Kim Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh, chưa kể nhiều tay chân cấp tá của VNG.
– Sau năm 1975 Duẩn và Thọ sử dụng “tin” trên để tố cáo VNG một các bán công khai trong các đại hội đảng để vô hiệu hóa Giáp. Năm 1978 VNG bị tước chức Bí thư quân ủy Trung ương, nhường lại cho Lê Duẩn (Bí thư) và Văn Tiến Dũng làm Phó Bí thư. Năm 1980 VNG bị tước chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và năm 1983 ông “bị” bắt làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch.
9. Tin giả của Lê Đức Anh
– Ở trên ta thấy đồng chí X – Dũng là một trùm tin giả, có vẻ như X học điều này từ người đỡ đầu của mình là Lê Đức Anh (LĐA).
– Dưới tay LĐA có nguyên một bộ máy chế tạo tin giả là Tổng Cục II (TC II), thành lập vào năm 1996 theo ý kiến của LĐA, nâng cấp từ Cục quân báo. TC II trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng có “kênh” thông tin thẳng với Bộ Chính trị và Ban Bí thư,
– Lê Đức Anh thành lập TC II nhằm củng cố thế đứng của mình cùng phe nhóm thân Bắc Kinh. Ngón võ sở trường của phe này là cách sản xuất tin giả dưới nhãn mác “tin tình báo do “đặc tình của ta trong CIA” nắm được để vu cáo các đối thủ chính trị, trong đó nổi cộm nhất là vụ “T 4”.
– Theo “thông tin nội bộ”, tức “bản tin” mà TC II chuyền cho các ủy viên trung ương đảng thì tổng cục đã cài được một “đặc tình T4” vào Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Nếu một ủy viên trung ương hay thậm chí một ủy viên bộ chính trị nào không đứng về phe cánh Lê Đức Anh thì họ sẽ “dí” vào miệng T4 những thông tin không có lợi cho kẻ đó.
– Bản tin nội bộ ngày 7.7.1996, “đặc tình” của TC II cho biết: “Theo yêu cầu của CIA thì ông Giáp vẫn đang ngấm ngầm hoạt động, nhất là sau khi có thông tin về cuộc gặp riêng giữa ông và McNamara trong cuộc hội thảo ‘Những cơ hội bị bỏ lỡ’. Tại cuộc gặp riêng này, mặc dù có phiên dịch tiếng Anh, nhưng hai bên đã không dùng tiếng Anh mà dùng tiếng Pháp (vì McNamara cũng biết tiếng Pháp).’”.
– Hoặc tin “tình báo” về Trương Tấn Sang trong bản tin ngày 2.8.1999: “Các chuyên gia CIA nhận định một cuộc đảo chính có thể xảy ra vào tháng 7, tháng 8.1999 ở Việt Nam. Vai trò chủ chốt là Trương Tấn Sang và Trần Văn Tạo. Tư Sang, Tư Tạo tập trung thu phục phái tù Côn Đảo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phái này có khả năng trở thành phe phái hợp pháp đối lập trong Đảng Cộng sản, lấy địa bàn Sài Gòn làm căn cứ..”
– Tại sao Anh phải làm như vậy? Lý do là bước vào thập niên 90 thế đứng của Anh rất chênh vênh. Anh lên là nhờ sự đỡ đầu của Lê Duẫn và Lê Đức Thọ, và khi mà hai ông này đã ra người thiên cổ và mất hết uy tín vì nạn nhân của Duẫn và Thọ sẽ thừa cơ phục hận. Trong khi đó Anh có nhiều lý do để lo lắng: lý lịch đảng viên của Anh có rất nhiều điểm mờ ám, bị tố là từng làm cai đồn điền cao su, hợp tác với mật thám Pháp, chưa đủ 50 tuổi đảng, không phải là thành phần công nhân, có đời sống cá nhân bê bối v.v… Lý lịch của Anh bị nhơ thì để cân bằng, “đặc tình T4” của TC II sẽ bôi bẩn đối thủ chính trị của Anh cho… huề.
Mấy lời “đánh giá tình hình chung”
Qua những điều trên chúng ta thấy gì?
Thứ nhất, ĐCS là bậc tổ sư, bậc trùm trong việc bịa tin giả với mục đích tuyên truyền: truyên truyền để bôi xấu kẻ thù, bêu xấu “đồng chí” nhưng… nghịch phe, và tuyên truyền để bị mắt nhân dân về sự bất lương và bất lực của mình.
Thứ hai, cơ quan tuyên giáo với nhiệm vụ “tuyên truyền và giáo dục” là cơ quan “chuyên trách” về việc tạo tin giả hay bóp méo và cắt xén thông tin. Họ thực sự hiểu được công hiệu của ngón nghề này trong trò chính trị dân túy!
Thứ ba, thời trước, khi chỉ có báo in và báo nói (phát thanh) ĐCS hầu như nắm độc quyền trong chuyện làm tin giả và bóp méo thông tin. Bây giờ có Internet, có Facebook, có Twitter, họ mất hẳn độc quyền.
Thứ tư, mất độc quyền tin giả, ĐCS cũng mất luôn độc quyền làm chính trị dân túy. Càng phát triển “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” bao nhiêu thì giới tài phiệt đỏ trong các nhóm lợi ích càng giàu lên bấy nhiên trong khi dân tình ngày càng bị chèn ép. Bộ máy tuyên giáo càng nói những lời hay tốt đẹp bao nhiêu, dân càng chán ngán bấy nhiêu, thậm chí phải bỏ tiền ra nuôi dưỡng một đám côn đồ gọi là “dư luận viên” để duy trì cầm chừng tiếng vỗ tay.
Mất cả hai thứ độc quyền, một kẻ nắm trọng trách của ngành tuyên giáo như ông Võ Văn Thưởng có thể nào ăn ngon, ngủ yên?
Ông ta hoàn toàn có lý do để sợ.
Thay lời kết
Để kết thúc, tôi xin nhắc lại câu chuyện “Mâu Thuẫn” trong sách “Cổ học tinh hoa” của người xưa:
“Có người nước Sở làm nghề bán mâu, vừa bán thuẫn.
Ai hỏi mua thuẫn, thì anh ta khoe rằng: “Thuẫn này thật chắc, không gì đâm thủng.”
Ai hỏi mua mâu, thì anh ta khoe rằng: “Mâu này thật sắc, gì đâm cũng thủng.”
Có người nghe nói, hỏi rằng: “Thế bây giờ lấy mâu của bác đâm vào thuẫn của bác, thì thế nào?”
Anh ta không đáp ra làm sao được.
(Hàn Phi Tử)
Lời Bàn:
Ôi! một cái chắc, đâm không thủng, với một cái sắc, đâm gì cũng thủng, hai cái phản đối hẳn nhau thì cùng đi với nhau sao được! Thế mà người nước Sở dám khoe mộc, lại khoe giáo luôn ngay một lúc. Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành ra nói dối. Nhưng cái trò nói dối hay cùng, khi người ta hỏi đến lẽ, là không đối đáp làm sao được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán, khoe rằng: “Ai mua tượng về nhà, thì được giàu sang.” Đến lúc có người bẻ: “Thế sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, lại mang ra chợ bán làm gì?” thì tắc khẩu mà đành vác tượng về nhà.
Tôi xin nhại lời người xưa mà có vài lời bàn, tạm gọi là “sơ kết” về bác Thưởng:
“Ôi! một bài bác than vãn về chủ nghĩa dân túy, một bài bác than về nạn tin giả! Thế mà bác lại làm cái việc phao tin giả để dân tiếp tục say mê chính quyền của bác. Bác chê chủ nghĩa dân túy, thì bác hãy dẹp ngay việc tuyên truyền. Bác lo sợ tác hại của tin giả, thì bác phải dẹp quách Ban Tuyên Giáo. Bác vừa chê chủ nghĩa dân túy vừa chỉ trích tin giả mà bác làm Trưởng Ban Tuyên Giáo, trông bác có khác chi anh bộ đội bị đơn vị kiểm điểm cái tật hay chữi thề: ‘ĐM, tôi có chữi thề bao giờ mà các đồng chí phê bình!’ Đến lúc có người bẻ: “Thế đồng chí vừa nói gì?” thì tắc khẩu mà đành cúi đầu viết kiểm thảo!”
Chú thích:
[1] Hai bài viết của Võ Văn Thưởng:
1. “Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam”, SGGP Thứ Ba, 15/5/2018
2. “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” (CAND 17/06/2019)
[2] Bản tin “Mr Vo Van Thuong visits Ho Chi Minh city Journalists Association”
[3] Cần nhận thức đúng về công tác tuyên giáo của Đảng. TS Lương Ngọc Vĩnh (Tuyên giáo)
“Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, có hai lần thuật ngữ tuyên giáo được sử dụng làm tên gọi cho một cơ quan tham mưu của Đảng và theo đó thuật ngữ công tác tuyên giáo ra đời, tồn tại cho đến ngày nay. [..] Khi chưa giành được chính quyền, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của Đảng là tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin,.. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Đảng tiến hành công tác cổ động để cổ vũ, động viên, khích lệ, khơi nguồn động lực để quần chúng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dấn thân để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng.”
[4] Tuyên truyền trắng: lập đi lập lại tin có thật nhưng lợi mình, hại địch.
Tuyên truyền xám: pha trộn tin giả vào những tin có thật.
Tuyên truyền đen: sử dụng toàn tin giả.