20-6-2019
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (CV16), bao gồm tàu tiếp vận tổng hợp Hô Luân Hồ (965), tàu khu trục Thạch Gia Trang (116), tàu khu trục Tây Ninh (117), tàu hộ vệ Đại Khánh (576) và tàu hộ vệ Nhật Chiếu đã băng qua eo biển Miyako ở quần đảo Okinawa của Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương vào ngày 10.6.
Khi đó Nhật Bản đã theo dõi sát sao chuyển động của nhóm tàu. Tuy nhiên, hơn một tuần trôi qua không có thông tin cũng như tung tích nhóm tàu này, cho đến khi chúng đột ngột xuất hiện ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo một nguồn tin của mình ở Đài Loan, nhóm tàu Liêu Ninh không vào Biển Đông bằng eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines mà sau khi ra Tây Thái Bình Dương đã đi đến gần đảo Guam của Mỹ, vòng qua phía nam Philippines và vào Biển Đông thông qua Biển Celebes và Biển Sulu, đâm thẳng ra Trường Sa.
Như vậy, đây là chuyến hải hành xa nhất của tàu Liêu Ninh từ trước đến nay, và mang tính biểu tượng trong việc xuyên phá chuỗi đảo thứ nhất.
Hiện không loại trừ khả năng các chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh sẽ hạ cánh trên một trong ba sân bay mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Nếu xảy ra đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc hạ cánh chiến đấu cơ ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Nếu tàu Liêu Ninh mà vào Biển Đông bằng eo biển Luzon thì có lẽ đã đụng đầu nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đang đón lõng ở đó để giao lưu.
Tàu Ronald Reagan sau khi diễn tập với tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản ở Biển Đông từ ngày 10 đến 12.6 đã di chuyển trở lại Biển Philippines vào ngày 14.6, nhưng vẫn lượn lờ ở khu vực eo biển Luzon phía bắc Philippines.
Trong khi đó, tàu Izumo của Nhật vẫn đang ở Biển Đông sau khi rời cảng Cam Ranh.
Tính cả Ronald Reagan ở eo Luzon thì Biển Đông hiện có 3 nhóm chiến hạm khủng của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Biển Đông đang trở nên chật chội và nóng bỏng hơn bao giờ hết!
BBT (kỹ thuật) Tiếng Dân tiếc gì tấm hình mà không cho vào phần “xem thêm” (toàn văn bài viết này) để đọc giả dễ theo dõi ?