Biển Đông: “Hoạt động dầu khí thuộc chủ quyền VN”

Bill Hayton: “Điều mà tôi nghe được nhưng tôi không có cách nào biết được có đúng hay không là khi Bộ Chính trị bàn luận về sự việc, thì 17/19 (?) ủy viên đã muốn tiếp tục tiến hành khoan dầu, nhưng hai (ủy viên) thì không. Và hai người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Tôi không có cách nào biết được việc đó là chân thực hay không, vì có các viết lách khác nhau từ mọi người. Nhưng tôi nghĩ người ta đã nhắc đến rằng những người thực sự quyết định việc này là Tổng Bí thư và Bộ trưởng Quốc phòng“.

BBC

28-7-2017

Một giàn khoan của tập đoàn Repsol – hình chụp không phải ở Biển Đông và chỉ có tính minh họa. Nguồn: Bloomberg

Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng trong lúc trả lời báo chí chiều 28/07/2017 giờ Hà Nội đã khẳng định rằng hoạt động dầu khí gần đây diễn ra tại khu vực ‘hoàn toàn thuộc chủ quyền’ Việt Nam ở Biển Đông.

Tuy không nói rõ vị trí của các điểm mà truyền thông nước ngoài cho là có hoạt động khai thác khí và khoan tìm dầu của Talisman – Vietnam thuộc công ty Tây Ban Nha Repsol, bà Lê Thu Hằng được trích lời nói:

“Hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

“Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông” – Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ khi trả lời câu hỏi của phóng viên, theo báo Tuổi Trẻ.

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 26/07 tại London, ông Bill Hayton, nhà báo và cũng là nhà nghiên cứu về Biển Đông nói:

“Repsol hiện đang có một số dự án dầu khí khác nhau tại Việt Nam. Dự án vừa phải ngưng là nằm trong Lô 136-03, ở rìa đông nam của vùng Việt Nam tuyên bố là Đặc quyền Kinh tế.”

PetroVietnam hồi 2012 đã công bố bản đồ các lô khai thác dầu khí ở Biển Đông. Ảnh: Hoang Dinh Nam/ Getty Images

Sau đó, tại cuộc thảo luận Bàn tròn thứ Năm, hôm 28/7, ông Hayton cũng đưa ra một thông tin cho rằng có thể đã có một quyết định cấp cao ở Bộ Chính trị của Đảng CSVN về diễn biến khoan dầu ở Biển Đông, ông nói:

“Điều mà tôi nghe được nhưng tôi không có cách nào biết được có đúng hay không là khi Bộ Chính trị bàn luận về sự việc, thì 17/19 (?) ủy viên đã muốn tiếp tục tiến hành khoan dầu, nhưng hai (ủy viên) thì không. Và hai người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

“Tôi không có cách nào biết được việc đó là chân thực hay không, vì có các viết lách khác nhau từ mọi người. Nhưng tôi nghĩ người ta đã nhắc đến rằng những người thực sự quyết định việc này là Tổng Bí thư và Bộ trưởng Quốc phòng.”

Khi được hỏi nếu có quyết định đó, thì làm thế nào ý kiến của một thiểu số như vậy lại có thể quyết định đa số, ông Hayton nói với BBC Tiếng Việt:

“Tôi được cho biết rằng luận điểm đã thuyết phục tất cả mọi người là Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump không thể tin cậy để giúp Việt Nam trong tình hình này. Và tương phản với ý tưởng rằng (nếu) dưới lãnh đạo của Hillary Clinton, có lẽ sẽ có nhiều hơn sự hậu thuẫn đến từ Hoa Kỳ.

“Do đó, Việt Nam sẽ phải đối diện với Trung Quốc chỉ có một mình, tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhất,” nhà nghiên cứu về Biển Đông và chính trị Việt Nam đồng thời là phóng viên BBC nói.

Đe dọa chủ quyền?

Tin rằng Việt Nam phải ngưng dự án này với Repsol cũng được một chuyên gia khác về tình hình Việt Nam và Biển Đông, giáo sư Carl Thayer đăng tải trên trang của ông.

Trong “Thayer Consultancy Background Brief”, ông viết rằng ông được nghe hôm 15/07 rằng chính quyền Việt Nam “yêu cầu Repsol ngưng việc khoan dầu tại Lô 136-03”.

Cả hai tác giả này đều nêu ra điều họ tin là “đe dọa từ phía Trung Quốc” khiến Việt Nam phải ngưng hoạt động dầu khí nói trên.

Nhà báo Bill Hayton nói nguồn của ông trong ngành dầu khí cho hay “lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò”.

Giáo sư Thayer cho rằng “có tin được nêu rằng Trung Quốc chuyển lời đe dọa tới Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ngày 14/07 để đồng ý ngưng khoan dầu khí”.

Ông Thayer cũng viết rằng không rõ có phải Thượng tướng Phạm Trường Long của Trung Quốc nêu ra lời “đe dọa” đến Việt Nam ngay trong chuyến thăm hồi tháng 6 tới Hà Nội hay được phía Trung Quốc nêu ra sau đó.

Trước đó, báo chí quốc tế và dư luận Việt Nam chú ý đến chuyến thăm bị cắt ngắn của Thượng tướng Trung Quốc, Phạm Trường Long đến Hà Nội trong tháng 6.

Trước khi sang Việt Nam, ông Phạm đã thăm Tây Ban Nha, nước chủ nhà của tập đoàn Repsol.

Báo chí châu Âu đưa tin Thượng tướng Phạm Trường Long đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng María Dolores de Cospedal tại Madrid hôm 14/06 để bàn về cách tăng cường hợp tác quân sự với Tây Ban Nha.

Hai bên Trung Quốc và Tây Ban Nha đã bàn về cách “hợp tác huấn luyện quân sự, trao đổi các chuyến tàu hải quân thăm lẫn nhau”, theo các báo châu Âu.

Vẫn về Biển Đông, một bài của tác giả Li Yincai trên trang Global Times (Hoàn cầu Thời báo 24/07/2017) nêu quan điểm rằng “thách thức cho Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa vẫn còn đó”.

Bài báo nói “Có một khả năng là Việt Nam và một số nước khác sẽ đem các tranh chấp của họ với Trung Quốc ra cộng đồng quốc tế, hoặc các nước Đông Nam Á sẽ cụm lại với nhau để chống lại Trung Quốc”.

Tuy thế, nét chính trong bài viết này là Trung Quốc đang có cơ hội để “dẫn đường và định hình môi trường ngoại giao” tại khu vực láng giềng này.

‘Nguy hại cho pháp lý’

Hôm 27/7, từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Phó Vụ trưởng, Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam bình luận với BBC về phản ứng của truyền thông chính thức của Việt Nam và tính nguy hại nếu như Việt Nam ‘dừng khoan’ dưới áp lực của Trung Quốc, ông nói:

“Sự kiện xảy ra tại lô 136-3, ở bãi Tư Chính, sự việc đó xảy ra, cho đến thời điểm này, truyền thông chính thức không hề đưa tin.

“Tuy vậy, trên mạng xã hội, thông tin rất nóng bỏng, và rất nhiều người dân đã bày tỏ lo lắng, cũng như thất vọng rất lớn của mình đối với việc truyền thông của nhà nước tại sao không minh bạch, tại sao không đưa tin về một vấn đề có thể nói là sống còn liên quan chủ quyền lãnh thổ quốc gia như vậy?

“Chính vì vấn đề không minh bạch đó, cho nên khi có những thông tin như nhà báo Bill Hayton đưa…, với những thông tin như vậy, theo tôi về mặt chính trị là không tốt cho thể chế của Việt Nam hiện nay.

“Bởi lẽ đất nước này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong khi đó, thềm lục địa mình đang thực hiện quyền của mình rất chính đáng, mà sâu xuống phía Nam, cách xa Hoàng Sa, Hoàng Sa thì họ (Trung Quốc) đã chiếm được và bây giờ họ xuống sâu hơn nữa, mà lại có thông tin rằng Việt Nam dường như cam kết là trong tương lai sẽ không tiếp tục khoan, và điều này nguy hại cả về mặt pháp lý sau này.

“Bởi vì với động thái như vậy, việc yêu cầu Repsol dừng sẽ là một chứng cứ trong tương lai, gọi là ‘de facto evidence’, là đã thừa nhận bằng cách công nhận là anh không có quyền ở thềm lục địa đó, như vậy rõ ràng nó sẽ nguy hại cho câu chuyện đấu tranh pháp lý sau này. ”

“Đây là một vấn đề rất lớn, trong khi đó nhân dân Việt Nam không được biết đến, cái này theo tôi sẽ ảnh hưởng lớn vô cùng đến dư luận xã hội ở Việt Nam – thất vọng với cách thức và đường lối lãnh đạo của Đảng và nhà nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền,” ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam có thông tin ngắn cho báo chí về chuyện này.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc nhanh, ghi nhanh

    Mới đọc Chapeau đã “bức xúc”; Xin ghi nhanh:
    Đã có 1 “tổng Lú”,
    Lại thêm “Dại tướng quân”;
    Biển Đông mà để liếm,
    Thì “mặt” nào nhìn DÂN? …

Comments are closed.