Trân Văn
13-4-2019
Cục Đào tạo của Bộ Công an vừa trả lại cho tỉnh Hòa Bình 28 sinh viên sĩ quan đang theo học tại các trường đại học của ngành công an. 28 sinh viên sĩ quan này nằm trong số 64 thí sinh ở tỉnh Hòa Bình từng được sửa bài – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm ngoái (1).
Đến giờ, scandal sửa bài – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 vẫn còn vô số dấu hỏi. Sau chín tháng điều tra, công chúng chỉ mới biết ở tỉnh Hòa Bình có 64 thí sinh được sửa bài – nâng điểm. Ở tỉnh Sơn La, con số này là 44. Còn ở tỉnh Hà Giang thì ít nhất cũng có 114 thí sinh được sửa bài – nâng điểm…
Ai cũng biết, sửa bài – nâng điểm không phải là chuyện ngẫu nhiên nhưng không chỉ có viên chức hữu trách của các ngành giáo dục, công an cương quyết bảo vệ danh tính những thí sinh được sửa bài – nâng điểm, nhiều viên chức hữu trách ở các ngành khác cũng tán thành việc cần bảo mật danh tính những thí sinh này.
Theo khuynh hướng vừa kể, bà Nguyễn Thị Doan, cựu Phó Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giờ đang là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, cần bảo mật vì phải thể hiện sự “nhân văn”, nếu không “hậu quả với những thí sinh này sẽ vô cùng nặng nề” (2).
Trong scandal sửa bài – nâng điểm, hai từ “nhân văn” trở thành bảo bối, vừa bảo vệ tương lai của những thí sinh mà học lực vốn chẳng đâu vào đâu, điểm các bài thi dẫu chỉ hai, ba, thậm chí có trường hợp, bài thi chưa đủ một điểm, cũng vẫn đủ để hất văng bạn bè đồng trang lứa ra chỗ khác, vừa giúp cha mẹ chúng bảo toàn tiền đồ, sự nghiệp.
Có quốc gia nào mà cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền cùng đề cao “nhân văn” kiểu này không? Câu trả lời tất nhiên là không. Ngay tại Việt Nam, “nhân văn” mang màu sắc xã hội chủ nghĩa, do các viên chức cộng sản xiển dương cũng chỉ dành cho đồng đội, đồng chí, không dành cho nhân… dân.
***
Cuối tuần trước, giữa lúc các viên chức hữu trách của cả hai ngành giáo dục và công an đang thượng tôn “nhân văn”, “tả xung, hữu đột” chống trả sự phẫn nộ của công chúng nhằm bảo vệ những thí sinh được sửa bài – nâng điểm, Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh tổ chức trao “Quyết định đình chỉ điều tra” cho bảy người bị bắt oan cách nay… 40 năm!
Tháng 7 năm 1979, công an Tây Ninh bắt ông Nguyễn Văn Dũng vì nghi ông “cướp tài sản của công dân” ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Ngoài việc “cúi đầu nhận tội”, ông Dũng khai thêm là cha ông, anh ông, em ông, em rể ông cùng tham gia vụ cướp.
Sau khi công an Tây Ninh sử dụng nhiều “biện pháp nghiệp vụ”, cha, anh, em, em rể ông Dũng khai đã đưa tang vật cho vợ họ cất giấu. Tới lượt mẹ ông Dũng, vợ ông Dũng, em gái ông Dũng bị tống giam. Đại gia đình bao gồm cha mẹ, bốn đứa con trai, rồi con dâu, con gái vào tù. Tất cả đều “cúi đầu nhận tội”.
Tám thành viên trong đại gia đình vừa kể ngồi tù ba năm rưỡi. Đến giữa năm 1983 cả tám được phóng thích. Theo “Quyết định đình chỉ điều tra” ký vào thời điểm đó thì: “Có đủ bằng chứng chứng minh các bị can không phạm tội. Việc cả tám nhận tội là do cơ quan điều tra dùng nhục hình bắt họ nhận tội”.
Đáng nói là các cơ quan tư pháp ở Tây Ninh không giao “Quyết định đình chỉ điều tra” cho tám nạn nhân. Trong mắt thiên hạ, họ vẫn là tám kẻ cướp được… tạm tha. Đầu năm ngoái, ông Nguyễn Văn Dũng – “thủ phạm chính” – kêu oan suốt 35 năm mới nhận được tờ “Quyết định đình chỉ điều tra” để minh oan cho chính mình.
Bảy người còn lại thì một (cha ông Dũng) đã chết. Hôm 4 tháng 4, đại diện Viện Kiểm sát Tây Ninh trao bảy “Quyết định đình chỉ điều tra” được ký cách nay 36 năm cho những thành viên còn lại trong gia đình ông Dũng hoàn toàn không phải do “nhân văn” mà vì “cấp trên chỉ đạo”!
Đại diện Viện Kiểm sát Tây Ninh lưu ý, những thắc mắc về truy cứu trách nhiệm trong việc gây oan sai, rồi tại sao lần lữa, thoái thác, không trao “Quyết định đình chỉ điều tra” để sớm minh oan cho các nạn nhân, bồi thường thiệt hại thế nào,… sẽ được giải quyết trong những… buổi làm việc sau.
Theo tờ Pháp Luật TP.HCM, vì không chịu nổi áp lực do cáo buộc “cướp” gây ra, các nạn nhân đều bỏ xứ tha phương cầu thực. Trong tám nạn nhân có một phụ nữ bị bắt khi vừa cấn thai. Oán chồng hèn yếu, đầu hàng đòn roi, vu oan giá họa cho mình, bà không báo cho ông biết mình có thai, sau khi sanh con trong tù, bà đem cho người khác (3)!
Những thảm nạn, nghịch cảnh kiểu như mới kể hiện diện ở khắp nơi và trước nay vẫn được xem như bạn đồng hành với những người cộng sản. Tại sao các viên chức cộng sản không phân bổ đồng đều “nhân văn” mang màu sắc xã hội chủ nghĩa cho mọi giới, đặc biệt là những đứa trẻ để chúng không bị tổn thương, tương lai của chúng không nặng nề?
***
Trong vòng mười năm gần đây, các đại học của công an và quân đội đột nhiên trở thành mục tiêu của nhiều đứa trẻ và phụ huynh. Vì sao? Trước hết, đó là những đại học mà sinh viên đã không phải đóng học phí lại còn được biệt đãi về ăn, ở, được chu cấp những chi phí như mặc, sinh hoạt phí,… Chưa kể khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay lập tức.
Thực tế cho thấy, phần lớn những thí sinh được sửa bài – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm ngoái là để bảo đảm giành được một chỗ trong những đại học của công an, quân đội. Phụ huynh của những đứa trẻ này vốn không phải thường dân nên họ hiểu hơn ai hết đặc quyền, đặc lợi, cơ hội dành cho công an, quân đội.
Qua hệ thống đại học chuyên ngành, công an, quân đội đang cố gắng nâng cao giá trị của mình. Đã tới lúc, công an, quân đội xem học vấn, học lực là quan trọng? Nếu công an, quân đội thật sự là những lĩnh vực tập trung tinh hoa của quốc gia, lực lượng vũ trang của Việt Nam chắc chắn đã khác hiện nay rất xa!
Scandal sửa bài – nâng điểm đã cũng như đang bày ra mâu thuẫn càng lúc càng gay gắt giữa một bên giương cao “nhân văn” xã hội chủ nghĩa, một bên đòi phải thượng tôn pháp luật, hành xử công quyền một cách công minh. Bên đòi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hành xử công quyền một cách công minh không có thực quyền.
Rất ít người nhận ra, đã có “nhân văn” xã hội chủ nghĩa thì ắt phải có “công minh” xã hội chủ nghĩa. Vào lúc này, tuy sự “công minh” đó không dọn được đường, đưa những đứa trẻ mà học lực chỉ giúp chúng đạt được vài điểm trong cả ba môn ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018, trở thành sinh viên sĩ quan của các đại học thuộc ngành công an, quân đội nhưng trong tương lai sẽ mở cho chúng những lối khác, không trước thì sau, chính chúng sẽ đứng ra bảo vệ “nhân văn” xã hội chủ nghĩa.
Năm 2017, sau khi Viện Kiểm sát Tối cao cho phép Viện Kiểm sát tỉnh Long An tuyển dụng 25 công chức, có 71 ứng viên tốt nghiệp Cử nhân Luật hệ chính quy phải giành giựt với nhau 21 suất trong kỳ thi tuyển được tổ chức ở Trường Đào tạo – Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP.HCM. Bốn ứng viên còn lại từng được Viện Kiểm sát tỉnh Long An tuyển dụng làm tạp vụ, bảo vệ rồi được gửi đi học luật hệ tại chức, không cần thi tuyển vẫn được Viện Kiểm sát Tối cao cho phép Viện Kiểm sát Long An xét tuyển cả bốn (4).
Trong bốn ứng viên được đặc cách xét tuyển, có một là cháu ruột cựu Viện phó Viện Kiểm sát Tối cao. Một là cháu nội cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An. Một là con Viện phó đương nhiệm tại Viện Kiểm Sát Long An. Ứng viên cuối cùng tuy từng bị công an loại ra khỏi ngành vì nghiện ma túy nhưng cũng được đặc cách xét tuyển vì vừa là cháu cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An, vừa là con Viện phó Viện Kiểm sát thành phố Tân An.
Sau khi công luận thắc mắc về chuyện xét tuyển kỳ quái như đã kể, cuối năm ngoái, Viện Kiểm sát Tối cao thu hồi Quyết định Công nhận kết quả trúng tuyển và Tuyển dụng bốn cá nhân được đặc cách xét tuyển làm công chức. “Nhân văn” xã hội chủ nghĩa đã khiến toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ngoảnh mặt làm ngơ, không thèm điều tra, cũng chẳng đếm xỉa đến truy cứu trách nhiệm, xử lý những viên chức hữu trách có liên quan (5). Đó là “công minh” xã hội chủ nghĩa.
Đòi công minh nhưng chấp nhận “công minh” song hành với chủ nghĩa xã hội thì dù muốn hay không cũng phải chấp nhận những sĩ quan công an có tổng điểm thi ba môn chỉ một con số, bảo vệ và thực thi pháp luật, những cá nhân men theo đường mòn làm Kiểm sát viên, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, những thẩm phán nhân danh công lý để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa,… theo kiểu hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp đã áp dụng với gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở Trảng Bàng, Tây Ninh.
Chú thích
(1) https://www.tienphong.vn/giao-duc/28-thi-sinh-hoa-binh-bi-truong-cong-an-tra-ve-la-ai-1400349.tpo
(3) https://plo.vn/phap-luat/8-cong-dan-tay-ninh-ganh-noi-oan-40-nam-825802.html
(4) http://langmoi.vn/long-an-vet-tap-vu-bao-ve-lam-kiem-sat-vien/