25-7-2017
Luận cứ Ls Hà Huy Sơn trình bày tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 25/07/2017, TAND tỉnh Hà Nam.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho bị cáo Trần Thị Nga xin trình bày luận cứ bào chữa như sau:
I. Tóm tắt vụ việc:
Ngày 21/11/2016, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hà Nam tiếp nhận 01 DVD gồm 11 video clip do Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hà Nam chuyển đến thu được từ FB “Thuy Nga”, “Tran Thi Nga” và Youtube “Trần Thúy Nga”.
Ngày 22/11/2016, Cơ quan ANĐT ra quyết định số 03/QĐ-ANĐT trưng cầu giám định nội dung 11 video clip.
Ngày 29/11/2016, Cơ quan ANĐT ra quyết định trưng cầu giám định sô 04/QĐ-ANĐT, trưng cầu Viện KHHS Bộ Công an giám định tiếng nói, hình ảnh trong 11 video clip.
Ngày 08/12/2016, ra Bản KLGĐ số 5393/C54-P6 của Viện KHHS Bộ Công an. Kết luận tiếng nói, hình ảnh trong 11 video clip là bà Trần Thị Nga.
Ngày 16/12/2016, ra Bản kết luận giám định của Bộ TT&TT đối với 11 video clip. Kết luận nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Ngày 21/01/2017, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam ra Quyết định số 01/QĐ-ANĐT khởi tố vụ án “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự 1999. Quyết định khởi tố bị can đối với bà Trần Thị Nga số 21 ngày 21/01/2017, về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.
Ngày 21/01/2017, thi hành Lệnh bắt và tạm giam bà Trần Thị Nga.
Ngày 21/01/2017, thi hành Lệnh khám xét nơi ở bà Trần Thị Nga.
Ngày 20/02/2017, Cơ quan ANĐT điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định số 01/QĐ-ANĐT, trưng cầu Bộ TT&TT giám định 02 file video clip thu được khi khám nơi ở của bà Trần Thị Nga ngày 21/01/207, tiêu đề “ Muốn đất nước Giầu Mạnh, Công bằng thì bạn phải hành động chứ đừng chờ người khác”, “Hết tiền trả lương Đảng cộng sản móc họng dân bằng cách tăng 5 nghìn 1 lít xăng phí môi trường”.
Ngày 20/02/2017, Cơ quan ANĐT điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định số 02/QĐ-ANĐT, trưng cầu Viện KHHS – Bộ Công an giám định tiếng nói, hình ảnh của người trong 02 file video clip.
Ngày 23/3/207, ra Bản KLGĐ của Bộ TT&TT kết luận 02 file video clip nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Ngày 20/03/2017, Bản KLGĐ số 806/C54-P6, của Viện KHHS – Bộ Công an kết luận âm thanh, hình ảnh là của bà Trần Thị Nga.
Ngày 05/05/2017, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam ra KLĐT số 01/KL-ANĐT.
Ngày 25/05/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam ra cáo trạng số 12/CTr-VKS-P1 truy tố theo điểm a, b, c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự:
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
II. Các vi phạm tố tụng:
1. Ngày 21/11/2016, 11 video clip Cơ quan điều tra có được là do Sở TT&TT tỉnh Hà Nam giao nộp. Sở TT&TT cho rằng đã thu lại trên Internet từ Facebook cá nhân “Thuy Nga”, “Tran Thi Nga” và trang Youtube “Trần Thúy Nga” (Cáo trạng – trang 01):
1.1. Việc Sở TT&TT thu thập 11 video clip không thuộc trường hợp phạm tội quả tang. Nó không được lập biên bản việc thu thập 11 video clip từ máy tính hay thiết bị điện tử nào? được kết nối Internet của Công ty cung cấp dịch vụ Intenet nào? và những thông tin này chưa được chính Công ty cung cấp dịch vụ Intenet đó xác nhận. Vì vậy, tại phiên Tòa hôm nay, không thể có căn cứ xác định 11 video clip này thu thập từ Intenet chứ không phải do Sở TT&TT làm ra.
Bản kết luận giám định số 5393/C54-P6, ngày 08/12/2016 của Viện khoa học hình sự – Bộ Công an, không có nội dung khẳng định 11 video clip này được thu thập trên Internet hay được thu thập như thế nào.
Tóm lại: Việc thu thập chứng cứ là không đúng quy định của pháp luật.
1.2. “Chứng cứ là những gì có thật” (k 1 Đ 64 – BL TTHS 2003), và sự thật thì chỉ có một (bản gốc). Việc đánh giá tính chứng cứ phải được thực hiện bằng mẫu cần giám định gốc hoặc mẫu sao chép theo thủ tục hợp pháp. Đĩa DVD do Sở TT&TT tỉnh Hà Nam có chứa 11 video clip, bản thu thanh và bản dịch kèm theo (Bút lục 11) giao nộp cho Cơ quan điều tra không phải bản gốc, không phải bản sao chép trên Internet theo thủ tục hợp pháp. Không được Cơ quan điều tra trưng cầu giám định để xác định tính xác thực của chứng cứ. Cơ quan điều tra chuyển những bản sao này cho Viện KHHS – Bộ Công an để giám định âm thanh, hình ảnh và 11 clip video được chuyển sang dạng chữ in trên giấy chuyển cho Hội đồng giám định Bộ TT&TT để giám định nội dung. Nói cách khác là 02 cơ Cơ quan giám định đã căn cứ vào mẫu giám định là bản sao không hợp pháp để thực hiện giám định nên các Kết luận giám định đó không có giá trị pháp lý. Sở TT&TT và Cơ quan điều tra không có chức năng chuyển từ âm thanh sang bản dịch dạng chữ in trên giấy.
1.3. Không có căn cứ xác định bà Trần Thị Nga có liên quan đến 11 video clip này:
– Bà Trần Thị Nga không nhận các Facebook và trang Youtube đó là của mình. Mặt khác bất cứ ai biết được các thông tin cá nhân của bà Trần Thị Nga thì cũng có thể đăng ký tài khoản trên Facebook và Youtube. Tôi xin dẫn chứng, hiện nay trên Internet đang tồn tại các trang tin điện tử mang tên tất cả các vị lãnh đạo của Nhà nước nhưng lại không phải do các vị đó đăng ký, quản lý.
– Không có xác nhận của chủ sở hữu các Website đó là Công ty Facebook ở Stanford Research Park, Palo Alto, California, Hoa Kỳ và Công ty chi nhánh của Google ở San Bruno, Califonia, Hoa Kỳ (chủ sở hữu Youtube), RFA, Chantroimoimedia, STBN Úc châu khẳng định 11 video clip này là có thật và được họ lưu trữ, đăng tải trên Internet.
Tóm lại: Không có căn cứ xác định bà Trần Thị Nga làm ra 11 video clip này.
1.4. Bản KLGĐ số 5393/C54-P6 ngày 08/12/2016 của Viện KHHS Bộ Công an. Kết luận tiếng nói, hình ảnh trong 11 video clip là bà Trần Thị Nga:
Ngày 29/11/2016, Cơ quan ANĐT ra quyết định trưng cầu giám định sô 04/QĐ-ANĐT, trưng cầu Viện KHHS Bộ Công an giám định tiếng nói, hình ảnh trong 11 video clip. Để đối chiếu với với mẫu âm thanh, hình ảnh của bà Nga. Cơ quan điều tra gửi Cơ quan giám định: 01 file âm thanh thời lượng 32 phút 02 giây (M1); 01 file âm thanh, hình ảnh dung lượng 1,8GB (M2) cho là của bà Nga. Nhưng M1, M2 không được thu thập theo thủ tục hợp pháp. Vì trước khi bị bắt cho đến bây giờ bà Nga chưa 01 lần được cơ quan điều tra cho biết việc thực hiện thu âm thanh, hình ảnh của mình để thực hiện trưng cầu giám định.
1.5. Nếu có 11 video clip trên được tàng trữ, lưu hành trên Internet thì đó là Facebook và Youtube tàng trữ, lưu hành chứ không phải bà Trần Thị Nga.
2. Ngày 21/01/2017, khi bắt và khám xét nơi ở của bà Nga, Cơ quan điều tra đã sao chép từ máy tính xách tay ở nhà bà Nga ra đĩa DVD, trong đó có 01 file có tiêu đề “Muốn đất nước giàu mạnh, công bằng thì bạn phải hành động chứ đừng chờ người khác”. Tài liệu thu thập này của Cơ quan điều tra cũng giống như 11 video clip ở trên, như tôi đã phân tích mục 1 – không phải là chứng cứ để cáo buộc bà Nga.
3. Khi khám xét nơi ở và thu giữ máy tính tại nhà bà Nga ngày 21/01/2017, Cơ quan điều tra đã kích chuột vào ổ D trong đó tìm thấy 01 video clip có dung lượng 52,9MB với tiêu đề “Tại sao chính phủ tăng giá xăng”. Ngày 20/02/2017, Cơ quan ANĐT điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định số 01/QĐ-ANĐT, trưng cầu Bộ TT&TT giám định có tiêu đề khác “Hết tiền trả lương Đảng cộng sản móc họng dân bằng cách tăng 5 nghìn 1 lít xăng phí môi trường”. Mặt khác video clip này chưa được giám định xem nó có bị cắt ghép âm thanh, hình ảnh hay không? Do vậy, video clip này không được xác định là chứng cứ hợp pháp để giải quyết vụ án.
4. Cáo trạng trang 16 còn nêu ra: Cơ quan điều tra xác định 09 đơn của công dân tố cáo bà Nga có hành vi về mặt khách quan tội phạm của “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Nhưng nội dung các đơn tố cáo này không được bà Nga thừa nhận, nội dung chưa có kết luận giám định, chưa thực hiện đối chất giữa người tố cáo và bà Nga. Vì vậy, không thể xác định đây là chứng cứ cáo buộc bà Nga.
5. Ngoài ra Cáo trạng trang 16 nêu: Trong thời gian tạm giam bà Nga bị người cùng buồng tố cáo bà có hành vi về mặt khách quan tội phạm của “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Nhưng nội dung các đơn tố cáo này không được bà Nga thừa nhận, nội dung chưa có kết luận giám định, chưa thực hiện đối chất giữa người tố cáo và bà Nga. Vì vậy, không thể xác định đây là chứng cứ cáo buộc bà Nga.
Mặt khác, ngày 16/12/2016, trước khi ra quyết định khởi tố bị can tại Bản kết luận điều tra của Bộ TT&TT đã kết luận 11 video clip được cho là của bà Trần Thị Nga đã có nội dung “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tức là hành vi của bà Nga đã hoàn thành việc phạm tội “Tuyên truyền”. Nhưng sau khi bà Nga bị khởi tố bị can và bị bắt tạm giam thì Cơ quan điều tra lại cho rằng: Trong thời gian tạm giam bà Nga có hành vi “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” theo điểm e khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, tội “Tuyên truyền”. Đây là mâu thuẫn về logic hình thức. Nó chứng tỏ Cơ quan điều tra đã không khách quan, cố ý đề nghị tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bà Nga (KLĐT – trang 25).
6. Hồ sơ vụ án không có Quyết định khởi tố bị can số 21, ngày 21/03/2017 và Lệnh khám xét chỗ ở hoặc Tòa án đã giấu không cho Luật sư sao chụp 02 bút lục này.
7. Ông Võ Thanh Lâm là người giám định tư pháp theo vụ việc, trong Bản kết luận giám định ngày 16/12/2016 và Bản kết luận giám định ngày 23/03/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tự mình thừa lệnh Bộ trưởng xác nhận chữ ký cho chính mình là không khách quan.
8. Điều 4 Hiến pháp 2013 có ghi Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không phải là một bộ phận cấu thành của Nhà nước. Nên Cáo trạng cho rằng hành vi tuyên truyền chống Đảng thuộc về mặt khách quan của “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” là không đúng về logic.
9. Khoản 1 Điều 10 “Áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp” của Thông tư 24/2013/TT-BTTTT Quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, quy định:
“1. Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được thực hiện căn cứ vào quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiện hành (bao gồm Tiêu chuẩn quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông) và các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung cần giám định.”
Nhưng 02 Bản KLGĐ của Hội đồng giám định Bộ TT&TT không căn cứ vào quy chuẩn chuyên môn hay văn bản pháp luật nào mà hoàn toàn theo chủ quan của những người giám định.
III. Đề nghị HĐXX:
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Với các lý lẽ nêu trên;
Căn cứ khoản 1 “Không có sự việc phạm tội” Điều 107 và 227 Bộ luật tố tụng hình sự 2003,
Tôi đề nghị HĐXX xem xét tuyên không có tội và trả tự do cho bà Trần Thị Nga.
Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị,
TP. Phủ Lý, ngày 25/07/2017.
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn