Tin Biển Đông
Báo Người Lao Động có bài: Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm mới đóng, trả nợ chưa xong. Ngư dân Nguyễn Minh Hùng, chủ tàu QNg 90819TS cho biết, “tàu xuất bến ra Hoàng Sa hành nghề lặn mới được 4 ngày thì bị tàu Trung Quốc tông chìm”. Người thân của ông Hùng kể: “Trong những năm trước, tàu của ông Hùng đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ. Anh Hùng đóng mới lại tàu năm 2016, giờ tiền trả nợ còn chưa xong đã bị tàu Trung Quốc tông chìm”.
Báo Người Lao Động dẫn lời Đô đốc Mỹ Philip Davidson: Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự trên biển Đông. Ngày 7/3/2019, ông Davidson cho biết: “Trong năm qua, tàu chiến, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom (của Trung Quốc) hoạt động mạnh mẽ hơn so với các năm trước đó, chắc chắn là như thế”.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Diễn biến ‘nóng’ trên Biển Đông. Bài viết bàn về cuộc gặp giữa ngoại trưởng Philippines và Việt Nam vừa diễn ra trong tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm Philippines và gặp TT Duterte, tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ nước này trong tình huống có chiến tranh ở Biển Đông. “Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay Mỹ đưa ra lời trấn an công khai như vậy”.
Thủ tướng Malaysia yêu cầu TQ xác định “cái gọi là quyền sở hữu” ở Biển Đông, theo VOA. Trước chuyện Trung Quốc “tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông nhưng từ chối xác định phạm vi yêu sách chủ quyền của mình, ngoại trừ một đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) mơ hồ”, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói: “Chúng ta phải nói chuyện với Trung Quốc về việc xác định yêu sách chủ quyền của họ và ‘quyền sở hữu’ hay ‘cái gọi là quyền sở hữu’ mà họ tuyên bố có nghĩa là gì”.
RFA đưa tin: Việt Nam lại lên tiếng về tầm quan trọng của Biển Đông. Theo đó, Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa tham gia Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 diễn ra vào sáng 7/3/2019 tại Pattaya, Thái Lan.
Tại hội nghị này, ông Giang “lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và đề nghị lực lượng thực thi pháp luật trên biển và hải quân các bên liên quan tăng cường hợp tác, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định vùng biển trong khu vực”.
Báo Dân Trí bàn về thông điệp gửi đến Trung Quốc đằng sau thương vụ Singapore mua “tia chớp” F-35 của Mỹ. Qua thương vụ này, Singapore “muốn trở thành một trong số ít các quốc gia sở hữu F-35 của Mỹ. Với vị thế địa chiến lược nằm gần Biển Đông, giới quan sát cho rằng động thái này có thể khiến Trung Quốc ít nhiều lo lắng”.
Mời đọc thêm: Đô đốc Mỹ: Trung Quốc tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông (TT). – Tướng 4 sao: Mỹ sẽ tập trận hải quân cùng ASEAN trong năm 2019 (Zing). – Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông tại ACDFM-16 (TTXVN). – Hội nghị Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 chú trọng an ninh bền vững (VTV). – Việt Nam – Philippines quan ngại về diễn biến ở biển Đông (PLTP). – Ông Trọng mời ông Duterte thăm Việt Nam (VOA). – Singapore mua chiến đấu cơ tàng hình F-35 tuần tra Biển Đông (CATP). – Bị tông chìm tàu, ngư dân vẫn tiếp tục đánh bắt trên tàu cứu nạn (DV).
Tin nhân quyền
Ngày 7/3/2019, TAND huyện Tuy Phong mở phiên tòa xét xử 15 người tham gia biểu tình phản đối luật đặc khu ở Bình Thuận hồi tháng 6/2018. Giống như nhiều phiên tòa với “án bỏ túi” trước đó, nhằm mục đích đàn áp người yêu nước, cả 15 người đều nhận án tù, tội danh “Gây rối trật tự công cộng”. VOV đưa tin: 15 đối tượng gây rối ở Bình Thuận lĩnh án.
Hội đồng xét xử cho rằng “hành động của các bị cáo đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tình hình kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân”. Họ nhận mức án cao nhất là 3 năm 6 tháng tù, thấp nhất cũng 2 năm tù.
Dân biểu Mỹ lại đưa dự luật nhân quyền Việt Nam vào Hạ viện, theo VOA. Dân biểu Chris Smith, thành viên cấp cao của Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, “một lần nữa lại giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (HR 1383) vào nghị trình của quốc hội Mỹ để trừng phạt Việt Nam về những vụ vi phạm nhân quyền ở trong nước”.
Ông Smith cho biết: “Năm vừa rồi là một năm tồi tệ cho nhân quyền Việt Nam. Công dân Mỹ Michael Nguyễn, một người cha có bốn con cư ngụ ở Los Angeles, tiếp tục bị giam giữ mà không qua quy trình pháp lý nào, ông ấy không phải là người Mỹ duy nhất bị bắt và bị ngược đãi ở Việt Nam trong năm qua”.
Mời đọc thêm: Nữ tù nhân lương tâm Việt Nam: Vẫn sẽ chọn con đường đã dấn thân (RFA). – RSF lên án Việt Nam tiếp tục hành hung các nhà báo bị cầm tù — Thêm 15 người bị án tù do tham gia biểu tình tại Bình Thuận (VOA). Báo “lề đảng”: Thêm 15 người tội gây rối trật tự công cộng ở Phan Rí Cửa bị phạt tù (TN). – Hàng loạt kẻ gây rối trật tự công cộng ở Bình Thuận lĩnh án (VTC). – Nữ hướng dẫn viên du lịch gây rối trật tự công cộng lĩnh 36 tháng tù (Zing).
Quá nhiều siêu dự án
Viet Times có bài: FLC tính “làm lớn” tại Hà Giang: 3 dự án, 1.400 ha, có cả du lịch tâm linh, Bí thư Triệu Tài Vinh gợi ý thêm cả trường đua ngựa. Tuy nhiên, nhiều người đã cảnh báo về những dự án nhiều cạm bẫy của FLC, tập đoàn có sự phụ thuộc vào Trung Quốc rất lớn, đến mức có những thông tin cho rằng, FLC còn duy trì được đến giờ này đều nhờ sự chống lưng của Trung Quốc.
Ngày 30/7/2017, The Leader có bài: Tập đoàn FLC vay 105 tỷ đồng từ ngân hàng Công Thương Trung Quốc. Đây chỉ là bề nổi của sự phụ thuộc của FLC vào Trung Quốc. Gần đây tập đoàn này tuyên bố đã trả hết nợ cho ngân hàng Công thương TQ, nhưng không có gì chắc chắn rằng các dự án của FLC không còn mang mục đích ngầm giao đất người Việt cho người Tàu.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt kế hoạch chỉ định nhà đầu tư siêu dự án nghỉ dưỡng hơn 4.000 tỷ tại Vân Đồn, theo báo Trí Thức Trẻ. “Mục tiêu của Dự án là nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn 2030”.
Hậu quả của những lời quảng cáo, tuyên truyền về đất đặc khu Vân Đồn: Chôn tiền tỉ sau cơn sốt kinh hoàng đất đặc khu, theo VietNamNet. Ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh kể về cơn sốt đất gần một năm trước: “Chuyển nhượng mua bán đất ở các sàn thời điểm đó rầm rộ. Nhưng đến nay, sau văn bản hồi tháng 5/2018 của tỉnh, tất cả các sàn giao dịch bất động sản ở Vạn Ninh gần như đóng cửa hoàn toàn”.
Mời đọc thêm: FLC tiếp tục đề xuất đầu tư 3 dự án ở Hà Giang (CafeLand). – Về liên danh được chọn để nghiên cứu đầu tư “siêu” dự án 2 tỷ USD Danang Gateway (Viet Times). – Lào Cai chỉ định nhà đầu tư tại siêu dự án hơn 9.000 tỷ đồng ở Sa Pa (TP). – Cuộc đua vào siêu dự án Bình Quới-Thanh Đa đang quyết liệt, 5 “ông lớn” địa ốc quan tâm, sẵn sàng ký quỹ 3 tỷ USD (TTT/Soha). – Đánh thức “siêu” dự án Bình Quới – Thanh Đa (NLĐ).
Ngày 8-3: Thủ tướng Chém gió
Dịp 8-3 năm nay, Thủ tướng chém gió mà không biết ngượng: Thủ tướng: Lấy hạnh phúc, an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động, website Chính phủ đưa tin. TT Phúc nói, “là người đứng đầu Chính phủ, tôi rất đau lòng trước các vụ việc tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em xảy ra trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận”. Là người đứng đầu chính phủ, ông Phúc chỉ biết đau lòng thôi sao?
Vẫn Thủ tướng, tiếp tục chém gió: Tạo điều kiện để người có công có cuộc sống tốt hơn, website đảng CSVN đưa tin. Nhờ Thủ tướng giúp đỡ người có công này: Nhà báo Trương Châu Hữu Danh cho biết, bà mẹ liệt sĩ Lê Thị Tích, 92 tuổi, có một mảnh vườn ở Hồ Tràm. Rồi dự án casino mọc lên ở đây nên giá đất tăng vùn vụt. “Đất mẹ Tích ở hơn nửa thế kỷ nay bỗng dưng có một ông đại gia tên Tăng Minh Hòa ‘đứng tên’, dù ông chưa một ngày ở trên đất này“.
Ông Danh cho biết, bà Tích kêu cứu khắp nơi và được giới thiệu gặp ông Hoàng Đức Cần, Thanh tra Chính phủ. Ông Cần ra giá 15.000 USD để giúp đòi lại mảnh đất. Bà Tích nộp đủ tiền, rồi ông Cần nói “chưa đủ”, bà phải nộp thêm 50 triệu đồng nữa, nhưng ông Cần vẫn nói “chưa đủ”, bà Tích phải vay nóng thêm 30 triệu đồng để đưa cho ông Cần. Rồi dịp Tết còn phải lo lót cho ông ta quà cáp như khô cá ngựa, tiêu sọ…
PTT Vũ Đức Đam cũng góp phần “chém gió”: Phải ‘tuyên chiến’ với những hành vi phản văn hoá, theo báo Trí Thức Trẻ. Ông Đam kêu gọi các cán bộ tiếp tục làm gương, làm thêm nhiều việc tốt cho xã hội, tiếc là các cán bộ dưới quyền ông Đam vẫn tiếp tục thể hiện sự băng hoại về mọi mặt, tiếp tục tham nhũng, tiếp tục có quan hệ bất chính, tiếp tục đàn áp người dân.
Mời đọc thêm: Mẹ ‘liệt sĩ’ bị cướp đất, còn bị Thanh Tra Chính phủ đòi $15,000 (NV). – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chung sức vì hạnh phúc, an toàn của phụ nữ và trẻ em (LĐTĐ). – Thủ tướng đau lòng trước các vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em (Infonet). – Phụ nữ và trẻ em luôn giữ vị trí đặc biệt ở mọi quốc gia (GDVN). – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Không để dâng sao giải hạn biến tướng“ (VOV).
Các vụ “ăn” đất
Báo Thanh Niên có bài: Bàn giao nhà cho chính quyền rồi… bơ vơ! Theo đó, “nằm trong diện được giao đất tái định cư theo đề án xóa nhà tập thể của tỉnh Nghệ An, nhưng 4 năm qua, thương binh Trần Hữu Vự phải sống cơ cực trong phòng thuê trọ khi lô đất được cấp bất ngờ bị thu hồi”.
Trang Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin: Bị xã ‘mượn đất’ rồi đền bù giá rẻ, vợ liệt sỹ lại khiếu nại sau 23 năm. Đó là trường hợp bà Phạm Thị Bông, vợ liệt sĩ ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang. “Vụ này khởi sự năm 1996, cán bộ xã mượn đất của bà để cất trạm y tế với lời hứa đền bù, nhưng lời hứa gió bay. Giữa năm 2009, địa phương mở rộng trạm y tế thành Phòng khám Đa khoa khu vực Búng Tàu, tiếp tục lấy đất của bà”.
Mời đọc thêm: Tràn lan xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở đầm Châu Trúc: “Cù cưa” xử lý đến bao giờ? (TN&MT). – Đà Nẵng sốt đất không tưởng: Hám lãi khủng dễ rước họa — “Siết” 3 khu đất của Công ty Địa ốc Khang Gia vì… “nợ ngập mặt” (DT). – Bong bóng đất Phú Yên đã vỡ (ĐV). – Yêu cầu Bộ TN-MT làm rõ những tồn tại về quy hoạch, quản lý đất đai (MTĐT).
Quan chức và quan hệ bất chính
Báo Đất Việt đặt câu hỏi vụ tố Chủ tịch HĐND quan hệ bất chính: “Từ yêu chuyển sang…tiền?” Ông Trần Quang Trung, người tố cáo Chủ tịch HĐND TP Kon Tum Phạm Minh Xem qua lại với vợ ông, cho biết, “đã có cuộc làm việc với UBKT Tỉnh ủy Kon Tum xung quanh nội dung đơn tố cáo”. Ông Trung kể: “Tại buổi làm việc, tôi có mong muốn được đối chất với ông Xem… để hỏi ông ấy một số câu hỏi mà không được”.
Ông Trung nói thêm: “Hai người cặp bồ với nhau rồi tự nhiên lại nói đến chuyện nợ nần là sao? Từ yêu chuyển qua tiền là thế nào? Lúc đầu, ông Xem nói cho vợ tôi vay 500 triệu đồng, sau lại nói là 250 triệu đồng”.
Huyện ủy Đông Hải, Bạc Liêu đang xác minh thông tin một huyện ủy viên “có quan hệ bất chính”, báo Thanh Niên đưa tin. Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, tại đây đang “xuất hiện luồng thông tin chưa được kiểm chứng về một huyện ủy viên đã có vợ con nhưng lại quan hệ tình cảm với một người phụ nữ có chồng”.
Mời đọc thêm: Vụ tố Chủ tịch HĐND TP quan hệ với vợ người khác: “Có nhầm lẫn chứ không chủ động có mối quan hệ bất chính” (TQ). – Lùm xùm vụ Phó bí thư Thành ủy bị tố có quan hệ bất chính: Cơ quan chức năng vào cuộc (BVPL). – Chuyên viên Sở GD-ĐT Thanh Hóa bị “bạn gái” tố hành hung, làm nhục? (NLĐ).
Đến lúc phải “tận thu”
VietNamNet có bài về hiện tượng giá điện tăng, xăng lên mạnh: Đắt đỏ mớ rau con cá, lo mâm cơm nhà dân. Theo đó, tháng 3/2019 này không chỉ có giá điện dự kiến tăng khoảng 8,36% so với giá hiện hành, mà giá xăng cũng đã tăng vào ngày 2/3 vừa qua, mức tăng gần 1.000 đồng/lít. Biến động của giá điện và giá xăng không thể không ảnh hưởng tới giá cả các loại mặt hàng, nhu yếu phẩm.
Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cần phải tăng giá điện vì ngành điện độc quyền VN, vốn có nhiều ưu đãi, vẫn chưa có đủ “năng lực tài chính”: “Tăng giá điện làm GDP giảm 0,22% nhưng nếu không có điện thì có khi giảm mấy phần trăm cơ. Đó là điều chúng ta phải cân nhắc để có ngành điện ổn định”.
VnExpress có đồ họa: Giá điện tăng như thế nào 10 năm qua.
Báo Người Lao Động có bài: Doanh nghiệp kêu khổ nếu giá điện tăng. Theo bài viết, đối với “giải pháp tiết kiệm điện, nhiều DN thừa nhận chưa thể đầu tư lớn vì chi phí quá cao, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng”. Dù là thay đổi theo hướng sử dụng điện mặt trời hoặc năng lượng từ các nguồn khác thì cũng không khả thi với nhiều doanh nghiệp VN hiện nay.
Báo Dân Trí viết về hậu quả tăng giá điện với người lao động: Mỗi lần nghe tăng giá điện là… lạnh phát run! Một công nhân môi trường ở TP Bắc Giang nói: “Tăng nhiều vậy à? Vừa rồi tiền rác khu phố nơi tôi ở cũng đã tăng, giờ lại đến tiền điện. Cái gì cũng tăng thế này thì cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn”.
Trang Kinh Tế Đô Thị có bài: Người dân không thể mua điện giá cao. Dựa trên các yếu tố như chi phí nhân công rẻ, điều kiện thuận lợi về các nguồn năng lượng sơ cấp để sản xuất điện, bài viết chỉ ra, “trong bối cảnh GDP bình quân đầu người nước ta mới đạt hơn 2.500 USD/người/năm, sức mua còn thấp” thì “người dân không thể mua điện giá cao”.
Mời đọc thêm: Giá điện tăng 8,36% từ cuối tháng 3/2019 đẩy CPI tăng, kéo GDP giảm (VOV). – Vì sao giá điện dự kiến sẽ tăng hơn 8%? (VnEconomy). – Giá điện Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Lào, Campuchia (VNN). – Doanh nghiệp sản xuất dọa tăng giá bán theo giá điện (VNE). – Giá điện tăng đến 8,36%, người dân lo ‘đội’ chi phí tiêu dùng (TP). – Dự kiến giá điện tăng trong tháng 3, cư dân mạng nói gì? (VTV). – Nhập “0 đồng” tiền xăng nhưng lại tăng: Khó hiểu (DT).
Vụ mất bằng lái xe phải thi lại: Định móc túi dân thêm lần nữa?
Vụ Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đề xuất người mất bằng lái phải thi lấy bằng lại khiến nhiều người bất bình, VietNamNet có bài: Mất bằng lái không cần thi lại đâu, Bộ trưởng Thể ơi! Một độc giả bình luận: “Ai xin, ai cho đổi, ai thuê, ai cho mướn bằng là làm sai pháp luật thì xử lý những kẻ đó. Mất bằng có khi là do bị trộm cướp, móc ví, cháy nhà, thiên tai làm sao đánh đồng với những người cố tình làm sai pháp luật được”.
Báo Người Đưa Tin dẫn lời chuyên gia giao thông Trần Sơn bình luận đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại: “Bộ trưởng bộ GTVT đẩy gánh nặng lên đầu người dân?” Ông Sơn cho rằng, “để giải quyết triệt để về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt thì việc làm cấp thiết, quan trọng nhất là bộ GTVT cần phải thắt chặt lại khâu đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe”, chuyện sách nhiễu người đã có bằng là không nên và không hợp lý.
Để thi lấy bằng lái xe lại, người dân phải làm thủ tục, giấy tờ, đóng lệ phí… Có khi còn phải học lại để thi. Có lẽ Bộ trưởng Thể muốn tăng thêm thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho ngành giao thông?
Mời đọc thêm: Bộ trưởng Bộ Giao thông: Khẩn trương ngăn chặn tình trạng giả mất bằng lái xe (ANTĐ). – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gửi công văn hoả tốc sau đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” (NĐT). – Bộ trưởng Thể gửi văn bản hoả tốc siết cấp lại giấy phép lái xe (VNN).
– “Đề xuất người mất bằng lái xe phải thi lại là không ổn” (Viet Times). – Đề xuất mất giấy phép lái xe phải thi lại là “tối kiến”! (VOV). – Mất bằng lái xe phải thi lại: Không khả thi (KTĐT). – ‘Mất bằng lái phải thi lại’: Không hợp lý (TP). – “Bộ trưởng GTVT chưa phân biệt giấy phép và điều kiện điều khiển phương tiện” (DV).
Giáo dục VN: Băng hoại
Vụ “thầy” Đinh Bằng My lạm dụng nhiều nam sinh ở Phú Thọ, vụ “thầy” Dương Trọng Minh xâm hại nhiều nữ sinh tiểu học ở Bắc Giang còn chưa xong, giờ lại thêm vụ cô giáo H ở Bình Thuận vào khách sạn với nam sinh lớp 10. VietNamNet đưa tin: Cô giáo bị tố quan hệ bất chính với nam sinh lớp 10.
Chiều 7/3/2019, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo nhà trường nơi cô H làm việc, tạm đình chỉ công tác cô này trong 15 ngày để chờ kết quả điều tra của công an. “Trước đó, từ trước tết Kỷ Hợi tại thị xã Lagi đã lan truyền thông tin về cô giáo H công tác tại một trường THPT trên địa bàn thị xã có quan hệ tình cảm trái đạo đức với nam sinh lớp 10, sinh năm 2003”.
Báo Một Thế Giới có bài: Xôn xao chuyện cô giáo ‘vào khách sạn’ với nam sinh lớp 10 ở Bình Thuận. Bài báo cho biết: “Vụ việc xuất phát từ đơn tố cáo của chồng cô giáo này gửi đến cơ quan chức năng bị lộ ra ngoài”. Theo đó, từ cuối năm 2018 đến nay, chồng cô H phát hiện cô “có nhiều dấu hiệu bất thường”. Người chồng sau đó đã “bắt quả tang vợ mình cùng học trò là nam sinh dưới 16 tuổi ở chung trong phòng khách sạn, nhưng lúc đó cả hai vẫn mặc quần áo bình thường”.
Báo Đất Việt dẫn lời người chồng kể lại vụ cô giáo vào khách sạn với nam sinh: “Có bao cao su”. Chồng cô H kể rằng, ông bắt gặp vợ mình và nam sinh nói trên vào khách sạn hồi cuối tháng 12/2018: “Mặc dù cả hai vẫn mặc đồ bình thường nhưng trong phòng của hai cô trò lại có cả bao cao su, áo ngực của vợ tôi vẫn còn trên giường chưa kịp mặc vào”.
Zing đặt câu hỏi: Cô giáo ở chung khách sạn với nam sinh lớp 10 có phạm luật? LS Trần Minh Hùng phân tích: “Trường hợp giữa cô giáo và học trò có quan hệ tình cảm và thực chất đã xảy ra sự việc trên, tùy theo mức độ, cô giáo có thể bị khởi tố về hành vi Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Báo Dân Việt bàn về vụ thầy giáo Bắc Giang bị tố dâm ô học sinh: Nhẹ tay một người – hại cả cộng đồng. Bài viết đặt câu hỏi: “Các cơ quan chức năng ở địa phương này muốn sự việc phải đến mức nghiêm trọng, các cháu phải chịu những hậu quả nặng nề về thể xác, như vậy họ mới dễ dàng trong việc đưa ra kết luận theo đúng quy định của pháp luật?”
Mời đọc thêm: Chủ tịch tỉnh Bình Thuận nói gì vụ cô giáo bị tố quan hệ bất chính với nam sinh? (MTG). – Chủ tịch tỉnh: Không dung túng cô giáo cùng nam sinh trong khách sạn (LĐ). – Cô giáo quan hệ bất chính với học sinh lớp 10: Ý kiến của Cục trưởng cục nhà giáo và Cán bộ Quản lý – Bộ GD&ĐT (NĐT). – Đình chỉ công tác cô giáo bị chồng tố “yêu” nam sinh lớp 10 (BVPL). – Vụ cô giáo bị tố ở khách sạn với nam sinh lớp 10: Người chồng nói ban đầu không hề muốn tố (TQ).
– Bình Thuận: Xác minh vụ bắt quả tang cô giáo vào khách sạn với nam sinh lớp 10 (ĐS&PL). – Cô giáo thừa nhận có tình cảm với nam sinh lớp 10 (DS). – Mẹ nam sinh lớp 10 nói gì về việc con trai vào khách sạn với cô giáo? (ĐS Plus). – Những cô giáo bị bắt vì quan hệ tình dục với nam sinh dưới 16 tuổi (VNN). – Thầy giáo ở Bắc Giang sờ soạng nhưng không dâm ô nữ sinh: Kết luận có vội vàng? (PNVN). – Ở nước ngoài, chạm vào trẻ mà không được cho phép cũng là phạm pháp (DV). – Bữa ăn học đường không an toàn: Thờ ơ là tiếp tay cho tội ác (ANTĐ).
***
Thêm một số tin: VN: Đảng viên ‘thề hôm trước hôm sau tay nhúng chàm’ (BBC). – Chùa lớn có làm cho đạo đức lớn theo? (Blog VOA). – Chung cư Khang Gia Tân Hương sắp bị siết nợ, 400 hộ dân hoang mang (NLĐ). Tan hoang rừng biên giới Gia Lai: Trách nhiệm thuộc về ai? — Dân bức xúc với nhà máy xay xát thải khói bụi mịt mù trong khu dân cư (VOV).