Tin trong nước
Tin Biển Đông
Căng thẳng trên biển Vũng Tàu: Tàu cá bị tấn công trên biển, 4 thuyền viên bị thương nặng. “Ngày 23/7, thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, 1 tàu cá của nước ta bị tàu nước ngoài bắn, 4 thuyền viên bị thương nặng do mất máu, tình trạng rất nguy kịch“.
Mặc dù bài báo Dân Trí không nói tên tàu nước ngoài nào bắn ngư dân VN, cũng như cách đưa tin chỉ nhắc tới Indonesia, nên người đọc có thể nghĩ rằng Indonesia bắn. Nhưng nếu độc giả theo dõi tin tức, sẽ nhận ra rằng, căng thẳng giữa VN với Trung Quốc đang diễn ra mấy ngày qua ở bãi Tư Chính, ngoài khơi Vũng Tàu, khi VN cho công ty Repsol khai thác dầu ở lô 136/3.
Công văn này của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, đã bôi mất tên nước bắn ngư dân. Hiện công văn này đã bị gỡ bỏ khỏi báo Dân Trí:
Cập nhật lúc 8h25′: Báo Thanh Niên đưa tin, 4 ngư dân bị hải quân Indonesia bắn trọng thương.
Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook: Repsol có thể phải ngưng hai mũi khoan ở bãi Tư Chính 136/3. Ông cho biết, “thứ Hai, 24-7-2017, có thể Repsol sẽ phải ngưng mọi hoạt động ở đây vì các sức ép đến từ Trung Quốc. Hai mũi khoan được bắt đầu vào ngày 18-6-2017, đúng ngày Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Phạm Tường Long tới Hà Nội. Tướng Phạm Tường Long khi đó đã bỏ về, Bắc Kinh triệu hồi đại sứ, đòi đàm phán ở cấp cao và đưa gần 200 tàu xuống bãi Tư Chính nhưng Hà Nội vẫn để Repsol duy trì các hoạt động khoan thăm dò“.
Cập nhật lúc 10h16′: BBC đưa tin, Việt Nam ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông. Đúng như nhận định của nhà báo Huy Đức.
Facebooker Hưng Phạm Ngọc nhận định: “Những sự kiện trước đó như để Repsol khoan lô 136, ký hợp đồng với Exxon, thúc đẩy quan hệ với Mỹ đều cho thấy sự chủ động. Thế nên, dù chưa biết sự kiện bãi Tư Chính sẽ kết thúc ra sao, bằng cách nào, nhưng VN sẽ khó mà quay về tư thế quỵ luỵ như trước. Đó là chuyện dân sẽ ủng hộ. Nhưng TQ rồi sẽ leo thang trả đũa, cấm du lịch, đóng biên giới, cắt các khoản vay, gây căng thẳng kinh tế, là những chuyện cần dân hợp tác. Thế nên, nếu chính quyền tiếp tục bịt mồm báo chí, từ chối đối thoại với dân, thì nguy cơ lớn nhất lại nằm ngay trong nhà“.
Cũng tại vùng biển Vũng Tàu, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III đã cứu nạn thành công một thuyền viên Trung Quốc bị đột quỵ trên biển.
Tượng đài cộng sản
Nhà văn Trần Trung Đạo có bài: Tượng đài cộng sản, một gia tài không ai muốn nhận. Tác giả đặt câu hỏi: “Tổng Bí Thư CS Nguyễn Văn Linh và quốc tổ Hùng Vương, ai đáng kính trọng hơn?… Làm thế nào Nguyễn Văn Linh, một trong những người đã ký mật ước Thành Đô quy thuộc Trung Cộng lại có thể đem so với vị vua đã sáng lập nên nước Văn Lang của dòng giống Lạc Việt?”
Và chính tác giả cũng đã tìm ra câu trả lời từ những người CS: “Sự thật khó tin nhưng chính các lãnh đạo CSVN, có văn bản đàng hoàng, cho rằng TBT CSVN Nguyễn Văn Linh đáng kính trọng hơn Quốc Tổ Hùng Vương“.
Mưa không “đúng quy trình”, Trời hại Thủ tướng!
Trên mạng có những bài viết phê bình cách ứng xử của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ Tri ân các bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng do UBND tỉnh Quảng Nam và báo Thanh Niên tổ chức, khi trời đang mưa. Hình ảnh tương phản, một bên là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là một người đàn ông khỏe mạnh, được một người cận vệ che dù, còn một bên là những bà mẹ “còm cõi, rúm ró trong chiếc áo mưa mỏng tang, giá chắc là 5.000 đồng/chiếc“.
Nhà báo Bạch Hoàn đặt câu hỏi: “Tôi chỉ tự hỏi là, người ra ghi công các Mẹ, những người đã mất cả chồng, cả con, đã hi sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, như thế sao? Người ta ghi công các Mẹ bằng cách đối xử với các Mẹ như vậy mà được sao? Tấm giấy chứng nhận kia có ý nghĩa gì khi thân Mẹ già phải đứng nhận dưới mưa, mà một cái ô cho Mẹ cũng không có?”
LS Lê Văn Luân: “Tri ân công lao các Mẹ Việt Nam Anh Hùng dưới trời mưa lớn, nhưng các mẹ mặc áo mưa giấy đỡ lấy bằng khen trĩu nặng trên đôi tay gầy mòn, còn ông Thủ tướng đứng vỗ tay dưới chiếc ô che của một người tháp tùng“.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng vinh dự Nhà nước cho 3 Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam. Ảnh: A.N/ báo QN
Nhà văn Trần Trung Đạo có bài: Khi đạo đức thối rữa. Tác giả viết: “Nhìn bức hình các bà cụ đứng trong cơn mưa tầm tã để nhận một ‘bằng khen’ trong khi chiếc dù duy nhất được dùng để che cho Nguyễn Xuân Phúc để thấy sự băng hoại, thối rữa về đạo đức trong xã hội Việt Nam ngày nay trầm trọng đến mức độ nào“.
Các Facebooker cũng so sánh hình ảnh của TT Nguyễn Xuân Phúc với hình ảnh các nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới như TT Nhật Abe quỳ gối trước các nạn nhân trong thảm hoạ năm 2014, hay hình ảnh TT Obama và cựu tổng thống George W. Bush đi dưới mưa, đến dự tang lễ cố TT Nelson Mandela. Bức ảnh chỉ thấy những người phụ nữ được che dù, còn đàn ông thì không:
TT Obama (thứ 3 từ trái) và cựu TT George W. Bush (phải) đi dưới mưa tới dự tang lễ cố TT Mandela. Ảnh: Reuters.
Rõ ràng là Trời hại thủ tướng mà! Nếu Trời không mưa thì người dân làm sao thấy được văn hóa ứng xử của thủ tướng qua những hình ảnh nói trên?
Mời đọc thêm: Hình ảnh Thủ tướng Việt Nam gây tranh cãi (VOA). – “Một thời hoa đỏ” – đêm tri ân các anh hùng liệt sĩ (báo QN). – ‘Một thời hoa đỏ’ tri ân người có công với cách mạng tại Quảng Nam (ĐS&PL).
Tri ân những người lính ở Vị Xuyên
Còn đây là thông tin tri ân những người lính ngã xuống ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang, chống quân TQ xâm lược: Xương máu liệt sĩ, chiến sĩ Vị Xuyên xây thành bức tường thép bảo vệ biên cương.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nói: “Xương máu các anh đã xây thành bức tường thép bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương. Tên tuổi các anh đã trở thành bất tử với non sông, đất nước Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào với Tổ quốc, với nhân dân trong những năm tháng chiến đấu, gian khổ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang”.
Trồng người ở xứ ta
Facebooker Triệu Nguyệt Nga chia sẻ video clip, hình ảnh em bé ở Mèo Vạc, Hà Giang với lời bình: “Đây là cách em kiếm ra những đồng tiền để nuôi bản thân và gia đình. 13h23′ em chưa được ăn. Bữa trưa của em hôm nay cũng chỉ có ngô say chan nước. Tầm tuổi này trẻ em dưới xuôi bố mẹ vẫn lo cho ăn cho học“.
Publié par Triệu Nguyệt Nga sur mercredi 19 juillet 2017
Publié par Triệu Nguyệt Nga sur mercredi 19 juillet 2017
Cũng chuyện trẻ em, trang Đảng bộ Thành phố HCM có bài: Học sinh Cần Giờ chế áo phao từ chai nhựa. Các em học sinh lớp 5 ở một trường tiểu học Cần Giờ đã chế ra “áo phao cứu sinh” từ những chai nhựa bỏ đi, kết lại với nhau tạo thành áo phao, giúp các em không bị chết đuối:
Hai em Nguyễn Thị Quỳnh Trâm và Nguyễn Thị Ngọc Nhung cùng chiếc áo phao của mình. Ảnh: Đảng bộ TPHCM
Facebooker Thanh Nguyen Dac bình luận: “Nhà nước ta có cả một cái cơ quan có tên ‘Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em’, hàng năm tiêu không ít tiền thuế. Bà Lê Thị Hoàng Yến, đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết ‘Luật quy định khoảng 15 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em’. Và những cơ quan này chắc cũng chẳng tự đi quyên góp để lấy tiền hoạt động. Thế nhưng một việc như thế này lại để cho các cháu phải tự nghĩ ra“.
Bài trên báo Người Việt: Trẻ con ‘sáng tạo’, hệ thống công quyền cần sám hối. “Người ta phẫn nộ khi hệ thống công quyền đẩy những đứa trẻ chỉ chín, mười tuổi buộc phải ‘sáng tạo’ để có thể sinh tồn“.
Vụ bê bối đổ thải ở Vĩnh Tân 1
Bài trên báo PLTP: Nhóm lợi ích ‘đạo diễn’ ĐTM. Bài phỏng vấn TS Vũ Ngọc Long, cựu Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nói về những trò gian dối mà chủ đầu tư đã làm, tương tự như “mua” đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án, để qua mặt các cơ quan quản lý.
Bài viết cho biết, việc thực hiện ĐTM các dự án ở VN thường diễn ra trong phòng kín, người dân là những người lãnh hậu quả trực tiếp do dự án gây ra, lại không có quyền được biết. Đến khi sự cố xảy ra, không ai chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân hay bị truy tố hình sự. Cơ chế ĐTM như thế đã liên tục cho phép những dự án gây thảm họa, tàn phá môi trường, liên tục diễn ra trên cả nước như Bauxite Tây Nguyên, Formosa Vũng Áng…
Báo MTG có bài: Mạo danh và gian manh. Bài viết nói về sự gian trá của ông Hà Quốc Quân, một quan chức thuộc Bộ Công thương, cũng là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, nơi tư vấn cho Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận.
Bài viết cũng nêu thắc mắc về trách nhiệm của Bộ TN-MT, rằng “Bộ TN&MT sẽ biện bạch như thế nào khi cho cấp phép trước rồi rà soát sau? Dù có đưa ra vô số căn cứ này, xảo biện kia thì cũng khó có sự tin tưởng trước các gian dối bị phát hiện vừa qua“.
VietNamNet có bài phỏng vấn ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc công ty Điện lực Vĩnh Tân 1: Vụ nhận chìm bùn thải: Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ‘trần tình’. Ông Thành cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tạm dừng thực hiện hay xem xét lại dự án. Công ty đã trình nộp hồ sơ đầy đủ theo luật định, phối hợp với Bộ TN&MT để nhận được quyết định giao khu vực biển“.
Mặc dù phát hiện những trò lừa của nơi tư vấn cho Vĩnh Tân 1 đổ thải, nhưng Bộ TN-MT vẫn chưa rút giấy phép của công ty này.
Thêm thông tin về môi trường
Cũng chuyện môi trường, báo Thanh Niên có bài: Cảnh báo việc lấp hố sâu Vàm Nao. Giải pháp lấp hố sâu ở Vàm Nao là một giải pháp sai lầm. Theo các nhà khoa học, việc lỡ xói bờ sông là do nước thượng nguồn từ các đập lớn đã hãm mất phù sa nên dòng nước đói phù sa sẽ ăn vào bờ sông nên gây ra nạn sói lở. Do đó việc lập hồ sâu dưới đáy sông tự nhiên sẽ không giải quyết được xói lở, mà sẽ phá hỏng chốn trú ẩn sinh sản của các loài cá vẫn dựa vào đề sinh tồn.
Báo Đất Việt có bài: Tháo dỡ 40 móng biệt thự Sơn Trà: Không thể chậm trễ! Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Viện Sinh thái học Miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã gửi thư kiến nghị đến các cơ quan Trung ương và Đà Nẵng về việc bảo tồn bán đảo Sơn Trà.
Bức thư có đoạn viết: “Sơn Trà là một báu vật của Việt Nam và thế giới. Thủ tướng Chính phủ cần quy định việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học là mục tiêu quan trọng nhất mang tính chiến lược ưu tiên của bán đảo Sơn Trà”.
Văn hóa bạo lực lên ngôi
Bài viết của nhà văn Song Hà, kể chuyện hai người phụ nữ bán tăm dạo ở Sóc Sơn, Hà Nội, bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em và bị dân làng đánh đập hết sức dã man. Tác giả so sánh làng quê VN, kể từ khi Nam Cao viết Chí Phèo, sau gần một thế kỷ trôi qua nhưng không có gì thay đổi, thậm chí bây giờ càng có nhiều Chí Phèo hơn thời Nam Cao sống.
Tác giả đặt câu hỏi: “Những cậu Chí này từ đâu mà ra? Cái gì đã sinh ra chúng? Và sự ngu dốt, tăm tối trong nhận thức của họ có phải do được đào tạo hay bẩm sinh đã có?”
Mời xem clip người phụ nữ bán tăm kể lại giây phút bị đánh:
Bài của tác giả Kông Kông: Xã hội Việt Nam, niềm tin giữa người dân với chế độ bị mất trắng. Tác giả cho rằng: “Khi người dân mất trắng niềm tin vào chế độ thì xã hội đương nhiên sẽ bạo loạn, vô đạo, vô pháp luật… tất cả đều bắt nguồn từ sự vô đạo, vô luật pháp của nhà cầm quyền!”
Còn dân trí thì xuống ngôi…
“Dân trí thời nay thấp hay cao?” là câu hỏi của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đặt ra. Tác giả cho rằng, con người ngày nay biết nhiều thứ hơn, “nhưng tất cả những cái biết đó vẫn chẳng hề làm ta thấy dân trí bây giờ hơn dân trí ngày xưa. Vì người đời nay biết của người thì nhiều, biết của mình thì ít lắm“.
Kết thúc bài, tác giả viết: “Vậy không phải là không có lý khi có người cảnh báo rằng cuộc sống bây giờ văn minh hơn, đầy đủ hơn, cởi mở hơn nhưng nhiều tội ác hơn, nhiều đồ giả hơn và dân trí chung thì đã bị thấp đi“.
Thua lỗ lớn ở nhiều DNNN
Bài trên báo Vietnam Finance: Cảnh báo tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Kiểm toán Nhà nước chỉ ra thua lỗ lớn ở nhiều doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nợ quá hạn, nợ khó đòi tại nhiều DNNN phát sinh lớn; cảnh báo việc sử dụng đòn bẩy tại nhiều ‘ông lớn’ nhà nước“. Mời đọc thêm: Kiểm toán chỉ ra hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ lớn, nợ chồng chất (VOV).
Quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân
Báo PLTP có bài: Công an không được gây căng thẳng, dọa nạt người dân. Bài báo lược đăng nội dung Dự thảo Thông tư ban hành quy tắc ứng xử của Công an nhân dân, quy định cách ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an trong nội bộ đơn vị, đối với người dân và trên mạng xã hội…
Tin quốc tế
Quốc hội Mỹ trừng phạt Nga
Báo NYT có bài: Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận trừng phạt Nga, đặt Trump vào thế khó xử. Hôm qua, các lãnh đạo ở cả hai viện của QH Mỹ đã đạt được một thỏa thuận, sẽ thông qua dự luật cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, do các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và gây sự với các nước láng giềng.
Đạo luật mới sẽ hạn chế khả năng của Tổng thống Mỹ trong việc đình chỉ hoặc chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga. Thượng Nghị sĩ Benjamin Cardin, bang Maryland, nói: “Quốc hội gần như thống nhất, sẵn sàng gửi tới Tổng thống Putin một thông điệp rõ ràng, thay mặt người dân Mỹ và các đồng minh của chúng ta và chúng ta cần TT Trump giúp chúng ta gửi thông điệp đó“.
Hiện vẫn chưa nghe tòa Bạch Ốc lên tiếng gì về sự kiện này. Với tư các tổng thống, ông Trump có quyền phủ quyết dự luật đó, nhưng trong bầu không khí chính trị hiện nay, Trump đang bị điều tra về mối quan hệ thân Nga, nếu Trump phủ quyết dự luật, sẽ càng tạo ra sự nghi ngờ, hết sức bất lợi cho Trump. Nhưng cũng rất khó để đoán quyết định của Trump.
Mời đọc thêm: Mỹ : Cộng Hòa – Dân Chủ đồng thuận tăng cường trừng phạt Nga (RFI). – Các lãnh đạo QH Mỹ đạt thỏa thuận về trừng phạt Nga (VOA). – Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận mới trừng phạt Nga (BBC).
Đại sứ Nga
kết thúc nhiệm kỳ ở MỹBài trên VOA: Đại sứ Nga gây tranh cãi ở Mỹ kết thúc nhiệm kỳ. Ông
Những người thân tín của Trump chuẩn bị ra điều trần
Cũng chuyện Trump – Nga, con rể của Trump là Jared Kushner và là cố vấn cao cấp của Trump, sẽ ra điều trần trước cả hai ủy ban: Ủy ban Tình báo Thượng viện thứ Hai 24/7 và Ủy ban Tình báo Hạ viện vào thứ Ba 25/7, trong các buổi điều trần kín, báo Washington Post đưa tin.
Con trai trưởng của Trump là Trump Jr. và ông Paul Manafort, là người từng giữ chức chủ tịch ủy ban tranh cử của Trump, dự định sẽ ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện ngày 26/7. Nhưng theo thông tin của Chủ tịch Ủy ban này là Thượng Nghị sĩ Chuck Grassley viết trên Twitter, rằng hai người này đồng ý hợp tác với Ủy ban, sẽ cung cấp các tài liệu có liên quan và sẽ trả lời các câu hỏi của ủy ban này trong phòng kín.
Báo Người Việt tóm lược: Trump Jr. và Manafort đồng ý hợp tác với ủy ban điều tra vụ Nga.
Giám đốc truyền thông Scaramucci đang giúp Trump hay hại Trump?
Vừa nhậm chức khoảng 72 tiếng, tân giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci đã gửi thông điệp cho các nhân viên tòa Bạch Ốc: Sẽ bị sa thải nếu rò rỉ tin tức ra ngoài, đài CBS đưa tin. Ông Scaramucci nói trong chương trình Face the Nation của đài CBS: “Nếu quý vị tiếp tục bị rò rỉ tin tức, tôi sẽ sa thải tất cả mọi người“. Có vẻ như Scaramucci đang cố bảo vệ Trump qua quyết định cứng rắn này. VOA có bài tóm lược: Giám đốc truyền thông Nhà Trắng chặn rò rỉ thông tin.
Nhưng Scaramucci đã hại Trump khi tiết lộ bí mật về “nguồn tin ẩn danh”. Scaramucci kể với Jake Tapper, người dẫn chương trình của đài CNN rằng, có một nguồn tin ẩn danh đã nói với ông ta về chuyện tin tặc Nga, rồi sau đó ông ta lại thú nhận, nguồn tin ẩn danh đó chính là Tổng thống Trump! Mời xem clip này bắt đầu từ phút 0’50”:
Như mọi người đều biết, đã nhiều lần Trump tấn công báo chí khi họ sử dụng nguồn tin ẩn danh. Hôm 12/7, Trump viết trên Twitter: “Hãy nhớ rằng, khi quý vị nghe những từ ‘nguồn tin nói’ từ Tin Vịt, thường thì những nguồn này được bịa ra và không tồn tại“. Nhưng bây giờ chính Trump lại là “nguồn ẩn danh”!
Buôn người vào Mỹ: 8 chết, 20 nguy kịch
Đài CNN đưa tin, một sự cố kinh hoàng xảy ra ở Mỹ khi có 8 người chết, 30 người bị thương, trong đó có 20 người trong tình trạng nguy kịch. Tại một cửa hàng Walmat ở TP San Antonio, bang Texas, các nhà chức trách đã tìm thấy 38 nạn nhân trong một chiếc xe tải mà họ mô tả đây là một vụ buôn người vào Mỹ. Đài ABC đưa tin, có 2 nạn nhân là trẻ em và các nạn nhân chết là do nắng nóng và kiệt sức vì thiếu nước.
Mời xem clip:
Bạo lực ở Jerusalem
Tin từ đài RFI: Bạo lực leo thang tại Jerusalem, Hội Đồng Bảo An họp khẩn. Bạo lực bùng phát kể từ khi chính quyền Israel, ban hành các biện pháp kiểm soát lối vào quảng trường các đền thờ Hồi Giáo bằng máy dò kim loại. Có 8 người chết, gồm 5 người Palestine và 3 người Israel, trong hai ngày 21 và 22/07/2017.
Thông tín viên RFI cho biết: “Vào giờ cầu nguyện, một giáo sĩ lên tiếng kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh trong khi tập trung cầu nguyên. Nhưng trong lúc các tín đồ im lặng, người ta vẫn nghe thấy có nhiều tiếng súng nổ. Các vụ đụng độ đã nổ ra bên ngoài bức tường nhà thờ, sau đó yên tĩnh tạm thời trở lại. Nhưng những người phản kháng vẫn chuẩn bị cho một cuộc đối đầu sau buổi cầu kinh cuối cùng trong ngày”.
Hội Đồng Bảo An LHQ sẽ họp khẩn vào ngày 24/07/2017, để tìm giải pháp ngăn chận bạo lực lan rộng.
Trung Quốc độc chiếm Mekong
Bài báo từ RFI: Trung Quốc muốn độc chiếm Mêkông. Bài dẫn nguồn từ báo Bangkok Post nhận định, “khó lòng đánh giá được lợi ích mà người dân địa phương được hưởng từ những công trình mới của Trung Quốc trong vùng Mêkông, nhưng một điều chắc chắn là họ phải quen với một cuộc sống mới, như trường hợp của một ngư dân phải bỏ nghề, từ khi Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn, để bất dĩ trở thành công nhân chiết mủ cao su, làm thợ xây hay thợ máy“.
20 năm sau cái chết của Công nương Diana
Báo Người Việt: Giỗ 20 năm Công nương Diana: Hai con nhớ, hối tiếc. “Hai người con của Công Nương Diana, thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi vào Tháng Tám năm 1997, bầy tỏ lòng hối tiếc vì trong lần cuối cùng nói điện thoại với mẹ, cả hai đã vội vàng chấm dứt vì mải ra ngoài chơi đùa… Sau khi William nói với mẹ được chừng năm phút, đến lượt Harry được gọi vô. Bây giờ, Harry nói, ông không nhớ mình đã nói những gì với mẹ bữa đó, nhưng sau này biết đó là lần cuối cùng mẹ con nói với nhau trước khi mẹ tử nạn ngay đêm hôm đó, ông ôm niềm hối tiếc suốt đời!”