Quách Hạo Nhiên
19-2-2019
“Muốn biết chiến tranh là cái gì người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa chính xác nhứt không phải là các vị nguyên thủ quốc gia, các chính khách lẻo mép, và các vị thống chế, tổng tư lệnh không bị bom đạn làm trầy miếng da nào” mà nên “hỏi những người phụ nữ đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng… hỏi những bà mẹ sau chiến tranh đi hết những nghĩa trang này đến nghĩa trang khác tìm nấm mộ đề tên con mình mà không gặp…”! (“Vết thương thứ mười ba” – Trang Thế Hy).
Vì sao “Đảng ta” lại bất ngờ “bật đèn xanh” ?
Thật bất ngờ là năm nay cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 được các cơ quan truyền thông nước nhà thuật lại một cách rầm rộ và khá chi tiết đến mức nhiễu loạn ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Tuy vẫn chưa có cơ sở vững chắc nào để khẳng định việc “bật đèn xanh” này có phải là bước tiến thật sự trong nhận thức đặc biệt là trong vấn đề “Thoát Trung” của những lãnh đạo cao nhất của đất nước hiện nay hay không nhưng trước hết, hãy cứ tạm vui mừng trước đã. Không vui sao được vì đã hơn 30 năm qua (tính từ ngày cuộc chiến này kết thúc (1989) và mật ước Thành Đô (1990) được bí mật kí kết) gần như tất cả mọi vấn đề có liên quan đến cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu này hoàn toàn bị bưng bít, che giấu (thậm chí những ai cả gan nhắc đến cuộc chiến tranh này có khi còn bị kết tội là “phản động” hay “kích động lòng thù hận”, “gây chia rẻ tình hữu nghị” của hai Đảng hai dân tộc Việt – Trung). Minh chứng rõ nhất là, toàn bộ sự kiện lịch sử đau thương này chỉ được đề cập một cách sơ sài trong SGK lịch sử để dạy cho các em học sinh phổ thông vỏn vẹn mấy dòng.
Trong khi đó với cuộc kháng chiến “chống thực dân Pháp” và “đế quốc Mỹ” thì không biết cơ man nào là sách, báo, tài liệu cùng với đó là vô số các cuộc mít tinh tuyên truyền, kỷ niệm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đáng nói hơn, ở chiều ngược lại, bên kia biên giới “người bạn vàng”, “người anh em”, người “đồng chí 4 tốt” của “Đảng ta” vẫn không thôi tuyên truyền với con dân của họ rằng đây là cuộc chiến tranh nhằm “tự vệ, phản kích” trước một Việt Nam “vong ân bổi nghĩa”! Từ đây, một câu hỏi mà rất những ai nếu quan tâm đến chính trường cũng như các vấn đề xã hội Việt Nam hôm nay không thể không đặt ra là tại sao năm nay “Đảng ta” lại đột ngột thay đổi thái độ như vậy? Trong cái nhìn tích cực nhất, tôi thử nêu ra 3 lý do cơ bản để lý giải cho sự “bẽ kèo” rất đột ngột này của “Đảng ta” như sau:
Một, phải chăng đây là một trong những điều khoản thỏa thuận trong mật ước Thành Đô năm 1990? Nghĩa là sau thời hạn 40 năm kể từ ngày cuộc chiến khởi phát các bên mới được công khai về cuộc chiến này cho dân chúng mình? Một thỏa thuận như một điều kiện để “bình thường hóa quan hệ” với chiêu bài “câu giờ” nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế đồng thời cũng là giữ thể diện cho kẻ xâm lược vốn là đồng chí, lãng giềng hữu hảo…
Hai, sức ép từ Hoa Kỳ (nhất là từ thời tổng thống D. Trump) trong vấn đề đối ngoại vì thời gian qua so với Trung Quốc “Đảng ta” đã quá thiên vị, chỉ tuyên truyền một chiều và dĩ nhiên là rất không công bằng với Hoa Kỳ trong cái nhìn về các cuộc chiến tranh? Tuy lúc nào cũng nói “gác lại quá khứ hướng đến tương lai” nhưng lại lên án, mạt sát Hoa Kỳ rất nặng nề vào mỗi dịp 30/4 hay bất cứ khi nào Đảng thích; ngược lại với Trung Quốc thì lại rụt rè, sợ sệt, im lặng đến đáng ngờ? Trong khi đó, hiện nay nếu không có sự tuyên bố mạnh mẽ cùng sự hiện diện của Hòa Kỳ ở Biển Đông thì rất có khả năng Trung Quốc đã động binh gây khó dễ hơn cho Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa. Không những vậy, trong chính sách tuyên truyền lúc nào cũng xem Hoa Kỳ là “thế lực thù địch” còn Trung Quốc tuy luôn ức hiếp ở biển Đông thì lại là “bạn vàng” và “đồng chí 4 tốt”?
Ba, đây là một trong những kịch bản quan trọng trong công tác chuẩn bị của “Đảng ta” cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần 2 giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đang cận kề vào cuối tháng. Trong tình hình dân chúng nhất là các lực lượng tiến bộ trong xã hội đang có nhiều bất đồng và mất niềm tin với Đảng; cộng với đó là sự bất ổn khi nhìn sang tình cảnh nổi giận của người dân Venezuela nên “Đảng ta” không thể không phòng bị từ xa về những tình huống bất ngờ và xấu nhất có thể xảy ra?
Khi truyền thông thay việc của các sử gia
Như đã nói, cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc diễn ra cách đây đúng 40 năm nhưng có hơn 30 năm “Đảng ta” không cho bất kỳ ai đề cập đến sự kiện này. Vậy mà đùng một cái, năm nay Đảng lại “bật đèn xanh” cho giới truyền thông báo chí đưa tin thoải mái mà không ngăn cản gì. Chưa kịp vui mừng vì sự đột ngột thay đổi thái độ này của Đảng thì lại thấy vô cùng quan ngại cho cách đưa tin ồ ạt như xả lũ của các cơ quan báo chí, truyền thông nước nhà trong những ngày qua. Có thể nói, ngoài một số báo có bề dày truyền thống và kinh nghiệm như Tuổi trẻ, Thanh hiên, Vnexpress… nên bài vở về chủ đề này được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn hình thức trình bày thì còn lại đa phần có vẻ đang có biểu hiện của sự tùy tiện, mạnh ai nấy nói chẳng khác gì một trận địa ngỗn ngang không có tướng lĩnh đủ dũng khí để và bản lĩnh để chỉ huy?
Qua việc này mới thấy, việc “Đảng ta” đã “cấm khẩu” dân chúng suốt 30 năm qua cũng như việc tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong xã hội hôm nay nó nguy hiểm đến mức thế nào. Tuy giờ đây, “Đảng ta” đã “bật đèn xanh” cho giới truyền thông nhưng rõ ràng “Đảng ta” cũng đang rất bị động vì hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào cho giới sử học nước nhà suốt 30 năm qua về cuộc chiến tranh này. Vì nói cho cùng, đây mới là thành phần duy nhất đủ tư cách và uy tín nói để nói về lịch sử dân tộc trên tinh thần khoa học chứ không phải đội ngũ truyền thông, báo đài hiện nay vốn chỉ có nhiệm vụ đưa tin theo định hướng và chỉ thị. Bàn về sự kiện lịch sử rất quan trọng đã xảy ra cách nay 40 năm nhưng đa phần chỉ là dân ngoại đạo; lại thiếu sự đầu tư, chuẩn bị nhất là về tư duy về khoa học lịch sử, không những vậy còn để cho cảm xúc nhất thời chi phối và lấn át thì rất khó thuyết phục người khác về tính khách quan, khoa học, nhân văn, nhân ái hay xa hơn là hòa giải lịch sử…
Chiến tranh nói cho cùng là sự bất bình thường của tâm lý con người trong những thời điểm oan nghiệt nhất của lịch vì đã bất đắc dĩ fải tàn sát lẫn nhau. Đã trót bắn giết lẫn nhau thì cũng nên biết sám hối chứ không nên chỉ có tự hào. Đồng ý là cần phải sòng fẳng và minh bạch lịch sử nhưng khi chiến tranh đã qua rồi cũng phải hết tỉnh táo và cẩn trọng trong khi nhắc lại nhất là cho thế hệ con cháu nghe. Bài học kinh nghiệm cho mọi cuộc chiến tranh đẫm máu trong lịch sử không nên chỉ dừng lại ở chuyện “ta anh hùng, nhân hậu; địch man rợ, dã man” mà quan trọng hơn là sự phòng bị và cảnh giác để tốt nhất là dừng bao giờ để xảy ra chiến tranh thêm một lần nào nữa. Một dân tộc mà suốt chiều dài lịch sử lại ngập chìm trong những cuộc chiến tranh đẫm máu (dù là với tinh thần chống xâm lược rất chính nghĩa đi nữa) thì nhất định cũng phải xem lại thái độ ứng xử và nội lực của dân tộc ấy trong những thời điểm hòa bình. Mình phải làm sao và như thế nào để hết lần này đến lần khác bị ngoại bang xâm lược để rồi con đường vinh quang của dân tộc lại là con đường “xây xác quân thù” đầy bạo lực như thế?
Thế nên, “tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử nhưng không kích động sự thù hận” là quan điểm đúng về mặt lý thuyết nhưng thực tế là vấn đề rất khó khăn và phức tạp khi trình bày. Nếu không phải là một sử gia chân chính, không có cách tiếp cận khoa học, nhiều chiều thì rất dễ tự biến mình thành “sử nô” hoặc cùng lắm cũng chỉ là ăn theo nói leo cho sướng miệng mà thôi!
Thay lời kết
Trong ba giả thuyết liên quan đến việc bất ngờ “bật đèn xanh” của “Đảng ta” về cuộc chiến tranh năm 1979 (như đã trình bày ở trên) cá nhân tôi thiên về giả thuyết cuối cùng nhiều hơn. Có hai lý do tôi thiên về giả thuyết này là:
Thứ nhất, mặc dù cho đến nay tuy đã bật đèn xanh cho giới truyền thông thoải mái đưa tin (đến nhiễu loạn) nhưng có thể thấy vẫn không có một cuộc mít tinh tchính thức nào từ phía trung ương hay địa phương để tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc trong cuộc đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 giống như những cuộc mít tinh vảo mỗi dịp 30/4 hàng năm.
Thứ hai, tuy thời gian qua “Đảng ta” đã có những thay đổi và biến chuyển tích cực trong vấn đề lãnh đạo và điều hành đất nước, nhưng, có thể thấy hiện nay lực lượng bảo thủ trong Đảng vẫn đang chiếm thế thượng phong. Bảo thủ ở đây không phải là “bán nước” hay “thân Trung Quốc” mà trước hết là do sự hạn chế, lạc hậu trong nhận thức và tư duy trước những vấn đề mới của xã hội và trên thế giới. Điều này thể hiện rõ nhất ở cách nghĩ máy móc, ấu trĩ “còn Đảng còn mình” của rất nhiều người. Với những người này, “còn Đảng” cũng đồng nghĩa những quyền lợi về vật chất (tiền tài, danh vọng, địa vị, chức tước…) mà Đảng đã ban cho không bị mất đi hay phổ biến hơn là lợi dụng những chủ trương chính sách của Đảng để móc ngoặt và tham nhũng, vun vén cho cá nhân mình.
Vậy nên, dù cho Đảng có tệ hại đến mấy đi nữa thì họ cũng nhân danh hay bênh vực trong sự mù quáng và ích kỷ. Nói cho cùng, chính thành phần này chứ không phải ai khác mới là rào cản, là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển và phồn vinh của đất nước. Với tầm nhìn hạn hẹp, sự ích kỷ và cực đoan đã ăn vào máu, những người này đã và đang tạo sức ép lên số ít những cá nhân có tư duy tiến bộ trong Đảng, thật sự vì dân tộc và đất nước.
Thời gian qua, những tranh cãi nẩy lửa xung quanh sự ra đời của quyển sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” mà trong đó với cái nhìn bảo thủ, hẹp hòi nhiều tướng lĩnh quân đội về hưu đã lên án phản đối, thậm chí mạt sát và chụp mũ chính trị những người đã đấu tranh để quyển sách ấy ra đời là một minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất. Hay cũng chính họ đã lên tiếng phản đối và gây sức ép lên những người lãnh đạo cao nhất của đất nước khi biết được thông tin các nhà sử học sẽ tổ chức biên soạn lại bộ sách Lịch sử Việt Nam trên tinh thần và cái nhìn cởi mở, tiến bộ, hòa giải. Đặc biệt là về vấn đề bỏ cách gọi quân đội và chính quyền Việt Nam cộng hòa trước đây bằng cụ từ “ngụy quân, ngụy quyền” như trước đây.
Tóm lại, việc bất ngờ “bật đèn xanh” cho truyền thông nước nhà công khai nói về cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc cách nay 40 năm, rất có thể đều nằm trong kế hoạch phòng bị từ xa của “Đảng ta” đặc biệt và trước hết là để đảm bảo tuyệt đối về mặt an ninh chính trị cho cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai chính khách hàng đầu thế giới D. Trump và Kim Jong Un. Xa hơn nữa là nhằm khơi thông và hạ nhiệt những “cái đầu nóng” của người dân vốn đang rất bức bối về nhiều vấn đề bất công và tiêu cực trong xã hội và đất nước hiện nay. Rất có thể việc “bật đèn xanh” này trong nhất thời sẽ làm Bắc Kinh nổi giận nhưng đây chính là phương án tối ưu nhất trong hoàn cảnh gấp rút và phức tạp này.
Cùng lắm sau đó “Đảng ta” sẽ giải thích qua con đường ngoại giao bằng chiêu bài “ý thức hệ”. Điều này dù sao vẫn tốt hơn là để cho những ức chế, dồn nén của người dân nếu bùng nổ ra thì sẽ phản ứng không kịp? Bài học Venezuela đang rành rành trước mắt nên chắc chắn “Đảng ta” sẽ không bao giờ chủ quan. Trong cái nhìn này, dù muốn dù không cũng phải thừa nhận “Đảng ta” đã rất “tài tình và sáng suốt”! Dĩ nhiên “tài tình và sáng suốt” trong sự độc tài, độc đoán, vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ này hơn là vì sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.