16-2-2019
40 năm trôi qua từ cuộc chiến tranh vệ quốc. Một cuộc chiến mà chúng ta đã gọi bằng những cái tên khác nhau để né tránh sự thật: Trung Quốc xua 60 vạn quân tràn qua biên giới. Đó là một cuộc xâm lược.
40 năm, hàng vạn con người nằm xuống, hàng triệu con người đang sống vẫn rấm rức về sự định danh cuộc chiến. Những chứng tích, những bia đá bị đập bỏ trong uất ức.
Bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” vẫn âm vang trên mọi miền đất nước. 40 năm đủ để con cháu lầm tưởng đó là chuyện tình giữa anh bộ đội biên phòng và cô thôn nữ đồng bằng. Không biết đến bản gốc của nhà thơ Dương Soái, viết về cuộc chiến tranh 1979.
“Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng
Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Thấy dòng sông ngàu lên sắc đỏ…”
Lời người lính kiêu hùng và cuộc chiến tranh khốc liệt, đã cắt gọt đi nhiều.
40 năm không ai hiểu vì sao sự thật bị đè nén, bị bức bách. Chỉ vài dòng trong sách giáo khoa lịch sử. Nghĩa là chúng ta chấp nhận cho họ mặc nhiên viết sử theo cách của mình. Mà sử của người TQ về VN vốn dĩ chưa bao giờ sòng phẳng.
40 năm ấy, đất và người bền gan và nhẫn nại lưu giữ sự thật. Từng dòng chữ, từng ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của đồng bào, của cựu binh, của lớp lớp hậu thế yêu nước thương nòi.
Sự thật được lưu giữ trong nghịch cảnh, càng thêm thiết tha và bi tráng. Tôi vẫn cứ rưng rưng mỗi lần đọc hai câu thơ của nhà báo Lê Đức Dục:
“Những bông hoa không cần chỉ thị
Cứ ra Giêng, rụng thắm đất anh nằm”
……………….
40 năm để “hồi sinh” sự thật, quá trễ trong sự chờ đợi mòn mỏi. Một quãng thời gian mà tưởng chừng thái độ bi phẫn đáng lẽ cùng hướng về phương Bắc đã hoá thành xung lực nội tại.
40 năm, để cùng nhìn về phương Bắc. Cám ơn nhân dân, những “sử gia” lặng lẽ và can trường đã gói gém sự thật để thắp lại lịch sử.
Hãy mở những chương sử trong sách giáo khoa, kể câu chuyện của riêng mình. Kể về đứa trẻ chết ngộp trên tay khi mẹ bịt miệng tránh tiếng ho trên đường trốn giặc, hãy kể về hai đứa trẻ cõng nhau bị giặc Tàu đâm cùng một lưỡi lê.
Hãy kể về sự tàn phá điên cuồng của người Trung Quốc, về những thị xã núi đồi bị rang lên dưới đạn pháo.
Hãy kể về chiến thuật lấy thịt đè người mà tham vọng tà quyền của Đặng Tiểu Bình đã vùi xương máu của người dân TQ xuống một cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Hãy dành một chương sử hào hùng để nói về một dân tộc hùng anh hiển hách, chưa bao giờ khuất nhục trước dã tâm ngoại bang. Những nòng súng đỏ lè khạc đạn hướng về phía quân thù. Những khẩu súng truyền tay nhau khi có người nằm xuống.
Hãy kể một câu chuyện thật oai hùng để nhắc nhớ người lãnh đạo TQ hiểu một chân lý ngàn đời rằng không thể đến Việt Nam bằng sự kiêu ngạo, xảo trá.
Chúng ta không thắp lên hận thù. Chúng ta chỉ khơi lại sự thật. Và để họ hiểu, nụ hoa hoà bình chỉ có thể nở trên nền sự thật mà thôi!