Bản tin ngày 19-1-2019

Tưởng niệm 45 năm Hải chiến Hoàng Sa

Trang Infonet có bài: Hải chiến Hoàng Sa 1974 – Âm mưu của Trung Quốc đã có từ lâu. Bài viết có đoạn: “Sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông với Nixon vào đầu năm 1972, và sự kiện Mỹ rút ra khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris đầu năm 1973, Bắc Kinh đã thấy trước một khả năng mới: Họ có thể loại trừ khả năng can thiệp của Hải quân Mỹ nếu cưỡng chiếm các hòn đảo do Việt Nam Cộng hòa quản lý“.

Báo nhà nước thừa nhận, âm mưu chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc đã có từ lâu, thời mà Bắc Kinh giúp CS Bắc Việt đánh người anh em VNCH. Nhưng TQ chờ tới sau khi hiệp định Paris được ký kết, đuổi Mỹ ra khỏi VN, thì Bắc Kinh ra tay, cưỡng chiếm Hoàng Sa. Điều này có thể lý giải vì sao chính quyền CSVN luôn gây cản trở, không cho người dân tưởng niệm những người lính VNCH đã anh dũng hy sinh bảo vệ Hoàng Sa.

Facebooker Lê Hoàng viết: “Chiều nay hết giờ đi làm về tôi đã nhận cuộc điện thoại từ tay An ninh Quận Hoàn Kiếm gọi cho tôi nói giọng đe dọa là mai không được ra thắp hương tưởng niệm ở tượng đài Lý Thái Tổ -Hồ Gươm… Chả cái nhục nào bằng nhục ngăn chặn người dân đi thắp hương tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc này đâu các người ạ”.

Nhà hoạt động Trần Bang đăng thông báo của CLB Lê Hiếu Đằng, mời “Quý bà con cô bác đến khu vực Tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng, quận 1, thành phố HCM thắp hương tượng niệm các Chiến sĩ VN hy sinh ở Hoàng Sa. Lễ thắp hương bắt đầu lúc 8 giờ sáng ngày 19 tháng 1 năm 2019“.

Nguồn: internet

Truyền thông CSVN lần đầu tiên ‘được quyền’ nói Trung Quốc ‘cưỡng chiếm Hoàng Sa’, theo báo Người Việt. Gần nửa thế kỷ sau ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, báo “lề đảng” mới được viết về âm mưu này. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, lý do của sự nương tay này chỉ là: “Thăm dò phản ứng của Bắc Kinh”. Ông Phúc cho rằng, “chính phủ Việt Nam đang muốn thể hiện quan điểm cứng rắn hơn so với ASEAN trong đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) và năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN”.

Báo “lề đảng” chỉ dám nhìn nhận một nửa sự thật: Báo chí Việt Nam đưa tin kỷ niệm 45 năm mất Hoàng Sa nhưng tránh nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa, theo RFA. Bài báo cho biết: “Các tờ báo lớn hiện nay của Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài gòn Giải phóng, Giáo dục… đều có bài liên quan đến chủ đề này nhưng không dòng nào nhắc về Việt Nam Cộng Hòa, chế độ trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa”.

Mời đọc thêm: Chính quyền Việt Nam ngăn cản người dân tưởng niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa (RFA). – Thấy gì quanh vụ báo VN nói TQ ‘cưỡng chiếm Hoàng Sa’? (BBC/ TD). – Chủ quyền Hoàng Sa: cần nhìn nhận vai trò của VNCH (RFA).

Báo “lề đảng”: Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa: Hành động phi nghĩa (NLĐ). – 45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Đe dọa hòa bình khu vực và thế giới (TN). – UBND huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng thăm các gia đình nhân chứng (LĐ). – Mùa xuân Biển đảo lần thứ 8: Gọi tên Hoàng Sa bên bờ Biển Đông (TT).

Tin Biển Đông

Báo Người Lao Động dẫn lời Phó Thủ tướng: Hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng trên Biển Đông. Phát biểu tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa khai mạc ở Thái Lan, ông Phạm Bình Minh “nhấn mạnh dù đã có một số tiến triển, song tình hình thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng”. Phó Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN “duy trì đoàn kết, tiếng nói chung, nỗ lực đóng góp cho hoà bình, ổn định và an ninh khu vực”.

RFI có bài: Trung Quốc dùng trí thông minh nhân tạo kiểm soát Biển Đông. Bài viết bàn về dự án Hades của Trung Quốc với tham vọng xây dựng một khu căn cứ dưới đáy Biển Đông: “Dự án trị giá khoảng 160 triệu đô la. Trên lý thuyết, khu phức hợp dưới đáy biển sẽ có nơi neo đậu cho các thiết bị lặn không người lái phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng hẳn Trung Quốc sẽ sử dụng căn cứ này phục vụ mục đích quân sự”.

Là một trong các nước giáp Biển Đông nhưng Việt Nam chỉ có 3% bài báo quốc tế về Biển Đông, theo VietNamNet. TS Lê Thanh Hòa xác nhận: “Chưa thấy một chiến lược tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tất cả các chuyên ngành khác nhau trong nghiên cứu Biển Đông”. Lãnh đạo CSVN còn cúi đầu trước “bạn vàng”, thì sẽ không có chuyện khuyến khích các học giả nghiên cứu về Biển Đông.

Mời đọc thêm: Khai mạc Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2019 (TTXVN). – ASEAN tập trung thảo luận chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình DươngASEAN nhất trí thúc đẩy thương lượng COC hiệu lực, hiệu quả (VOV). – Philippines muốn Mỹ làm rõ hiệp ước bảo vệ lẫn nhau ở Biển Đông (VNE). – Vì sao các cường quốc muốn mở căn cứ ở Biển Đông? (ĐV). – Việt Nam phóng vệ tinh vào quỹ đạo để quan sát duyên hải Biển Đông (VOA). – [ẢNH] Chiến hạm Anh – Mỹ rầm rập tập trận trên biển Đông, Trung Quốc lo lắng dõi theo (ANTĐ).

Quan hệ Việt – Trung

VOV đưa tin: Kỷ niệm 69 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng “hai bên cần cùng nhau trân trọng và vun đắp để quan hệ Việt – Trung mãi mãi xanh tươi, vì lợi ích thiết thực của hai nước và nhân dân hai nước”.

Còn Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, điểm lại “những thành tựu đã đạt được của quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong 69 năm qua”. Đó là thành tựu của hai đảng CSTQ và CSVN. Còn “thành tựu” mà người dân VN nhận được là: Hai đảng này càng hữu nghị bao nhiêu thì biển, đảo, đất đai của VN càng thu hẹp bấy nhiêu. 

VOA có bài: Trung Quốc: Biên giới với Việt Nam là ‘cầu nối hữu nghị’. Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 15/1 nói rằng, Bắc Kinh và Hà Nội đã đạt đồng thuận về việc “1,450 km đường biên giới trên bộ giữa hai bên trở thành cầu nối hợp tác và hữu nghị”. Không rõ các văn bản mà hai đảng đã đồng thuận này là gì? Việt Nam mất thêm bao nhiêu đất đai ở khu vực biên giới?

Mời đọc thêm: Kỷ niệm 69 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung QuốcViệt Nam – Trung Quốc khẳng định thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác (TG&VN). – Việt Nam sẽ thiếu lao động… vì Trung Quốc? (Sputnik).

Hết thời “rừng vàng, biển bạc”

VietNamNet bàn về tình hình các mỏ dầu cạn kiệt: Tình huống báo động của Việt Nam. Bài viết cảnh báo: Năm 2018 là “năm thứ ba liên tiếp công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí gặp nhiều khó khăn. Nếu so với mục tiêu chiến lược phát triển mà ngành dầu khí đề ra ở trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì không hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra”.

Tiềm lực dầu mỏ của Việt Nam ở Biển Đông vẫn còn, nhưng “tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về chính trị, nhưng khu vực này cần công nghệ khoan nước sâu, đầu từ lớn, rủi ro cao, thường xuyên bị nước ngoài gây sức ép, cản trở”. ‘Nước ngoài’ này không ai khác, ngoài “bạn vàng” của đảng CSVN, thường xuyên gây áp lực ở Biển Đông.

Mời đọc thêm: CSVN nhìn nhận ‘thăm dò dầu khí thường xuyên bị nước ngoài gây sức ép’ (NV). – 2019 cung dầu mỏ có thể thiếu hụt (ĐTCK). – Dầu trượt giá vì sản lượng kỷ lục của Mỹ (VnEconomy).

Tự diễn biến, tự chuyển hóa

Thường trực Ban bí thư yêu cầu ‘ngăn chặn tình trạng suy thoái trong Đảng’, theo VnExpress. Phát biểu tại hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng sáng 18/1/2019, ông Trần Quốc Vượng yêu cầu ngành Tổ chức xây dựng Đảng “phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái trong Đảng”, làm cho “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” ngày càng nhỏ bằng những giải pháp mạnh mẽ.

Ông Vượng kêu gọi đảng viên CSVN phải biết “tự trọng”: “Người làm tổ chức phải công tâm, khách quan, còn cán bộ được bổ nhiệm cần có lòng tự trọng để thấy mình đủ năng lực để đảm nhận nhiệm vụ hay không; nếu không đủ năng lực thì sẵn sàng từ chối”.

Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật, khai trừ đảng nhiều cán bộ cấp cao, theo RFA. Trong kỳ họp lần thứ 33 vừa diễn ra, từ ngày 14 đến 16/1/2019, tại Hà Nội, UBKTTƯ “đã xem xét, kết luận thi hành kỷ luật và khai trừ đảng một loạt cán bộ cấp cao”, trong đó có Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông. Cơ quan này “cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng” đối với ông Đỗ Minh Tân, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Mời đọc thêm: ‘Cần đẩy lùi suy thoái trong Đảng bằng giải pháp mạnh’ (Zing). – Ông Trần Quốc Vượng: “Đẩy lùi suy thoái bằng giải pháp mạnh mẽ“ (VOV). – Ngành Tổ chức xây dựng Đảng triển khai nhiệm vụ năm 2019 (HNM). – Hoàn thiện quy hoạch hơn 1.300 cán bộ diện Trung ương quản lý (VNN).

“Công bộc” của dân?

Hai cán bộ quản lý thị trường bị khởi tố vì ‘làm luật’, theo Zing. Ngày 18/1/2019, Công an huyện Thanh Chương, Nghệ An đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng các ông Trương Văn Cường và Võ Thành Vinh, đều là kiểm sát viên của Đội quản lý thị trường số 8, thuộc Cục quản lý thị trường Nghệ An về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Trưởng công an huyện Thanh Chương cho biết: “Hai người này bị điều tra vì nhận 6 triệu đồng của ông Vi Văn Hùng (60 tuổi, trú xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) hành nghề y dược. Còn ông Hùng là nạn nhân nên không bị điều tra về tội đưa hối lộ”.

Chuyện ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ: Bí thư và Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn xô đẩy, lăng mạ phóng viên tại công sở, theo trang Nhân Đạo và Đời Sống. Cuối năm 2018, một người dân cho biết: “Tôi không hiểu tại sao mảnh đất mà tôi đang trồng cây và sử dụng từ năm 2004 ‘tự dưng’ lại được chính quyền thị trấn Thanh Sơn và huyện Thanh Sơn cấp sổ đỏ cho người khác”.

Ngày 16/1/2019, phóng viên báo này có hẹn làm việc với lãnh đạo thị trấn, nhưng ông Đinh Công Hiện, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn, nói: “Tao không tiếp phóng viên”. Ông Hiện liên tục gọi phóng viên là “chúng mày” và xưng “tao”. Còn Bí thư Đảng ủy thị trấn, ông Vương Trung Thành “lao ra từ phòng làm việc và xô đẩy, đuổi phóng viên ra khỏi trụ sở. Không chỉ vậy, ông Bí thư thị trấn còn liên tiếp văng tục”.

Mời đọc thêm: Khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ thị trường ‘vòi tiền’ người dân (NN). –  Khởi tố 2 cán bộ chiếm đoạt tiền của thầy lang (Tin Tức). – Nghệ An: Khởi tố, bắt giam 2 cán bộ QLTT “làm luật” với thầy lang (Infonet). – Bắc Giang: Khi nào mới “dám” kết luận vụ việc tại thị trấn Thanh Sơn (PL Plus).

Tin nhân quyền

VOA đưa tin: Tù lương tâm Nguyễn Văn Hóa được đề cử Giải Tự Do Báo chí Thế giới 2019. Giám đốc điều hành của Freedom Now, bà Maran Turner bình luận: “Anh Nguyễn xứng đáng được ca ngợi về những việc làm của mình, nêu bật các mối đe dọa đối với môi trường và những thất bại của chính quyền Việt Nam, không bảo vệ các cộng đồng của mình. Chúng tôi hy vọng UNESCO sẽ vinh danh chàng thanh niên đặc biệt dũng cảm này”.

Trước khi bị bắt và kết án tù, nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa là một cộng tác viên của RFA Việt ngữ, “từng quay phim và đưa tin về các cuộc biểu tình của ngư dân miền Trung, phản đối thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra, làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung” hồi tháng 4/2016.

Thành viên Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết sẽ bị xử phúc thẩm vào ngày 21/1, theo RFA. Ông Nguyễn Đức Hải, em ruột TNLT Nguyễn Văn Đức Độ cho biết, anh mình “đã xác định là phiên tòa phúc thẩm không trông mong gì về việc giảm án, nhưng do ông không có tội nên phải kháng cáo”.

RFA đưa tin: Các tổ chức dân sự kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn bỏ phiếu thông qua FTA với Việt Nam. Trong bức thư của 18 tổ chức dân sự gửi Quốc hội châu Âu có đoạn: “Bất chấp là một thành viên của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Việt Nam có một bộ luật hình sự đàn áp nhất trong khu vực, với các điều khoản lỏng lẻo thường xuyên được dùng để bỏ tù những người có tiếng nói chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa”.

Mời đọc thêm: Báo cáo Thế giới 2019’ lên án nhân quyền Việt Nam, chỉ trích Mỹ về vấn đề di dân (VOA). – Phóng viên Nguyễn Văn Hóa được đề cử giải thưởng Tự do báo chí của UNESCONhà báo độc lập Đỗ Công Đương sắp bị xử phúc thẩm vì “xâm phạm lợi ích của nhà nước”(RFA). – Hà Nội: Người chết không hỏa táng, địa phương không chia buồn? (PL Plus).

Hậu cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng

Chính quyền Việt Nam cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng, gây bất mãn cho Công Giáo, theo RFI. Hãng tin Reuters nhận định, “việc chính quyền phá hủy trên 100 căn nhà ở khu Vườn rau Lộc Hưng, Tân Bình trong đó có một cơ sở của Công Giáo, đã đẩy Giáo Hội vào thế phải phản đối, trong bối cảnh đã có nhiều vụ chính quyền trưng thu đất đai”.

Giáo Hội Công giáo VN chưa chính thức lên tiếng, nhưng gần đây có bức thư của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn gửi chính quyền địa phương năm 2007, khẳng định, khoảng 3 hecta đất vườn rau Lộc Hưng thuộc sở hữu của Giáo Hội Công Giáo, chứ không phải của chính quyền Sài Gòn cũ, người dân đã canh tác liên tục và ổn định suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Mời đọc thêm: Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội ở Sài Gòn từ chối tiếp người dân Lộc Hưng (NV). – Cái tết không nhà (FB TMCNN). – Vườn Rau Lộc Hưng có là đất công? (NTTH).

Nghệ sĩ “lề đảng” thành… dân oan

Báo Lao Động dẫn lời đạo diễn Thanh Vân: Nghệ sĩ treo băng rôn là giọt nước tràn ly. Cựu Phó GĐ Hãng phim truyện Việt Nam cho biết: “Kể từ khi Vivaso trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam, họ không mang nổi một thước phim về cho anh em nghệ sĩ. Vậy chúng tôi lấy cái gì để làm việc. Nếu cứ kéo dài tình trạng Vivaso quản lý, điều hành, sẽ càng làm Hãng phim trở nên kiệt quệ, không có tương lai”.

Băng rôn, biểu ngữ được nghệ sĩ, cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam treo lên nhằm phản đối việc Vivaso cắt lương, bảo hiểm của nhiều người. Nguồn: Lao Động

Báo Người Việt bàn về lực lượng ‘dân oan mới’ ở Hà Nội: Giới nghệ sĩ làm phim tuyên truyền XHCN. Hồi kết của hãng phim “lề đảng”: “Một hãng phim có tuổi đời 60 năm, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước, cho sự độc lập của dân tộc. Bỗng một ngày đẹp trời xuất hiện bọn cát tặc, sỏi tặc với sở thích là ăn đất, chúng ào đến như những con ký sinh trùng ăn đất, cuốn phăng di sản 60 năm gầy dựng của cả một nền điện ảnh”.

Phóng viên ảnh Na Sơn của hãng AP tại Hà Nội lưu ý: “Những nghệ sĩ của Hãng Phim Truyện Việt Nam có quan tâm đến cái xã hội này đang như thế nào, quan tâm đến những người dân khắp đất này hàng ngày vừa chật vật sinh nhai”, chỉ đến khi quyền lợi của họ bị xâm phạm thì họ mới chịu lên tiếng.

Mời đọc thêm: Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đồng loạt kêu cứu do bị cắt lương, bảo hiểm (NN). – Chủ tịch hãng phim truyện: Công, nhân viên (nghệ sĩ ) không đủ 14 ngày công “chấm vân tay” 1 tháng mới bị cắt lương và bảo hiểm xã hội? (NĐT). – Nghệ sĩ mong muốn Bộ VHTT&DL làm rõ việc bao giờ Vivasco thoái vốn (ANTĐ).

Vụ chạy thận làm chết người ở Hòa Bình

Xuất hiện tình tiết bất ngờ có lợi cho cựu bác sĩ Hoàng Công Lương trong phiên xử chiều 18/1/2019, theo báo Lao Động. Luật sư bào chữa cho BS Lương hỏi TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, rằng, “có hay không quy trình vận hành hệ thống lọc nước RO”. TS Dũng cho biết, “trách nhiệm về nguồn nước thuộc về đơn vị cung cấp máy. Chỉ cần bộ phận vệ sinh, sục rửa hệ thống RO đã xong, bác sĩ có thể ra y lệnh chạy thận”.

Mời đọc thêm: Vụ chạy thận gây chết người: Các chuyên gia lên tiếng tại tòa (MTG). – Chuyên gia y tế: Việt Nam không sử dụng hóa chất như BVĐK tỉnh Hòa Bình đã dùng (NĐT). – Xét xử Hoàng Công Lương: Chuyên gia nêu quan điểm tại tòa (KT&ĐT). – Chữ ký của Hoàng Công Lương quyết định việc chạy thận? (PLTP).

BOT: Gánh nặng “tận thu”

Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời Phó GĐ Sở GTVT TP HCM Nguyễn Văn Tam khẳng định, trạm thu phí An Sương – An Lạc thu đến năm 2033 đúng luật. Ông Tam cho rằng, trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc “đã được xác lập để thu phí hoàn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và xây dựng các nút giao trên tuyến đoạn An Sương – An Lạc là phù hợp theo quy định của pháp luật”.

Ông Tam không quên phê phán các tài xế đấu tranh chống hành động tận thu: “Một số lái xe cho rằng thời gian thu phí tại trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc đến nay đã hết và đề nghị nhà đầu tư phải bỏ trạm thu phí là không có cơ sở, chưa tuân thủ quy định pháp luật”.

Mời đọc thêm: BOT Cai Lậy thu phí trở lại từ 14-2 (SGGP). – Sắp được thu phí trở lại, giám đốc BOT Cai Lậy nói gì? (VTC). – “Ông chủ” BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu về lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng (Bnews).

***

Thêm một số tin: Dự án Metro số 1: Xin tạm ứng 2.245 tỷ đồng trước TếtBộ giáo dục đề xuất kỷ luật ba cán bộ liên quan quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học (RFA). – Hoa màu ngập úng vì… dự án lấp mương? (SGGP). – Ngân hàng ACB bị phạt, truy thu hơn 11 tỷ đồng tiền thuế (VnEconomy). – Dân than trời vì mỏ đá bị biến thành nơi đổ trộm rác thải công nghiệp (LĐ). – Hàng trăm người dân kêu cứu, đòi sổ đỏ vì mua đất bằng hợp đồng góp vốn (NĐT).

Bình Luận từ Facebook