Đàn bà Việt làm rường cột (nền kinh tế) và làm nghề lạ

FB Vũ Kim Hạnh

29-12-2018

Nói phụ nữ là “rường cột” nền kinh tế VN thì cũng hơi lạ. Hãy xem bài báo của hãng tin Bloomberg và báo Washington Post mới đăng. Họ nêu ví dụ ai cũng biết. Những doanh nghiệp lớn nổi tiếng, thành công đang được điều hành bởi phụ nữ.

Bà Mai Kiều Liên, người đã xây dựng được “đế chế” trị giá 10 tỷ USD bằng đồ uống giàu protein Vinamilk. Bà Nguyễn Phương Thảo, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam với hãng VietJet Air. Ham học, ham ứng dụng công nghệ 4.0, bà Cao thị Ngọc Dung đang là chủ tịch công ty cổ phần PNJ tiên phong đầu tư trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, điều khiển kinh doanh thành công với hơn 200 điểm bán trang sức toàn quốc theo thời gian thực. Và muốn tìm một nữ Tổng giám đốc giỏi về công nghiệp lạnh, đầu tư bất động sản thì ai cũng biết bà Nguyễn thị Mai Thanh của REE.

Tôi lại muốn “leo lề” kể tiếp 4 gương mặt nổi bật khác: bà Nguyễn thị Điền, Tổng giám đốc An Phước-Pierre Cardin, giờ đã mở rộng chuỗi nhà máy, cửa hàng thời trang đàn ông sang nước Đức hay cô Đỗ Duy Hiếu, CEO thép Pomina, một cô gái trẻ xinh đẹp dịu dàng chỉ huy 1 doanh nghiệp thép. Và còn nữa, 2 “nữ tướng” đang kiên cường chống chọi hàng loạt cuộc tấn công từ một đại gia tỷ phú USD luôn muốn xóa sổ cả một ngành- làng nghề truyền thống (nước mắm Phú Quốc) là 2 chị Hồ Kim Liên (Khải Hoàn) và Nguyễn Thị Tịnh (Thanh Quốc) cùng nhiều nữ tướng khác…

Theo Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới: 73%. Về dân số, VN xếp thứ 15 thế giới, nhỏ hơn Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Philippines, nhưng tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ở Pakistan và Banladesh chỉ là 25% và 33%.

Còn về mức đóng góp vào GDP thì theo tổ chức “Giám sát Doanh nhân Toàn cầu”, phụ nữ Việt đóng góp 40 phần trăm của cải quốc gia, gần ngang với tỉ lệ của phụ nữ Trung Quốc.

Có lý do lịch sử. Chiến tranh, đàn ông hy sinh nhiều. Mấy năm gần đây, VN đã có nghề mới về chất bán dẫn và điện thoại thông minh nhưng xem kỹ, phần lớn nhất trong xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ năm ngoái vẫn là hàng dệt may và giày. Vẫn phụ nữ làm là chính.

Đề cao đóng góp, vai trò phụ nữ, 2 bài báo chưa nói đến một vấn đề gay go của họ. Với nghề may-da giày, nữ công nhân khó trụ lại trong nhà máy sau tuổi 35. Nghiên cứu của Viện công nhân và công đoàn cho thấy họ chỉ làm trong nhà máy chừng 8 năm rồi bị thải loại bằng nhiều cách. Tuổi nghỉ việc trong nhà máy thủy sản, môi trường lao động khắc nghiệt hơn, chỉ đến chừng 32 tuổi. Và rất khó tìm việc làm mới. Quay về làm “rường cột” của kinh tế gia đình thật không dễ…

Và phụ nữ nhiều nơi, nhất là vùng sâu, còn phải làm những cái nghề rất lạ và nhiều rủi ro, nghe đau lòng. Như nghề bán bào thai chẳng hạn.

Tôi không hình dung được nỗi đau của người chồng đột nhiên mất vợ tới 2 lần. Lần thứ nhất, vợ anh Lương văn Hồng (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bỏ nhà đi khi đang mang thai 6 tháng. Đi lặng lẽ, chỉ để lại một lời hứa với Dậu, đứa con gái lớn 13 tuổi, chị cả của 4 đứa nữa, mẹ đi ít lâu sẽ mang tiền bạc, quần áo về cho mấy cha con. Rồi bỗng anh nghe tin vợ anh bị tai nạn giao thông qua đời tại Hà Bắc, Trung Quốc. Gom hết tiền bạc, vay mượn, anh cùng cha đi tìm vợ và tiêu tan hết tiền của, lưu lạc cả tháng trời mới đưa được tro cốt chị về. Giờ mất vợ, con, nợ nần ngập đầu…

Tưởng nỗi đau thế đã quá nặng, nhưng cảnh tình của chị Lương Thị Mùi (38 tuổi, ở xã Hữu Lập, cùng huyện) người dân tộc Khơ Mú còn thảm hơn. “Tôi nghèo quá, cũng đi bán con nhưng bị họ quỵt tiền. Chị kể, “Tôi sinh xong, được chăm con 21 ngày rồi có người tới đưa đi, nhưng họ không trả tiền. Ít hôm sau, họ nói, đứa bé đã tử vong nên không trả tiền và dọa nếu tôi không về Việt Nam họ sẽ giết”. Món thù lao mang bầu, sinh con và bán con là…30 triệu đồng mà vẫn bị giựt.

Khi trả Mùi về, họ đưa đại 19 triệu. Hai vợ chồng Mùi đi đòi tiền mãi nhưng bất thành. Đâm đơn kiện cũng không có kết quả. Chị cương quyết “Thôi, không mang thai nữa, cũng không qua bên đó bán con nữa. Bán rồi thì nhớ con lắm”.

Ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng, do nghèo quá, dân bán con để “kiếm thêm thu nhập” Và hiện nay, hành vi bán con trong bụng mẹ khó xử lý vì không xác định được đứa bé ở đâu. Vì vậy, phải tăng cường giáo dục cho dân biết hành vi bán con là phạm tội và vi phạm đạo đức.

Trời, mẹ đứa bé còn không biết sau khi bán nó ở đâu thì làm sao luật pháp điều tra? Và đâu có ai bán con, nếu đã không rơi xuống đến đáy của cảnh cùng khổ. Họ có làm nhục quốc thể không? Những ai hỏi vậy thì hãy tự tát thật đau vào mặt mình đi.

_____

Một số hình ảnh từ nhà báo Vũ Kim Hạnh/ internet:

Bình Luận từ Facebook