24-12-2018
Những ai đã từng một lần trải qua Đêm Noel ở Sài gòn, sẽ phải rất ấn tượng với không khí tưng bừng, náo nhiệt ở đây. Ở Sài gòn, ai cũng cảm thấy rạo rực, háo hức khi Noel về, dù có đạo hay không.
Tôi chợt nhớ đến đến một người mà tôi chưa hề gặp mặt, ở một nơi xa, cách Sài gòn hơn 1.600 cây số. Đó là BS Hoàng Công Lương, người nổi tiếng bất đắc dĩ trong suốt hơn 1 năm qua. Không biết Noel này, gia đình anh có háo hức chào đón nó không? Không biết các con anh có mong chờ ông già Noel không?
Ở cương vị một người làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, mà cứ bị Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát tìm đủ mọi cách buộc tội, bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, không được hành nghề, và kèm theo đó là giảm thu nhập, thì làm sao mà BS Lương và gia đình có thể nghĩ đến Noel?
Đã thế, chỉ còn mấy ngày nữa, phiên tòa, mà theo kinh nghiệm của lần xử trước, hứa hẹn là sẽ rất căng thẳng, đầy yếu tố phản công lí, sẽ diễn ra. Trong bối cảnh đó, các con của BS Lương, dù còn rất nhỏ, cũng chẳng thể có cái quyền mơ ước đến một ông già Noel xuất hiện và tặng quà.
Tôi xin trích lại thông tin từ Infonet, viết về cáo trạng truy tố BS Hoàng Công Lương:
Theo cáo trạng, với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bác sĩ Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng. Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng “tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống” phải có việc xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nuớc thuộc Trưởng khoa.
Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp (là người không có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước) nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường.
Bác sĩ Lương mới chỉ nghe nói mà chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng. Thế nhưng Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của 2 bác sĩ khác đối với 18 bệnh nhân. Trên cơ sở này, các điều dưỡng viên tiến hành hoạt động lọc máu.
Hết trích.
Không biết Viện Kiểm sát dựa vào đâu để nói BS Lương phải biết “Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng, tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống, phải có việc xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước? Rõ ràng là không có một qui trình nào, từ phía Bộ Y tế, cũng như Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, và của cả bệnh viện, qui định những điều đó. Vậy thì BS Lương căn cứ vào đâu để “phải biết” những điều đó? Hay cứ là bác sĩ là ông già Noel sẽ nhét điều ấy vào đầu?
Tiếp theo, kết luận của cơ quan điều tra cho rằng, Bác sĩ Lương mới chỉ nghe nói mà chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng. Thế nhưng Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của 2 bác sĩ khác đối với 18 bệnh nhân.
Thứ nhất, là việc bàn giao hệ thống đã được thực hiện. Mọi người đều đã xác minh bằng lời khai trực tiếp, cũng như trong hồ sơ của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, trong phiên tòa lần trước. Đó là việc anh Quốc thông báo cho anh Sơn, anh Sơn thông báo cho Điều dưỡng Điệp, và Điều dưỡng Điệp thông báo lại cho BS Lương. Không có một qui trình nào bắt buộc việc bàn giao này phải thực hiện bằng văn bản. Trên thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên bảo dưỡng hệ thống, và những lần trước, việc bàn giao đều được thực hiện như thế này.
Thứ hai, ngoài việc bàn giao, BS Lương đã dựa trên một căn cứ khác, trước khi cho y lệnh chạy thận. Đó là thông số trên đồng hồ đo độ pH nước RO. Theo hồ sơ và lời khai của những người liên quan, đồng hồ đo pH nước cho thấy, độ pH của nước RO là bình thường, có thể dùng để chạy thận..
Như vậy, những căn cứ để buộc tội BS Hoàng Công Lương đều không có thực, hoặc không chính xác.
Trở lại với thảm họa chạy thận. Nguyên nhân nào làm cho 9 bệnh nhân tử vong? Cơ quan điều tra và các cơ quan khoa học đã xác định, đó là do tồn dư chất tẩy rửa trong nước RO dùng để lọc máu, và chất tồn dư ấy đi vào cơ thể bệnh nhân.
Ai là người có trách nhiệm trong việc để cho chất tẩy rửa bị tồn dư trong nước RO dùng để chạy thận? Nhìn bên ngoài thì do anh Quốc, người trực tiếp bảo dưỡng hệ thống. Nhưng nguyên nhân dẫn đến việc đó là việc không đồng ý thay màng lọc mà yêu cầu tẩy rửa, và việc giao cho người không có chuyên môn bảo dưỡng thực hiện. Đó là trách nhiệm của ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Thiên Sơn, và ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện, người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của đối tác liên kết xem có phù hợp với yêu cầu chuyên môn hay không.
Ai là người có trách nhiệm trong việc để cho chất tẩy rửa tồn dư trong nước RO đi vào máu của người bệnh? Theo cơ quan điều tra và Viện kiểm sát Hòa bình, người đó là BS Hoàng Công Lương. Sai hoàn toàn. Như đã phân tích ở trên, BS Hoàng Công Lương đã thực hiện theo đúng “tập quán” của bệnh viện. Nói “tập quán” vì không có qui trình nào qui định phải làm ra sao cả.
Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm đầu tiên trong việc không có qui trình thuộc về Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, và giám đốc bệnh viện. Đơn nguyên thận nhân tạo này do Sở Y tế tình Hòa Bình thẩm định cho phép hoạt động, vậy thì đó là trách nhiệm của Sở Y tế Hòa bình, khi cho phép một đơn nguyên thận nhân tạo hoạt động mà không có đủ qui trình cần thiết.
Người có trách nhiệm lớn nhất trong việc này lại là giám đốc bệnh viện, ông Trương Quý Dương, đã để cho một đơn nguyên thận nhân tạo hoạt động hàng chục năm mà không có đủ qui trình cần thiết. Trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ là gián tiếp, và cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho 9 bệnh nhân, dù có liên quan.
Nguyên nhân trực tiếp trong việc để cho chất tẩy rửa tồn dư trong nước RO đi vào máu của người bệnh là sự buông lỏng công việc kiểm tra, giám sát quá trình bảo dưỡng của Phòng vật tư y tế của bệnh viện.
Nhưng có một nguyên nhân rất lớn, mang tính quyết định, mà cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát Hòa bình đã bỏ qua trong cáo trạng, đó là việc đồng hồ đo pH nước RO đã được lắp đạt sai vị trí. Điều này dẫn đến việc kết quả kiểm tra trước khi cho y lệnh chạy thận bị sai lệch. Đây là lỗi rất lớn của công ty Thiên Sơn (người chịu trách nhiệm trực tiếp là giám đốc Đỗ Anh Tuấn), và Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (người chịu trách nhiệm chính là giám đốc Trương Quý Dương).
Nếu như được có một điều ước trong Đêm Giáng sinh, tôi sẽ ước cho Ông già Noel có thể nhét được những điều rất rõ ràng và dễ hiểu kia, vào đầu các ông Tòa ở Hòa bình. Và làm sao cho họ có đủ tính khiêm tốn, để chấp nhận nghe các chuyên gia chuyên môn phát biểu.
Vụ này mà có công tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller thì mọi việc sẽ lòi ra thôi.