Trân Văn
18-7-2017
Đảng khẳng định tham nhũng là quốc nạn, tuyên bố sẽ dốc toàn lực của toàn bộ hệ thống chính trị để bài trừ tham nhũng nhưng cũng chính Đảng lặng lẽ bảo vệ tham nhũng.
Bảo vệ tham nhũng là một trong những “chủ trương lớn” dẫu không công bố nhưng chẳng khó để nhận diện…
***
Tháng 10 năm 2003, Liên Hiệp Quốc thông qua Công ước Phòng – Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption – UNCAC).
Để nâng cao hiệu lực giải trừ tham nhũng, UNCAC đặt định các qui ước và chuẩn mực về tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát. UNCAC còn có tham vọng tạo lập sự hợp tác đa quốc gia nhằm cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu.
Sau khi 3/4 thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn UNCAC, tháng 7 năm 2009 Việt Nam mới làm điều này. Tuy nhiên Việt Nam giành quyền bảo lưu (không thực thi) một số nội dung của UNCAC mà Việt Nam cho là… chưa phù hợp. Trong đó có: Đề nghị hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Thực hiện thủ tục dẫn độ…
Nhìn một cách tổng quát, dù phê chuẩn UNCAC, Việt Nam vẫn đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam chứ không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT.
***
Sở dĩ Liên Hiệp Quốc khuyến khích và UNCAC “hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính” là vì cộng đồng quốc tế không chấp nhận hiện tượng cá nhân đột nhiên giàu tới mức “nứt đố, đổ vách” sau khi đương sự trở thành viên chức.
Tại Việt Nam, hồi tháng 11 năm 2013 đã từng xảy ra một cuộc tranh luận “nảy lửa” về cách xử lý những viên chức giàu bất chính.
Trong hội thảo bàn về việc sửa Luật Hình sự Việt Nam theo tinh thần UNCAC do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức vào hai ngày 28 và 29 tháng 11 năm 2013, nhóm nghiên cứu việc “hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính” đề nghị, nếu viên chức không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc tài sản, viên chức đó có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ.
Nhóm này nhận định, pháp luật Việt Nam chưa xem giàu bất thường là tội phạm. Sau khi nghiên cứu cách thức xử lý của một số quốc gia và đánh giá thực trạng ở Việt Nam, họ đề nghị một trong ba cách điều chỉnh.
Cách thứ nhất, đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam theo hướng: “Bất kỳ người nào có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, nếu có tài sản tăng thêm đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ, của vợ/chồng hoặc con chưa thành niên của họ thì có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm đó. Nếu họ không thể giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm thì một phần hoặc toàn bộ tài sản tăng thêm đó sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần. Ngoài ra, họ còn bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ”. Hình phạt có thể tăng nặng theo giá trị tài sản tăng thêm, hoặc phát giác được nguồn gốc phần tài sản tăng thêm có liên quan đến hành vi phạm tội khác…
Cách thứ hai là đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam và xác định tội “làm giàu bất chính” qua việc vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình. Việc xử lý hành vi làm giàu bất chính dựa trên vi phạm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Cách thứ ba là nếu chưa đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam thì xử lý tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự. Nếu chọn cách này thì khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng phải đưa thêm vào luật này một số quy định. Chẳng hạn, nếu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người có nghĩa vụ giải trình. Nếu kết luận người đó không trung thực, cơ quan này chuyển vụ việc sang Viện Kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của tòa án.
Những đề nghị vừa kể đã bị… phản đối gay gắt với lý do luật đã định rằng “chứng minh tội phạm” là nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, rằng phải tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, rằng khi nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác thì phải xem xét Việt Nam đã có đủ điều kiện cần thiết để áp dụng hay chưa.
Nhóm nghiên cứu giải thích, đề nghị của họ chỉ nhắm vào các viên chức, chứ không nhắm vào thường dân. Bởi có chức vụ, quyền hạn nên viên chức có nghĩa vụ tự giải trình về nguồn gốc khối tài sản tăng thêm. Thay vì phải chứng minh đương sự đã thủ đắc khối tài sản tăng thêm một cách bất hợp pháp mà vì nhiều lý do trở thành chuyện gần như bất khả thi, nếu Đảng chấp nhận “làm giàu bất chính” là tội phạm hình sự, hệ thống tư pháp chỉ cần chứng minh khối tài sản tăng thêm nằm ngoài thu nhập hợp pháp là đã có thể kết án đương sự và sung công phần tài sản tăng thêm một cách bất minh…
Bất kể UNCAC, bất kể khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế như UNDP, Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI),… đến nay, Đảng vẫn cương quyết bảo lưu (không thực hiện) Điều 20 của UNCAC – Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính và tất nhiên còn khuya Luật Hình sự của Việt Nam mới có tội “làm giàu bất chính”.
***
Hệ thống truyền thông Việt Nam đang vào… mùa triển lãm thông tin, hình ảnh liên quan đến tư gia, tài sản của các viên chức.
Dù sôi động, mùa triển lãm này vẫn thiếu yếu tố… mới. Nội dung triển lãm vẫn chỉ loanh quanh ở các viên chức cấp tỉnh và những viên chức đã nghỉ hưu.
Theo kết quả cuộc khảo sát chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2016 do TI công bố hồi đầu năm thì Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, đứng hạng 113/176 và vì vậy vẫn thuộc nhóm các quốc gia mà tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng.
Còn theo báo cáo về họat động chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ – cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng tại Việt Nam – trong sáu tháng đầu năm nay, chỉ có một cá nhân bị xác định là đã “thiếu trách nhiệm” khiến cơ quan công quyền do cá nhân này phụ trách xảy ra tham nhũng.
Cũng trong sáu tháng đầu năm nay, hệ thống thanh tra trải rộng từ trung ương đến các địa phương đã kiểm tra 1.800 cơ quan và chỉ phát giác 22 cơ quan vi phạm các qui định về phòng chống tham nhũng. Tổng số vụ tham nhũng đã được phát giác trong sáu tháng đầu năm 2017 chỉ có 46 vụ, liên quan đến 66 viên chức.
Báo cáo không đề cập đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức trong sáu tháng đầu năm 2017 mà chỉ công bố một số số liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức hồi năm ngoái. Theo đó đã có hơn một triệu viên chức kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỉ lệ 99,8%. Công việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ thực hiện với 77 cá nhân bị báo chí, dân chúng tố cáo nhưng không phát giác trường hợp nào “thiếu trung thực”.
Tại sao tham nhũng tràn lan mà báo cáo thường kỳ, thường niên nào cũng na ná như báo cáo vừa kể?
Tại sao chống tham nhũng là chủ trương lớn mà xa hoa vẫn trở thành đặc điểm phổ biến của các viên chức tại Việt Nam?
Tại sao các viên chức Việt Nam thi nhau phô bày sự giàu có của họ thông qua cả tư gia lẫn kính, bút viết, đồng hồ, điện thoại di động, giày dép, quần áo, xe hơi,…?
Nếu không hiểu tường tận hệ thống mà mình phục vụ, không tin rằng mình vô sự, có viên chức nào dám phô bày sự giàu có hoặc ngang nhiên kê khai số tài sản đã thâu tóm được như bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công Thương, người đang cùng mẹ, con, anh, em nắm giữ hàng ngàn tỉ đồng là vốn của Điện Quang, Rạng Đông – những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa hồi giữa thập niên 2009) như vậy không?
Chuyện bị soi vì đeo đồng hồ Patek Philippe, xài điện thoại Vertu – trị giá mỗi món chừng một tỉ, khi vung tay ra lệnh đập phá vỉa hè ở trung tâm thành phố Sài Gòn như ông Đoàn Ngọc Hải là ngoại lệ. Đương sự chỉ là Phó Chủ tịch quận 1 ở Sài Gòn. Cứ thử soi riêng kính, bút viết, đồng hồ, điện thoại di động, giày dép, quần áo, xe hơi của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo chính phủ thôi sẽ thấy những cá nhân như ông Hải chỉ là… muỗi.
Thiên hạ cũng đã hỏi tại sao hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp bó tay trước những kiểu biện bạch cho việc thủ đắc khối tài sản cả trăm tỉ của ông Trần Văn Truyền (cựu Tổng Thanh tra Chính phủ), ông Nguyễn Sỹ Kỷ (cựu Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk), ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái) là nhờ “làm vườn đến thối cả móng tay”, “chạy xe ôm hồi còn trai trẻ”, “để dành từ bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá,…”?
Nếu Đảng không chủ trương bảo lưu (không thực hiện) nhiều điểm cốt lõi của UNCAC, nếu Đảng chấp nhận hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, đưa “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự thì hiện trạng tham nhũng ở Việt Nam có chuyển biến nào tích cực không? Chắc chắn là có! Làm gì còn chuyện hệ thống tư pháp loay hoay với các viên chức hùng hồn biện bạch tiền xây tư dinh, lập trang trại, sở hữu hết tỉ này cổ phiếu đến tỉ kia tiền tiết kiệm là nhờ “nuôi gà, nuôi heo”.
Tuy nhiên phải nhắc bạn rằng, lúc đó không chỉ những viên chức đương nhiệm như ông Quý, bà Thoa mà cả những viên chức đã nghỉ hưu như ông Truyền, ông Kỷ cũng mất sạch mọi thứ.
Dẫu có bất khả xâm phạm khi đương nhiệm như lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ thì rồi cũng tới lúc họ phải nghỉ hưu. Thực hiện đúng tinh thần UNCAC, thẳng tay với những người như ông Quý, bà Thoa, ông Truyền, ông Kỷ,… có khác gì lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ tạo “tiền lệ” cho thiên hạ xúm vào “chặt đầu, lột da” sau khi phải rời sân khấu về “làm người tử tế”. Đã “tài tình, sáng suốt” thì phải vì mình đến cùng, đời nào lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ lại dại dột làm chuyện… đắc nhân tâm như thế!