Bản tin ngày 9-10-2018

Tin nhân quyền

Thêm bốn người tham gia biểu tình ngày 10/6/2018 ở Sài Gòn, chống luật Đặc Khu và luật An Ninh mạng, đã bị TAND quận 3, TP.HCM xử hôm qua. Báo Người Lao Động đưa tin: 4 thanh thiếu niên lãnh án vì phá xe đặc chủng, xe buýt. Anh Nguyễn Văn Tuấn lãnh án 3 năm tù giam; Trương Ngọc Hiền 2 năm tù; Nguyễn Huỳnh Đức và Bùi Văn Tiến cùng bị mức 1 năm tù treo và 2 năm quản chế vì là trẻ vị thành niên. Tất cả 4 người đều bị cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng”, thay vì tội “biểu tình”.

Nguyễn Văn Tuấn (trái) và Trương Ngọc Hiền tại phiên tòa. Ảnh: NLĐ

Bài báo dẫn cáo trạng của VKSND quận 3, cho biết, các thanh niên nói trên đã “bị các đối tượng xấu lôi kéo”, dụ dỗ cho tiền để xuống đường biểu tình. “Vào ngày 10-6, Nguyễn Văn Tuấn đang nằm ngủ ở công viên Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP HCM) thì được một phụ nữ tên Nguyễn Thị Hồng (chưa rõ lai lịch) đưa một tờ giấy màu vàng có dòng chữ mang nội dung kích động. Bà Hồng kêu Tuấn đi tuần hành từ công viên Hoàng Văn Thụ đến khu vực Hồ Con Rùa (quận 3) và sẽ trả công 400.000 đồng nên Tuấn đồng ý“.

Cũng tin nhân quyền, Nhóm Văn Lang gửi thư cho các nghị sĩ Cộng hòa Séc tại Nghị viên Liên minh châu Âu, yêu cầu các nghị sĩ này “Lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhân quyền và tự do ngôn luận bị xâm hại nghiêm trọng tại Việt Nam. Yêu cầu Việt nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm tại Việt nam. Yêu cầu Việt nam đảm bảo lợi ích của công nhân vốn là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Hiệp định này bằng cách đưa quyền thành lập công đoàn độc lập trở thành một điều kiện trong Hiệp định“.

Vụ TS Nguyễn Quang A đi điều trần trước Ủy ban Thương mại Quốc tế Quốc hội EU, bị câu lưu tuần trước, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết, TS Nguyễn Quang A đã lên máy bay với hộ chiếu mới: Lúc 6:30 chiều 8/10, cán bộ A67 Bộ Công an, trao hộ chiếu mới cho TS Nguyễn Quang A ngay trước khu vực làm thủ tục. Ông Tuấn nói rằng, “đây có lẽ là một trong trường hợp cấp đổi hộ chiếu nhanh nhất trong lịch sử Việt Nam“.

Về nhân quyền ở Trung Quốc, VOA có bài: Trung Quốc xác nhận Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra. Hôm 7/10/2018, Trung Quốc xác nhận, nước này đang “bắt cóc” để điều tra Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. Ông Vĩ mất tích từ ngày 25/9, khi ông đang trên đường từ Pháp về Trung Quốc. Hôm 6/10, Interpol yêu cầu Trung Quốc làm rõ tình trạng của ông Mạnh, và tổ chức này lo ngại cho an toàn của ông.

Bà Grace Mạnh vợ của ông cho biết, thời điểm ông mất tích, bà được chồng mình gửi tin nhắn riêng trên mạng xã hội, nói chờ ông gọi điện, trước khi gửi hình ảnh một con dao, ám chỉ nguy hiểm. Thông báo trên Twitter, Tổ chức Interpol cho biết, họ đã nhận được quyết định từ chức của ông Mạnh. Ngay sau đó, Interpol đã bổ nhiệm phó chủ tịch cấp cao, ông Kim Jong-yang của Hàn Quốc, làm quyền chủ tịch.

Mời đọc thêm: Thêm bốn người biểu tình chống luật đặc khu bị án tù (RFA). – Tham gia tuần hành rồi phá xe đặc chủng, 4 thanh niên lĩnh án (NĐT). – Nhóm thanh niên nhận tiền để gây rối, đập phá xe đặc chủng lãnh án (DT). – Phỏng vấn TS Nguyễn Quang A về tác động của EVFTA đến môi trường hoạt động của các nghiệp đoàn độc lập (NĐBC/ TD). – EVFTA: Khúc quanh Nội Bài (Nguyễn Anh Tuấn/ TD). – Người Sài Gòn (Hoàng Hải Vân/ TD). – Trung Quốc xác nhận bắt Chủ tịch Interpol  —  Chủ tịch Interpol người TQ ‘mất tích’ khi về thăm quê (BBC). – Quan lộ của Chủ tịch Interpol người Trung Quốc đầu tiên trước khi bị bắt điều tra tội hối lộ (LĐ). – Báo giới Hồng Kông phản đối vụ biên tập viên Financial Times bị bác visa (VOA).

TP.HCM xây nhà hát, “hát trên những xác người”

Mặc dù những sai phạm nghiêm trọng của các lãnh đạo và cựu lãnh đạo TPHCM trong dự án KĐT Thủ Thiêm chưa được giải quyết, những kẻ vi phạm vẫn đứng trên pháp luật, thì mới đây, lãnh đạo TPHCM đã ‘bấm nút’ dự án nhà hát giao hưởng hơn 1.500 tỉ tại Thủ Thiêm. Nhà hát này rộng 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình, thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.

Nhà báo Nguyễn Tiến Trường có bài viết: Hát trên những xác người. Công trình nhà hát mọc lên trên nền đất của nhân dân hôm qua, có người chết, có người sống không bằng chết, có những giọt nước mắt đoạn trường, những thân phận rách nát chưa thấy ánh sáng, việc xây dựng nhà hát  là nhảy múa trên nước mắt của nhân dân, hoan ca trên những xác người.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trong một buổi tiếp xúc với dân oan Thủ Thiêm. Ảnh: Zing

Tác giả viết: “Nếu có một công trình ở Thủ Thiêm, đó phải là một bảo tàng oan dân. Ghi lại sự bạo tàn của cường quyền phe nhóm đoạ đày nhân dân đến khốc hại, đến từng cái bàn thờ bia mộ, đến loài vật cũng tru lên bao tiếng oán than… Cuối cùng thì nhân dân có tội gì với lãnh đạo mà đến tận cảm xúc cũng bị ức hiếp đày đoạ thế này? Không lẽ thành phố xây nhà hát để cầm tù luôn linh hồn người dân đang sống?”

Mời đọc thêm: HĐND TP.HCM đồng ý xây nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm (Zing). – TP HCM xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm vì cần cho người dân (VNE). – TPHCM chính thức duyệt chi dự án xây nhà hát hơn 1.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách (LĐ). – Có gì bên trong khu đất dự tính xây dựng Nhà hát 1.500 tỷ đồng ở TP.HCM? (VTC). – Nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm: “Công trình điểm đến cho tương lai” (DT). – Nhà hát Thủ Thiêm, người chết Bó Chiếu và Học sinh Đu Dây Qua Suối (Trần Đình Dũng/ TD).

Cựu thượng tá và đồng phạm hiếp dâm tập thể nữ sinh lớp 9

Liên quan đến việc ông Phạm Văn Lam, cựu thượng tá công an, phó Phòng Cảnh sát kinh tế, cùng 3 người đàn ông khác hiếp dâm tập thể nữ sinh lớp 9 ở Thái Bình, dư luận đặt câu hỏi về tội danh của những kẻ đồi bại này. Báo Nông Nghiệp đặt nghi vấn: “Việc cháu bé 14 tuổi, liệu có thể tự nguyện vào một khách sạn trên thành phố Thái Bình để đồng ý cho 4 gã đàn ông lực lưỡng, tuổi đều trên 40, trong đó có cả bố nuôi của mình quan hệ tình dục tập thể kiểu ‘bầy đàn’ trong mấy ngày liền không?”

Cựu Thượng tá CA Phạm Văn Lam. Ảnh: Facebook

Và việc ông Lam cùng 3 đồng phạm chỉ bị khép vào tội “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “dâm ô với người dưới 16 tuổi” có đúng không? Bởi “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác…” là thể hiện việc nạn nhân có sự đồng ý. Nói cách khác, đây là sự thông dâm.

LS Trần Đình Dũng có bài: Vụ án Thượng tá đốn mạt: HIẾP DÂM chứ không thể nào là GIAO CẤU với nữ sinh lớp 9! LS Dũng đặt câu hỏi: “Quý vị có thể tin được không, hành vi hiếp dâm như thế lại công bố là giao cấu? Phải chăng có sự đốn mạt khác nhằm bao che cho sự đồi bại khốn nạn của Vị thượng tá công an Phó phòng và đồng bọn. Trong Bộ luật hình sự năm 2015, ‘Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145)’ qui định mức phạt cao nhất chỉ 5 năm nếu không gây ra thương tích 31% trở lên, làm nạn nhân có thai…”

LS Dũng cho biết thêm: “Điều 142 ‘Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi’, trong trường hợp nhiều người hiếp một người thì có mức án tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Sòng phẳng ra thì rõ ràng vị Thượng tá dính tới hai tình tiết là ‘Có tổ chức’ và ‘Nhiều người hiếp một người’. Đây cũng chính là mấu chốt mà Thượng tá Phó phòng cùng 4 đồng bọn chạy tội, tránh án nặng!”.

Mời đọc thêm: Vụ thượng tá xâm hại nữ sinh lớp 9: Xin đừng ‘chơi chữ”! (NLĐ). – Vụ nữ sinh lớp 9 bị dâm ô tập thể ở Thái Bình: Vì sao không khởi tố tội Hiếp dâm? (NĐT). – Thượng tá công an cùng 3 kẻ giao cấu tập thể nữ sinh lớp 9 ở Thái Bình quyền thế cỡ nào? (LĐ). – Vụ nữ sinh lớp 9 bị dâm ô tập thể: Bố nuôi thuê khách sạn để nhóm bạn có địa vị giở trò đồi bại (Soha). – Còn ai liên quan vụ thượng tá cảnh sát giao cấu trẻ em? (Zing).

Người dân lao đao vì dính bẫy tập đoàn FLC Hoàng Long

Báo Giáo Dục VN đưa tin: Cả chính quyền và dân đều “khóc” vì FLC. Từ một vùng đất trù phú với hàng trăm héc-ta nằm ven đường tránh, TP Thanh Hoá đã phải nhường chỗ cho dự án FLC Hoàng Long. Những cánh đồng lúa đã được thay bằng những bãi đất lồi lõm, nhấp nhô, giờ chỉ toàn cỏ dại, vũng lầy hoang hóa.

Sau hơn 3 năm trôi qua “dự án kiểu mẫu” chẳng thấy đâu, thay vào đó chỉ là nỗi bức xúc của hàng trăm người dân ở khu vực này. Trong khi doanh nghiệp FLC vẫn chưa trả hết tiền đền bù cho dân. Ông Lê Khả Hoàn, trưởng thôn 3, xã Hoằng Thịnh, Thanh Hóa nói: “Sau khi dự án được phê duyệt, tôi được mời ra ngoài huyện họp và lắng nghe chỉ đạo về việc đền bù giải phóng mặt bằng, sau đó về phổ biến cho người dân trong xóm. Nhưng dân hỏi mãi vẫn không có tiền đền bù. Nhân dân rất bức xúc, không hiểu rằng trách nhiệm này thuộc về ai?”.

Mời đọc lại: Dân khốn khổ vì FLC Hoàng Long, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sao chưa “nâng đỡ”? (GDVN). – FLC mang tiếng là tập đoàn kinh tế lớn, sao vẫn nợ cả người nông dân?  — Bao giờ lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá mới chịu xử lý FLC Hoàng Long (TCVN). – Nam Đàn (Nghệ An): Để xảy ra nhiều sai phạm về đất đai, hàng loạt cán bộ xã Nam Giang bị kỷ luật (TNMT). – Huyện Yên Lạc – Vĩnh Phúc: Nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị có giá trúng thầu cao gấp ba thị trường (Gia Đình).

Đội trưởng đội bảo vệ bị cách chức vì để lâm tặc phá rừng

VOA đưa tin: Cách chức Đội trưởng đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ. Sau khi để xảy ra tình trạng lâm tặc khai thác trái phép tại khu vực rừng phòng hộ do mình quản lý, ông Lê Văn Thoại, Đội trưởng đội bảo vệ rừng Mỏ Quạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, bị kỷ luật cách chức. Ngoài ra, 7 nhân viên khác thuộc đội quản lý rừng Mỏ Quạ bị kỷ luật bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Liên quan đến việc phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng làm rõ các vụ phá rừng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh này.

Mời đọc thêm: Kỷ luật cách chức đội trưởng đội bảo vệ để rừng bị chặt phá (ZIng). – Phá rừng phòng hộ A Lưới: Đội trưởng bảo vệ rừng mất chức  —  Yêu cầu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng làm rõ các vụ phá rừng trên địa bàn (VNN). – Rừng A Lưới bị rút ruột: Cách chức đội trưởng đội bảo vệ rừng Mỏ Quạ (Infonet). – Sau phản ánh của Báo Người Lao Động: Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ngăn chặn phá rừng (NLĐ).

“Thành phố đáng sống” nhưng dân không dám tắm!

Đà Nẵng là TP được mệnh danh là “Thành phố đáng sống“, thế nhưng ô nhiễm ở đây trầm trọng đến mức dân Đà Nẵng còn không dám tắm. Báo Lao Động có bài: Ô nhiễm đến dân địa phương còn không dám tắm thì du khách sao dám xuống biển!

Nước thải đen ngòm gây ô nhiễm bãi biển tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông/ VNE

Bài báo có đoạn: “Đà Nẵng ‘thành phố đáng sống’ sở hữu dải bờ biển đẹp, nhưng có những khu vực bãi biển vì ô nhiễm nước thải và rác thải khiến hình ảnh ‘đáng sống’ bị mất đi, thay vào đó là khung cảnh đìu hiu vì ít người lai vãng… Những cửa cống xả thải trực tiếp xuống biển Đà Nẵng biến một số khu vực rộng lớn của ‘thành phố đáng sống’ trở nên ‘đáng sợ’ vì môi trường ô nhiễm“.

Không riêng Đà Nẵng, mà các TP biển ở VN đều như vậy: Có bãi biển đẹp nhưng các bãi biển đầy rác thải, cũng như cống xả nước thải trực tiếp ra biển, khiến du khách “một đi không trở lại”.

Mời đọc thêm: Thừa Thiên – Huế: Kênh thoát lũ tràn ngập rác, bốc mùi nặng… gây ô nhiễm (TNMT). – Xử lý nghiêm các đơn vị xả thải ô nhiễm ra môi trường (SGGP). – Đà Nẵng: Kiểm tra, xử lý nồng độ ô nhiễm của nước thải thủy sản (TNMT). – Dự án treo gây ô nhiễm, lãng phí (SGGP).

***

Thêm một số tin: Dân tin, chờ đợi những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơnTổng Bí thư: Đưa vụ nào ra là làm đến nơi đến chốn và công khai hết (LĐ). – Sau hình thức kỷ luật Đảng, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sẽ ra toà? (RFA). – Nobel y học 2018 về đột phá điều trị ung thư: Bệnh nhân nào có thể điều trị bằng phương pháp này? (LĐ).

Bình Luận từ Facebook