3-10-2018
“Có một vong hồn theo ám châu Âu, cái vong hồn của chủ nghĩa Cộng sản” Karl Marx
Những nhà cách mạng của thế hệ đầu tiên và thứ hai rồi thứ ba lần lượt qua đời. Thế giới bên kia là một thế giới buồn tẻ vì nó không có sự tranh đoạt quyền lực hay một nguyên cớ nào để họ làm cách mạng, điều vốn là mục đích và ý nghĩa của sự tồn tại của họ. Ở đó không có cái chết nên không ai giết người. Không có giết người thì không có cách mạng. Không có cách mạng, họ chỉ là những vong hồn tầm thường, nhếch nhác như mọi vong hồn trôi giạt khác.
Một hôm, Giáp sực nhớ ra sự vắng mặt của vị thầy của cả bọn, “Chúng ta đã bỏ Bác lại trên ấy quá lâu rồi.”
Chinh nói, “Không thể để mặc Bác như thế được.”
Đồng thương cảm, “Đúng vậy, phải làm một điều gì đó cho Thầy!”
Vốn là kẻ quyết đoán, Duẩn quyết định, “Chúng ta phải trở lại Ba Đình để giải cứu Người!”
Hoang mang, Thọ hỏi, “Nhưng giải cứu Bác để làm gì nữa cơ chứ? Không phải mọi chuyện chấm dứt sau khi chúng ta đã chết rồi sao?”
Vốn là người học trò được thương nhất nên luôn ngưỡng mộ thầy, Giáp thì thào, “Chưa, chưa chấm dứt. Chúng ta cần Người làm lãnh tụ để thực hiện một cuộc cách mạng mới…”
“Ở đây? Cách mạng ở cõi này?” Thanh hỏi.
Mọi người nhìn nhau rồi cùng gật đầu, “Cách mạng! Ở cõi này!”
Mười nói, “Tôi và đồng chí Quang vừa mới rời trên đó nên còn nhớ đường. Hai chúng tôi xung phong đi tiền trạm dẫn đường.”
Ngay sau đó họ trang bị vũ khí, lương thực, vẽ sa bàn Ba Đình, lập kế hoạch tác chiến chiếm trận địa, rồi lên đường trở lại trần gian.
Sau nhiều gian khổ, rút cục họ khai phá đường về thành công. Cửa mả Ba Đình bị họ giật mìn mở toang.
Tối đó, họ quây quần quanh cỗ quan tài trong suốt mà lãnh tụ của họ đang nằm bên trong.
Vong hồn Minh không buồn mở mắt để nhìn đám học trò dù họ cố khuyên lơn ông hãy dậy đi cùng họ.
Sau cùng, Linh não nuột, “Bác không về cùng chúng cháu thì không còn cuộc cách mạng nào nữa. Những đồng chí anh em của chúng ta ở Liên Xô, ở Đông Đức, ở Cu ba, và mọi nơi khác trên thế giới đều tan rã rồi. Chúng cháu cô đơn quá!”
Bất giác Minh buột miệng, “Còn Tàu thì sao?”
Mừng rỡ vì ngỡ Minh đã xiêu lòng, Thạch lắp bắp như sợ bị cướp lời như từng bị, “Dạ, dạ… Thưa Thầy, Tàu thì còn, nhưng họ phản bội ta, họ đánh ta, rồi đối xử với ta thật tàn tệ, Thầy ơi…”
Minh chống tay cố ngồi dậy, những lóng xương như rời khỏi khớp. Ông ngã. Lớp sương mù đục từ đáy quan tài dâng lên. Một giọt lệ ứa ra từ hốc mắt.
“Ta từng đoán thế. Giờ thì quá muộn rồi. Không còn cuộc cách mạng nào nữa vì cõi ấy không có cái chết, mà ta thì bất lực… Ta đã cố quên hết mọi chuyện đau lòng trong nửa thế kỷ nằm ở đây. Đứa nào thật lòng trọng ta, đứa nào phản phúc phụ ta, ta đều biết, nhưng thôi đừng nhắc nữa. Bây về đi, cứ mặc ta…” Nói xong, Minh lật mình nằm sấp, úp mặt xuống, mãi mãi không thốt lên lời nào nữa.
Cuộc giải cứu thất bại, đám học trò thất thểu ra về. Con đường quạnh quẽ về cõi chết cứ dài ra chừng như vô tận.
Không còn lãnh tụ nào có thể thay thế Minh nên từ đó tuyệt đối không còn cuộc cách mạng nào nữa. Những vong hồn hư mất rồi tan biến vào lãng quên. Minh nằm lại, xanh rêu mốc thếch, là vong hồn duy nhất sấp mặt ở trần gian, một vong hồn tồn tại vật vờ với chứng mất trí nhớ.
Bất giác Minh buột miệng, “Còn Tàu thì sao?” (a)
Minh nằm lại, xanh rêu mốc thếch, là vong hồn duy nhất sấp mặt ở trần gian, một vong hồn tồn tại vật vờ với chứng mất trí nhớ (b)
Câu (a) là chứng cớ cho “chứng mất trí nhớ” của (b). Minh quên béng cả mình là ai & cũng quên béng học trò giỏi Phạm Văn Đồng với bản công hàm “tán thành” chủ quyền của Tàu đ/v biển đảo, theo bí kíp “Quỳ Vân Bảo Điển” (quỳ dâng biển đảo) của Minh truyền lại. Bí kíp cực hay, không cần cả tự cung hình .