1-10-2018
Hãy khoan bàn về nhất thể hóa chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước (đang là đề tài hot). Vì cái chúng ta thấy chỉ là trước mắt. Mà cần nhìn lại những cách tạo “lỗ kim thể chế” khiến “lạc đà sai phạm” chui qua nhẹ nhàng đã thành quán tính. Nhất thể hóa mà không thay đổi thể chế để “cởi trói” doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, giảm tham nhũng thì có ý nghĩa gì?
Hãy lấy ví dụ về ngân sách đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước. Ngân sách này được gọi chung là vốn nhà nước. Nhưng bản chất vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước dùng chính xác tên phải gọi là vốn… nhân dân. Nhà nước chỉ đứng ra đại diện dùng vốn nhân dân để kinh doanh. Nhưng có nhiều ví dụ về việc doanh nghiệp nhà nước xài vốn nhân dân vô tội vạ, bất chấp các quy định- cơ sở cần để có… đại án.
Bến xe miền Đông là một ví dụ. Hơn chục nghìn lượt xe đã qua cổng không thu phí trong 58 ngày theo kết luận thanh tra. Chục nghìn lượt xe thất thoát ấy chính là thứ tôi suy nghĩ. Bởi người Sài Gòn phải “ân cần” đóng góp 82% ngân sách thu được cho trung ương. Có nó (phí xuất bến), con số ngân sách mà người Sài Gòn phải tảo tần đóng thuế, phí các loại sẽ giảm đi chút ít. Nhìn rộng ra, những kiểu ăn cắp ngân sách như cách lấy vốn nhân dân xây bến xe rồi để thất thoát như Bến xe miền Đông chính là cách tham nhũng từ gốc thể chế: Thiếu giám sát.
Và hài hước là những sai phạm đó sờ sờ ngay đấy nhưng tới giờ mới bị lôi ra. Nghĩa là lâu nay dân è cổ đóng thuế, phí vì thất thoát.
Nó tương tự cách Cảng Bến Nghé thực hiện cổ phần hóa bằng cách định giá rất thấp tài sản (20% giá trị). Nghĩa là tài sản nhà nước- tài sản của nhân dân, bị cố tình hạ giá để cho tư thương trục lợi. Tôi dùng cụm từ “cố tình hạ giá” vì cơ quan điều tra chưa dùng cụm từ “cố ý làm trái”. Lý do là tài sản ấy được định giá bởi một đơn vị… không có chức năng thẩm định giá. Nghĩa là đại diện nhân dân đã xài tiền dân vô tội vạ và khái niệm công bộc nhân dân bị bóp méo khủng khiếp.
Nhắc đến Bến xe miền Đông và Cảng Bến nghé để nói tới Samco (2 đơn vị kia chỉ là công ty con). Bởi nếu thực sự điều hành có trình độ và có tâm thì lĩnh vực sản xuất xe khách của mấy chục năm tồn tại Samco sẽ đúng nghĩa là bá chủ. Ngoài Bắc không nói chứ trong Nam thì bất kỳ phóng viên giao thông lâu năm nào cũng hiểu tầm vóc mang tính lịch sử của Samco ra sao. Nó thực sự là kênh kinh tài đáng mơ ước cho địa phương.
Nhưng giờ Samco lại là 1 trong 2 đơn vị được kiểm toán “chỉ mặt” là có nguy cơ dừng hoạt động. Nghĩa là vốn từ thuế dân sẽ được xếp vào diện “hốt bát nước đã đổ đi”. Ví dụ nhỏ xíu này để ghi nhớ và quan sát, đánh giá sau thanh tra thì Samco sẽ ra sao.
Quay trở lại với nhất thể hóa. Ở Trung Quốc có một Tập Cận Bình đã làm điều đó. Nhưng đại án tham nhũng vẫn diễn ra với những quan tham có vài chục đến hơn trăm bồ nhí, những chuyến công du “học tập” nước ngoài vô tội vạ, tiền tham nhũng bị phát hiện chất đống,.v.v..
Có giống Việt Nam không?
Hãy nhìn một Samco nhỏ nhoi đúng nghĩa đen trước các tập đoàn lớn đang nợ và lỗ trăm tỉ, nghìn tỉ, chục nghìn tỉ, trăm nghìn tỉ. Và nhìn (giám sát) thật chặt Samco hay các công ty con của nó về sau xem có lặp lại “vòng quay tham nhũng” hay không?
Hãy nhìn (giám sát) sự thay đổi của thể chế sau nhất thể hóa cũng y vậy. Vì cơm dân no đến từ khoan sức dân. Khoan trong chữ khoan thai, chậm rãi. Chứ không từ khoan túi dân, với chữ khoan đúng nghĩa mũi khoan.
Hiện tại, Việt Nam có dạng “nhất thể hóa” toàn bộ người dân trong nước thành… con nợ đấy thôi.
Nợ công!
P/s: Tôi nhìn ngắn nên tôi chỉ nhìn người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nước trước và sau nhất thể hóa sẽ ứng xử ra sao với thân phận người nông dân đường cùng phải nổ súng như Đặng Văn Hiến trong vụ án ở Đak Nông. Ân xá hay không ân xá?
“Ân xá hay không ân xá?”
Tớ nghĩ không nên ân xá . Để công lao Mai Quốc Ấn dụ người dân ra đầu thú có điều kiện hoàn thành trọn vẹn, làm gương chó săn cho các nhà báo xã hội chủ nghĩa khác .