Kiến nghị về Quốc tang

FB Trần Vũ Hải

22-9-2018

Kiến nghị giảm thời gian Quốc tang từ 2 ngày xuống 1 ngày và giảm số người được hưởng chế độ “Quốc tang”.

Theo nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 “Về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức”, lễ Quốc Tang kéo dài hai ngày, dành cho cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:

a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
b) Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
d) Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
e/ Cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế, do Bộ Chính trị ĐCS VN quyết định (như trường hợp đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Chiếu theo tiêu chuẩn trên, còn các vị sau đây sẽ được hưởng chế độ “lễ Quốc tang” sau khi từ trần, chưa tính các vị “đặc biệt”do Bộ Chính trị quyết định (chắc sẽ không có?):

Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang
Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Kim Ngân.

Trong 14 vị trên, ông Trần Đại Quang là trẻ nhất (62 tuổi, theo tiểu sử hiện nay) và mới mất hôm qua, 21/9/2018, khi đương giữ chức Chủ tịch Nước. Có 5/14 vị đã trên 80 “xưa nay hiếm”. Còn 6 vị khác (là nam) từ 70 đến 80 tuổi, tức đã vượt tuổi thọ trung bình của đàn ông Việt nam (là 70). Nói nôm na, 11 vị từ 70 trở lên nếu có mất cũng là bình thường ở Việt nam.

Năm nay, Việt nam đã có 1 quốc tang khi ông Phan Văn Khải, cựu Thủ tướng mất ở tuổi 83. Như vậy năm nay và không loại trừ những năm sau sẽ có nhiều quốc tang trong 1 năm, khiến Việt nam rất có thể là nước có kỷ lục về quốc tang.

Theo quy định của Việt nam, trong ngày quốc tang, không tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí công cộng. Rạp không được chiếu phim, ngừng các buổi biểu diễn sân khấu hay ca nhạc trong rạp hay ngoài trời, tivi không phát phim và các chương trình giải trí, các hoạt động thi đấu thể thao bị ngưng, các khu vui chơi giải trí bị đóng cửa… trong hai ngày lễ quốc tang này. Các dịch vụ liên quan thất thu trong hai ngày này, chắc chắn đến hàng trăm tỷ mỗi ngày. Nếu tính đúng đủ có thể lên đên 1000 tỷ đồng, chưa tính chi phí cho các hoạt động quốc tang, cũng có thể lên đến trăm tỷ, trong khi nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân bị “kìm hãm”.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đang kêu gào trên diễn đàn Quốc hội rằng tổng chi phí các phụ huynh Việt Nam phải trả tiền mua sách giáo khoa cho con em mình trong 1 năm (khoảng 1000 tỷ đồng) là lãng phí vì nhiều sách giáo khoa không dùng được cho năm học sau. Theo tôi, các ông bà nghị này cũng cần xem việc tổ chức lễ Quốc tang hai ngày, và có rất nhiều vị được hưởng chế độ “Quốc tang” cũng là lãng phí, cho cả Nhà nước lẫn nhân dân.

Cá nhân tôi kiến nghị:

1/ Giảm số ngày trong một lễ Quốc tang từ 2 ngày xuống 1 ngày.
2/ Giảm số lượng các vị chức sắc được hưởng chế độ Quốc tang khi từ trần.

Có thể ngay từ bây giờ Quốc hội quy định trưng cầu xem những vị nào trong số các vị nêu trên xứng đáng được hưởng chế độ quốc tang sau khi từ trần. Ví dụ có thể trưng cầu trên trang điện tử của Quốc hội, để chọn 5 vị được “tín nhiệm” nhất vào danh sách những nhà lãnh đạo được hưởng chế độ Quốc tang khi mất. Và sau đợt trưng cầu này, quy định những vị chức sắc sau này phải có “tiêu chuẩn chặt chẽ” hơn!

Còn tiêu chuẩn “chặt chẽ” như thế nào, xin mời các bạn có ý kiến.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bổ sung: Bởi thế, các lãnh tụ (kể cả Trần Vũ Hải) chỉ nghĩ đến chuyện lo quốc tang cho mình chứ không thể nào có tư duy của nhà lãnh đạo: lo cho dân chúng nhiều hơn tính mạng riêng của mình.

  2. Sao không thấy bàn đến quốc tang cho nhân dân bị tai nạn tập thể nhỉ?

  3. Về thái độ, không thèm “màng” Cuốc Tang là đúng, nếu đảng CS tự đóng tiền để làm với nhau.
    Còn nếu tốn tiền của dân thì phải hỏi dân.

Comments are closed.