2-9-2018
Hổm rày có nhiều người nhắn tin, điện thoại hỏi tui sao không thấy có ý kiến, phân tích gì về chuyện đánh vần chữ Việt trong sách “Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1” đang xôn xao dư luận.
Tui xin thưa chung rằng, thứ nhất, theo tui biết, cái vụ đánh vần này đã áp dụng khá lâu rồi. Chương trình CNGD của GS Hồ Ngọc Đại được thí điểm năm 1978, năm 1985 được mở rộng ra các tỉnh. Đến năm 2000, chương trình được áp dụng tại 43 tỉnh, thành nhưng sau đó tạm dừng vì Luật Giáo dục 2005 quy định thực hiện một chương trình, một bộ SGK thống nhất trong cả nước. Năm 2008, chương trình này được quay lại thực hiện ở 8 tỉnh.
Năm học 2010-2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Phạm Vũ Luận đã cho phép thí điểm bộ sách này trong nhà trường. Đến nay, chương trình đã được áp dụng tại 49 tỉnh, thành với hơn 800.000 học sinh tham gia. Không hiểu sao tự nhiên gần đây trên mạng xã hội và truyền thông bàn tán và phản ứng dữ quá.
Thứ hai là dù có thời gian khá dài làm nghề dạy học, mà lại dạy môn Việt Văn, nhưng tui cũng chưa có dịp để nghiên cứu kỹ cái vụ đánh vần kiểu mới này. Hiều chưa tận tường thì không nên nói. Hơn nữa, theo tui, đây là vấn đề học thuật, hãy để cho các nhà khoa học, các vị có chuyên môn lãnh vực này có ý kiến đánh giá. Mọi người cũng có thể có góp ý, phân tích nhưng theo tui khó đi sâu vào thực chất của vấn đề và dễ nói theo cảm tính.
Theo tui biết thì ông phó giáo sư Bùi Hiền không có dính dáng gì trong việc biên soạn cuốn “Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1”. Đây hoàn toàn là công trình của ông Hồ Ngọc Đại.
Thứ ba là năm nay, cháu đích tôn của tui vào lớp một, tui nghe ông Ngọc Đại, người khởi xướng cách học mới tuyên bố rằng kiểu đánh vần mới này chỉ thầy cô giáo mới dạy được, cha mẹ là thua luôn. Do vậy tui ráng học để hi vọng là khi cháu tui hỏi tui biết cách để hướng dẫn hoặc trả lời.
Tui đang quẹo cả lưỡi vì tập đánh vần, nhưng cũng ráng. Chứ không thì mang tiếng thầy dạy Văn mà không biết đánh vần thì nhục quá. Hê..hê. Nói lý do rồi đấy, đừng thắc mắc nữa nghe!