11-8-2018
Nghị định 109/2010 về xuất khẩu lúa gạo đã được áp dụng 8 năm nay nhưng 60 triệu nông dân lẫn hàng nghìn doanh nghiệp lúa gạo (không phải sân sau) đều than trời.
Để trở thành nhà xuất khẩu gạo đáp ứng nghị định 109, trước hết, doanh nghiệp có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục…
Thật phí lý bởi đầu tư một hạ tầng cơ sở sản xuất lớn đến như vậy rất tốn kém, hoang phí trong khi kinh tế chia sẻ hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu bằng việc thuê hoặc liên kết hạ tầng sản xuất. Cứ cho là có tiền xây kho, đầu tư nơi xay xát thóc gạo nhưng do là doanh nghiệp mới nên không có “lịch sử xuất khẩu” 12 tháng như nói trên nên doanh nghiệp… bó tay.
Kể cả khi đã có giấy phép, mỗi khi ký được hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp buộc phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong vòng 3 ngày làm việc. Nghĩa là, doanh nghiệp phải nộp bản sao hợp đồng, trong đó có giá xuất khẩu, báo cáo về lượng thóc, gạo sẵn có của doanh nghiệp. Điều này là “vẽ rắn thêm chân” bởi doanh nghiệp lúa gạo trong nước sẽ không điên khi đặt bút ký hợp đồng với đối tác nước ngoài nếu không đáp ứng nổi.
Một trong những doanh nghiệp làm gạo xuất nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam (xin giấu tên) chia sẻ thế này: “Thị trường gạo xuất khẩu do Nhà nước bảo hộ đầu ra ở một số quốc gia truyền thống nhập gạo (ví dụ như Philippin) khiến doanh nghiệp gặp khó. Chúng tôi có thể bán gạo xá theo bao tải, gạo đã xử lý đóng bao bì cỡ nhỏ, các phụ phẩm của gạo. Nghĩa là chuỗi giá trị xuất khẩu sẽ cao hơn, giá bán xuất khẩu cũng cao hơn so với chỉ bán gạo xá như hiện nay.”
Gạo xá Việt Nam được bán xong, ngoài tích trữ kiểu an ninh lương thực, một lượng lớn sẽ được chế biến ra gạo thành phẩm tại quốc gia mua. Quy trình gia công ấy tạo việc làm cho quốc gia nhập khẩu, đóng thuế cho chính phủ nước đó thay vì là các doanh nghiệp gia công trong nước. Quá trình này có trước dù nghị định 109 ra đời khi ông Vũ Huy Hoàng còn làm Bộ trưởng Công thương. Nói có trước vì chính 2 tổng công ty lương thực đặt trụ sở tại Hà Nội và Tp.HCM đã đảm nhiệm xuất khẩu gạo “kiểu bao cấp” từ đầu những năm 2000.
Tôi hỏi doanh nghiệp: “Sao Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không ý kiến?”. Họ trả lời xong tôi chỉ biết thở dài vì những cái tên “con anh Sáu, cháu chú Ba, người nhà cô Tám”. “Đáp ứng” các điều kiện như vậy chỉ có các doanh nghiệp “em cháu” có máu mặt, có “quan hệ lịch sử”. Đã có doanh nghiệp nhỏ tức giận nói xẵng: “Anh cứ hỏi bên an ninh xem có sân sau, có cổ phần trong vận chuyển, chế biến gạo hay không? Việc thao túng chính sách hay không bắt đầu từ điểm này.”
VFA với 2 trụ cột là Vinafood 1, Vinafood 2 đã làm gì để xứng với vai trò của mình trong khi Việt Nam chịu sức ép rất lớn của Campuchia, Thái Lan về xuất khẩu gạo? Kết quả báo cáo Kết thúc niên độ 2016 có ghi: “Xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 24,8% về khối lượng, 21,2% về giá trị so với năm 2015 và là mức giảm kỷ lục trong vòng 10 năm qua”. việc khống chế giá thu mua gạo trong nước, “khống chế quota” xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ qua các hợp đồng ủy thác có thể gọi là giấy phép con trong… giấy phép con.
Khống chế giá thu mua thì nông dân chịu thiệt. Một nông dân trồng lúa làm gạo xuất khẩu lâu năm tổng kết vầy cho dễ hiểu: “Họ ăn trên xương máu nông dân. Một ha lúa làm với thời tiết lý tưởng, không sâu bệnh, không thiên tai, không tính công của chủ ruộng thì một vụ lời 20 triệu là siêu giỏi. Chỉ cần có một biến cố nhỏ, nông dân tay trắng và gán ruộng cầm cố cho các doanh nghiệp phân bón, giống cây là thường xuyên.” (Tôi sẽ viết về mafia ngành phân bón trong bài khác.)
Nghị định 109 đã từng được sửa đổi và vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng tăng cơ hội xuất khẩu gạo, tăng giá trị hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp… không phải sân sau. Nghị định này cần tiếp tục được sửa đổi để bãi bỏ các “điều kiện tai quái” nói trên.
Chính phủ muốn tăng xuất khẩu thành phẩm thay vì chỉ là sản phẩm thô, đó là chủ trương chung. Và chủ trương này chỉ có ích khi người nông dân- nhà sản xuất tạo ra thặng dư, và nhà kinh doanh chế biến, xuất khẩu hiệu quả được đặt ở vị trí trung tâm chuỗi giá trị ở lĩnh vực lương thực.
Không biết các bộ phận tham mưu của Chính phủ nói chung và Bộ Công thương nói riêng sẽ nghĩ gì về việc rhay đổi này. Những nỗ lực mang tính minh bạch đã được doanh nghiệp tỏ bày nhiều lần song cách làm hội thảo chung chung nên các ý kiến cũng loãng đi. Nếu các chính khách chịu nghe theo từng lĩnh vực quản lý thì chỉ riêng việc nghe thôi cũng khiến các đại diện “sân sau” có mặt trong hội thảo phải đổ mồ hôi hột trong phòng máy lạnh.
Một nghị định bất hợp lý như nghị định 109 với một bên là các lợi ích “gốc to” và một bên là doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm thật cudng 60 triệu nông dân lam lũ, chọn bên nào là việc của Bộ trưởng Bộ công thương và Thủ tướng. Ý nghĩa kiến tạo hay không phải nhìn vào thực chất của cuộc “tiêu diệt giấy phép con” mà các nhiệm kỳ trước sinh ra.
P/s: Tôi viết “các nhiệm kỳ trước” vì mục đích lập ra các Tổng công ty lương thực của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ở giai đoạn hội hập là đúng đắn. Nhưng nó đã lỗi thời khi nghị định 109 ra đời và nay vẫn còn lỗi thời hơn nữa.
Chú thích: Nông dân- người sản xuất và tạo thặng dư cho lúa gạo- lại là người hưởng lợi ích ít nhất trong chuỗi giá trị xuất khẩu lúa gạo. Nghịch lý của một quốc gia nông nghiệp với nền kinh tế “có đuôi”.
Nếu nhân dân VN có một nhà nuớc do dân của dân, vì dân – thì mới khác.
Người nông dân VN hiện nay là đúng nghĩa là phải cày như trâu, ngựa, để nuôi báo cô một mấy triệu con Lợn mang thẻ Đảng viên CSVN, chúng tự nhận là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.