15-7-2018
1- Thiên đường XHCN
Sau bài về “Cà vạt Croatia“, có một số bạn thắc mắc về sự tan rã của Liên bang XHCN Nam Tư. Tôi xin mạo muội viết tiếp để những ai quan tâm hiểu rõ. Tôi e rằng, con cháu chúng ta sẽ không biết đến một quốc gia có tên Nam-Tư (hay Yugoslavia, Jugoslavien…), đã từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20, đã có quan hệ đặc biệt với Việt Nam.
Hiệp ước hòa bình Versailles 1918 đã giải phóng một loạt các dân tộc Nam Slavia khỏi đế quốc Áo-Hung, chấm dứt thời kỳ đô hộ triền miên hàng trăm năm từ thời đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ kỳ. Do đó Vương quốc Nam-tư ra đời ngày 1.12.1918 thỏa mãn giấc mơ lập quốc của các dân tộc Nam Slavia(1). Nhưng nó cũng đánh dấu sự đô hộ của người Slavia đối với các sắc dân Albani và Hungari tại đó. (Điều này tương tự như việc LHQ giúp người Israel lập quốc tại Palestine, đồng thời đẩy người Palestine vào cảnh bị áp bức. Hiện nay những cố gắng thành lập một nước Kurdistan cũng đang gây lo ngại cho người Thổ và người Ả-Rập ở Irak và Syria.)
Nhưng khác với người Do-Thái hay người Kurd có chung một tôn giáo, các dân tộc Nam-Slavia có ba tôn giáo khác nhau: Đạo thiên chúa (Catholic), đạo thiên chúa chính thống (Orthodox) và đạo hồi (Muslim) cùng nhau tranh giành ảnh hưởng. Các xung đột chủng tộc, tôn giáo cộng với sự tham tàn của các lãnh chúa bán nước đã dẫn đến việc Hitler và Mussolini chia nhau thôn tính cả vùng Balkan tháng 3.1941. Giấc mơ ngắn ngủi tan biến sau 22 năm.
Nạn mất nước đã gắn bó các dân tộc lại với nhau dưới ngọn cờ kháng chiến của tướng Tito. Nếu nhìn vào con số 800.000 quân du kích cộng sản, con em của khoảng 18 triệu dân và 1,7 triệu người hy sinh thì chúng ta biết là họ thà chết, không chịu làm nô lệ. (2)
Từ đó (1941) cho tới ngày nội chiến (1991) Tito đã biến Nam Tư trở thành môt quốc gia có địa vị trên thế giới:
Từ 1941-1945, 52 sư đoàn du kích của Tito đã làm chủ sườn phía nam của liên minh chống phát xít, cầm chân hàng trăm ngàn quân Đức, Italia và Rumani. Do đó Nam Tư luôn chủ động đàm phán với tứ cường về số phận của mình. Tito luôn nói chuyện ngang tầm với Stalin hay Churchill và đạt được sự mở rộng liên Bang Nam tư sau 1945.
Nhìn lại Việt nam, sau tháng 8.1945, việc quân Tưởng, quân Anh, Ấn vào giải giáp quân Nhật, việc quân Pháp trở lại Đông Dương hoàn toàn do Đồng minh áp đăt, Việt Minh không có tiếng nói gì. Nhìn sang châu Âu, việc chia cắt nước Đức, nước Áo, chia 4 thành phố Berlin trong lòng đông Đức đều do 4 ông tứ cường mặc cả với nhau trên lưng các dân tộc này.
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ ngu: với một lãnh đạo như Tito, Việt Nam sẽ không chấp nhận chia cắt đất nước theo hiệp định Geneve 1954, từ đó sẽ không có Hoàng Sa 1974, không có Gac-Ma 1988 và sẽ không có Thành Đô 1990 ?
Tito là người sáng lập ra phong trào các nước không liên kết cùng Nasser (Ai-Cập) và Zuharto (Indonexia). Khối này đã giúp các nước nghèo bỗng có tiếng nói đối trọng với khối các nước giàu trên mọi lĩnh vực mà xưa nay họ bị lép vế. Uy tín quốc tế của Tito vô cùng lớn. Đám tang của ông tháng 5.1980 được coi là có nhiều nguyên thủ nhất đến dự.
Trong phong trào Cộng sản Quốc tế, Liên Đoàn những người CS Nam-Tư (LCY) có tiếng nói khác hẳn các đảng ăn theo Liên Xô hoặc a dua với Trung Quốc. LCY chủ trương kinh tế XHCN tự quản, chống quản lý kế hoạch hóa quan liêu. Khi Stalin còn sống, có lẽ chỉ có đảng LCY dám công khai lên án Stalin. Chủ trương các dân tộc tự quyết đã khiến Nam-Tư luôn phản đối các cuộc can thiệp của Liên Xô vào Đức (1953), Hungary (1956) và nhất là vụ quân đội các nước Warzava đè bẹp mùa xuân Tiệp Khắc (1968).
Sau vụ Tiệp Khắc, đài báo Việt Nam lên án Nam Tư là phản bội. Thế hệ tôi được giáo dục phải coi Nam-Tư nguy hiểm như Mỹ-Anh-Pháp. Nhưng tháng 9-1969, khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Tito nhớ người bạn cũ nên vẫn cử một phái đoàn cao cấp sang viếng. Đài báo ở Việt Nam đăng danh sách khách viếng không nêu tên Nam-Tư, chỉ ghi là phái đoàn Du-Cốt-Sờ-La-Vi-A, bên cạnh các phái đoàn Ac-Hen-Ti- Na, An-Ge Ri-A. Dân ta chẳng biết ai với ai.
Đáng nói là Nam Tư XHCN của Tito có thể chế cởi mở nhất trong các nước XHCN thời bấy giờ. Tito không dùng bức màn thép để ngăn chặn dân chúng đi sang phương tây cũng như các hàng rào văn hóa khác. Nam tư có quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước XHCN và các nước TBCN. Thời kỳ tôi ở Đông Đức 1967-1971, nhiều người dân Đông Âu (có cả người Việt) thường chạy trốn vào sứ quán Nam-Tư để từ đó đi Belgrad rồi sang phương Tây.
Hơn thế nữa, chính sách kinh tế XHCN tự quản, tự hoạch toán lỗ lãi từng xí nghiệp cũng giúp giải phóng sức lao động ở Nam-Tư trong thời gian dài từ 1945 đến giữa những năm 70. Từ một xứ nghèo nhất châu Âu, Nam tư đã có những bước phát triển ngoạn mục. Cùng một xuất phát điểm, kinh tế Nam Tư không những bỏ xa Albani theo Trung Quốc, vượt qua Bulgari, Rumani, những nước đi theo mô hình XHCN bao cấp tập trung của Liên Xô, mà còn qua mặt các nền kinh tế TBCN như Hy-Lạp, Thổ Nhĩ kỳ. Thành công của thế vận hội mùa đông 1984 tại thành phố hồi giáo Sarajevo là một vết son của Nam-Tư.
Trước cuộc nội chiến 1991, Nam Tư có khoảng 23 triệu dân, trong đó người Serbia chiếm 9 triệu, khoảng 3,5 triệu người Croate, 2 triệu người Albania, 3 triệu người Bosnia. Trừ người Albani và người Hung, các cộng đồng còn lại có cùng huyết thống slavic nên dù viết chữ Kirilic hay chữ La tinh, dù theo đạo orthodox hay đạo thiên chúa, họ đều hiểu nhau, như người Nga hiểu người Ucraine, hay người Czech hiểu người Slovakia. Vì thế các mối tình croatian với serbian hay slovenian là bình thường, có khi còn bình thường hơn ông “Xứ bọ quê choa“ cưới cô „Quảng Nôm” hay “Quảng Ngữa“.
Sự hài hòa này chỉ tồn tại chừng nào kinh tế phát triển và xã hội ổn định.Tuy là một nhà độc tài có bàn tay sắt, nhưng Tito là một người cộng sản theo chủ nghĩa quốc tế, luôn có tầm nhìn bao dung về chủng tộc. Là con của một ông bố Croatia và bà mẹ Slovenia nên ông luôn đảm bảo sự bình đẳng của các sắc tộc Slavia trong liên bang. Ông cắt một phần nước Serbia thành Cộng hòa Montenegro để giảm sự lấn át của nó. Đối với người Albania và Hungary ông giao cho họ quyền tự trị tại hai đặc khu. Cho đến hôm nay, uy tín của ông trong các nước cộng hòa tách ra vẫn rất cao.
Một số người Việt đến Nam-Tư thời Tito, cũng như nhiều người dân Nam Tư, từng coi nơi đó là thiên đường XHCN. Nhưng…….
(Còn tiếp)
_____
(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Kingdom_of_Yugoslavia
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/World_War_II_in_Yugoslavia
Liên Bang Xã Hội Chủ Nghĩa
Bài này rất có ý nghĩa . Mở ra 1 lối đi mới cho mối quan hệ Trung-Việt, vốn đã giải quyết xong vấn đề khép lại quá khứ & hòa giải . Chỉ còn hòa hợp dân tộc . Có lẽ vấn đề này đã & đang làm lãnh đạo 2 bên rức cái đầu .
Hoan nghênh những bài như thế này, rất kịp thời, rất zeitgeist. Mong mọi người sẽ hưởng ứng & đóng góp .
“tôi chợt nghĩ ngu: với một lãnh đạo như Tito, Việt Nam sẽ không chấp nhận chia cắt đất nước theo hiệp định Geneve 1954, từ đó sẽ không có Hoàng Sa 1974, không có Gac-Ma 1988 và sẽ không có Thành Đô 1990 ?”
Đúng là “nghĩ ngu”! Nếu “Liên Bang Xã Hội Chủ nghĩa” là 1 mô hình khả thể, Hoàng Sa 1974 với sự phối hợp ăn ý giữa quân đội 2 bên, Gạc Ma 1988 & Thành Đô 1990 sẽ -more like “đã”- trở thành những cục gạch đầu tiên . Nhưng hội nghị Geneve 1954 thì đúng là cung đàn lạc điệu không nên xảy ra . Nếu không chia cắt đất nước thì có thể mô hình Liên Bang Xã hội chủ nghĩa đã được thử nghiệm đầu tiên ở châu Á . Và dưới sự dẫn dắt của Bác Hồ kính iêu, tất cả mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn Tito, cải cách ruộng đất sẽ thắng lợi to lớn hơn, nhiều địa chủ bị đền tội hơn, ít oan hơn vì miền Nam có khá nhiều địa chủ thật sự thời bấy giờ . Mỹ sẽ không thể can thiệp, Việt Nam Cộng Hòa không thể được thành lập, nền giáo dục do những nhà trí thức lớn như giáo sư Hoàng Tụy đặt cục gạch sẽ được phát triển trên cả nước từ thời đó, không phải chờ tới 1975 … Yeah, nghĩ tới đó tớ càng hận Trung Quốc vì đã bỏ lỡ 1 cơ hội . Bố khỉ, hết cải cách ruộng đất, bây giờ cơ hội thống nhất đất nước bị bỏ lỡ cũng tại Trung Quốc! Mầm mống Liên Bang Xã hội chủ nghĩa nằm ngay trong nền độc lập của ta gòi nhẩy .