Tin giả: Nguồn gốc và cách phân biệt (Phần 1)

FB Nguyễn Tuấn Anh

11-7-2018

Phần 1: Tư tưởng một chiều – môi trường của tin giả

Trong thời buổi tin tức hỗn loạn, lập lờ, giả dối và sặc mùi tiền bạc, cần làm gì để nhận ra những tin tức giả, những bình luận sai trái, dẫn dắt đám đông có chủ đích trên mặt trận truyền thông cả lề trái lẫn lề phải?

Khi tư tưởng và giáo dục chỉ có một chiều, ít tính minh bạch và không chấp nhận phản biện hay sự khác biệt, xu hướng những người cấp tiến và dân chúng tò mò thường tìm kiếm những điều mới. Đó cũng là phản xạ bình thường của mỗi con người trong thời buổi hiện đại.

Nhiều người dân Việt sống và làm việc theo… truyền thống và cảm xúc chứ không phải pháp luật. Thậm chí có một số ít người còn lấy đặc quyền để ngồi trên cả luật pháp hiện hành. Cuộc sống toàn dân được vận hành bởi sự dẫn dắt và tuyên truyền theo một số lý luận rất duy ý chí, bác bỏ thực tế khách quan. Từ nhỏ đi học, mỗi người dân Việt đều được giáo dục cứng nhắc như vậy. Rất đáng tiếc khi phải nói ra điều này.

Những người quản trị đất nước thừa khôn ngoan để dựa vào yếu tố cộng đồng. Dùng số đông hèn nhát để trị một vài người dũng cảm. Dùng số nhiều những kẻ ngu để trị những người thông minh. Dùng ngay cộng đồng trị cộng đồng là cách khôn ngoan và ít tốn kém nhất. Đó là cách quản trị con người theo số đông mê muội và sợ sệt, có thể tạm ổn định, giữ được quyền lực nhưng lại không làm cho xã hội tiến bộ và phát triển.

Tin tức giả theo hướng tích cực được tung ra cho đám đông đang dồi dào cảm xúc và khát khao một điều gì đó tươi đẹp thường được đón nhận hào hứng và lan nhanh. Không phải vì đám đông tin ngay vào điều tốt đẹp đó mà thực ra, họ đang khát khao và mơ ước những điều như vậy. Có thể nói, tin tức ấy vuốt ve họ hoặc họ tự huyễn hoặc chính mình. Có những bản tin viết khéo tới mức còn làm lung lay cả những người hay nghi ngờ, phản biện,…

Những người hời hợt, nhẹ dạ, nhận thức tầm trung thường gật gù, hả hê rằng có lẽ trên cuộc đời này đâu đó vẫn còn những điều tốt đẹp. Những người may mắn có được sự logic, tính nhân văn, kiến thức và một đầu óc tự do, họ chưa vội tin ngay. Còn những người có trí tuệ & tầm nhìn tốt thực thụ thì luôn nghi ngờ những điều tốt đẹp ấy. Không khó lý giải vấn đề tâm lý này, nghi ngờ cũng là phản xạ sinh tồn cần có hoặc cần được trang bị trong quá trình sống và làm việc ở một cộng đồng còn có nhiều điều lệch lạc so với thế giới tiến bộ.

Họ tìm cách kiểm chứng tin tức ấy bằng cuộc sống thực tế hằng ngày, bằng những an sinh xã hội, bằng những đối xử của chính quyền với người dân và bằng cả sự so sánh với những quốc gia tiến bộ để giải đáp câu hỏi cho chính mình.

Ví dụ đơn giản, ta không thể tin được một bài viết hoặc clip về tinh thần đoàn kết dân tộc trong khi đâu đó khắp các ngõ ngách trên đất nước, vẫn có những người dân Việt gọi những đồng bào khác của mình bằng các cụm từ hằn học và phản cảm như “phản động” hay “thế lực thù địch”,…

Hay, ta không thể tin vào một điều gì tốt đẹp và tính nhân văn khi cả gia đình xúm vào “đấu tố” một đứa con hay đứa cháu ruột thịt chỉ vì nó có quan điểm khác với “đường lối, chủ trương” và cho đó là dại dột, không nghe lời những người đi trước. Khi tính người không còn, niềm tin và sự kính trọng cũng tan thành mây khói. Lúc ấy, những điều tốt đẹp trong cộng đồng chỉ là mơ hồ và huyễn hoặc mà thôi. Điều gì đã gây nên hệ luỵ dã man và cay đắng ấy trong cộng đồng Việt nhiều thế hệ từ xưa đến nay? mọi người chắc đều có câu trả lời,…

Tư tưởng một chiều là điều rất dễ dàng để quản trị cộng đồng. Nói rõ hơn, đó là kiểu quản trị yếu kém, thiếu minh bạch và độc đoán. Để duy trì được tư tưởng ấy, tin giả là điều cần thiết phải có. Nó vuốt ve người đang hồ nghi, xốc lại tinh thần cho dân chúng và là liều thuốc an thần hiệu quả, đưa những người tri thức mông muội, nửa mùa vào giấc ngủ say, quên đi thế giới tự do và khoa học ngoài kia đang ngày một chuyển mình.

Về phía đối lập, khi thấy bên chính danh huyễn hoặc người dân bằng những bản tin không có thực hoặc có một nói mười, họ cũng tìm cách để phản bác lại điều này. Thái quá, có thể xuất hiện tin giả ở phía bên phản biện như là một vũ khí để chống lại bên chính danh. Cuối cùng, tất cả đều giả kể cả bên chính danh lẫn bên phản biện.

Nó dẫn tới tất cả cùng mất phương hướng, quờ quạng trong đúng sai. Và khi đó, sự giáo dục độc đoán được ăn sâu lại trỗi dậy, hoặc sẽ âm thầm thù địch, hoặc sẽ dẫm đạp lên nhau ngay tức khắc để bảo vệ quan điểm riêng của mỗi người.

Tin giả để đổ tiếng ác cho nhau, giành lợi thế về mình là điều vô cùng nguy hại. Nó tạo ra một cộng đồng trên nền tảng không trung thực, một xã hội giả dối, huyễn hoặc lẫn nhau. Hệ luỵ tự nhiên của nó là sự độc ác hoặc vô cảm được nhân rộng trong cộng đồng như một lẽ sống để tìm được sự bình an. Tệ hại hơn, điều đau đớn của người này lại là niềm vui của kẻ khác. Ấy cũng là lẽ thường.

Trong thời buổi mới, môi trường đa chiều là điều phải chấp nhận như hơi thở của cuộc sống. Nếu đóng khung, gò ép và định hướng, xã hội sẽ lệch lạc, không phân biệt được đúng sai bởi càng ngày, theo cách quản trị hiện tại, chúng ta càng cách xa thế giới tiến bộ. Theo phản xạ tự nhiên trong một dân tộc luôn có những con người hướng đến sự tự do, đến cái mới sẽ luôn đối lập với số “bằng lòng với cuộc sống” còn lại. Như thế, cộng đồng sẽ luôn bị chia rẽ, khó có thể hàn gắn, kết nối và phát triển.

Phần 2: Cách ứng xử với tin giả

Bình Luận từ Facebook