11-7-2018
Hôm qua báo chí giật tít lời phát biểu của ông thủ tướng Phúc: “xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân về đặc khu kinh tế”. Tưởng là ông Phúc muốn “gài số de” vụ thành lập “đặc khu”. Thấy vậy mà không phải vậy. Ông Phúc “xin ý kiến” của bà con là để “tiếp tục xây dựng các phương án phù hợp thực hiện chủ trương xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo Hiến pháp, các Nghị quyết của Đảng, luật pháp có liên quan”.
Tức là “đặc khu” bộ chính trị đã “quyết”, như gỗ đã xẻ thành 6 tấm ván hòm. Hỏi ý kiến “nhân dân” là hỏi “lấy lệ”. Đinh đóng cách nào thì ván cũng đã ghép thành hòm. Nhưng đó lại là “đường lui” của ông Phúc sau này. Lỡ có thất bại thì ông Phúc sẽ nói: tui làm là làm theo ý kiến của nhân dân và khoa học gia mà!
Ông Phúc là Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng đặc khu kinh tế.
Về chuyện đặc khu bà con đã nói đủ chuyện rồi. Tất cả các ý kiến đều đúng.
Nếu ta xét lại từ năm 1949, TQ liên tục can thiệp sổ sàng vào nội bộ VN, qua các cuộc chiến tranh 45-54 và 54-75.
Cuộc chiến 45-54, bây giờ nhìn lại cốt lõi cuộc chiến là sự xung đột giữa Trung cộng và thực dân Pháp. Tất cả, từ vũ khí đạn dược cho tới nhân sự điều hành cuộc chiến, đều đến từ TQ.
Cuộc chiến 54-75, TQ là phía viện trợ cho miền Bắc nhiều hơn hết, 20 tỉ đô la. Quan hệ VN và TQ trở nên xấu là vi sự tranh giành ảnh hưởng giữa Liên xô và TQ. Bây giờ nhìn lại, cốt lõi cuộc chiến cũng là sự xung đột gữa Mỹ và Trung cộng, mặc dầu được che đậy dưới nhiều danh nghĩa khác nhau.
Nhắc lại các điều này để nhấn mạnh rằng, TQ bỏ biết bao nhiêu công của, máu xương giúp cho VN không phải để cho VN không chóng thì chầy “thoát Trung” như ý muốn của phần lớn dân tộc việt Nam.
Ta có thể khẳng định rằng, nếu tình hình chính trị VN “bất ổn”, đảng CSVN bị đe dọa, chắc chắn TQ sẽ đổ quân vào bảo vệ.
Điều này cũng áp dụng tương tự cho Bắc Hàn. Trung cộng đổ hàng triệu “chí nguyện quân” và cứu giá Kim Nhật Thành lập nên “triều đại” họ Kim như đã thấy hôm nay, thì Kim jong un muốn “thoát Trung” và “thân Mỹ” không thể là chuyện dễ dàng. Quân đội TQ sẽ nhanh chóng đổ vào Bắc Hàn để can thiệp, nếu tình hình nội bộ Bắc Hàn có điều chi đó không ổn.
TQ bằng mọi cách sẽ giữ VN và Bắc Hàn thuộc ảnh hưởng của mình.
Đặc khu kinh tế, 70 năm hay 99 năm, tất cả chỉ là “chi tiết” không quan trọng.
Ngày xưa các thế lực thực dân cho tàu chiến đi chinh phục thế giới. Phần lớn yêu sách của họ là ép các quốc gia “mở cửa” cho phép họ mở một “thương quán” để buôn bán. Hồng Kông, Ma Cao… là những “territoire à bail”, một hình thức “đặc khu” của TQ cho Anh và Bồ Đào Nha. Hoặc Quảng Châu Loan, Pondichéry, đặc khu của TQ và Ấn độ dành cho Pháp.
Ta gọi là “đặc khu” mà không gọi là “nhượng địa”, vì những vùng đất đó là vùng đất mà quốc gia chủ nhà cho thuê có thời hạn.
Nhưng với quan điểm chiến lược của TQ (đối với VN), ta thấy trước số phận của các “đặc khu” Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Chúng sẽ không bao giờ trở thành Hồng Kông hay Ma Cao. Vì người Anh, Bồ Đào Nha xây dựng các “đặc khu” này với mục tiêu lợi nhuận kinh tế. Trong khi mục đích của TQ chiếm lĩnh các đặc khu là củng cố chiến lược “đại quốc”.
Rõ ràng ta thấy những lời kêu gọi “thoát Trung” hàng chục năm nay tương tự như “nước đổ lá môn”, không có một hiệu lực nào.
Trí thức VN hầu hết đều đồng ý ở điểm: VN muốn phát triển bền vững, thành rồng thành cọp là phải “thoát Trung”. Mà điều này TQ không bao giờ muốn nhìn thấy. Vì VN mạnh thì giấc mơ “nước lớn” của TQ sẽ không bao giờ thành tựu.
Theo tôi, góp ý về “đặc khu” bây giờ đã quá muộn rồi!
Cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ khởi đầu tuyên chiến với TQ lý ra phải là một dấu hiệu mạnh mẽ cho VN.
Dấu hiệu đó là mô hình phát triển theo TQ là “thất bại”. Các ngón nghề “ăn cắp sở hữu trí tuệ” và “tư bản nhà nước”, hai trụ cột của kinh tế TQ đang bị Mỹ đốn ngã.
VN không thể tiếp tục cóp py mô hình TQ một cách mù quáng nữa. VN bây giờ vẫn còn thì giờ để “tháo lui” và tái phối trí nội lực. TQ sẽ không chống chõi lại sự phản công của Mỹ thì VN, bản sao mờ nhạt của TQ, có tư cách gì để trụ ?
Theo tôi, VN nên khẩn cấp nghiên cứu mô hình “quốc gia liên bang” gồm hai tiểu bang Nam Việt và Bắc Việt. Bắc Việt tiếp tục “thân TQ” với mô hình chính trị của TQ, vì không dễ dàng “thoát Trung”. Mỹ ở xa không cứu được lửa gần. Còn Nam Việt phát triển theo mô hình tự do.
Đây mới là giải pháp an toàn để “thoát Trung”. Quá khứ cho thấy TQ sẵn sàng đổ máu để giữ một phần VN dưới ảnh hưởng của họ. Đơn giản vì VN (hay Triều tiên) hoàn toàn theo Mỹ thì an ninh quốc gia của TQ tức thì bị đe dọa (thậm chí sự toàn vẹn lãnh thổ của TQ). TQ bằng mọi cách sẽ bảo vệ “lợi ích cốt lõi” và “an ninh quốc gia”.