20-6-2018
Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày hôm nay 20/6 như là giọt nước tràn ly trước những bất đồng gay gắt với Cơ quan này từ nhiều năm nay.
Dù sự ra đi của Hoa Kỳ là đáng tiếc nhưng nếu ai quan tâm đến hoạt động của Hội đồng Nhân quyền có thể thấu hiểu được phần nào cho quyết định dũng cảm này của họ.
Hội đồng Nhân quyền cũng giống như một lớp học đào tạo về nhân quyền, nhưng khi học sinh “cá biệt” chiếm đa số, thì khi biểu quyết đánh giá về nhân quyền, học sinh đàng hoàng là thiểu số chống không lại thì họ sẽ chọn cách ra đi, chuyển đi nơi khác học.
Đó là những gì đang diễn ra tại Hội đồng Nhân quyền, khi 47 quốc gia thành viên phân cực, các quốc gia “cá biệt” kéo bè kéo cánh nhằm thao túng và bảo vệ lẫn nhau trước các vi phạm nhân quyền.
Phe cánh đầu tiên có thể kể đến là “Tổ chức Hợp tác Hồi giáo”- nơi tập hợp các quốc gia Hồi giáo luôn bảo vệ lẫn nhau trước sự vi phạm nhân quyền và luôn coi Israel là cái gai trong mắt của họ. Các quốc gia này luôn vận động và hùa nhau bỏ phiếu cho các Nghị quyết của Hội đồng lên án Israel “vi phạm nhân quyền”. Israel cay lắm nhưng bất lực. Nên khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền là Israel ngay lập tức hoan nghênh quyết định này của Hoa Kỳ.
Phe cánh thứ 2 có thể kể đến là các quốc gia của “Phong Trào Không Liên Kết”, nơi tập hợp các anh như Vênezuela, Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc… và cả Việt Nam, luôn bênh vực và đánh giá tốt về nhau. Chẳng hạn, khi một trong các quốc gia này bị lập hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng để đưa ra trước Hội đồng Nhân quyền biểu quyết ra Nghị quyết lên án, thì các quốc gia từ phong trào này hùa nhau lên tiếng phản đối, và “liên kết” bỏ phiếu không thông qua nghị quyết. Mới đây anh Venezuela thoát khỏi các nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền vì thuộc cánh hẩu của Phong trào đông đúc này.
Ngoài ra còn có nhóm các nước thuộc Tổ chức Châu Phi, nơi tập hợp các quốc gia đói nghèo, độc tài và nội chiến cũng sử dụng đến chiến thuật tương tự như các quốc gia của 2 nhóm Tổ chức trên.
Các quốc gia trong “bộ ba” nêu trên không chỉ liên minh trong tổ chức của mình, mà còn vượt ra ngoài khuôn khổ đó để bảo vệ lẫn nhau vì họ có thực trạng nhân quyền tồi tệ giống nhau, bảo vệ cho nhau theo kiểu “có qua, có lại”.
Sỡ dĩ các quốc gia này có thể làm được điều đó vì cơ cấu phân bổ số ghế thành viên trong Hội đồng Nhân quyền. Với 47 ghế thành viên có quyền biểu quyết ngang nhau:
+ Nhóm các nước châu Phi: 13 ghế
+ Nhóm các nước châu Á: 13 ghế;
+ Nhóm các nước Đông Âu: 6 ghế;
+ Nhóm các nước châu Mỹ Latinh và Caribe: 8 ghế;
+ Nhóm các nước Tây Âu và các quốc gia khác: 7 ghế.
Qua cách phân bổ số ghế, ta thấy các quốc gia thuộc Tây Âu, Úc châu, và Bắc Mỹ là những khu vực có thực trạng nhân quyền tốt hơn hẳn tất cả các khu vực khác, nhưng chỉ được phân bổ tổng số 7 ghế trong Hội đồng Nhân quyền.
7 ghế – với 7 phiếu địch sao lại với một rừng quốc gia có nền nhân quyền tồi tệ liên kết lại với nhau khi biểu quyết về vấn đề nhân quyền?
Trước khi ra đi, đặc phái viên Hoa Kỳ Nikki Haley nói với Liên Hợp Quốc rằng: “Hội đồng Nhân quyền là cơ quan tạo ra một sự nhạo báng về nhân quyền”. Nghe có vẻ cực đoan nhưng không phải là sự bất hợp lý nếu đánh giá về những tiêu cực của Hội đồng Nhân quyền.