Làm nhục công dân bằng sự ngu dốt

FB Phạm Đoan Trang

13-6-2018

Ảnh: internet

Để luật An ninh mạng được thông qua tốt đẹp, nhà nước công an trị đã huy động tới gần 500 con rối vào vai “đại biểu của dân”, trong đó, ngay cả những con rối to đầu nhất, một trong những nhân vật cầm đầu vở diễn, còn phát âm Facebook thành “pha-ke-bóc”.

Lại nhớ hồi tháng 3/2016, tại phiên sơ thẩm xử blogger Ba Sàm và cộng sự Minh Thuý, Bộ Công an cho dùng một hội đồng xét xử với ngài thẩm phán Nguyễn Văn Phổ và hai hội thẩm viên già nua, đều là những người mù tịt về CNTT, về Internet, về blog và mạng xã hội…

Hội đồng thậm chí còn phát âm sai những từ mà ngay cả đứa trẻ cũng có thể đọc được, ví dụ gmail được các tướng đọc thành “GỜ MAI”. Còn từ “wordpress” với Hội đồng thì quả là một thử thách.

Một nhân viên an ninh của Bộ Công an, Thiếu tá Nguyễn Thị Yến, cười hi hi cho biết, cơ quan an ninh đã đến gặp và “làm việc” kỹ với ông Nguyễn Văn Phổ – thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. “Ông ấy kêu ‘tôi chả biết mạng mẽo gì đâu, chả dùng Facebook, chả bao giờ lên mạng’. Thế càng tốt, đỡ rác tai” – Yến bảo.

Xử một người như Nguyễn Hữu Vinh, một blogger đi tiên phong trong việc dùng mạng Internet để khai dân trí, mà lại dùng những thẩm phán không sử dụng mạng và không biết đọc từ “wordpress”, không đọc nổi cả từ “gmail”.

Bấm nút thông qua một đạo luật ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dùng Internet, ít nhất 40 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, là những kẻ không bao giờ dám vào mạng, nghĩ về mạng như một thế giới “hết sức phức tạp và nguy hiểm”, và gọi Facebook là pha-ke-bóc.

Dùng kẻ ngu để vô hiệu hóa, tầm thường hóa tri thức, làm nhục trí thức và mọi tiếng nói phản biện; đồng thời để dễ bề sai khiến, giật dây trong việc hoạch định chính sách – đó là chiến thuật mà chính quyền công an trị vẫn sử dụng suốt nửa thế kỷ nay. Chúng ta vẫn còn nhớ Chuyện kể năm 2000, trong đó, nhân viên công an hỏi cung một nhà văn về tác phẩm của ông ta, đã hí hoáy viết: “CON RẾ trong căn buồng ông thuyền trưởng”.

Nhà văn rầu rĩ: “Tao thật sự chán ngán. Lấy cung một người viết văn mà những chữ bình thường nhất cũng viết sai chính tả”.

Thế gọi là làm nhục công dân bằng sự ngu dốt (có chủ ý và do tập luyện) đó.

————

Ngày hôm qua (12/6/2018), sau khi Quốc hội bù nhìn diễn xong vở kịch nhan đề “bấm nút thông qua luật An ninh mạng”, tôi có viết rằng tôi sẽ “không thay đổi gì cả” sau việc này, nghĩa là sẽ tiếp tục đả kích không khoan nhượng cái đảng độc tài đang cầm quyền và những kẻ đang cắm đầu cúi mặt bảo vệ cho nó.

Hôm nay, tôi thấy tôi viết vậy là sai, phải sửa lại: Tôi sẽ còn đả kích dữ dội hơn, cũng như nguyền rủa và làm đủ cách để vạch mặt cái đảng độc tài đang cầm quyền cùng những kẻ đang cắm đầu cúi mặt phục vụ nó, bảo vệ nó.

Ngu dốt không có tội, nhưng ngu dốt cộng với tàn bạo, đểu giả, bán nước thì là trọng tội. Đối với những kẻ như vậy, không chửi, không nguyền rủa nó phí đi.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nếu có 200 người cùng ký tên tác giả dưới một bài viết (giống như lấy chữ ký vào bản kiến nghị) thì không đủ nhà tù để nhốt… một khi xuất hiện 10 bài “đa tác giả” như vậy.
    Chỉ cần đó là những bài viết sự thật, không thể bác bỏ.

  2. tôi là cử tri đã bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội tỉnh tôi. Tôi có quyền được biết đại biểu nào bấm nút thông qua luật an ninh mạng? Một cái luật đi ngược với quyền tự do biểu đạt ý kiến, nguyện vọng của người dân. làm suy thoái sự hội nhập vào nền kinh tế ` tiến bộ của thế giới. Nếu không cho tôi sự minh bạch, tôi sẽ không còn tin tưởng vào quốc hội, vào đại biểu quốc hội. Xin đừng lấy tiền thuế của toàn dân tổ chức họp hành, trả lương cho quốc hội. CHủ nhật này tôi sẽ kéo tới quốc hội để hỏi cho ra lẻ. Tất nhiên tôi cũng hoan hô đại biểu nào từ chức, xin lổi cử tri hoặc tố cáo bị ép buộc bấm nút. (Tiep theo là bị ép bấm nút luật đặc khu). Đất nước tôi đang bị bao trùm bởi thế lực Mafia Đỏ.

Comments are closed.