Vấn đề công nghiệp hóa

FB Mai Quốc Ấn

26-5-2018

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh của Bộ Công thương vừa “xin” Quốc hội rút dự án Thép Việt – Trung khỏi danh sách 12 đại án. Ông phát biểu về việc xuất khẩu của Việt Nam đã đi theo đúng định hướng, phát triển bền vững dù thừa nhận xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường trọng yếu.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra một số liệu mà tôi cho là đau lòng: cả nước hiện có 1.800 doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ và trong số đó chỉ có 0,32% tham gia công nghiệp chế biến chế tạo, hạn chế về công nghệ, về quy mô. Khả năng tiếp cận tham gia thị trường công nghiệp hỗ trợ trong khu vực và thế giới của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn rất hạn chế.

Đảng và Nhà nước chọn “công nghiệp hóa- hiện đại hóa” từ rất lâu. Với “công nghiệp hóa” là giai đoạn 1960-1986 và “công nghiệp hóa- hiện đại hóa” từ 1986 đến nay. Tôi hiểu đơn giản rằng ông Trần Tuấn Anh là một thành tố kế thừa và thực hiện chủ trương chung ấy. Tuy nhiên, có một điều mà ở vai trò Bộ trưởng, không rõ ông Trần Tuấn Anh có tư vấn cho Đảng, Chính phủ về những mặt trái của “công nghiệp hóa” hay không? (Tôi ủng hộ hiện đại hóa sản xuất, dịch vụ.)

Ví dụ, “tín chỉ cacbon” CDM – loại hình giao dịch mua bán phát thải cacbon – phương tiện thông dụng để các quốc gia tham gia Nghị định thư Kyoto (sắp tới là Paris) hoàn thành các giao ước để ký kết việc giảm lượng phát thải cacbon và ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Hiểu đơn giản, càng thải nhiều cacbon ra không khí, mức thuế cho các sản phẩm công nghiệp sẽ càng bị tính cao, sản phẩm càng khó cạnh tranh.

Doanh nhân Lê Phước Vũ từng sốt sắng làm thép Cà Ná đã rút hết vốn công ty riêng ra khỏi Hoa Sen Group mới đây. Lập tức thông tin thép (China đội lốt) Việt Nam sẽ bị Mỹ tính mức thuế siêu khủng 256%. Nếu thị trường trọng yếu phải tuân thủ nghị định thư Kyoto (sắp tới là Paris thì riêng ngành thép Việt Nam sẽ khóc ròng. Những doanh nghiệp như Formosa, Hòa Phát, Hoa Sen, Tổng công ty Thép Việt Nam, Việt – Nhật, Việt – Úc, Vina Kyoei,… sẽ lấy gì đóng thuế khi lợi nhuận từ việc “cắn xé” môi trường không còn là lợi thế?

Nhưng không chỉ ngành thép, nhiệt điện cũng vậy, bởi đại đa số đều đốt lò bằng than như nhau. Các lĩnh vực sản xuất khác không “ngốn oxy, xì cacbon” thì lại đang đì đẹt.

Ban Kinh tế Trung ương biết điều này không? Có! Tổ tư vấn Thủ tướng biết điều này không? Cũng có! Các báo cáo của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, các Viện nghiên cứu có hết! Thậm chí chính các quốc gia đang là chủ nợ ODA lớn của Việt Nam cũng có cảnh báo.

Thật ra điều tôi lo ngại nhất vẫn là sự “kiên định công nghiệp hóa” trong tư duy các quan chức Chính phủ, kể cả Bộ Chính trị. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đã đoạn tuyệt với nhiệt điện vì sức ép của “tín chỉ cacbon” và các bất an xã hội do ô nhiễm môi trường. Công nghệ lỗi thời và độc hại ấy được nhập về Việt nam ào ạt bởi “tin ở hoa hồng”.

Nếu có gặp bất kỳ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nào tôi cũng sẽ thẳng thắn nói về sai lầm này. Và tôi sẽ kết thúc bằng câu cuối của “tỉ phú keo kiệt” Chuck Feeney: “Bởi vì tấm vải liệm không có túi!”

Chú thích: Nhìn bản đồ ô nhiễm này thì ai nói mình im lặng là an toàn và thông minh?

Bình Luận từ Facebook