14-5-2018
Mấy hôm nay trên Facebook của các nhà báo: Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Hải Vân, Quốc Phong, Bùi Thanh, Lê Đức Dục, Đà Trang… có một số bài viết, tấm ảnh của các nhà báo này hoặc của bạn bè nhắc lại một kỷ niệm không vui xảy ra cách đây đúng 10 năm. Đó là ngày 12-5-2008 hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, phóng viên báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội bị bắt vì liên quan đến vụ PMU 18 từng gây chấn động dư luận lúc bấy giờ.
Sau khi bắt Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, cơ quan điều tra Bộ Công an định bắt tiếp bốn nhà báo: Quốc Phong, Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên, Hoàng Hải Vân, Tổng Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên, Bùi Thanh, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, Dương Đức Đà Trang, Trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Đà Trang chính là con trai của tôi.
Hôm nay tôi xin viết vài dòng về vụ việc đã qua, dẫu rằng nhiều khi tôi không muốn nhắc lại sự việc không vui một chút nào này.
Chắc mọi người còn nhớ, vụ PMU 18 khởi đầu bằng một loạt bài báo trên tờ Thanh Niên và tờ Tuổi Trẻ về việc Bùi Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án PMU 18 thuộc Bộ Giao thông Vận tải, tháng 1 năm 2006 bị bắt giữ và bị cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu đô la. Bùi Tiến Dũng là con trai một vị tướng từng ở chiến trường miền Nam và là thủ trưởng của con rể Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt tạm giam vì hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” liên quan đến việc thông tin về vụ án PMU18. Và ngày 15 tháng 10 năm 2008, Hội đồng xét xử, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Việt Chiến 2 năm tù giam vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, còn Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) nhận án 24 tháng cải tạo không giam giữ và được trả quyền công dân ngay tại toà.
Cùng bị ra tòa hôm đó còn có ông Phạm Xuân Quắc, nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra, bị cảnh cáo, và ông Đinh Văn Huynh một thuộc cấp của ông Phạm Xuân Quắc bị một năm tù với cùng tội danh cố ý làm lộ bí mật công tác vì đã cung cấp thông tin về vụ PMU 18 cho báo chí.
Khi xảy ra vụ bắt hai nhà báo sau đó là vụ định bắt tiếp bốn nhà báo kể trên tôi đã nghỉ hưu được ba năm, không còn làm Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí (TTBC) Văn phòng Chính phủ (VPCP). Một hôm, ông bà thông gia của tôi hớt hải sang nhà tôi cho biết: Anh Nguyễn Văn Hòa, nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm TTBC VPCP, người em kết nghĩa với ông thông gia của tôi khi hai người cùng công tác bên Liên Xô trước đây, đến nhà ông báo tin Bộ Công an có công văn xin ý kiến Thủ tướng về việc bắt tạm giam bốn nhà báo Quốc Phong, Hoàng Hải Vân, Bùi Thanh, Dương Đức Đà Trang. Anh Hòa rất lo lắng vì thấy trong công văn xin bắt tạm giam đó có tên con trai tôi và là con rể ông anh kết nghĩa của anh ấy. Ông bà thông gia hỏi tôi xem “có cách nào” để cho cháu và các nhà báo khác không bị bắt tạm giam không?
Ngày ấy vợ chồng Đà Trang còn ở căn hộ ngay cạnh căn hộ của bố mẹ ở Ngõ 4 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, hàng ngày vẫn cùng ăn cơm với bố mẹ. Lúc sự việc xảy ra cháu Ngọc Hà, con dâu tôi vừa mới sinh con thứ hai và chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 28-5, kỷ niệm ngày sinh của Đà Trang. Những ngày đó qua bạn bè và các nhà báo tôi quen biết, tôi biết có thể sắp xảy ra chuyện không hay tiếp sau việc hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt. Tôi thấy phản ứng của báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ trước vụ việc này có điều gì đó không thật chuẩn, thiếu đi sự tỉnh táo cần thiết.
Vợ tôi lại được một nữ Tổng Biên tập một tờ báo có mặt trong một cuộc họp giao ban báo chí ở Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương báo tin con trai tôi đã phản ứng gay gắt việc bắt giữ hai nhà báo ngay tại cuộc giao ban này, trước mặt một vị tướng, Chánh Văn phòng Bộ Công an trong cuộc họp, rất bất lợi cho con trai tôi. Mấy hôm đó tôi thấy con trai tôi, nhất là con dâu tôi rất bồn chồn, lo lắng nhưng vẫn giấu bố mẹ, không cho bố mẹ biết điều gì sắp xảy ra với mình, cho đến khi ông thông gia báo tin cho tôi biết cụ thể vụ việc.
Sau này tôi mới biết những ngày đó Đà Trang liên tục bị cơ quan điều tra triệu tập, và đã chuẩn bị sẵn sàng việc mình bị “nhập kho”. Con dâu tôi kể, một hôm Đà Trang nói với vợ là đi công tác ở Yên Bái vài ngày, sắp sẵn quần áo mang theo, ôm hôn vợ và hai con, trong đó có cháu trai mới sinh để lên đường. Chính hôm đó cháu được một nguồn tin báo, sau buổi triệu tập này có thể sẽ bị cơ quan điều tra bắt tạm giam.
Còn tôi, sau khi biết tin chính thức về đề nghị của Bộ công an qua một công văn xin ý kiến Thủ tướng bắt tiếp bốn nhà báo liên quan đến việc thông tin vụ PMU 18, tôi không lên gặp bắt cứ ai ở VPCP hoặc cơ quan nào khác để hỏi về vụ việc này mà tới gặp anh Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương để hỏi thêm thông tin từ anh. Tôi quen biết anh Hữu Thọ từ năm 1967 khi anh là Tổ trưởng Tổ phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Quảng Bình, Vĩnh Linh trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc. Khi ấy tôi là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại địa bàn này. Anh em chúng tôi quý mến nhau từ những ngày cùng chịu đựng khó khăn, gian khổ và ác liệt ấy.
Anh Hữu Thọ cho tôi biết anh đã biết việc cơ quan điều tra Bộ Công an định bắt tiếp bốn nhà báo nói trên nhưng anh và một số đồng chí lãnh đạo khác không đồng tình việc này. Anh nói việc bắt hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải đã là không hay, bất lợi đối với dư luận trong nước và nước ngoài, nay bắt thêm bốn nhà báo nữa thì càng bất lợi thêm, nhất là đúng lúc Quốc hội đang họp. Anh Hữu Thọ cho tôi biết anh ấy đã gặp ông Trương Tấn Sang, Thường trực ban Bí thư và cả Trợ lý của Tổng Bí thư để trao đổi ý kiến về việc này.
Sau này tôi còn biết thêm một chuyện từ ông Nguyễn Xuân Phúc. Tôi biết ông Nguyễn Xuân Phúc từ sau năm 1975. Khi ấy, sau khi tốt nghiệp Trường đại học kinh tế Quốc dân ông trở về công tác tại Quảng Nam – Đà Nẵng, quê nhà. Có thời gian ông làm Thư ký của ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng, một người tôi rất quý trọng từ những ngày chiến tranh chống Mỹ và ông cũng rất quý mến tôi, một nhà báo tuy không sinh ra trên Đất Quảng nhưng luôn coi Đất Quảng là quê hương mình, sống chết với nó. Sau này ông Nguyễn Xuân Phúc là Phó Văn phòng Ủy ban Nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng rồi Giám đốc Sở Du lịch, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tôi còn được gặp ông nhiều lần trong các cuộc được tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải vào thăm và làm việc tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Năm ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử vào Trung ương rồi được cử làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thì cũng là năm tôi được nghỉ hưu. Trong cuộc gặp cuối năm đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng Biên tập các báo, tôi được mời dự. Ông Nguyễn Xuân Phúc kéo tôi đến chỗ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang đứng, giới thiệu:
– Giới thiệu với anh Ba, đây là ông anh tôi, là phóng viên Thông tấn xã từng sống chết trên chiến trường Quảng Nam quê tôi!
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay tôi, cười vui vẻ. Ông Nguyễn Xuân Phúc không biết rằng năm 1986, trước Đại hội Đảng lần thứ VI , tôi đã về tận Hà Tiên, nơi ông Nguyễn Tấn Dũng đang là Bí thư Huyện ủy để viết bài giới thiệu vị Bí thư Huyện ủy trẻ nhất là đại biểu đi dự Đại hội Đảng lần thứ VI và tại Đại hội này ông Nguyễn Tấn Dũng được bầu vào Trung ương khi mới 38 tuổi.
Trong một lần gặp ông Nguyễn Xuân Phúc sau đó ông kể rằng khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được công văn do một Thứ trưởng Bộ Công an ký, xin ý kiến về việc bắt tạm giam bốn nhà báo: Quốc Phong, Hoàng Hải Vân, Bùi Thanh, Dương Đức Đà Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hỏi ông, khi ấy là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP: “Cậu nhà báo nào lại có cái tên Dương Đức Đà Trang lạ thế?”. Ông Nguyễn Xuân Phúc trả lời:
– Cậu ấy là con trai anh Dương Đức Quảng. Anh chị yêu nhau trên chiến trường, sau năm 1975 cưới nhau tại Đà Nẵng, chuyển công tác vào Nha Trang sinh con trong đó nên lấy tên ghép Đà Nẵng và Nha Trang đặt tên cho cháu…
Sau này, cả bốn nhà báo nói trên không ai bị bắt. Theo như nhà báo Hoàng Hải Vân cho biết, ông Trần Quốc Vượng khi ấy là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam nên các nhà báo nói trên, nói như Quốc Phong, mới chỉ là “cầu thủ dự bị “của Trại giam B14 vào 10 năm trước”.
Như trên đã viết, hôm nay tôi viết vài dòng về một chuyện không muốn nhắc lại và đưa lại tấm ảnh chụp bốn nhà báo là “cầu thủ dự bị “của Trại giam B14 vào 10 năm trước” do phóng viên ảnh Việt Dũng của báo Tuổi trẻ chụp hôm diễn ra phiên tòa xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải. Xin khép lại chuyện này và cho nó về quá khứ vì cũng đã 10 năm trôi qua rồi!.
Dưới đây là ảnh và bài của Đà Trang lấy từ fb của nhà báo Đà Trang, con trai tôi:
Chú thích ảnh: Đây là bức ảnh rất thú vị. Nó được PV ảnh Việt Dũng (báo TT chụp) và được anh Lê Đức Dục đưa lại trên fb sáng nay.
Ngày này, 10 năm trước, là thứ 3, một ngày sau khi anh Việt Chiến Nguyễn và Hai Tuoi Tre bị bắt. Cuộc giao ban báo chí đã nổ ra nảy lửa. Có những lời lẽ đanh thép. Có tiếng nấc. Có giọt nước mắt. Giận dữ và phẫn uất. Ai dự cuộc đó hẳn sẽ không thể nào quên.
…
Chiều muộn vài tháng sau, tôi gõ cửa phòng một ông anh. Anh gật đầu đón tôi rồi nhanh tay đóng chốt cửa. Tôi chưa kịp ngồi đã thấy anh với tay lấy cái điều khiển. Tiếng tivi chợt oang oang. Anh cầm bút viết mấy chữ lên diềm tờ báo Nhân Dân đang đặt trên bàn. Và lần lượt 4 cái tên đã được đề cập:
– Bùi Thanh, lấy bút gạch kín
– Quốc Phong, lấy bút gạch kín
– Huỳnh Kim Sánh, lấy bút gạch kín
– Đà Trang, lấy bút gạch kín.
Tất cả mẩu giấy dù gạch kín mực vẫn được anh cẩn thận châm lửa đốt sạch, bỏ vào gạt tàn, tưới nước.
Tôi hiểu điều gì đang đón đợi, và luôn ghi nhớ nghĩa cử của một ông anh, dù cả cuộc gặp anh em gần như không nói với nhau câu nào có đầu có đũa.
Tối ấy, tôi không còn tâm trí đi nhậu như mọi ngày, kể từ 12-5. Bốc máy gọi cho cán bộ Bùi Thanh. Đầu dây bên kia đậm mùi đặc trưng của… nhậu. Tôi nói, đại ý: nhậu được là tốt rồi. Tranh thủ đi vì sắp hết cơ hội!
…
Sáng nay, anh Huỳnh Kim Sánh, tức Hoàng Hải Vân còm trên fb Le Duc Duc về bức ảnh: ‘Mấy anh tù dự bị đứng trước cổng tòa đang xử mấy anh tù chính thức ? Bùi Thanh có vẻ nghiêm trọng, còn Quoc Phong, Da Trang coi bộ muốn trở thành chính thức sớm”.
Chợt nhận ra, cả 4 ông “gạch kín”, ứng cử viên “lên đường” đợt 2, không hẹn mà gặp trong 1 bức ảnh.
Hôm đó là 14-10-2008, trên vỉa hè phố Hai Bà Trưng. Bên kia đường, phiên tòa xét xử anh Chiến và Hải đang diễn ra.
theo cách nói hiện nay thì bài viết này là xàm lxx. Đề nghị đừng đăng những bài báo nâng bi, xàm lxx như vậy nữa.
Xin đứng ngộ nhận. Hồi đó tớ biết. Những “nhà báo nhớn XHCN” như Chiến, Hải và cả cái seri Q.Phong, cùng con ông Quảng, chỉ là đám bối bút cho các phe nhóm của CA. Phe Thiệm thắng thế thì đám bồi bút này lên voi, nhưng khi phe Quắc thắng thì lập tức đám bồi bút này xuống chó.
Chỉ nói được 1 điều, các nhà báo xã hội chủ nghĩa này đều trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ nê lý lịch ông nào cũng đẹp như giấc mơ Cộng Sản vậy . Nền báo chí xã hội chủ nghĩa, mặt trận tư tưởng của Đảng, có được những chiến sĩ thế này thì phước đức cho nước nhà lắm lắm!
Tớ thành thật xin lỗi vì cứ tưởng các bác chỉ là những nhà báo bình thường, có biết đâu các bác là những nhà báo xã hội chủ nghĩa, không cần biết đạo đức làm báo của tư bẩn là gì cả . Cái “lâu đài chính trực” của Hoàng Hải Vân bây giờ không còn làm tớ buồn cười, chỉ làm tớ buồn nôn . Thành thật xin lỗi vì cứ tưởng cái “lâu đài chính trực” của các bác chỉ xây trên cát, hóa ra nó được xây trên những niềm tin vững chắc của những người trưởng thành từ cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng dân tộc . Và cứ tưởng tượng biết bao người xem họ là những thần tượng trong nghề của mình .
Với những chú lính chì dũng cảm thế này, ngành báo chí xã hội chủ nghĩa chắc chắn sẽ đứng vững trên mặt trận tư tưởng, sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ Đảng giao, và sẽ nghiêm túc chấp hành những chỉ thị cấm cũng như cho phép đăng tin từ ban Tuyên giáo Trung ương .
Xin gửi lời chào Cộng Sản tới các bác, những nhà báo xã hội chủ nghĩa kỳ cựu trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc . Nhờ sự hy sinh vô bờ bến của các bác mà Việt Nam trở thành nơi rất đáng sống cho những người không mắc bệnh tâm thần như các bác .