1-5-2018
Bạn FB Dương Quốc Chính vừa có một status đề cập đến chủ đề này, mình định viết một bình luận trên trang bạn ấy, song rồi ý tình con cà con kê kéo dài, đành biến thành một bài viết riêng vậy. Mọi đóng góp ý kiến xin thể hiện bằng những lập luận có tình, có lý, có lợi cho đại cuộc, những ý kiến nặng về cảm tính và khơi sâu sự mâu thuẫn, thù hận giữa các thành phần dân tộc sẽ không được hoan nghênh.
***
Khi đề cập đến hòa hợp hòa giải dân tộc, nhiều người thường cho rằng trở ngại cho việc thực hiện là hận thù giữa hai phía. Tôi nghĩ rằng hận thù nếu có cũng chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong sự kiện này. Hãy nhớ đến những ngày sau 30.4.1975, hàng ngũ quân nhân công chức VNCH mất hết tất cả, song họ vẫn giữ tinh thần hợp tác, tuân thủ đối với những người chiến thắng họ.
Họ đăng ký trình diện, đút đầu vào cái rọ HTCT một cách “ngoan ngoãn” và cam phận tù đày trong 5 năm, 10 năm, 15, 20 năm. Khi trở về cuộc sống bình thường, họ tiếp tục ngoan ngoãn đặt mình dưới sự “quản chế” của chính quyền địa phương, tạm trú ngay trong ngôi nhà họ làm chủ, chịu mất quyền công dân một thời gian.
Ngay cả những người bỏ nước ra đi, họ cũng đã chọn một giải pháp hết sức “ôn hòa”, bỏ hết tài sản, đánh đổi cả mạng sống để mưu cầu những gì tối thiểu của con người. Vì thế yếu tố chi phối sự hòa hợp hòa giải dân tộc không phải là sự hận thù mà là thực tâm của người có quyền đưa ra chính sách. Thực tâm đó cần được thể hiện trên ít nhất mấy tiêu chí sau:
– Không phân biệt đối xử, hay ít nhất cũng thu hẹp quãng cách giữa người thắng kẻ thua. Điều này suốt 43 năm qua có tiến bộ song vẫn còn rất nặng nề. Mỗi dịp 30.4, 27.7, 2.9, người thắng cuộc hả hê với chiến thắng trên xác chết, trên tài sản và trên sự bất hạnh của chính những đồng bào mình, thậm chí còn khoét sâu thù hận cũ bằng cách vận dụng một lũ bồi bút phóng đại, vẽ vời ra những “tội ác Mỹ-ngụy” theo kiểu trại tù Côn Đảo, Phú Quốc, hàng ngày rao giảng cho du khách trong và ngoài nước để gây trong đầu họ sự ghê tởm, lòng thù hận đối với một chế độ đã tàn lụi từ 43 năm qua.
– Sòng phẳng – Sòng phẳng có nghĩa là khi anh thừa hưởng di sản của một chế độ thì cũng đồng thời anh phải nhìn nhận những quyền lợi hợp pháp của những chủ nợ của chế độ đó. Bằng khối tài sản khổng lồ gồm vàng bạc, tiền của chất đầy trong công khố quốc gia mà chính quyền bên thắng cuộc tiếp quản, chế độ VNCH còn là con nợ của chính người dân của họ, ngoài những người đã gửi tiền ở các ngân hàng thương mại khó thể kiểm chứng, có ít nhất hai khoản nợ công rất lớn sau đây:
* Tiền đóng góp của người quân nhân, công chức VNCH vào các quỹ hưu bổng- Số tiền đó được trích từ trong những đồng lương còm cõi của họ để khi họ đến tuổi về hưu, họ được hưởng hầu trang trải cuộc sống những ngày cuối đời. Cho đến ngày 29.4, họ vẫn còn là người làm chủ một cách hợp pháp và hợp đạo lý đối với những khoản tiền họ đã đóng góp. Song sau 30.4, họ mất hết cả
* Tiền “công khố phiếu quân công”- Trước 1975, đời sống quân nhân, công chức miền Nam gặp nhiều khó khăn hơn trước, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã nâng đỡ họ bằng cách lập ra hình thức “công khố phiếu quân công” (CKPQC) dành riêng cho họ, với một lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất thông thường. Nhiều gia đình quân công nhịn ăn, nhịn mặc để hàng tháng góp tiền mua CKPQC hầu kiếm thêm cho cuộc sống gia đình. Cho đến ngày 29.4, họ vẫn còn là chủ nợ của ngân khố VNCH, song từ 30.4, tiền trong ngân khố vẫn còn đó, mà họ thì mất hết cả. Không cư xử sòng phẳng với nhau, không hoàn trả những khoản tiền đóng góp hợp pháp của người thua cuộc vào công khố mà mình thừa hưởng, sao hòa hợp được?
– Nhân đạo – Cuộc chiến đã qua làm phát sinh một tầng lớp thương phế binh của cả hai phía. Trên bình diện dân tộc và xét về mặt lịch sử, dù là thuộc bên nào, thương phế binh vẫn là một trong những tầng lớp xã hội đáng thương nhất. Họ hi sinh một phần thân thể trong cuộc chiến, so với những người lành lặn, họ không có điều kiện cạnh tranh trong cuộc sống như học hành, làm việc để kiếm sống. Trong 43 năm qua, trong khi thương phế binh bên thắng cuộc có được những đền bù tối thiểu cho sự hi sinh của họ, thương phế binh của bên thua cuộc sống vất vưởng bên lề xã hội, không được hưởng những biện pháp an sinh xã hội tối thiểu dành cho những người không có điều kiện sinh sống và làm việc bình thường. Những gì đã xảy ra cho nghĩa trang quân đội VNCH đã được nói đến nhiều, không cần nhắc lại nữa.
– Công bằng xã hội – Điều này có nghĩa là mỗi người dân trong xã hội cần có được những điều kiện đóng góp như nhau và được trả thù lao tương xứng với sự đóng góp của họ. Trong một xã hội mà sự tuyển dụng con người đặt nặng vào sự trung thành với chế độ mà không lấy tài năng và đạo đức làm tiêu chuẩn hàng đầu, sự phân hóa xã hội là điều khó tránh, người có tài ẩn lánh, kẻ bất tài, thiếu đức mặc sức thao túng bộ máy công quyền. Tình trạng tham nhũng tràn lan hiện nay là hậu quả khó tránh, gây ra khoảng cách khổng lồ giữa người giàu và người nghèo, giữa người cai trị và người “được cai trị”, trở thành trở lực khó thể vượt qua của mọi toan tính hòa giải, hòa hợp.
Nhìn hình ảnh hai người lính ở hai miền đứng cạnh nhau trước khi cuộc chiến kết thúc, gương mặt toát ra nét hiền hòa, huynh đệ, ai cũng xúc động, thấy rõ rằng sự hòa giải, hòa hợp đã có sẵn trong lòng người dân Việt từ rất lâu, nó đã là bản chất tâm hồn của người Việt chúng ta. Ngày nay sở dĩ chúng chưa trở thành hiện thực là vì thiếu đi chất gắn kết tối cần thiết là một chính sách có tình, có lý nhắm vào lợi ích chung của đất nước và dân tộc, bớt đi sự phân biệt đối xử đối với các thành phần xã hội khác nhau.
Đừng nhắc tới lòng thù hận của người thua cuộc, họ không thù hận gì đâu, họ đã mất hết và đã cam chịu trong một thời gian dài, chỉ mong sao cho con cháu họ được sống chan hòa trong tình nghĩa đồng bào, tình tự dân tộc, sớm nhìn thấy một xã hội công bằng.
Quá ngây thơ khi hy vọng cái thực sự gọi là hòa hợp. Đó chỉ là khẩu hiệu mị dân của họ hòng hút máu thêm từ mọi phía có thể thôi.
Nhap me no vao CHINA VI DAI cho no het nhuoc tieu.