8-7-2017
Hai người Việt Nam đầu tiên bị một lực lượng hồi giáo cực đoan bắt cóc và sát hại có thể là một bước ngoặc cho lựa chọn hội nhập quốc tế của nhà nước Việt Nam?
Một nền cai trị viện dẫn nhiều đặc thù chế độ chính trị dã không bị loại trừ bởi nạn khủng bố mang màu sắc hồi giáo cực đoan.
Nhà chức trách có thể tuyên bố kiên quyết bảo vệ người Việt Nam kiểu như đã tuyên bố bảo vệ ngư dân trước lưỡi bò đỏ ngang ngược.
Nhưng lãnh hải mênh mông mà mạng người thì cụ thể. Sự nhanh nhẹn và hiệu quả của công an đập tan thế lực này, tổ chức nọ chống đối sẽ là yêu cầu khắc nghiệt trong việc giữ mạng sống trước yêu cầu đòi tiền chuộc của lực lượng khủng bố thứ thiệt. Trong khi tiền thuế của người dân đóng để nuôi bộ máy nhà nước đang được cảm nhận ngày càng nặng nề.
Đó là một áp lực nữa, thậm chí là cú nước tràn quyết định, buộc nhà nước phải “liên thông” với cộng đồng các quốc gia có chương trình, lực lượng và nhất là có tài chính sẵn sàng phối hợp chống khủng bố.
Hay một lần nữa các nhà lãnh đạo Việt Nam chọn thế ỷ dốc với người đồng minh toàn chữ vàng?
Nghĩa tử không phải là nghĩa tận nếu hai cái chết ấy bắt đầu một cách sống khác.
Trong một thế giới liên lập, giữa hỗn độn và trật tự, bản lĩnh của dân tộc một lần nữa đứng trước thử thách chọn bạn mà chơi.
Chúng ta đang ủy thác hoàn toàn bản lĩnh ấy cho nhà nước?
Một chiến lược đối ngoại mới cần được chúng ta đòi hỏi chính phủ trình bày.
Chiến lược ấy phải bảo đảm trước hết là an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, chứ không chỉ là lợi ích của chế độ.
Nó phải thay đổi quan điểm, hành động trước hết từ chính lực lượng an ninh.
Giám sát chặt chẽ những thay đổi này cần được coi là một trọng tâm mà chúng ta phải yêu cầu các đại biểu dân cử thực hiện.