4-3-2018
Chưa bao giờ đất nước hỗn loạn trong đồng bóng dị đoan mê tín như ngày nay. Chuyển sang kinh tế thị trường thì nhà nước bé lại, không còn nắm giữ sứ mệnh chăm lo miếng ăn giấc ngủ của dân nữa, bởi vậy dân không còn tin nhiều vào nhà nước. Lẽ ra đó là điều tốt nếu như thay vì tin vào nhà nước thì người ta tin vào chính bản thân mình. Nhưng đằng này không. Người ta tin vào mọi thứ thần linh đồng cốt.
Từ xưa, bên cạnh các thần núi thần sông và các vị thần là biểu tượng của hồn thiêng sông núi, người Việt có những vị thần khai quốc và hộ quốc, họ là những nhân vật lịch sử hay nhân vật trong truyền thuyết, được người dân cúng bái để cầu cho quốc thái dân an. Đó là truyền thống văn hóa tâm linh cần được giữ gìn. Dân ta không có nhiều người tin vào ông đồng bà cốt cũng như thầy phù thủy hô phong hoán vũ.
Ngày nay các vị thần đó đều được huy động vào làm nhiệm vụ thăng quan phát tài và cạnh tranh cá lớn nuốt cá bé hoặc chụp giật lừa đảo. Dường như vẫn chưa đủ, người ta còn huy động ông đồng bà cốt, biến rắn rết cá tôm gốc cây hòn đá thành thần để hỗ trợ cho các “nhiệm vụ” nói trên.
Nếu như đó là niềm tin tự phát trong dân chúng thì không có gì đáng nói, bởi vì khi nào con người tin vào chính bản thân mình thì thần linh tự khắc sẽ rút lui. Điều đáng nói là sự hỗn loạn đồng bóng dị đoan kia có sự tiếp tay không hề nhỏ của nhà nước.
Các nhà ngoại cảm, thực chất là một thứ đồng cốt, được một số phương tiện truyền thông chính thống của nhà nước vinh danh, được một số cơ quan gọi là khoa học của nhà nước hậu thuẫn.
Không ít cán bộ đảng viên tin vào thần phật hơn là tin vào quốc thái dân an hay thế giới đại đồng. Trước đây nghe nói có cán bộ cấp cao của Đảng còn dùng thầy phù thủy để yểm bùa triệt hạ đối thủ trong cạnh tranh quyền lực.
Còn những lễ hội như “Khai ấn đền Trần”, từ một nghi thức xưa tương tự nghi thức mừng năm mới của triều đình nhà Trần, biến tướng thành một “lễ hội” thu hút rất đông người, đặc biệt là rất đông cán bộ đảng viên đến “xin ấn”, rồi ngang nhiên để diễn ra cảnh dẫm đạp giành giật cướp đoạt “ấn” nhằm thăng quan phát tài. Chẳng hề có cái “lễ hội” kỳ dị như vậy trong lịch sử, chẳng hề có cái gọi là “phát ấn” kỳ dị như vậy vào thời nhà Trần, nhưng vẫn được nhà nước công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Không chỉ công nhận, bảo trợ mà nhà nước còn cho phép những người thi hành công vụ tham gia vào cuộc giành “ấn” hỗn loạn chẳng ra một thể thống gì. Làm như vậy Nhà nước không những cổ xúy cho mê tín dị đoan mà thông qua đây còn khuyến khích việc dùng thần linh để thăng tiến công vụ và mua quan bán tước, trái ngược hoàn toàn với đạo lý khuyến khích và trọng dụng nhân tài trong nền chính trị quốc gia. Nền chính trị gì mà kỳ dị như vậy?