Kiểu “trồng cây” dị hợm của một số quan chức lãnh đạo

Bình Luận Án

Trần Hồng Phong

26-2-2018

Năm rồi (2017), tôi có dịp ghé thăm Bảo tàng Quang Trung ở tỉnh Bình Định. Vây xung quanh các đền đài là những hàng cây xanh tươi, hàng lối ngay thẳng khá đẹp. Có một điều khá bất thường, là hầu hết ở mỗi gốc cây đều có đóng một cái cọc biển xanh chữ trắng bằng sắt giống như một tấm bia. Ban đầu tưởng là bảng ghi tên loài cây, khi lại gần đọc, thì ra đó là tên của các vị quan chức đã “trồng” cái cây ấy! Phải có đến hàng trăm tấm bảng như vậy, nhìn rất phản cảm và xấu. Và chẳng biết mục đích làm gì? Mà trong số tên các vị ấy, rất nhiều người có thể nói là “vô danh” chả ai biết. Chỉ khi đọc cái chức vụ quan gắn kèm cái bảng, thì mới … hoá ra là vậy. Nhóm bạn chúng tôi hầu hết đều lắc đầu ngao ngán, chán như con gián cho lối phô trương lố bịch ấy. Trên đất nước Việt Nam này, có nhiều nơi như vậy.

Từ nhiều năm qua, cứ mỗi dịp Xuân đến Tết về, trên báo chí bao giờ cũng không nhiều thì ít, đưa tin, chụp ảnh các vị quan chức từ trung ương đến địa phương tham gia “trồng cây”. Nhưng có quá nhiều điều để nói, để phê phán về việc này.

Trước mắt cần khẳng định việc trồng cây, chăm sóc, gìn giữ cây là một điều TUYỆT ĐỐI CẦN THIẾT, TỐT ĐẸP, AI CŨNG NÊN LÀM CHỨ KHÔNG CẦN PHẢI LÀ QUAN CHỨC. Bản thân tôi cũng rất yêu cây, và rất căm giận những người cố tình phá hoại, chặt cây. Ngay trong Blog này tôi cũng đã từng đăng nhiều bài bày tỏ sự phẫn nộ ấy. Tuy nhiên:

– Trồng cây phải là THỰC CHẤT. Chứ không phải là sai “lính” đi tìm, bứng một cái cây đã rất lớn, thậm chí hàng chục, hàng trăm năm tuổi, đến trồng vào một chỗ nào đấy. Xin tạm gọi là cái “sân khấu”, rồi lót thảm, sắm găng tay vải trắng, xẻng, thùng tưới nước, nón bảo hộ … để cho một vài vị quan chức nào đó đến cầm cái xẻng hay cái bình nước, đưa đưa tưới tưới tượng trưng vài động tác, rồi chụp hình, đăng báo. Xung quanh là hàng chục người khác đứng làm nền, vỗ tay hớn hở. Trồng cây như vậy có thể nói là sự nguỵ biện, đánh tráo khái niệm. Thậm chí là sự xúc phạm đến tính nghiêm túc, ý nghĩa của việc trồng cây.

– Chưa kể là kiểu trồng cây dị hợm như vậy còn là rất tốn kém tiền ngân sách, mà còn phản cảm, làm xấu đi hình ảnh của người công chức về nguyên tắc là “chí công vô tư”. Thực chất là màn “quảng cáo”, PR cho người “trồng cây”. Hoặc không, thì là sự thể hiện cái thấp kém, tư duy lấy lòng cấp trên của những người cấp dưới – đã bày vẽ, “đạo diễn” ra các kiểu “trồng cây” như vậy.

Một cảnh “trồng cây” ở Hà Nội năm 2017, ảnh trên báo Tiền Phong

Cách nay một vài ngày, tôi tình cờ có xem một clip trên mạng xã hội Facebook, về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phê phán kiểu trồng cây dị hợm và phản cảm như vậy. Tôi thấy rất đúng, đồng tình.

Chúng ta đang sống một một giai đoạn mà trong xã hội sự giả dối đã lên ngôi. Không chỉ vậy, còn là sự sai lệch về nhận thức, thẩm định cái đẹp, nét văn hoá. Thậm chí theo quan điểm của cá nhân tôi, có thể xem như là một “căn bệnh” rất đáng lo ngại trong xã hội. Càng đáng lo ngại hơn, khi những người “lệch lạc” ấy lại là những người có chức có quyền, hay có tiền. Khi đó, với uy quyền của mình, họ có thể đánh tráo khái niệm, cái xấu được tung hứng để trở thành cái “đẹp”. Thật là nguy hại cho cả một dân tộc vậy.

Để kết thúc, tôi đăng lại dưới đây nguyên văn ảnh chụp từ facebook của một luật sư (mà tôi không quen biết) mà tôi tình cờ đọc được sáng nay. Tôi giữ nguyên những ý kiến của mọi người trong đó.

Tôi không bình luận gì thêm, mà chỉ muốn nói một câu: XIN ĐỪNG GIẢ DỐI NỮA!

Dưới đây là hình ảnh thanh niên một xã ở tỉnh Thái Nguyên đang trồng cây trong khuôn viên UBND xã, năm 2012. Tuy cũng mang tính hình thức, nhưng ít nhất đây mới đúng là trồng cây. Ảnh trên báo Thái Nguyên.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bình thường thôi. Kiểu trồng cây của các ACE thanh niên là “vì lợi ích 10 năm” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn kiểu trồng của các bác, các cô, chú lãnh đạo là vì … lợi danh.

Comments are closed.