Đứa con nào cũng cần có mẹ

Ngô Thị Kim Cúc

4-7-2017

Blogger Mẹ Nấm. Ảnh: internet

Khi hình ảnh trước tòa của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xuất hiện trên mạng, nhiều người biết cô phải kinh ngạc kêu lên: Sao lại thế này?

Đó là vì người ta phải thấy Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong chiếc áo thun mà ngực áo có hình in, còn bên dưới là chiếc quần màu hồng, hoàn toàn tương phản với hình ảnh quen thuộc của cô từ trước đến nay.

Nhưng rồi mọi người lập tức hiểu ra: Như Quỳnh không có quần áo tươm tất để mặc ra tòa.

“Trong suốt tám tháng qua, tôi đã bị lừa khi lặn lội đến thăm con tại một trại tù mà con tôi không có ở đó. Mỗi lần đến nhà tù công an Khánh Hòa, tôi gửi quần áo và thực phẩm cho con mình mà cứ lo lắng không biết có đến tay con mình không. Tôi luôn hỏi những người công an: Tại sao ai gửi thực phẩm vào cho người thân, họ đều được nhận lại giấy gửi thực phẩm ngay, còn tôi hai tuần sau tôi mới được nhận? Vậy khi nhận đồ họ có chuyển cho con tôi trong ngày không, hay thực phẩm đến tay con tôi đã bị ôi thiu? Bây giờ thì tôi đã biết được sự thật. Một sự thật vô nhân tính và lừa đảo”.

Đó là thông tin từ mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan. Bà Tuyết Lan đã ngoài sáu mươi tuổi, đang nuôi hai cháu ngoại (Gấu bốn tuổi và Nấm mười tuổi) thay con gái, cùng lúc với việc chăm sóc mẹ già hơn chín mươi tuổi đang ngồi xe lăn.

Blogger Mẹ Nấm và hai con. Ảnh: internet

Thông tin từ luật sư Nguyễn Khả Thành, người bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói rõ hơn: “Em nhờ tôi nhắn gửi với mẹ, gửi cho em vài chiếc áo bình thường để mặc lúc ra tòa, một số đồ dành riêng cho phụ nữ. Hơn tám tháng chẳng biết nhắn gửi với ai, hiện Quỳnh chỉ có đồ tù do trại phát. Về nói lại với mẹ Quỳnh, chị nói, là phụ nữ tôi vẫn biêt con tôi sẽ thiếu thốn những thứ cần thiết này, tôi gửi vào nhưng họ không nhận. Tôi nói chị tìm gặp các vị lãnh đạo trại, chị nói gặp tôi họ cứ tránh. Tôi nói gần ra tòa rồi, ai chẳng có tình người, chị cứ thử một lần nữa xem sao…”.

Và cuối cùng, Như Quỳnh đã ăn mặc như chúng ta thấy.

Blogger Mẹ Nấm và hai con. Ảnh: internet

Nhưng bộ quần áo kỳ cục đó có khiến Quỳnh bị “mất tư thế” hay không?

Hoàn toàn không.

Vẻ mặt, khí chất của Như Quỳnh vẫn chẳng khác những lần cô giương cao biểu ngữ lúc xuống đường, dù để “Yêu cầu khởi tố Formosa”, hay “Bảo vệ ngư dân Việt Nam”, “China back-off”…

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã buộc lòng phải xa cách hai con, điều mà bất cứ người mẹ nào cũng không cam lòng dù với bất cứ lý do gì.

Đọc những lời cô nhắn dặn con gái sau khi bị bắt, thật quá xót lòng:

“Nấm nhớ những điều sau:

– Tự học, phải nghe lời bà
– Nhớ uống thuốc bổ hàng ngày & nghe tiếng Anh 30 ph/ngày
– Không chọc em.

Mẹ yêu Nấm nhiều”.

Blogger Mẹ Nấm trong một lần xuống đường bảo vệ chủ quyền đất nước. Ảnh: internet

 

Suốt tám tháng bị bắt, hẳn trong Như Quỳnh dằn xé bao nỗi nhớ thương con.

Vậy mà: “Quỳnh kể với luật sư Nguyễn Hà Luân là, vào ngày sinh nhật của con trai Quỳnh là Gấu, thì điều tra viên của công an có cho phép Quỳnh viết thư chúc mừng sinh nhật con trai, và hứa sẽ chuyển thư. Luật sư Luân cho biết sự thật là gia đình không nhận được tin tức, thư từ gì của Quỳnh cả. Quỳnh đã khóc vì uất ức khi biết rõ sự thật này, khi biết rằng mình đã bị lừa và cứ tưởng là bé Gấu đã nhận được thư của mẹ mình”.

Hãy nghe bà Tuyết Lan tâm sự: “Cô thường bị đánh thức giữa đêm khuya bởi tiếng khóc nấc nghẹn ngào nhớ mẹ của Gấu. Cô sợ nhìn vào đôi mắt đầy nước mắt của Gấu khi cháu hỏi: “Sao Mẹ chưa về hả ngoại?”…

Là mẹ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không được ở gần, chăm sóc con. Là con, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng không được hưởng sự thăm nuôi, chăm sóc của mẹ mình.

Có lẽ, điều an ủi duy nhất là bởi cô có một người mẹ tuyệt vời. Bà Tuyết Lan gốc bắc, dân di cư. Trưởng thành ở miền nam trước 1975, bà đã nói về điều này: “Tôi lớn lên ở một xã hội khác, một nền giáo dục khác, nên những chuyện con tôi làm, tôi coi đó là chuyện bình thường. Khi xã hội không tốt ở mặt này mặt nọ, chúng ta phải lên tiếng để người lãnh đạo họ xem xét. Tôi nuôi dạy con tôi bằng điều đó. Nhưng con tôi làm điều bình thường ở cái xã hội bất bình thường nên phải trả giá bằng tù đày, bằng các đòn thù”…

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng có công ty du lịch riêng, rồi bị phá sản. Cô đi làm cho công ty khác, nhưng bị công an gây áp lực nên bị đuổi. Cô đã bán nước mía, làm cá khô bán qua mạng, làm đủ nghề…. Mẹ cô cho biết.

Về việc mà một phụ nữ có thể phải chịu đựng trong tù, bạn của Như Quỳnh- cựu tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh đã viết: “Tôi tin rằng mẹ Nấm bị cấm dùng băng vệ sinh trong tù… Nếu tôi nói tôi từng bị giam trong khu giam giữ chỉ một mình, và khu giam giữ đó đã gần hai năm rồi chưa giam ai, như một ngôi nhà ma. Nếu tôi nói, vào ngày hành kinh tôi bị chuyển hơn hai ngàn cây số, và máu kinh nguyệt ướt từ đầu đến chân tôi trên xe tù, ai có tin không? Vì vậy tôi tin mẹ Nấm. Tôi không thể quên được những điều đã xảy ra với tôi…”.

Liệu chúng ta có chia sẻ được với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bất cứ điều gì mà cô đang hứng chịu, chỉ vì cô đã vượt qua được nỗi sợ hãi…

Tòa án Khánh Hòa đã không cho bà Tuyết Lan vào dự phiên xử con gái mình, đã tuyên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh một bản án mười năm, và đã không cho cô gặp mẹ mình ngay cả sau phiên xử.

Những gì đã diễn ra trong cuộc gặp ngắn, tám tháng sau khi Như Quỳnh bị bắt, và một ngày trước khi diễn ra phiên tòa, bà Tuyết Lan kể:

“Tôi dặn: Con phải giữ gìn sức khỏe. Không lo việc nhà. Các con của con, mẹ xin hứa sẽ nuôi nấng nên người. Quỳnh nói: Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Nếu làm lại từ đầu, con sẽ vẫn đi con đường này mẹ à. Con vẫn đi con đường để con đấu tranh cho tự do dân chủ. Tôi mới nói: Mẹ chưa bao giờ oán trách con điều gì. Con không làm điều gì sai và mẹ luôn đồng hành với con, đi hết cuộc đời này”.

Buổi tối sau phiên xử, bà Tuyết Lan kể tiếp: “Tôi về nhà, Nấm buồn lắm. Nấm hỏi: Bà ơi, sao rồi bà. Tôi mới nói: Khi con học đại học, ra trường, mẹ con với bà cháu mình mới sống với nhau”.

Ba thế hệ phụ nữ nhà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thật may mắn đã biết cách để có mặt cùng nhau.

Tất cả những việc làm từ trước đến nay của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong tư cách một người mẹ-công dân, đã được cô minh bạch một cách hết sức ngắn gọn và đơn giản:

“Tôi không muốn con tôi phải đấu tranh và làm những gì tôi đang làm bây giờ”.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bạn không hề đơn độc.

Bình Luận từ Facebook