25-1-2018
Khoảng hơn một tháng trước, có mấy giảng viên trao đổi với tôi họ sẽ khởi kiện cơ quan thuế về sự đánh thuế tùy tiện, gây mất uy tín của họ. Hỏi ra thì biết là ngoài ủy quyền đóng thuế thu nhập trong trường, họ bị truy thu thuế phát sinh ngoài trường.
Tôi khuyên họ kiện tụng làm gì. Nộp thuế vừa là danh dự vừa là trách nhiệm của công dân. Ở nước văn minh, trốn thuế là nhục lắm!
Nay đến lượt tôi bị Cục Thuế tỉnh trát giấy mời làm việc về thuế thu nhập cá nhân. Tôi hình dung có lẽ mình có nguồn thu nào đó ngoài ủy nhiệm nộp thuế trong trường mà người ta chưa trích nộp từ nguồn. Vậy là sáng nay vui vẻ ra Cục Thuế để làm việc.
Trưởng phòng và nhân viên của họ cũng rất vui vẻ tiếp đón và giải thích:
– Thầy có hai nguồn thu ngoài trường vào năm 2016 nhưng chưa nộp thuế thu nhập. 3 triệu rưỡi đồng ở Trường Đại học Phú Yên và 300 ngàn đồng nhuận bút của báo Vietnamnet.
Tôi nói:
– Tôi nhớ có khoảng đó. Nhưng tôi cũng nhớ là riêng Trường ĐH Phú Yên, họ có yêu cầu tôi cung cấp mã số thuế và đã bị trừ thuế thu nhập cá nhân. Còn nhuận bút Vietnamnet thì đúng là tôi không nhớ họ đã trừ chưa. Nếu có thì không phải lỗi của tôi, vì trách nhiệm họ phải trừ từ nguồn. Như báo Tuổi trẻ chẳng hạn, họ trừ ngay từ đầu.
Đúng lúc đó, nhân viên nói:
– Em vừa kiểm tra. Trường ĐH Phú Yên đã nộp thuế cho thầy. Bây giờ thầy chỉ bị truy thu 15.000 đ (mười lăm ngàn đồng).
Tôi hỏi:
– Vậy bây giờ tôi nộp 15 ngàn đồng chứ gì?
Trưởng phòng lắc đầu:
– Theo yêu cầu của Tổng Cục thuế, thầy phải làm các thủ tục đã. Bây giờ thì xin thầy ký vào biên bản làm việc.
Biên bản họ đã lập sẵn. Tôi đọc thấy họ yêu cầu: 1) về cơ quan xin xác nhận toàn bộ thu nhập năm 2016, giảm trừ gia cảnh và giấy ủy quyền nộp thuế thu nhập tại trường. 2) xin xác nhận của Tòa soạn Vietnamnet về khoản nhuận bút mà tôi đã nhận. Hạn trong 10 ngày đến kê khai thuế, nếu không hoàn thành sẽ bị phạt tội trốn thuế!!!
Tôi trố mắt:
– Thưa ông, xin xác nhận của nhà trường chúng tôi thì đơn giản. Còn cái Tòa Vietnamnet ở Hà Nội hay ở Sài Gòn tôi không biết, làm sao xin xác nhận được?
Trưởng phòng giải thích:
– Thầy có thể liên lạc với họ qua email.
Tôi cười:
– Không thể. Tòa Vietnamnet đặt hàng tôi viết và năm ấy họ đăng cả hai bài, nhưng mới trả có một bài với giá không bằng nước bọt, tôi đòi nhuận bút bài nữa nhưng họ im re cho đến nay. Nếu họ cứ chày cối thì tôi lấy đâu ra giấy xác nhận?
Trưởng phòng không nói gì, tôi nói tiếp:
– Nói thẳng thế này. Riêng yêu cầu thứ hai tôi không thể chấp hành vì thấy vô lý. Số tiền nhuận bút tôi nhận được đó hoàn toàn minh bạch, Tổng Cục thuế cũng đã xác minh và biết rõ, tại sao tôi phải đi làm cái việc tự xin xác nhận nữa? Chính phủ của ông Phúc kiến tạo cái thủ tục hành chính gì lạ vậy?
Trưởng phòng cũng cười:
– Chúng tôi chỉ thừa hành thôi.
Tôi không cười nữa mà cáu:
– Thu nhập cá nhân có 300 ngàn đồng, nhà nước lấy 15 ngàn đồng mà hành công dân phải đi làm đủ loại thủ tục. Hay là bây giờ làm cái biên bản tôi hiến cả 300 ngàn cho nhà nước. Theo luật, ai nhận tiền hiến tặng, người đó đóng thuế thu nhập. Làm nhanh, tôi cũng đang làm việc nhà nước, không rảnh.
Trưởng phòng cũng ngạc nhiên và tìm cách an ủi:
– Nói thật với thầy, nộp hết 300 ngàn chúng tôi cũng không dám nhận. Nhưng thôi được, chúng tôi in lại biên bản, bỏ hẳn chỗ xác nhận của Vietnamnet. Coi như gọn gàng, nhưng sau này có chuyện gì thầy chịu.
Tôi gật gù, rằng Chính phủ ông Phúc được cái liêm chính, 300 ngàn cũng không thèm nhận. Tôi vừa ký vào biên bản vừa nói:
– 15 ngàn của công chức cũng không lọt được lưới thuế. Nhưng tôi tin hàng trăm tỉ thu nhập của các quan, nhà nước không thu được xu nào.
Trưởng phòng nghiêm sắc mặt nói:
– Thầy không được nói thế. Nếu thầy phát hiện được thầy phải tố cáo theo trách nhiệm công dân.
Tôi lại bật cười:
– Từng tố rồi. Tôi tố lên Tổng Cục thuế việc nguyên Hiệu trưởng trường tôi tự in vé thu tiền dịch vụ giữ xe và các loại dịch vụ suốt gần 10 năm, thu được bao nhiêu bỏ túi hết bấy nhiêu và không nộp thuế xu nào. Tổng Cục thuế gửi công văn trả lời tôi là đã yêu cầu Cục Thuế Bình Định thi hành. Chờ mãi không thấy thi hành. Chắc anh còn nhớ vụ Hiệu trưởng trường tôi bị khởi tố tội “cố tình làm trái gây hậu quả…” bỏ túi sém sém một tỉ đồng tiền giữ xe chứ? Riêng tội trốn thuế thì sao không truy?
Trưởng phòng lại cười:
– Chính tôi vào trường thầy 3 lần, nhưng Hiệu trưởng chống quyết liệt nên không thể làm gì được.
Tôi đứng dậy ra về và nói, này anh, bảo Tổng Cục thuế truy xem anh Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái thu nhập khổng lồ như vậy có hoàn thành trách nhiệm nộp thuế thu nhập không nhé. Còn 15 ngàn tiền thuế thu nhập của tôi gây thiệt hại cho nhà nước ít nhất một ngày công đấy. Chưa tính tiền xăng xe và in ấn giấy tờ.
Trưởng phòng bắt tay tôi và bảo, riêng phòng tôi in giấy tờ cho thầy cũng đã hơn 15 ngàn. Thầy viết một bài về chuyện này đi, tôi ủng hộ. Viết cho báo chính thống cho mấy ông cấp trên đọc.
Tôi hứa tối nay viết ngay. Nhưng không dại đăng báo chính thống vì mất công làm thủ tục nộp thuế. Xin nói thật với anh điều này, thà như mấy anh thuế vụ thời hợp tác xã ra chợ gặp đâu thu đấy cho gọn, ai không nộp thì co chân đạp đổ, thế là nhanh và dễ chịu hơn. Kiến tạo thủ tục như thế này khó chịu lắm!
Thủ tục này so với các nước tiên tiến không chuyên nghiệp, tất cả tùy thuộc hành xử động cơ của thuế vụ. Ở các nước tiên tiến, thuế vụ mới là người bị pháp luật chế định, muốn làm khác cũng không được. Người dân nộp thuế có vấn đề, thuế vụ phải giải quyết bằng văn bản thời hạn cách thức theo luật định, từ bác bỏ, đến khiếu nại, tới toà án Tài chính các cấp điạ phương cuối cùng toà án tối cao. Nếu không đúng trình tự trên thuế vụ sẽ bị truy tố tội vi phạm pháp luật chứ không phải người dân.